Hotline 24/7
08983-08983

Sa tạng chậu - căn bệnh khó nói của chị em sinh nhiều con

Sa tạng chậu không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng sống cũng như tâm lý người phụ nữ. ThS.BS Phan Diễm Đoan Ngọc - Bệnh viện Từ Dũ sẽ hướng dẫn chị em những triệu chứng cũng như phương pháp điều trị về căn bệnh này.

Sa tạng chậu là bệnh gì?

Sa tạng chậu hay còn gọi là sa sinh dục, sa tử cung là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi, sinh đẻ nhiều lần.

Sa tạng chậu đặc trưng bởi sự sa tuột các cơ quan vùng chậu vào âm đạo như sa thành trước âm đạo thường kèm với sa bọng đái, sa niệu đạo; sa thành sau âm đạo thường kèm với sa trực tràng, sa ruột; sa tử cung hoặc sa mõm cắt nếu người âm đạo đã cắt tử cung.

Các triệu chứng sa tạng chậu

Sa tạng chậu mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng người phụ nữ nhưng lại gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống:

- Khối sa lòi ra ngoài làm cho chị em cảm thấy khó chịu.

- Khối sa nếu không điều trị sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng, lở loét, bốc mùi khó chịu.

- Khối sa lòi ra ngoài cũng gây trằn và nặng bụng dưới.

- Khối sa ảnh hưởng chức năng tiêu tiểu của chị em, như són tiểu, són phân không theo ý hoặc tiêu tiểu khó, phải dùng tay đẩy khối sa lên.

Các phương pháp điều trị sa tạng chậu

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tùy vào mức độ sa, độ tuổi, mong muốn, nguyện vọng và tình trạng sức khỏe bệnh nhân để tư vấn biện pháp điều trị thích hợp cho từng cá nhân cụ thể.

Những phương pháp điều trị sa tạng chậu bao gồm:

- Thay đổi lối sống: không mang vác nặng, không ngồi xổm…

- Những người bị ho hoặc táo bón lâu ngày phải điều trị.

- Giảm cân nếu béo phì để làm giảm áp lực lên ổ vụng và vùng chậu.

- Bác sĩ cũng có thể tư vấn tập sàn chậu (tập Kegel). Tập sàn chậu là phương pháp làm mạnh co cơ sàn chậu, đặc biệt tốt cho những người bị sa tạng chậu và các chị em són tiểu, són phân, sau sanh hoặc đang mang thai. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn tập co cơ đúng.

Tư thế tập Kegel

Ngoài thay đổi lối sống và tập Kegel, bác sĩ có thể kê toa thuốc đặt âm đạo, thông thường là các loại thuốc nội tiết làm dày niêm mạc âm đạo và giảm tình trạng khô, lở loét ở âm đạo (nếu có).

Bên cạnh đó bác sĩ có thể tư vấn một số biện pháp điều trị đối với bệnh nhân sa độ nặng như độ 3, độ 4, khối sa lòi ra noài như đặt vòng nâng âm đạo, phẫu thuật. Vòng nâng âm đạo là đặt dụng cụ trong âm đạo để nâng đỡ khối sa mà không cần phẫu thuật. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân quá lớn tuổi hoặc mắc nhiều bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, tăng huyết áp muốn trì hoãn phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật.

Một số kiểu vòng nâng

Sa tạng chậu là bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị được. Nếu chị em phụ nữ có những triệu chứng bệnh nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Nguồn tham khảo: Fanpage Bệnh viện Từ Dũ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X