Hotline 24/7
08983-08983

Ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây đột quỵ, tim mạch và ung thư

Ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây các vấn đề về bệnh hô hấp mạn tính, tim mạch, đột quỵ, các kích ứng ở da. Thậm chí, những hạt bụi nhỏ, bụi mịn có thể đi sâu vào trong mạch máu làm biến đổi DNA của con người. Những thông tin này sẽ được TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia định chia sẻ trong bài viết dưới đây.

3,8 triệu ca tử vong trên thế giới do ô nhiễm không khí

Gần đây, những cảnh báo về ô nhiễm không khí trong nhà liên tục được đưa ra. Xin nhờ BS chia sẻ thêm về thực trạng ô nhiễm không khí trong nhà qua các số liệu từ thế giới đến Việt Nam ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Ô nhiễm không khí trong nhà là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Theo thống kê trên thế giới, ô nhiễm không khí có thể gây ra 3,8 triệu ca tử vong. Đối với các nước có thu nhập thấp tới trung bình như Việt Nam, trong quá trình phát triển, mức độ ô nhiễm vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, ở vùng nông thôn, sử dụng than, củi, phân để đun nấu sẽ gây ô nhiễm không khí trong nhà, chưa kể đến bụi từ xây dựng và phương tiện giao thông, có thể len lỏi vào nhà dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí trong nhà cao hơn các nước phát triển.

Nhà càng kín, mức độ ô nhiễm càng tăng cao

Xin nhờ BS chỉ ra, những nhân tố nào gây ô nhiễm không khí trong nhà ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Xung quanh chúng ta đều có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Thứ nhất, những hoạt động đốt cháy như: đốt nhang, nấu nướng,… quá trình này đều có thể gây ô nhiễm.

Thứ hai là những đồ gia dụng trong nhà: quần áo, giày dép, bụi sợi vải, thảm… đều là những môi trường có thể phát ra ô nhiễm.

Thứ ba, các chất thải của lông, tóc, móng của thú nuôi, của người; sâu bọ, côn trùng; các vật dụng xung quanh như chất tẩy rửa, máy in,… cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí.

Tóm lại, xung quanh môi trường sống có thể phát hiện các nguồn gây ô nhiễm. Thậm chí, các phòng kín đều có thể bị ô nhiễm từ môi trường bên ngoài len lỏi vào nhà thông qua khe hở, cửa sổ, kẽ nứt, không có ngôi nhà kín nào không thể lưu thông không khí ở ngoài, đặc biệt, khi môi trường bên ngoài ô nhiễm cao. Đối với các ngôi nhà quá kín, không có thông gió, vấn đề ô nhiễm càng tăng cao.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, da và có thể gây ung thư

Chất lượng không khí trong nhà quan trọng như thế nào với sức khỏe, thưa BS? Hít thở không khí chất lượng kém thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Không khí hít vào vô cùng quan trọng, chúng ta cần một môi trường trong lành để tốt cho sức khỏe. Đầu tiên, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Trong đó, đường hô hấp trên có thể bị kích ứng mũi, họng; đường hô hấp dưới có thể gây ảnh hưởng đến phổi, làm các bệnh lý hô hấp có từ trước nặng hơn.

Ví dụ, đối với hô hấp, ô nhiễm không khí sẽ làm tăng cơn hen cấp, bệnh lý về hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Đối với tim mạch, gây ảnh hưởng về tim mạch như tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đối với da, do nguyên nhân ô nhiễm không khí làm tăng dị ứng, dễ bị kích ứng. Thậm chí, những hạt bụi nhỏ, bụi mịn có thể đi sâu vào trong mạch máu làm biến đổi DNA của con người, gây hậu quả trên thai kỳ và em bé. Đó là những vấn đề gần đây được phát hiện.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ung thư, vì trong hạt bụi có rất nhiều hóa chất gây ung thư như radon, các chất hữu cơ dễ bay hơi hoặc kim loại,…  Ngoài ra, trong hạt còn chứa nhiều thành phần gây hại sức khỏe, ảnh hưởng đến tinh thần, có thể gây mất ngủ, đau đầu, nhức mỏi. Một số chất đặc biệt như CO có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp và thần kinh như buồn nôn, nhức đầu, nôn ói. Điều này còn tùy thuộc vào hạt ô nhiễm có chứa thành phần gì.

Có thể nhận biết căn phòng ô nhiễm không khí qua dấu hiệu bất thường của cơ thể

Liệu có cách nào để chúng ta nhận diện được bầu không khí trong nhà đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Có nhiều cách nhận diện, nên xem lại căn phòng đang ở, nơi làm việc có những nguồn nào gây ô nhiễm hay không. Ví dụ, thảm không vệ sinh, thú nhồi bông, nấm mốc,… nếu quan sát kỹ sẽ nhận diện được các nguồn gây ô nhiễm trong nhà.

Ngoài ra, có các loại máy đo ô nhiễm không khí hoặc có thể dựa trên triệu chứng của cơ thể: bước vào phòng là hắt hơi, sổ mũi, nổi dị ứng, đau đầu, nhức mỏi, buồn nôn. Quan sát căn phòng có ống thông gió hay xây kín.

Như vậy, việc nhận diện một căn phòng có bị ô nhiễm hay không, cần dựa vào triệu chứng của con người khi bước vào phòng, quan sát các nguồn có thể gây ô nhiễm và dựa vào máy móc đo đạc chất lượng không khí. Một số chất khí đặc biệt sẽ có công cụ đo riêng. Đó là những điều chúng ta có thể làm.

Mỗi gia đình nên sở hữu một chiếc máy lọc không khí có bộ lọc HEPA

Vậy, chúng ta có những giải pháp nào giúp không khí trong nhà trong lành hơn, giảm thiểu bụi bẩn hết mức có thể, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Đây là câu hỏi rất nhiều người băn khoăn, vì sao nhà đóng kín cửa nhưng bụi rất nhiều?

Đầu tiên, cần xác định bụi từ đâu, xác định nguồn gây bụi trong nhà. Đối với bệnh nhân đến thăm khám, đặc biệt những bệnh nhân mắc vấn đề hen suyễn, bác sĩ thường đưa ra lời khuyên rằng, nhà nên ít đồ nhất có thể, giữ cho nhà thông thoáng sẽ tốt cho tình trạng sức khỏe.

Nếu nhà có nhiều đồ, nên quan sát những nguồn nào có thể gây ô nhiễm không khí. Ví dụ như tủ quần áo, quần áo, thảm trong nhà, thú cưng, khu vực nấm mốc, bụi bẩn. Trong việc nấu nướng, sử dụng thiết bị nào: bếp than, bếp từ, chất sinh khối, đốt nhang,… nên quan sát nguồn ô nhiễm và loại bỏ nhiều nhất có thể.

Những món đồ không dùng đến như giày, có thể cất trong tủ hoặc bỏ đi nếu đã cũ; quần áo không mặc đến nên cất gọn vào tủ hoặc bỏ đi. Không nên để quá nhiều quần áo hoặc tủ quần áo trong nhà, đó là nguồn gây ô nhiễm.

Thứ hai, có hệ thống thông gió tốt trong nhà, đặc biệt là khu vực nấu nướng, tránh xây kín làm không khí không thể lưu thông, từ đó sẽ quanh quẩn trong nhà. Đặc biệt là những chất hữu cơ dễ bay hơi, đó là nguồn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu sống trong một môi trường bên ngoài nhiều bụi, nên trồng thêm cây xanh để chặn bớt bụi từ ngoài vào nhà.

Ngoài các biện pháp: tìm nguồn, để nhà cửa thông thoáng, có ống thông gió, mỗi gia đình nên có một chiếc máy lọc không khí đảm bảo có bộ lọc HEPA đúng theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng không khí đối với các phân tử hạt bụi mịn.

Nên lau chùi nhà cửa thường xuyên và đúng phương pháp. Không nên dùng chổi lông gà để quét quanh nhà, nên lau nhà và dùng máy hút bụi có bộ lọc HEPA để tránh vấn đề sau hút bụi, các hạt bụi sẽ quay ngược trở lại gây ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng chổi lông gà, nên dùng khăn ướt lau dọn để tránh phát tán bụi.

Việc ưu tiên cho chất lượng không khí trong nhà được trong lành là khoản đầu tư rất hữu ích cho sức khỏe và tinh thần con người.

Bên cạnh việc trồng thêm cây xanh trước nhà, trước cửa sổ để tránh bụi bặm, chuyên gia cho rằng nên trang bị thêm máy lọc không khí đúng tiêu chuẩn, có màng lọc HEPA để bảo vệ sức khỏe

Đóng kín cửa khiến ngôi nhà không đón được không khí trong lành

Giống như lá phổi, ngôi nhà cần được "thở" để đưa không khí trong lành vào thay thế không khí cũ, bẩn. Khuyến cáo thường gp nhất là mở cửa đón nắng vào nhà, nhưng ô nhiễm không khí có thể tràn vào. Có cách nào để “vẹn đôi đường” trong trường hợp này, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Việc đóng cửa trong nhà, không khí vẫn có thể tràn vào qua các khe hở. Nếu để nhà tù túng, không có lỗ thông gió, không khí không thể lưu thông và sẽ không đón được không khí trong lành.

Vấn đề là nếu môi trường bên ngoài quá bụi, có thể trồng cây xanh trước nhà, trước cửa sổ để tránh bụi bặm. Bên cạnh đó, nên trang bị thêm máy lọc không khí đúng tiêu chuẩn trong nhà.

3 tiêu chí lựa chọn máy lọc không khí phù hợp

BS có đề cập đến máy lọc không khí. Với mức độ ô nhiễm không khí trong nhà như hiện nay, dưới góc nhìn của BS, gia đình nên lựa chọn dòng máy như thế nào, dựa trên những yếu tố, tiêu chuẩn ra sao?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn dòng máy lọc không khí.

Một là là kích thước phòng, bởi vì, kích thước phòng phù hợp sẽ mang lại hiệu quả lọc tốt nhất. Nếu sử dụng máy lọc không khí nhỏ hơn so với yêu cầu của căn phòng sẽ không đạt hiệu quả, còn lớn hơn thì đó là sự lãng phí.

Hai là máy lọc phải đảm bảo tiêu chuẩn có bộ lọc HEPA, vì đây là tiêu chuẩn quốc tế. Muốn đảm bảo không khí sạch, lọc được bụi mịn, cần phải có bộ lọc HEPA.

Ba là, tùy vào từng máy sẽ có chế độ cài đặt tốc độ phân phối không khí sạch khác nhau để biết hiệu suất phân phối của máy như thế nào. Nên quan tâm về vấn đề chi phí bảo trì sửa chữa máy. Xác định loại bụi tại căn phòng thường xuyên sinh hoạt, có mùi hay không để trang bị thêm những máy lọc không khí khử được mùi, giảm các vấn đề về chất hữu cơ dễ bay hơi, vi khuẩn, virus.

Những gia đình có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người hay mắc bệnh vùng tai mũi họng - hô hấp, hoặc gia đình có nuôi thú cưng cần chú ý gì khi lựa chọn và sử dụng máy lọc không khí, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Trong y khoa, đây là nhóm người nhạy cảm hay gọi là nhóm người dễ tổn thương. Bởi vì, người già, trẻ em hoặc những người mắc các bệnh lý hô hấp mạn tính dễ bị tổn thương với ô nhiễm không khí trong nhà. Do đó, khi lựa chọn máy lọc không khí, cần đảm bảo máy tốt, đúng tiêu chuẩn, có bộ lọc HEPA.

Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà và bệnh lý để trang bị thêm các bộ lọc như: bộ lọc kèm than hoạt tính giúp khử mùi, giảm thiểu các chất hữu cơ dễ bay hơi là những chất có khả năng lây bệnh, chất gây dị ứng.

Màng lọc HEPA có thể lọc 99,97% những hạt có kích thước 0.3 micromet

Màng lọc của máy lọc không khí rất quan trọng. Trong đó, màng lọc HEPA được các gia đình tin dùng. Đồng thời với chức năng loại bỏ bụi kích thước tới 0.01µm (PM0.01).

- Xin hỏi BS, màng lọc HEPA mang lại đặc điểm, lợi ích nào và cùng thông số trên cho thấy máy lọc không khí có thể loại bỏ được những mầm bệnh, hiệu suất lọc ra sao ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Những máy lọc không khí có màng lọc HEPA theo tiêu chuẩn quốc tế. Màng lọc này có thể lọc được 99,97% những hạt có kích thước 0.3 micromet, đây là loại hạt có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

- Đối với một số sản phẩm, máy hút bụi lọc với tiêu chuẩn nhỏ hơn so với màng lọc HEPA, liệu có tốt hơn không, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Với những dòng máy có hiệu suất lọc cao hơn và tốt hơn, có thể lọc những hạt nhỏ hơn như kích thước hạt bụi là 0.01 micromet và hiệu suất đạt 99,999%, lọc được hạt bụi mịn và hạt bụi siêu mịn. Nếu hạt càng nhỏ, càng đi sâu vào đường hô hấp, thậm chí hấp thu vào máu, gây nhiều hậu quả lên sức khỏe.

Bật quạt máy lọc không khí quá to có thể gây khô niêm mạc

Thưa BS, nhiều người lo lắng việc sử dụng máy lọc không khí thường xuyên sẽ làm khô niêm mạc mũi điều này khiến virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Nỗi lo này có đúng không ạ? Nếu sử dụng máy lọc không khí thì có nên bật thường xuyên hay có khoảng thời gian cố định ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố dẫn đến sử dụng máy lọc không khí và có cảm giác khô niêm mạc. Theo nghiên cứu, máy lọc không khí không làm thay đổi độ ẩm trong môi trường. Thậm chí, môi trường phòng nếu có độ ẩm cao sẽ không tốt cho các bệnh lý về đường hô hấp. Có thể sử dụng sai cách như bật quạt của máy lọc không khí quá to sẽ ảnh hưởng tới vấn đề khô niêm mạc.

Việc bật máy lọc không khí thường xuyên tùy thuộc vào bản thân có thường xuyên ở nhà hay không, mức độ ô nhiễm trong nhà nhiều hay ít. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, khi máy lọc không khí hoạt động, chức năng lọc không khí mới được thực hiện. Do đó, nếu ở nhà thường xuyên, nên bật máy thường xuyên.

Điều quan trọng, máy lọc không khí có thể làm việc 24/7, còn thời gian sử dụng máy lọc không khí bao lâu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: có người ở nhà, ở phòng thường xuyên hay không? Mức độ ô nhiễm trong nhà nhiều hay ít? Ngoài ra, cần cân nhắc về vấn đề tiêu hao năng lượng, việc này còn tùy thuộc vào dòng máy, vì có những máy nếu để thường xuyên sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn.  

Phần 2: Nên chọn máy lọc không khí có màng lọc HEPA

Trân trọng cảm ơn TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia ĐịnhMáy lọc không khí LG - Tập đoàn LG Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X