Bệnh tiểu đường: Các biến chứng nguy hiểm và cách điều trị hiệu quả
Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là một thuật ngữ dùng trong y học để đề cập tới một nhóm bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể sử dụng lượng đường (glucose) trong máu.
Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính. Triệu chứng bệnh thường âm thầm nên đôi khi khiến chúng ta khó phát hiện cho đến khi xuất hiện những biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những dấu hiệu nhận biết và cách điều trị, phòng ngừa bệnh tiểu đường.
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường (hay đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Bệnh chủ yếu do tuyến tụy sản xuất thiếu hormone insulin hoặc hormone này bị giảm khả năng tác động trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu luôn ở mức cao.
Sau khi ăn uống, lượng carbohydrates từ bữa ăn sẽ được chuyển hóa thành một loại đường glucose. Loại đường này được hấp thu tại ruột và hòa tan vào máu. Trong lúc này, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, có tác dụng đưa glucose vào các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Tiểu đường (hay đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate
Nếu khả năng hoạt động của insulin gặp vấn đề hoặc lượng đường glucose trong cơ thể tăng lên quá mức vượt làm việc, khiến insulin không thể nào đáp ứng được. Khi đó, một lượng đường sẽ không chuyển hóa thành nguồn năng lượng cho cơ thể và bị dư thừa trong máu. Tình trạng lượng đường vượt quá mức cho phép trong máu được gọi là bệnh tiểu đường.
2. Các dạng bệnh tiểu đường
Hiện nay, bệnh tiểu đường thường gặp nhất có 3 dạng:
2.1 Tiểu đường type 1
Bệnh xảy ra do phản ứng tự miễn khiến cơ thể bạn ngừng sản xuất insulin. Những người mắc bệnh sẽ phải dùng insulin nhân tạo mỗi ngày trong suốt cuộc đời.
2.2 Tiểu đường type 2
Đây là bệnh phổ biến nhất, thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90 - 95% tổng số bệnh nhân bị tiểu đường. Bệnh không biểu hiện triệu chứng cơ năng nên khó phát hiện.
2.3 Tiểu đường thai kỳ
Là tiểu đường xuất hiện sau tuần thứ 24 của thai kỳ. Nguyên nhân thường do tình trạng kháng insulin xảy ra trong thai kỳ. Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể khiến thai nhi bị dị tật, thai to, dễ sẩy thai, khó sinh…
Bệnh có thể được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị cụ thể nếu thai phụ thường xuyên đi khám thai định kỳ. Bệnh có thể tử khỏi sau khi sinh, tuy nhiên sau đó bạn có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 và đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai kế tiếp.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả phụ nữ từng bị đái tháo đường thai kỳ cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose sau sinh 6 tuần và lặp lại mỗi ba năm sau khi sinh nếu các xét nghiệm trước đó bình thường.
3. Triệu chứng bệnh tiểu đường
Do những dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện không đáng kể nên một số người có thể bị tiểu đường trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm mà không nhận ra cho đến khi có biến chứng nặng.
3.1 Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1
- Người bệnh hay cảm thấy đói, lúc nào cũng muốn ăn nhưng cơ thể lại mệt mỏi, khó chịu.
- Tiểu tiện nhiều hơn mức bình thường: Thông thường một người trưởng thành sẽ đi tiểu không quá 8 lần/ ngày, những người bệnh tiểu đường thường đi nhiều hơn.
- Miệng người bệnh hay bị khô và khát nước, da bị ngứa ngáy.
- Sút cân nhanh: Mặc dù người bệnh ăn nhiều nhưng lại sút cân nhiều.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 bắt đầu như thế nào?
3.2 Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2
Triệu chứng của của bệnh tiểu đường type 2 thường không xuất hiện các dấu hiệu dễ nhận biết như triệu chứng bệnh tiểu đường type 1. Do đó, người bệnh khó khăn hơn trong việc nhận biết và khiến cho việc điều trị cũng gian nan hơn.
Bệnh đái tháo đường type 2 chỉ có thể được xác định nếu bạn vô tình có các xét nghiệm glucose máu hay xuất hiện các biến chứng có thể nhận thấy như việc khó lành các vết thương hở.
Một số dấu hiệu khác cũng có thể giúp người bệnh phát hiện ra bệnh tiểu đường type 2 như: các vết thương, vết cắt lâu lành; dễ bị nhiễm trùng nấm men.
Tổng quan về đái tháo đường type 2
3.3 Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
Trong giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cung cấp lượng thức ăn vào cơ thể quá nhiều so với mức bình thường và không khoa học. Nhiều người hay lầm tưởng rằng ăn càng nhiều thì con càng khỏe đã khiến cho các bà mẹ ăn vô tội vạ, không kiểm soát. Chính điều này đã gây ra tiểu đường thai kỳ.
Lượng đường trong máu cao khi mang thai thường không có triệu chứng. Mẹ bầu có thể cảm thấy hơi khát hơn bình thường hoặc phải đi tiểu thường xuyên hơn. Bệnh thường phát hiện chủ yếu khi làm nghiệm pháp 3 mẫu glucose lúc thai 28 tuần.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ là gì?
4. Biến chứng bệnh tiểu đường
Biến chứng của bệnh tiểu đường xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào type bệnh và quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Biến chứng của đái tháo đường được chia ra thành cấp tính và mãn tính.
4.1 Biến chứng cấp tính
- Hạ Glucose máu: Đây là biến chứng thường gặp khi người bệnh do ăn kiêng quá mức hoặc do dùng thuốc hạ đường huyết quá liều. Đối với bệnh nhân cao tuổi, biến chứng này khó phát hiện vì các triệu chứng mờ nhạt và không điển hình.
Khi Glucose máu hạ xuống đến mức độ nào đó có thể xảy ra hôn mê. Đa số bệnh nhân có hiện tượng hạ Glucose máu tiềm tàng không có triệu chứng, đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi.
- Nhiễm toan Ceton: Là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ Acid acetic - là sản phẩm chuyển hóa dở dang của Lipid để tạo năng lượng do tình trạng thiếu insuline gây ra. Đây là biến chứng thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type 1.
Với biến chứng này, nếu người bệnh không xử trí kịp thời có thể bị hôn mê do nhiễm toan Ceton và dẫn đến tử vong.
- Nhiễm toan Acid Lactic: Nguyên nhân là do sản xuất quá nhiều Acid lactic khi mô bị thiếu Oxy hoặc do giảm khả năng đào thải Acid lactic do suy gan, suy thận. Biến chứng này thường gặp ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết nhóm Biguanide thế hệ 1.
- Tăng Glucose máu: Biến chứng này xảy ra khi lượng đường huyết >33,3 mmol/l. Biến chứng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường type 2 do không kiểm soát đường huyết tốt, đưa vào cơ thể quá nhiều đường bột. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi sử dụng Corticoid liều cao, uống nhiều rượu và có nhiễm trùng kèm theo.
Nguy cơ cụt chân do biến chứng tiểu đường
4.2 Biến chứng mãn tính
- Tổn thương mắt: Đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Lâu dần, thị lực của người bệnh tiểu đường có thể bị suy giảm hoặc tệ hơn, có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... cũng có thể xảy ra.
- Biến chứng về tim mạch: Những biến chứng về tim mạch như tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch là hệ lụy khó tránh của bệnh tiểu đường.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Là biến chứng xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của bệnh tiểu đường. Biến chứng bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi...
- Hư thận: Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.
5. Chẩn đoán bệnh tiểu đường
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ - ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Tiêu chuẩn 1: Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ), hoặc:
- Tiêu chuẩn 2: Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày.
- Tiêu chuẩn 3: HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Tiêu chuẩn 4: Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Tiêu chuẩn chẩn đoán Đái tháo đường và Tiền đái tháo đường
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán với tiêu chuẩn 1, 2, 3 ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán tiểu đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán tiểu đường.
6. Bệnh tiểu đường có nguy hiểm, có chữa được không?
Hiện nay, bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng nhanh chóng. Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu và thống kê của Bộ Y tế, bệnh đã tăng 211% trong vòng 10 năm qua.
Với những biến chứng kể trên, có thể nói, đây là bệnh vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cũng như làm giảm tốc độ tác động của chúng lên cơ thể.
Bệnh có thể chữa được hay không?
Cho đến thời điểm này, bệnh vẫn chưa tìm ra cách chữa trị triệt để. Nhưng với những tiến bộ trong ngành y đã tìm ra những phương pháp và loại thuốc mới giúp kiểm soát bệnh ngày càng hiệu quả hơn.
Nếu là tiểu đường type 1 thì chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Còn với tiểu đường type 2, bạn vẫn có 70% cơ hội chữa trị bệnh nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu hoặc làm bệnh thuyên giảm thậm chí đến 20 năm mà chưa cần phải sử dụng thuốc.
Tiểu đường có thể kiểm soát bằng isulin và các loại thuốc trị tiểu đường khác. Việc tích cực tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống kết hợp uống thuốc thì có cơ hội chữa khỏi.
7. Những bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường
7.1. Lá xoài
Nhiều nghiên cứu của Ấn Độ, Trung Quốc cho thấy, lá xoài giúp kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giảm chậm thu glucose vào máu và điều hòa nồng độ cholesterol trong máu. Vì vậy, lá xoài giúp giảm đường huyết lúc đói, hạ đường huyết sau ăn, giảm các triệu chứng mệt mỏi, tiểu đêm thường xuyên và ngăn ngừa biến chứng tim mạch ở người tiểu đường.
Cách dùng: Lấy khoảng 5 lá xoài non rửa sạch, vào buổi tối cắt thành sợi nhỏ sau đó cho vào cốc. chế thêm khoảng 200ml nước sôi. Để qua đêm, sáng dậy uống hết cốc nước và bỏ lại phần bã. Ngày sử dụng 1 lần, không nên sử dụng quá liều lượng để tránh tình trạng hạ đường huyết quá mức.
7.2. Lá sung
Lá sung có tác dụng giảm đề kháng insulin và chống viêm loét. Bạn chỉ cần nhai vài lá sung mỗi sáng sẽ giúp ngăn biến chứng viêm loét do tiểu đường.
Cách dùng: Lấy 300g lá sung (chọn lá không quá già, không quá non), rửa sạch, để ráo, vò sơ cho hơi nát. Đun 1 lít nước sôi, sau đó cho lá sung vào đun thêm 15 phút.
Cách sử dụng lá sung chữa bệnh tiểu đường ít người biết
7.3. Lá dứa
Trong lá dứa có chứa glycosides, alkaloid, diệp lục, bromelin, các axit hữu cơ và các chất chống oxi hóa. Lá dứa có tác dụng chống oxy hóa tế bào, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống viêm mạnh, giúp ngăn chặn các gốc tự do phá hủy thành mạch máu, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, đặc biệt là biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.
Cách dùng: Lấy khoảng 10 lá dứa, rửa sạch cắt khúc và phơi khô. Sau đó cho vào ấm sắc cùng 2,5 lít nước, đun nhỏ lửa còn khoảng 2 lít, lấy xuống và để nguội. Chia thành nhiều lần uống trong ngày thay nước lọc. Ngoài ra, bạn có thể dùng 10 lá dứa rửa sạch, cuộn lại cho vào nồi. Chế thêm nước ngập lá, đun đến khi nước có màu xanh. Lấy xuống để nguội và chia thành nhiều lần uống trong ngày.
7.4. Lá cây mật gấu
Đây là một trong những cây thuốc có tác dụng hạ và ổn định đường huyết hiệu quả với bài thuốc uống từ lá mật gấu, giúp phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó lá mật gấu còn mang những tác dụng tuyệt vời khác cho sức khỏe như giảm đau nhức xương khớp và giảm cholesterol máu.
Cách dùng: Lấy 4 lá mật gấu, rửa sạch, sau đó hãm cùng 150 ml nước sôi uống thay trà. Hoặc lấy 1 lượng vừa phải lá mật gấu đã chế biến khô cho vào ấm trà, chế nước sôi đợi 3 - 5 phút cho ngấm là có thể sử dụng.
Lá mật gấu chữa bệnh tiểu đường cực kỳ hiệu quả
7.5. Lá ổi
Một số nghiên cứu về mối tương quan giữa lá ổi và đường huyết của người bệnh tiểu đường cho kết quả:
- Dịch chiết lá ổi có khả năng ức chế sự hoạt động của men protein tyrosine hosphatese 1B, có tác dụng điều trị trực tiếp tiểu đường tuýp 2.
- Thí nghiệm trên thỏ cho thấy, uống nước ép ổi cho tỉ lệ đường huyết giảm đến 25% trong 4 giờ. Với chuột là 46% trong 4 giờ sau khi sử dụng.
- Lá ổi giúp tăng độ nhạy của insulin và hiệu suất chuyển đổi glucose trong máu.
Cách dùng: lấy 4 - 5 lá ổi tươi, rửa sạch và cho vào nồi đun sôi trong 5 phút. Lọc lấy nước và uống sau mỗi bữa ăn.
Lưu ý: Không nên sử dụng cùng thời điểm với các loại thuốc tây, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Tốt nhất nên uống cách nhau 2 - 3 giờ để đảm bảo sự hấp thụ của thuốc. Nếu bạn đang theo dõi và điều trị với bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc hoặc bỏ qua bất kỳ cuộc hẹn hay xét nghiệm nào.
8. Chế độ ăn bệnh tiểu đường
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết, có thể làm giảm nồng độ HbA1C từ 1-1,9 % đối với người bệnh tiểu đường type 1 và 0,3-2% đối với người bệnh tiểu đường type 2.
Người bệnh cần hạn chế tinh bột, chất béo bão hòa, tăng lượng chất béo chưa bão hòa và đạm trong chế độ ăn hàng ngày.
Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và nên kiêng gì?
- Nhóm đường bột: Tỉ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 44-46% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần.
Nên sử dụng các loại carbohydrate phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ với lượng vừa đủ. Không ăn các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Giảm gạo, mì, ngô, khoai, không nên ăn miến.
- Nhóm chất đạm: Lượng đạm nên đạt 0,8g/kg/ngày, năng lượng do protein nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần. Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vừa hạ được giá tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.
- Nhóm chất béo: Tỉ lệ năng lượng do chất béo nên là 20 - 35% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%) và không nên vượt quá 35%.
Giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà, nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương...
- Nhóm rau: Nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn thông qua các cách chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.
- Trái cây: Đường trong trái cây là loại đường fructose - làm tăng đường huyết chậm hơn đường sucrose (đường mía) do đó bệnh nhân đái tháo đường có thể dùng được.
Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương.
Thực phẩm không nên ăn, hạn chế:
- Các món thịt ăn nhẹ như thịt nguội, xúc xích Ý, giăm bông, bò nướng và gà tây
- Hotdog
- Xúc xích và lạp xưởng
- Thịt bò khô
- Thịt heo xông khói
- Các loại hạt tẩm gia vị như nướng mật ong hoặc ướp cay
- Thức uống tăng cơ ngọt
Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả
9. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh tiểu đường. Để phòng ngừa bệnh, bạn cần ghi nhớ những điều sau:
- Chế độ ăn giàu protein
- Theo dõi cân nặng
- Thường xuyên vận động
- Bỏ thuốc lá
- Uống đủ nước
- Ăn nhiều chất xơ
- Ăn ít tinh bột
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Không xem tivi khi ăn
- Hạn chế thức ăn nhanh
- Uống cà phê hoặc trà
- Kiểm tra lượng đường huyết
- Bổ sung quế vào thực đơn
- Kiểm soát stress.
- Người bệnh tiểu đường, đã phẫu thuật tim có nên chích ngừa COVID-19 không?
- Bị bệnh tiểu đường uống nước dừa được không?
- Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ?
- Mắc bệnh tiểu đường, có nên mang thai không?
- Vì sao người bệnh tiểu đường nên ăn cà tím?
- Người bệnh tiểu đường nhổ răng, cần lưu ý gì?
- Ăn nho giúp chống biến chứng thần kinh thị giác ở người bệnh tiểu đường
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình