Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường nhổ răng, cần lưu ý gì?

Theo BS Nguyễn Thị Thảo Uyên, bệnh nhân tiểu đường trước khi nhổ răng cần ổn định đường huyết vàốt nhất nên nhổ tại bệnh viện hoặc nơi có đầy đủ phương tiện cấp cứu ngoại khoa.

Huynh thi Hong Loan - huynhhoa11…@gmail.com.vn

Chào bác sĩ,

Gần đây tôi bị đau nhức 2 răng cuối hàm trên cả hai bên, ăn uống khó nhai, hay trúng vào bên hông lưỡi, nay lại them đau rát lưỡi kéo dài làm tôi lo lắng. Tôi muốn nhổ răng nhưng bị đường type 2 không biết nhổ được không? Giờ tôi phải khám và điều trị thế nào?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì trước khi nhổ răng phải được bác sĩ chuyên khoa điều trị làm cân bằng đường huyết, nghĩa là làm cho nồng độ đường huyết của bệnh nhân ổn định ở mức bình thường (0.8-1,2g/l).

Đối với bác sĩ răng hàm mặt, khi nhổ răng cho bệnh nhân tiểu đường thì phải cho bệnh nhân làm xét nghiệm xác định rõ lượng đường có ở mức cho phép không. Để đề phòng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, bệnh nhân sẽ được cho uống thuốc kháng sinh phổ rộng 2-3 ngày trước và 5-7 ngày sau nhổ răng.

Nhổ răng nhẹ nhàng, ít gây sang chấn, theo dõi tình trạng cầm máu, nếu cần có thể khâu hoặc đặt spongel. Bệnh nhân tiểu đường tốt nhất nên nhổ tại bệnh viện hoặc nơi có đầy đủ phương tiện cấp cứu ngoại khoa.

BS tư vấn trẻ nhất của AloBacsi - Nguyễn Thị Thảo Uyên phụ trách tư vấn về nha khoa. Chị đại diện cho giới trẻ thời đại số. Làm việc khoa học, trách nhiệm và hiệu quả.

1. Nhổ chân răng khó trên người hay hạ canxi, cần được thực hiện tại bệnh viện?

Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - anhnguyet…@gmail.com

Em bị hạ canxi, đã được chỉ định nhổ răng do răng bị sâu và gây đau, nhức. Em nhổ hai lần mà vẫn không được chiếc rằng số 8 hàm trên. Em được chuyển qua phòng khám khác tiếp tục nhổ và vẫn chỉ bẻ thân răng. Hiện giờ chân răng em vẫn còn.

Em được cho uống thuốc. Em nhổ hôm thứ 7 và chủ nhật nhưng đến hôm nay một bên má em vẫn sưng đỏ. Mép môi rất đau do bị trầy, lỡ. Em rất lo không biết làm thế nào ạ. Mong bác sĩ tư vấn cho em.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Đối với tình trạng của bạn là hay bị hạ canxi và chân răng khó thì tốt nhất nên khám kiểm tra lại chân răng còn sót và nhổ bỏ sau đó tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt, không nên tiếp tục điều trị tại phòng khám tư để đảm bảo an toàn cũng như nhổ hoàn chỉnh.

Việc nhổ răng khó mới hai hôm thì má vẫn còn sưng cũng là chuyện bình thường. Hiện tại, bạn nên nghỉ ngơi, uống thuốc cho ổn định sức khoẻ và lành thương, sau đó đến bệnh viện tái khám.

Trân trọng!

2. Răng sâu tới tủy nhưng chưa nhiễm trùng, có cần cắm implant?

Lê Văn Gia - levangia…@gmail.com

Xin chào BS, mình có hầu hết răng hàm dưới bị sâu ăn tới tủy đã lâu năm. Bây giờ muốn trồng răng implant khoảng 4 cái nên cho mình hỏi lộ trình thời gian và kinh phí để mình thu xếp. Vì việc đi lại rất khó khăn và tốn kém mong BS tư vấn giúp.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Trong câu hỏi của bạn có hai vấn đề:

Thứ nhất nếu răng sâu tới tủy nhưng chưa có nhiễm trùng nhiều, mô răng còn cứng thì bạn nên nghĩ đến việc chữa tuỷ sau đó bọc răng sứ thay vì nhổ bỏ để cắm implant, vừa tiết kiệm chi phí và vừa thủ thuật nhẹ nhàng hơn.

Đối với việc điều trị cắm implant thì bạn cần đến khám tư vấn trực tiếp vì để lên được kế hoạch điều trị chúng ta phải chụp phim, đánh giá  nhiễm trùng, thể tích xương, chất lượng xương... cũng như khám lâm sàng, từ đó mới biết được thời gian điều trị cũng như chi phí.

3. Hóp mặt sau niềng răng, làm sao cải thiện?

Lê Võ Thục Quyên - lequyen…@gmail.com

Cháu mới niềng răng được bác sĩ tư vấn là nhổ 2 răng số 4 hàm trên và 2 răng số 5 hàm dưới, còn thêm một răng cối. Sau khi nhổ bạn cháu nói mặt cháu hóp lại và già đi, không còn đẹp nữa. Bác sĩ ơi, vậy sau này mặt cháu có hết hóp không? Cháu lo quá.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Tình trạng của bạn rất thường gặp đối với bệnh nhân chỉnh nha. Sau nhổ răng kèm những tác động của lực kéo chỉnh nha niềng răng sẽ làm cho răng di chuyển. Chính sự di chuyển này sẽ tạo nên sự thay đổi không chỉ ở răng mà còn ở xương.

Bên cạnh đó, trong thời gian đầu bệnh nhân niềng răng chưa quen với mắc cài gắn trong miệng nên ăn uống kém, sụt cân, khuôn mặt sẽ có phần hóp lại. Điều này tác động trực tiếp tới thắc mắc của bạn về việc má bị hóp. Sự thay đổi này tùy thuộc vào từng giai đoạn khi mới niềng hoặc niềng một thời gian. Sau khi đã niềng răng chỉnh nha hoàn tất, cấu trúc răng mặt sẽ đạt được sự hài hòa và cân đối nên bạn cứ yên tâm.

4. Đau nhức sau khi chữa ống tủy thứ 4 ở răng hàm, phải làm sao?

Võ Ngân - nganvo…@gmail.com

Răng hàm số 1 của em chữa tủy được 2 năm, cách đây 1 tháng thấy đau nhẹ (cứ âm ỉ), cách đây 1 tuần thì bị vỡ một mảnh. Em đi khám thì nha sĩ chụp x-quang kêu răng chữa tủy chưa đúng cần chữa lại.

Lần 1 chị nha sĩ kêu chân răng thứ 4 khó tìm nhưng cuối cùng về nhà vẫn êm xuôi không đau nhức. Lần 2 chị nha sĩ vẫn kêu khó tìm, lúc em thấy đau quá chị nói lỡ đụng trúng chóp nhưng cuối cùng cũng tìm được chân thứ 4.

Tuy nhiên lần này về thì vô cùng đau nhức, đau mỏi cả miệng và nửa đầu không thể ngủ được. Em mua Efferalgan 500mg uống 2 lần mà không đỡ. Chịu được một ngày phải mua thuốc chữa viêm uống, thấy đỡ hẳn nhưng hết thuốc lại đau nhức như cũ.

Nha sĩ hẹn hôm nay (tức 2 ngày sau lần điều trị thứ 2) để trám lại, mà tình hình này em nghĩ không trám được rồi. Cho em hỏi răng em thế có bình thường không ạ? Em sợ đụng chóp gì đó phải nhổ bỏ răng quá.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Trong suốt quá trình nội nha việc đưa trâm chạm chóp răng vẫn hay xảy ra khi đo chiều dài hoặc dũa làm sạch ống tủy nhưng điều đó không có nghĩa đã gây hại răng.

Đối với những răng hàm thường xuất hiện ống tủy thứ 4 nhỏ hẹp và khó tìm nên khi điều trị đôi khi chưa làm sạch hoặc ống tủy còn dịch viêm sẽ gây ra đau nhức cho bệnh nhân, dẫn đến việc điều trị sẽ kéo dài hơn. Do vậy để điều trị tủy thành công ngoài chuyên môn còn cần sự kết hợp, tin tưởng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng bạn có thể đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị lại.

5. Chân răng sưng đau, bệnh gì?

Phuong nguyen - alinanguyen…@gmail.com

Chào bác sĩ ạ,

Em bị đau răng một bên má phải và chân răng bị sưng rất đau, kèm theo đó là cả vùng má, vùng mắt, vùng đầu bên phải cũng đau. Đặc biệt chỉ mỗi khi em bị cảm cúm có hiện tượng tái phát. Xin bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Hiện tại em rất hoang man không biết em bị bệnh gì? Không biết có bị bệnh ung thư răng hàm không ạ? Em chờ thông tin phản hồi từ bác sĩ. Em cảm ơn ạ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chân răng sưng đau thường là biểu hiện của một nhiễm trùng chóp răng hoặc abcess nha chu, nếu lan lên mặt gây sưng má, mắt thì có thể tạo viêm mô tế bào. Do vậy, bạn nên đi khám sớm để kiểm tra, tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng.

6. Nổi cục tròn bằng hạt đỗ trong miệng, do đâu?

Trần Tuấn Anh - trantuananh221…@gmail.com

Em có bị nổi mấy cục tròn tròn to bằng hạt đỗ bên trong khoang miệng trước răng cửa như cục hạch ấy ạ. Em đi khám thì BS bảo bị viêm liêm mạc miệng chỉ uống thuốc là khỏi. Em uống thuốc theo đơn BS kê được mấy ngày rồi nhưng vẫn chưa thấy đỡ. Em vẫn thấy lo lo vì sợ BS chẩn đoán sai bệnh. Xin bs cho em lời khuyên ạ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Trường hợp của bạn cần khám trực tiếp hoặc thông qua hình ảnh, thông tin cụ thể về kích thước, tính chất rắn mềm, dai, màu sắc... thì mới có thể đánh giá được sang thương là gì. Những cục tròn tròn bạn miêu tả có thể là lồi xương, nướu triển dưỡng, hoặc là abcess... Do vậy để yên tâm bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám chính xác.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X