Hotline 24/7
08983-08983

Xuất huyết khoang dưới nhện là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Xuất huyết khoang dưới nhện là một tình trạng nghiêm trọng có nguy cơ tử vong cao. Thời gian hồi phục kéo dài và người bệnh có thể có biến chứng cao nếu lớn tuổi hơn hoặc sức khỏe tổng thể kém.

I. Xuất huyết khoang dưới nhện là gì?

Xuất huyết khoang dưới nhện (tiếng Anh là Subarachnoid hemorrhage - viết tắt là SAH) là tình trạng chảy máu trong khu vực giữa não và mô màng bao phủ não, được gọi là khoang dưới nhện.

Khoang dưới nhện đóng vai trò như một tấm đệm, chứa dịch não tủy và có nhiệm vụ bảo vệ não không bị sang chấn. Xuất huyết khoang dưới nhện có thể gây hôn mê, tê liệt, thậm chí tử vong.

Tình trạng này xảy ra nhanh chóng và thường là hậu quả của chấn thương đầu. Chìa khóa để sống sót là can thiệp ngay lập tức.

Xuất huyết khoang dưới nhện là gìXuất huyết khoang dưới nhện có tỷ lệ tử vong rất cao: 10-15% người bệnh tử vong trước khi vào đến bệnh viện, 40% chết trong tuần đầu tiên sau khi bệnh khởi phát.

II. Các triệu chứng của xuất huyết khoang dưới nhện

Triệu chứng chính của xuất huyết khoang dưới nhện là đau đầu đột ngột, dữ dội. Một số người mô tả đó là cơn đau đầu kinh hoàng nhất mà họ từng trải qua.

Bên cạnh đó là nhưng triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Đau cổ, đau vai, tê khắp cơ thể;
  • Co giật;
  • Nhầm lẫn;
  • Cáu gắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực, nhìn đôi;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Mất ý thức.

Các triệu chứng xuất huyết khoang dưới nhện thường đến đột ngột và người bệnh có thể mất ý thức nhanh chóng.

III. Nguyên nhân xuất huyết khoang dưới nhện

Xuất huyết khoang dưới nhện có thể do chấn thương đầu hoặc không do chấn thương đầu.

Xuất huyết khoang dưới nhện không do chấn thương thường liên quan đến phình động mạch não. Phình động mạch não xảy ra khi thành động mạch yếu đi và gây ra một khối phình to bất thường. Khi một túi phình bị vỡ, máu sẽ chảy vào không gian xung quanh não.

Xuất huyết não do vỡ túi phình có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ 40 đến 65 tuổi. Phình động mạch não phổ biến hơn ở phụ nữ, ở những người hút thuốc và những người bị huyết áp cao. Trong một số trường hợp, chấn thương sọ não có thể gây ra phình động mạch và dẫn đến xuất huyết khoang dưới nhện.

Các nguyên nhân khác của xuất huyết khoang dưới nhện bao gồm:

  • Chảy máu do dị dạng động tĩnh mạch (AVM);
  • Rối loạn chảy máu;
  • Sử dụng thuốc làm loãng máu;
  • Chấn thương đầu nghiêm trọng, như tai nạn xe hoặc người lớn tuổi bị ngã đập vào đầu.

Nguyên nhân xuất huyết khoang dưới nhệnPhình động mạch não là nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết khoang dưới nhện.

IV. Các yếu tố nguy cơ đối với xuất huyết khoang dưới nhện

Xuất huyết khoang dưới nhện có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, và một số người thậm chí được sinh ra với phình động mạch não có thể dẫn đến tình trạng này.

Phình động mạch não thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, đo đó họ cũng có khả năng bị xuất huyết khoang dưới nhện nhiều hơn. Hút thuốc lá và huyết áp cao cũng có thể làm tăng nguy cơ bị phình động mạch. Sử dụng ma túy, đặc biệt là methamphetamine và cocaine làm tăng đáng kể nguy cơ không chỉ tiến triển phình động mạch mà còn mắc xuất huyết khoang dưới nhện.

Nếu người bệnh bị phình động mạch chưa vỡ cần phải thường xuyên đi khám để xác định, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ thường xuyên để kiểm tra túi phình cũng như thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ.

V. Các biến chứng của xuất huyết khoang dưới nhện là gì?

Ngay cả sau khi điều trị xuất huyết khoang dưới nhện, bệnh nhân có thể có nguy cơ mắc các biến chứng liên quan. Biến chứng phổ biến nhất là tái xuất huyết. Tái xuất huyết nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Khi người bệnh đã rơi vào hôn mê, bệnh nhân có khả năng tử vong rất cao.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị co giật hoặc đột quỵ sau khi điều trị.

VI. Chẩn đoán xuất huyết khoang dưới nhện

Xuất huyết khoang dưới nhện thường được phát hiện khi khám sức khỏe. Bác sĩ khai thác tiền sử đau đầu đột ngột dữ dội của bệnh nhân, cũng như tình trạng cứng cổ và các vấn đề về thị lực. Những triệu chứng điển hình này có thể chẩn đoán xuất huyết khoang dưới nhện.

Để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số cận lâm sàng nhằm có hướng điều trị thích hợp:

  • Chụp CT đầu: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể phát hiện chảy máu trong não của người bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang để xem các mạch chi tiết hơn.
  • Chụp MRI: Kỹ thuật này cũng có thể phát hiện chảy máu trong não. Bác sĩ có thể tiêm thuốc tương phản vào mạch máu để xem các động mạch và tĩnh mạch chi tiết hơn cũng như dòng chảy của máu. Với MRI thế hệ mới là MRI 3.0 Tesla thì không cần tiêm thuốc tương phản, đồng thời rút ngắn thời gian chụp nên có thể thay thế bước chụp CT.
  • Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA): Bác sĩ dùng một ống dài và mỏng (ống thông) vào động mạch ở đùi luồn đến não. Thuốc cản quang được tiêm vào để làm nổi bật các mạch máu não. Bác sĩ có thể đề nghị chụp DSA để có được hình ảnh chi tiết hơn hoặc nếu nghi ngờ xuất huyết khoang dưới nhện nhưng nguyên nhân không rõ ràng hoặc không xuất hiện trên các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.

Nếu các chẩn đoán hình ảnh không cho thấy chảy máu, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Chọc dò dịch não tủy: Bác sĩ sẽ đâm một cây kim vào lưng dưới của người bệnh để rút một lượng nhỏ dịch não tủy. Nếu bị xuất huyết khoang dưới nhện, rất có thể sẽ có các tế bào hồng cầu trong dịch não tủy.

Chẩn đoán xuất huyết khoang dưới nhệnDịch não tủy là phương pháp cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và tiên lượng nhiều bệnh, trong đó có xuất huyết khoang dưới nhện.

VII. Điều trị xuất huyết khoang dưới nhện

Điều trị nhanh chóng là điều quan trọng để cứu sống và giảm khả năng cũng như mức độ tổn thương não do xuất huyết khoang dưới nhện. Chảy máu và áp lực có thể tích tụ trong não, dẫn đến hôn mê và tổn thương não nghiêm trọng. Áp lực này cần được giảm bớt bằng thuốc hoặc can thiệp dẫn lưu một số dịch não tủy.

Thứ hai, nguyên nhân gây chảy máu cần được xác định và điều trị, vì tình trạng chảy máu từ cùng một túi phình có thể thường xuyên xảy ra. Phẫu thuật hoặc can thiệp được thực hiện để đóng hoặc bít túi phình, ngăn ngừa chảy máu tiếp tục.

Nếu túi phình được mổ kẹp, bác sĩ sẽ bộc lộ các túi phình động mạch bằng cách cắt sọ, sau đó, đặt một chiếc kẹp kim loại (bằng titan) xuyên qua đáy phình động mạch để máu không chảy vào trong túi phình này.

Một kỹ thuật can thiệp khác là nút túi phình động mạch cũng có thể được sử dụng để giảm nguy cơ xuất huyết. Bác sĩ phẫu thuật đưa một ống thông vào động mạch ở đùi và luồn lên não. Dụng cụ can thiệp được đưa vào lòng mạch máu lên vị trí túi phình động mạch não bằng các vòng xoắn kim loại để nút tắc các túi phình.

Nếu xuất huyết khoang dưới nhện gây hôn mê, điều trị sẽ bao gồm chăm sóc tích cực với thở máy, thở qua mặt nạ và đặt ống dẫn lưu trong não để giảm áp lực nội sọ.

Nếu không hôn mê, bệnh nhân vẫn sẽ được hướng dẫn nghiêm ngặt để ngăn ngừa hôn mê sau điều trị. Nghỉ ngơi là tiêu chuẩn cho những người đang hồi phục sau tình trạng này. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh không làm căng cơ thể hoặc cúi người xuống. Những hành động này có thể làm tăng áp lực lên não.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để:

  • Điều chỉnh huyết áp bằng thuốc
  • Ngăn ngừa co thắt mạch với Nimodipine;
  • Giảm đau đầu bằng thuốc giảm đau và thuốc chống lo âu.

Song song với điều trị thuốc, bệnh nhân cũng cần tập phục hồi chức năng gồm liệu pháp vật lý, liệu pháp ngôn ngữ và liệu pháp nghề nghiệp.

VIII. Phòng ngừa xuất huyết khoang dưới nhện bằng cách nào?

Cách duy nhất để phòng ngừa xuất huyết khoang dưới nhện là xác định các vấn đề tiềm ẩn bên trong não bằng cách tầm soát định kỳ. Trong một số trường hợp, điều trị phình động mạch não có thể ngăn ngừa xuất huyết khoang dưới nhện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X