Đột quỵ xuất huyết não là bệnh gì, điều trị như thế nào?
Xuất huyết não có diễn biến điển hình và thông thường là bệnh nhân bị vỡ mạch máu não do một cơn tăng huyết áp đột biến. Tùy theo mức độ và vị trí xuất huyết não, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa hoặc can thiệp, phẫu thuật.
I. Đột quỵ xuất huyết não do nguyên nhân gì?
Trước đây đa số trường hợp đột quỵ dân gian thường cho là trúng gió. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, tất cả các trường hợp đột quỵ có thể chia thành 2 nhóm: đột quỵ nhồi máu não (80% các trường hợp), đột quỵ xuất huyết não (20% các trường hợp).
Trong 20% những bệnh nhân bị xuất huyết não, có các nhóm nguyên nhân:
- Xuất huyết não do tăng huyết áp
- Dị dạng mạch máu não: là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não ở người trẻ
- Phình mạch máu não: bình thường mạch máu não có nhịp đập, khi thành mạch máu xuất hiện các điểm yếu (có thể do bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, uống rượu bia quá nhiều…), điểm yếu ở thành mạch sẽ giãn nở ra tạo thành túi phình. Nếu không phát hiện và điều trị, túi phình vỡ ra tạo thành bệnh cảnh xuất huyết khoang dưới nhện, hay còn gọi xuất huyết não.
Xuất huyết não do tăng huyết áp (tăng huyết áp là nguyên nhân hay yếu tố thúc đẩy) có nhiều diễn biến lâm sàng. Trong đó, diễn biến điển hình và thông thường là bệnh nhân bị vỡ mạch máu não do một cơn tăng huyết áp đột biến.
II. Điều trị xuất huyết não như thế nào?
Xuất huyết não có 2 diễn tiến:
- Xuất huyết não mức độ nhẹ: cục máu đông nhỏ (dưới 30g) thì có thể điều trị bảo tồn bằng nội khoa.
- Xuất huyết não mức độ nặng: khối máu tụ lớn hơn 30g hoặc xuất huyết não vùng hố sau chèn ép vùng thần kinh chẩm cổ, hoặc sau khi điều trị nội khoa mà diễn tiến ngày càng xấu, huyết áp bệnh nhân khó kiểm soát hơn, máu tiếp tục chảy thì buộc lòng phải điều trị xâm lấn, đó là phẫu thuật để lấy khối máu tụ, đốt cầm máu hoặc đặt ống để hút máu bầm ra.
Tình huống 1: Xuất huyết não do tăng huyết áp, vị trí có thể phẫu thuật
Một bệnh nhân nam 58 tuổi, có tiền căn tăng huyết áp, uống thuốc khá thường xuyên, tuy nhiên chiều tối cùng ngày nhập viện, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp đột biến lên gần 200mmHg, sau đó hôn mê. Rất may mắn là gia đình đã biết đến Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ nên lập tức đưa bệnh nhân đến đây.
Khi vào đến bệnh viện, bác sĩ lập tức đặt ống nội khí quản để cấp cứu trường hợp này. Hình ảnh chụp CT scan sau đó cho thấy bệnh nhân có một vị trí xuất huyết não ở vùng chẩm phía sau, rất nguy hiểm. Trường hợp như thế này nếu không có điều kiện cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong.
Phương pháp điều trị là phẫu thuật dẫn lưu, hút máu bầm ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị xâm lấn nhưng mang lại cơ hội cứu sống bệnh nhân.
CT sau phẫu thuật cho thấy vùng xuất huyết não không còn
Bệnh nhân đã được cứu sống, so với tình trạng lúc mới vào viện đã có những cải thiện đáng kể. Khi vào viện bệnh nhân hôn mê sâu, chỉ số glasgow 4 điểm, chỉ còn một phản xạ nhúc nhích mà thôi. Sau khi được phẫu thuật và thời gian chăm sóc tại phòng ICU, bệnh nhân đã nhận biết, mở mắt khi lay gọi.
Nếu không điều trị phẫu thuật trong trường hợp xuất huyết não do tăng huyết áp mức độ nặng thì bệnh nhân khó lòng vượt qua, gần như 100% sẽ tử vong trong 3 ngày đầu.
Tình huống 2: Xuất huyết não do phình mạch máu não, tăng huyết áp là yếu tố thúc đẩy
Đây là bệnh nhân nữ, 53 tuổi, ở Kiên Giang. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não rất nặng, nhiều bệnh viện từ chối điều trị vì có một khối máu tụ rất to, chiếm gần nửa bán cầu não phải do vỡ túi phình mạch máu não trước đó.
Nếu trường hợp này không được điều trị triệt để nguyên nhân gây xuất huyết não (do có 4 phình mạch máu não), bệnh nhân sẽ rất nhanh diễn tiến đến tử vong.
Khối máu tụ khổng lồ trong não bệnh nhân P.T.B.
Can thiệp loại bỏ túi phình mạch máu não cho bệnh nhân B. bằng stent và coil
Bằng kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, bệnh nhân đã được cứu sống sau khi bác sĩ can thiệp DSA đặt stent chuyển dòng và coil, điều trị phình động mạch não. Sau điều trị 6 tháng, bệnh nhân tái khám đã đi lại bình thường và có thể phục hồi gần như hoàn toàn.
Bà P.T.B. tái khám sau nửa năm được Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ và các mạnh thường quân cứu sống
Tình huống 3: Xuất huyết não do tăng huyết áp, vị trí sâu, không xâm lấn tới được
Có nhiều trường hợp không thể cứu bệnh nhân nếu mức độ xuất huyết trầm trọng, đặc biệt là vùng cầu não, hành não nằm ở vị trí sâu, không cách nào điều trị phẫu thuật xâm lấn tới được.
Thêm một yếu tố nếu bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ, chảy máu nghiêm trọng, chèn ép phần não lành thì đa phần không cứu được bệnh nhân.
Bệnh nhân nam, 59 tuổi ở Cà Mau, đột quỵ xuất huyết não do tăng huyết áp đơn thuần, tử vong sau 24 giờ
Bệnh nhân nam, 51 tuổi ở Sóc Trăng, tử vong sau 3 ngày đột quỵ xuất huyết não do tăng huyết áp đơn thuần
Đây là một giáo viên ở Sóc Trăng, sức khỏe bình thường. Bệnh nhân đột ngột nhức đầu dữ dội, nôn ói, sau đó hôn mê. Khi đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân hôn mê sâu, huyết áp 200mmHg, hình ảnh CT cho thấy vùng xuất huyết não rất nặng ở vị trí cầu não, hành não. Đối với xuất huyết não ở vị trí này thì nguy cơ tử vong 90-99%, một vài trường hợp may mắn được cứu sống nhưng rất hiếm hoi.
[HOI]Khuyến cáo của bác sĩ: Đối với những ai có bệnh tăng huyết áp thì nên loại bỏ yếu tố nguy cơ bằng cách kiểm soát huyết áp.
Nên tầm soát đột quỵ, trong đó bao gồm chụp cộng hưởng từ 3 tesla để xem mình có dị dạng mạch máu não, hay có túi phình mạch máu não hay không để điều trị sớm, phòng tránh biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra.[/HOI]
Hồng Nhung (ghi)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình