Gặp lại bệnh nhân trở về từ cửa tử do xuất huyết não
Cầm chắc 99% là tử vong, 8 tháng sau đột quỵ xuất huyết não, người đàn ông 51 tuổi ở Hậu Giang đã có thể chập chững tập những bước đi đầu tiên, tự sinh hoạt cá nhân. Nhờ ý chí của bệnh nhân, gia đình và sự tận tụy của y bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ giúp biến dữ hóa lành.
Trở về từ cửa tử
“Chú có nhớ con không?”
“Bác sĩ Thơ, cô Phụng”
“Nay chú đi lại tốt hơn chưa, ngày ăn được mấy chén cơm ạ?”
“Có vợ, có con kèm là đi được rồi. Ngày 4 bữa, có khi ăn cháo, có khi ăn cơm”
Cuộc trò chuyện tuy có phần chậm rãi của bệnh nhân K.D.T (51 tuổi, Hậu Giang) với bác sĩ, điều dưỡng trong ngày tái khám ở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ nhưng lại khiến nhiều người thán phục. Vì chỉ 8 tháng trước, căn bệnh xuất huyết não khiến người đàn ông khỏe mạnh, phốp pháp suýt đặt chân qua quỷ môn quan.
Ý chí sống còn đã giúp ông T. có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Nếu lúc xuất viện, tay chân còn yếu, mọi sinh hoạt dựa hết vào người thân, thì nay ông T. đã có thể tự vệ sinh cá nhân, đi lại, lên cầu thang khi có người đỡ…
Điều dưỡng Đơn vị Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đang chiếu laser công xuất thấp cho bệnh nhân T. giúp kích thích cơ, giảm đau sau tai biến để tránh tình trạng cứng khớp, tăng trương lực cơ.
“Ổng ý chí lắm. Ngày nào cũng tập thể dục 30 phút. Sáng 5g là dậy, nằm trên giường vận động tay, chân bằng cách kéo tạ, chiều còn tập đi, đạp xe đạp. Trước, chuyện vệ sinh của ổng thì mình với con cái lo hết, nhưng giờ chỉ cần dìu vào nhà tắm là tự làm. So với lúc phát bệnh chỉ có 1% cơ hội sống thì hiện mình thấy ổng đã phục hồi đến 70-80%. Vấn đề còn lại là thời gian thôi. Hổm rày còn đòi lấy gương soi, rồi nói với mình nay anh già dữ!” - vợ bệnh nhân T. hạnh phúc kể.
Theo người nhà, ngoài việc chiếu laser giúp giảm đau, kích thích cơ ở bệnh viện thì ông T. còn thường xuyên tự tập vật lý trị liệu tại nhà. Đồng thời, người thân luôn động viên, trò chuyện hàng ngày để nâng đỡ tinh thần ông T. lạc quan, yêu đời hơn.
Niềm tin + tử tế = thành công
Sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân T. để lại ấn tượng sâu sắc với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.
Nhìn lại hành trình 8 tháng của nam bệnh nhân có đến 99% là bước đến cửa tử, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc bệnh viện khẳng định, thành công của ca này không nằm ở bác sĩ can thiệp Thần kinh mà đến từ gia đình, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tích cực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bệnh viện ngay từ ngày đầu thành lập.
Khi đối diện với một ca khó, bác sĩ thường chịu nhiều áp lực. Từ vấn đề chi phí, khả năng phục hồi của người bệnh, thậm chí là cả kiện cáo.
Thời điểm tiếp nhận bệnh nhân T., ông đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết cầu não, glasgow 4 điểm, bác sĩ nhận định cơ hội cứu sống vỏn vẹn khoảng 1%. Hơn một lần, các bác sĩ khuyên người thân nên đưa bệnh nhân về vì tình trạng quá nặng.
Nhưng thân nhân vẫn quả quyết mong bác sĩ điều trị hết khả năng, cho đến khi chồng/ cha của họ không còn hơi thở mới chấp nhận. Gánh nặng tâm lý được khơi thông, người nhà bệnh nhân quyết tâm cứu chữa đến cùng, bác sĩ tận lực “còn nước, còn tát”.
Thứ nữa, ngay từ khi còn trên ý tưởng, bệnh viện đã hoạch định xây dựng khoa Cấp cứu, Hồi sức trở thành những đơn vị sạch, giảm thiểu tối đa vấn đề nhiễm trùng bệnh viện từ phần cứng lẫn phần mềm.
“Phần cứng là máy móc, trang thiết bị. Phòng DSA, phòng mổ, phòng Hồi sức của bệnh viện đều là không khí vô trùng, có hệ thống xử lý trước khi thổi vào các khu vực này. Hơn nữa, hệ thống hút đàm, đặt nội khí quản riêng biệt cho mỗi bệnh nhân, máy thở được vệ sinh thường xuyên. Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24, chỉ cần có thay đổi nhỏ trên chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở sẽ ngay lập tức cảnh báo cho điều dưỡng.
Kết hợp với máy móc, yếu tố con người là phần mềm giá trị cốt lõi của bệnh viện. Đó là các điều dưỡng luôn túc trực để chăm sóc bệnh nhân. Nhờ đó, tránh được tình huống xấu nhất có thể xảy ra như bội nhiễm phổi, lở loét do nằm lâu…” - TS Cường chia sẻ.
Với TS Cường, ông T. vừa là bệnh nhân vừa là “thầy” dạy cho anh một bài học: Bác sĩ không nên chủ quan cho rằng ca này sẽ tử vong, ca này không cứu được, vì đôi khi khả năng và kiến thức của mình còn giới hạn. Nếu được, hãy làm đến cùng.
Ông T. trong lần tái khám gần nhất, "không dám" cười vì sợ "xấu trai". Mong rằng nếu có dịp hạnh ngộ lần sau sẽ được thấy nụ cười của cả gia đình.
“Không có điều kiện can thiệp, xin đừng giữ bệnh nhân”
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã cứu sống gần 1.000 ca bệnh đột quỵ. Trong đó, chỉ có 18% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não đến bệnh viện kịp giờ vàng, còn 82% là quá giờ. Mặc dù trên thực tế bệnh viện được trang bị sẵn sàng tiếp nhận điều trị số bệnh nhân gấp nhiều lần con số khiêm tốn đó.
Đây cũng là điều khiến TS Cường đau đáu. Đáng lẽ, có nhiều trường hợp được cứu sống hơn thế. Đáng lẽ, có nhiều người được trở về trong niềm hân hoan của gia đình.
Còn đâu đó những ca nhẹ hơn, cơ hội sống cao hơn, ở gần hơn các trường hợp kể trên, nhưng đáng tiếc, vì thiếu thông tin, vì vượt quãng đường xa đi TPHCM để đánh mất cơ hội điều trị tốt nhất (66 tiếng ngược xuôi tìm cơ hội được sống; từ Trà Vinh lên TPHCM cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân bị quá giờ vàng…)
Điều quan trọng mà TS Cường muốn nhấn mạnh, trong đột quỵ thời gian là não. Cứu sống bệnh nhân là trọng trách của mỗi người bác sĩ. Vì thế, rất cần sự kết nối xã hội, đặc biệt là giữa các bệnh viện nên có sự tương trợ lẫn nhau.
TS Cường khẳng định, anh xây dựng bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ - tim mạch đặt ở Cần Thơ không phải để cạnh tranh với bất kỳ ai, bất kỳ bệnh viện nào. “Trên hết là người bệnh, các cơ sở y tế nếu không có điều kiện can thiệp tốt nhất thì không giữ bệnh nhân ở lại và không nên chuyển đi quá xa trong phạm vi 2 giờ đi xe” - TS Cường bày tỏ.
>>> Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ
>>> Tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau đột quỵ ở đâu, như thế nào?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình