Cuộc lội ngược dòng của bệnh nhân xuất huyết cầu não, chỉ còn 1% cơ hội sống
Mặc dù tiên lượng chỉ còn 1% cơ hội sống, 3 ngày sau bệnh nhân đã hồi tỉnh, và tiếp theo đó là hành trình kiên trì, bền bỉ tập vật lý trị liệu để lấy lại từng chức năng của cơ thể.
“Ổng ý chí lắm! Bác sĩ nói làm cái gì là làm cái đó à. Giờ tay chân quơ mạnh lắm!” - vợ bệnh nhân K.D.T. (51 tuổi, Hậu Giang) khoe khi đưa anh trở lại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tái khám sau một tuần xuất viện.
Ngày 5/8, khi đến được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, anh T. đã hôn mê sâu, xuất huyết cầu não rất nặng, cơ hội sống chưa tới 1%. Đứng trước tỷ lệ mong manh như vậy, thông thường các bác sĩ khuyên người nhà nên chở bệnh nhân về. Tuy nhiên, từ phản xạ chân phải của bệnh nhân nhúc nhích rất nhẹ, gia đình và các bác sĩ quyết tâm níu giữ cơ hội sống cho anh. Kỳ diệu thay, 3 ngày sau anh L. hồi tỉnh, thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ, nhận biết được người nhà.
Niềm vui ngày xuất viện của gia đình anh K.D.T.
Gần ngày xuất viện, bác sĩ ghé thăm nói chưa gỡ ống khí quản được vì bệnh nhân còn thiếu oxy, do nằm một chỗ, ứ đọng đàm, trước mắt phải nhờ các nhân viên và người nhà tập cho thở được, quan trọng là chính bệnh nhân phải tự tập và tích cực cử động thì ngay tối đó anh T. đã cố gắng nhúc nhích đôi vai.
“Hôm bữa xuất viện là ổng còn thiếu oxy, phải mướn cái bình thở oxy để thở, nhưng qua ngày hôm sau là ổng tự tập, không chịu thở máy nữa” - vợ anh T. kể tiếp.
Ở nhà, mỗi ngày anh T. đều đặn tập hít thở, nhướn chân mày, tập chân, tập tay… mới về còn ăn cháo giờ đã ăn cơm nhão được rồi. Có lần chuyên viên vật lý trị liệu dặn 5 giờ sáng mai dậy sớm tự tập tiếp, thì hôm sau mới 2 giờ sáng anh đã thức dậy chuẩn bị tập luyện.
Anh K.D.T. tái khám sau khi xuất viện 1 tuần
“Ổng ý chí lắm” - lời thán phục của người vợ dành cho chồng mình cứ lặp đi lặp lại, bởi chị đã chứng kiến cuộc lội ngược dòng, trở về từ cửa tử của anh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là nơi chứng kiến không ít bệnh nhân có ý chí như vậy, như cụ ông U90 hồi phục kỳ diệu sau đột quỵ do rối loạn nhịp tim, 7 phút “vàng” đưa cụ bà trở về từ cõi chết, bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành hai lần trở về từ quỷ môn quan…
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, quyết tâm của bác sĩ và gia đình kết hợp với ý chí sinh tồn của bệnh nhân đã tạo ra những điều kỳ diệu.
Về trường hợp bệnh nhân K.D.T. (51 tuổi, Hậu Giang), công tác chăm sóc ICU góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân hồi phục. BS Lâm Thành Luân - Khoa ICU - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thuật lại quá trình điều trị cho bệnh nhân T.: 1. Bệnh nhân nam ở độ tuổi trung niên, được chẩn đoán xuất huyết não vùng thân não do tăng huyếp áp mất kiểm soát. 2. Tình trạng lúc vào viện: bệnh nhân hôn mê sâu, glasgow 3 điểm, đồng tử co nhỏ, mất phản xạ ánh sáng 2 bên, sốt cao 40-41 độ C. Chụp CT não cho thấy tổn thương vùng cầu não, thân não nặng. Tiên lượng tử vong cao trong thời gian gần. 3. Bệnh nhân được điều trị tại khoa khoảng 2 tuần liền. Trong 3 ngày đầu hội chẩn khoa và liên khoa đánh giá bệnh nhân khó qua khỏi. Điều trị nội khoa tích cực, thở máy, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, nhiễm trùng, hạ sốt tích cực bằng nhiều biện pháp, nâng đỡ tổng trạng tối đa. 4. Đến ngày thứ 3 bệnh nhân bắt đầu tỉnh dần, mở mắt, cử động nhẹ tay chân, giảm sốt. Sau đó tình trạng yếu liệt tay chân gần như hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ tiến hành cai máy thở, tập vận động và rút ống cho bệnh nhân. 5. Sau rút ống bệnh nhân có dấu hiệu tụt lưỡi, ho khạc kém nên bác sĩ khoa ICU và bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành hội chẩn mở khí quản để rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân. BS Lâm Thành Luân theo dõi sức khỏe anh K.D.T tại khoa ICU 6. Đây là một trong những ca bệnh xuất huyết cầu não nặng có thể hồi phục ngoạn mục như vậy vì đa phần những trường hợp này bệnh nhân sẽ tử vong sớm hoặc rơi vào hội chứng khóa trong. Tuy nhiên bệnh nhân này đã hồi phục tình trạng tri giác và yếu liệt gần như hoàn toàn. Thông thường những trường hợp đột quỵ nhồi máu não hoặc xuất huyết não thì biện pháp điều trị tối ưu nhất là can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân. Tuy nhiên một số trường hợp giống như bệnh nhân T. các biện pháp đó không còn hiệu quả do vùng tổn thương quá nặng và khó lòng can thiệp vào. Lúc này điều trị hồi sức tích cực nội khoa là cứu cánh duy nhất cho bệnh nhân. Tổn thương não nặng có thể không làm bệnh nhân chết ngay nhưng những biến chứng của nó như suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, thân nhiệt nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân trong những ngày đầu. Lúc này hồi sức tích cực đúng cách đóng vai trò quan trọng hơn hết. Một số trường hợp xuất huyết não vẫn có thể mổ, tuy nhiên trường hợp này không mổ được. Hồi sức nội khoa cho bệnh nhân K.D.T. bao gồm: an thần, giảm đau, thở máy, chống phù não, kiểm soát huyết áp, thân nhiệt, đường huyết, kháng sinh, dinh dưỡng tích cực, mở khí quản đúng lúc. |
Yến Nhung
Ảnh: Đức Thịnh
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình