Hotline 24/7
08983-08983

Cụ ông U90 hồi phục kỳ diệu sau đột quỵ do rối loạn nhịp tim

Không ai ngờ là sau hơn 3 tháng can thiệp lấy huyết khối và đặt máy tạo nhịp, cụ ông U90 có thể đi đứng bình thường trong sự vui mừng của người nhà và các bác sĩ trực tiếp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Cụ T. H. (86 tuổi, ở Trà Vinh) có tiền sử cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành (đã đặt 2 stent mạch vành), nhập viện ngày 24/3 trong tình trạng đớ miệng, liệt nửa người bên phải. Rất nhanh chóng, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đưa cụ chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA), kết quả bị nhồi máu não. Lập tức, người bệnh được can thiệp lấy huyết khối trong 6 giờ đầu.

Hình chụp hẹp động mạch não giữa trái trước và sau can thiệp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hình chụp mạch máu não trước và sau can thiệp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khi tái thông mạch máu hoàn toàn, bệnh nhân được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực. Trong thời gian này, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, có những khoảng ngưng tim rất dài (4 giây, 4 giây 2 không có nhịp tim). Vì vậy, êkip bác sĩ Thần kinh - Đột quỵ và Tim mạch hội chẩn, thảo luận phương án điều trị tiếp theo cho cụ H.

Thời gian đầu, sau khi cai máy thở cụ được cho dùng thuốc, đến khi người bệnh ổn định, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng vào ngày 29/3. Sau đó, cụ H. được các kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu, theo dõi uống các thuốc huyết áp, chống đông và kiểm soát nhịp tim ổn định.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ cho biết cụ H. tuy tuổi cao, trong người có nhiều bệnh nền nhưng tốc độ hồi phục rất nhanh. May mắn là người nhà cũng kiên trì theo đuổi phương án tập vật lý trị liệu (thuê điều dưỡng và kỹ thuật viên về nhà tập thông qua sự tư vấn của bác sĩ), chăm sóc chu đáo nên ngay trong tháng đầu tiên sau khi về nhà, cụ đã có thể ngồi dậy được, sức cơ của tay khá tốt.

Hiện tại, sau 2-3 tháng can thiệp lấy cục máu đông và đặt máy tạo nhịp tim, cụ ông U90 đã có thể tự đi lại được (có sự giám sát của người nhà).

 
Hình ảnh máy tạo nhịp đặt trong ngực bệnh nhân được chụp bằng DSA. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hình ảnh máy tạo nhịp đặt trong ngực bệnh nhân được chụp bằng DSA. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Mạnh Cường hết sức vui mừng khi chứng kiến cụ tự đi lại ngay trước mắt, bởi chỉ mới tháng trước, cụ vẫn phải ngồi xe lăn đến tái khám, lần gặp lại này, nỗ lực của người bệnh đã vượt quá mong đợi của bác sĩ.

 
 
Bác sĩ Mạnh Cường cũng thông tin thêm, trong các lần tái khám, những cơn rối loạn nhịp tim của bệnh nhân H. giảm rất nhiều và rõ rệt nhờ uống thuốc đều đặn.
 

Theo bác sĩ Mạnh Cường, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ với tỉ lệ cao, nhất là rung nhĩ cơn. Nhiều bệnh nhân rung nhĩ nhưng hoàn toàn không có triệu chứng, vì không phát hiện được nên không uống thuốc dự phòng, điều này dẫn đến việc hình thành cục máu đông và nguy cơ đột quỵ là rất cao hơn so với rung nhĩ mạn tính.

Chẩn đoán bệnh rung nhĩ bằng điện tâm đồ hoặc bệnh nhân đeo holter trong một hoặc nhiều ngày ghi lại hoạt động của tim, qua đó cung cấp những thông tin về sự biến thiên nhịp tim, kể cả khi hoạt động lẫn lúc nghỉ ngơi.

Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán bằng phương pháp đốt điện sinh lý bằng sóng cao tần radio, laser hoặc đông lạnh,... Đây là phương pháp ít gây xâm lấn và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X