Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương và thoái hóa khớp
Trong 6 phiên của Hội nghị khoa học thường niên do Hội Loãng xương TPHCM năm 2023 tổ chức vào ngày 10/6 tại Đà Nẵng, phiên 5 xoay quanh vấn đề điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương, thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp và loãng xương là 2 rối loạn xương khớp phổ biến nhất liên quan đến lão hóa
PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, Bệnh viện Thống Nhất, mở đầu phiên báo cáo với bài nghiên cứu “Phẫu thuật thay khớp trong loãng xương và thoái hóa khớp, giải pháp “tình thế” hay biện pháp điều trị?”.
Chuyên gia cho biết, thoái hóa khớp và loãng xương là 2 rối loạn xương khớp phổ biến nhất liên quan đến lão hóa. Thoái hóa khớp đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến té ngã ở bệnh nhân. Loãng xương và khối lượng cơ thấp tương quan với chức năng thể chất kém, nhưng không làm giảm chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân có thoái hóa khớp gối giai đoạn cuối.
Việc thay khớp nhân tạo chỉ là giải pháp “tình thế” khi bệnh nhân có thoái hóa nặng (độ IV K-L) hoặc khi có té gãy xương gần khớp. Bệnh nhân vẫn có các vấn đề thoái hóa khớp khác và co rút gân cơ, loãng xương, cũng như các bệnh lý nội khoa làm giảm sút sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi người bệnh được thay khớp nhân tạo.
Loãng xương có thể gây ra các gãy xương vi thể dưới sụn lặp đi lặp lại và cuối cùng dẫn đến hoại tử xương, thường gặp ở khớp gối. Ở những bệnh nhân có chất lượng xương giảm, nên cân nhắc điều trị bằng thuốc (bisphosphonate, denosumab hoặc teriparatide). Nhằm cải thiện sự gắn kết xương quanh khớp không xi măng và tăng tuổi thọ của khớp nhân tạo, cũng như giảm gãy xương quanh khớp nhân tạo và gãy xương nói chung.
Điều trị nội khoa hay phẫu thuật là vấn đề cần được phối hợp và xem xét tùy theo tình trạng bệnh và nhu cầu sinh hoạt cũng bệnh nhân cũng như các bệnh nền đang mắc, không có một giải pháp nào là hoàn hảo dành cho tất cả các bệnh nhân. Điều trị sớm, đánh giá toàn diện bệnh nhân và trao đổi với bệnh nhân và gia đình để lựa chọn giải pháp và phối hợp điều trị tối ưu cho bệnh nhân sẽ đem lại kết quả điều trị tốt nhất.
Gãy xương liên quan đến loãng xương thường không được chẩn đoán và điều trị đúng mức
Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Quản lý điều trị loãng xương sau gãy xương, ngăn chặn tái gãy xương, kinh nghiệm từ Bệnh Viện Tâm Anh” của TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho biết, gãy xương liên quan đến loãng xương thường không được chẩn đoán và điều trị đúng mức. Việc điều trị hiện tại thường chỉ tập trung vào xử trí biến cố gãy xương. Gãy xương lần đầu có liên quan đến nguy cơ gãy xương tiếp theo tăng 86%. Do đó, việc phòng ngừa thứ phát gãy xương liên quan đến loãng xương thông qua chẩn đoán và điều trị ở phụ nữ sau mãn kinh là rất quan trọng.
Tuy nhiên, gãy xương lần đầu có liên quan đến gia tăng nguy cơ gãy xương tiếp theo tới 86%. Do đó, việc phòng ngừa gãy xương thứ phát liên quan đến loãng xương thông qua chẩn đoán, điều trị và quản lý những người đã từng bị gãy xương là rất quan trọng.
Cần tập trung sàng lọc và chẩn đoán sớm ở các đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh, bị các bệnh khớp mạn tính (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…) và các biến cố gãy xương sau chấn thương nhẹ là chìa khóa để phát hiện sớm bệnh nhân loãng xương.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, thay đổi lối sống, tập thể dục và phòng ngừa té ngã, quan trọng nhất là việc điều trị thuốc loãng xương đầy đủ theo chỉ định của thày thuốc. Thuốc điều trị chính cho bệnh loãng xương hiện nay tại Việt Nam vẫn là nhóm thuốc chống hủy xương Biphosphonates.
Với sự hỗ trợ của Y học thực chứng, các hiệp hội lớn trên thế giới đã thống nhất về vai trò của nhóm Biphosphonate, việc điều trị càng sớm càng tốt và tuân thủ chế độ thuốc là chìa khóa để phòng ngừa gãy xương kể cả tiên phát (lần đầu) và thứ phát (những làn sau) do loãng xương.
Hầu hết các ca đau lưng thường xuất hiện lần đầu vào độ tuổi 30-40
TS.BS Võ Văn Sĩ, Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh mang đến bài báo cáo “Quản lý đau thắt lưng cấp trên bệnh nhân thoái hóa cột sống”.
Theo đó, chuyên gia nhận định: “Đau lưng là cảm giác rất khó chịu ở bất cứ chỗ nào của lưng, nhưng thường gặp ở thắt lưng vì cột sống thắt lưng chịu lực chính của cơ thể. Đau lưng, đời người ai cũng bị ít nhất 1 lần, hầu hết các ca đau lưng thường xuất hiện lần đầu vào độ tuổi 30-40, tuổi càng cao đau lưng càng nhiều. Người béo phì, ít vận động, ngồi lâu, làm nặng có nguy cơ đau lưng nhiều hơn”.
Đau sẽ có thể tự thuyên giảm hoặc hết sau khi sơ trị đôi ba ngày. Nếu quá 3 ngày không giảm đau cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, nếu đau lưng kèm theo khó tiểu, bí tiểu hoặc yếu chân, hoặc kèm sốt đó là dấu hiệu cấp cứu.
Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng:
- Đau do nguyên nhân nội tại như căng cơ lưng, thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa mỏm khớp, thoát vị đĩa đệm…
- Đau lưng do nguyên nhân ngoài cột sống như viêm, sỏi đường tiết niệu, viêm phần phụ, bướu trong tiểu khung…
Do đó, việc chẩn đoán và điều trị đôi khi rất đơn giản, chỉ cần nghỉ ngơi, thuốc giảm đau hoặc kết hợp vật lý trị liệu vài ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên một số trường hợp phải phối hợp liên chuyên khoa, can thiệp phẫu thuật và uống thuốc dài ngày.
Theo TS.BS Võ Văn Sĩ, nếu việc điều trị không đúng, không dứt điểm thì đau lưng cấp sẽ biến thành đau lưng mạn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều và chất lượng cuộc sống.
Gãy xương do loãng xương làm tăng nguy cơ tàn phế và tử vong
Với bài báo cáo “Chiến lược sử dụng thuốc loãng xương đường tĩnh mạch đối với bệnh nhân gãy xương do loãng xương tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm Anh” - BS.CK1 Nguyễn Tấn Vũ, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh nhấn mạnh: “Gãy xương do loãng xương là biến chứng nặng nề, làm tăng nguy cơ tàn phế và tử vong của bệnh nhân”.
Việc điều trị hiện nay tập trung vào kỹ thuật mổ thay khớp, phục hồi xương gãy và điều trị phòng ngừa gãy xương thứ phát. Với ưu điểm về cách dùng và đường dùng thuốc, chế phẩm Biphosphonate truyền tĩnh mạch giúp tăng sự tuân thủ của bệnh nhân, tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên tại các khoa Chấn Thương Chỉnh Hình hiện nay do thiếu sự phối hợp liên chuyên khoa nên tỷ lệ bệnh nhân được điều trị sớm các thuốc loãng xương còn thấp. Các rối loạn hậu phẫu cũng như thiếu kinh nghiệm đã cản trở việc sử dụng sớm thuốc loãng xương.
Bên cạnh đó, quy trình chăm sóc hậu phẫu và sau xuất viện chưa đầy đủ cũng là một trong những lý do chính dẫn đến việc điều trị thuốc không đủ thời gian theo phác đồ.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị được tối ưu, việc cấp thiết là cần một chương trình quản lý toàn diện bệnh nhân gãy xương do loãng xương với thời gian theo dõi lên đến 3-5 năm sau biến cố gãy xương.
Tử vong vì không tuân thủ thuốc lớn hơn khoảng 30 lần so với số người tử vong ở tuổi trên 50 tuổi
Trong bài báo cáo cuối cùng của phiên 5 “Giải pháp cải thiện tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị toãng xương và thoái hóa khớp” - PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM chia sẻ: “Với những tiến bộ rất lớn hiện nay về bệnh, cơ chế bệnh sinh, diễn tiến bệnh, công nghệ dược, cơ chế tác dụng của dược phẩm,… đã mang lại nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên, “hiệu quả điều trị chỉ có thể có khi người bệnh tuân thủ điều trị nói cách khác, tuân thủ điều trị sẽ quyết định hiệu quả điều trị”.
Nhưng trên thực tế, không tuân thủ điều trị trong các bệnh mạn tính vẫn là một thách thức rất lớn với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, vì gây mất hoặc giảm hiệu quả điều trị; tăng chi phí điều trị; gia tăng tỷ lệ tử vong và/hoặc tàn phế.
Tại Mỹ, có 2/3 người có người thuốc điều trị theo toa, nhưng đến 50% người không dùng thuốc theo quy định. “Không tuân thủ thuốc” (medication non-adherence) được coi là một vấn đề lớn về thuốc của Mỹ và là “kẻ giết người thầm lặng”.
Đây được coi là nguyên nhân của những tổn thương về thể chất, tinh thần, tài chính và tử vong sớm, không đáng có.
Việc không tuân thủ thuốc dẫn đến 125.000 ca tử vong và khoảng 300 tỷ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe hằng năm, có thể tránh được.
Hầu hết mọi người không nhận ra điều đó nhưng chết vì không tuân thủ thuốc lớn hơn khoảng 10 lần so với chết vì giết người hoặc hơn khoảng 30 lần so với số người chết ở tuổi trên 50 tuổi.
PGS.TS.BS Lê Anh Thư đặc biệt lưu ý: “Có nhiều rào cản trong việc tuân thủ điều trị liên quan đến người bệnh, hệ thống y tế, các vấn đề về kinh tế, xã hội,… buộc mỗi chúng ta phải tìm các giải pháp nâng cao sự tuân thủ điều trị cho người bệnh của mình. Thuốc dù tốt đến đâu, nhưng người bệnh không dùng thì cũng hoàn toàn vô nghĩa”.
Riêng ở nước ta, vấn đề không tuân thủ hoặc kém tuân thủ điều trị còn liên quan rất nhiều đến vấn đề kinh tế và việc thiếu hiểu biết của nhiều người bệnh. Hy vọng trong tương lai, các chương trinh giáo dục sức khỏe cộng đồng, các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ được cải thiện hơn
Để việc điều trị an toàn và hiệu quả nhất, người bệnh cần hiểu rõ về bệnh và tiến trình của bệnh, chủ động tham gia vào chương trình điều trị, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện hợp lý, tuân thủ các khuyến cáo luôn được cập nhật của cả 2 bệnh, hợp tác với thày thuốc, tuân thủ chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng ngay từ đầu, kết hợp chặt chẽ các biện pháp ngoài thuốc (giáo dục sức khỏe, vận động, dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát cân nặng) và các thuốc điều trị, quản lý và theo dõi chặt chẽ … giúp cho việc điều trị loãng xương và thoái hóa khớp có hiệu quả cao, an toàn, kinh tế và không trở nên quá phức tạp với người bệnh.
Đối với Thoái hóa khớp, việc sử dụng sớm và kéo dài một thuốc có tác dụng chậm - SYSADOA, còn gọi các thuốc có thể cải thiên cấu trúc khớp xương, kết hợp từng đợt (khi cần) với một thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) bôi ngoài và/hoặc một NSAID chọn lọc COX2 đường uống, là giải pháp hợp lý để kiểm soát bệnh.
Đối với Loãng xương, để góp phần cải thiện sự tuân thủ điều trị, nhóm Bisphosphonate, nhóm thuốc thường dùng và quan trọng nhất cho bệnh Loãng xương đã có những bước đột phá trong công nghệ bào chế để cho ra nhiều dạng dùng: đường uống hàng tuần, hàng tháng, liều chích tĩnh mạch mỗi 3 tháng, đặc biệt liều truyền tĩnh mạch mỗi năm một lần. Hy vong, trong tương lai, còn có một loại thuốc khác sắp được cấp phép tại nước ta, Denosumab chích dưới da 6 tháng một lần
Trong một nghiên cứu lớn về các yếu tố cản trở sự tuân thủ điều trị, ngoài vấn đề dùng thuốc đơn giản, việc giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân cũng là yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao viêc tuân thủ của người bệnh. “Bệnh nhân sẵn sàng thảo luận mối quan tâm của họ về thuốc. Giao tiếp tốt hơn và thông tin tốt hơn về thuốc dường như là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc tuân thủ điều trị của người bệnh”.
Thoái hóa khớp (THK) và loãng xương (LX) là những vấn đề sức khỏe rất phổ biến, đang gia tăng liên quan gia tăng tuổi thọ của nhân loại. Tổn thương xương dưới sụn là một đặc điểm đặc trưng của loãng xương và giai đoạn đầu của thoái hóa khớp. Phát hiện này là cơ sở lý luận cho các nghiên cứu về tác dụng của thuốc chống loãng xương trong thoái hóa khớp. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy một số yếu tố góp phần vào cơ chế bệnh sinh của cả 2 bệnh (tình trạng viêm do tuổi - inflamma-aging, sự lão hóa của các tế bào và tác động của các bệnh chuyển hóa đồng mắc …), những hiểu biết này cho thấy các yếu tố thúc đẩy tiến trình của 2 bệnh, có thể góp phần phát triển các lựa chọn điều trị mới, sẽ được chia sẻ trong tương lai gần.
Chuyên gia cho biết, hiểu đúng về bệnh, phòng ngừa sớm, điều trị sớm, chủ động trong điều trị, hợp tác và tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc là cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả điều trị, duy trì và giữ gìn chức năng của hệ cơ xương khớp, thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu “lão hóa khỏe mạnh” của thập niên 2020 - 2030.
Mời xem thêm bài viết về các phiên khác của hội nghị:
Phiên 1: Đô thị hóa, lão hóa - tác động lên sức khỏe chung và sức khỏe xương khớp
Phiên 2: Thoái hóa khớp và loãng xương - những thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi
Phiên 3: Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp
Phiên 4: Hiểu biết mới trong loãng xương và những ưu nhược điểm về thuốc điều trị
Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức tại Đà Nẵng. Được tổ chức gói gọn trong 1 ngày 10/6/2023 nhưng đem đến 25 bài báo cáo hấp dẫn với 6 phiên báo cáo từ các chuyên gia kỳ cựu trong và ngoài nước với lĩnh vực loãng xương, thoái hóa khớp. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình