Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp

Trong 6 phiên của Hội nghị khoa học thường niên do Hội Loãng xương TPHCM năm 2023 tổ chức vào ngày 10/6 tại Đà Nẵng, phiên 3 xoay quanh vấn đề cốt lõi liên quan đến dinh dưỡng, lối sống nhằm dự phòng và điều trị 2 vấn đề có xu hướng gia tăng hiện nay, đó là loãng xương - thoái hóa khớp, nhằm ngăn chặn các biến cố gãy/mất xương cho người bệnh.

Ăn nhiều thức ăn động vật, đặc biệt là thịt làm gia tăng đào thải canxi

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam mở đầu phiên báo cáo với bài nghiên cứu “Chuyển đổi chế độ ăn với phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh Cơ Xương Khớp và chuyển hóa”.

PGS Bạch Mai cho biết, kết quả các cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy bữa ăn của người Việt đã có sự cải thiện đáng kể. Bữa ăn của người dân năm 2020, năng lượng khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010. Tuy nhiên, cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, lipid và Glucid được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016) (P:L:G = 15,8%: 20,2%: 64,0%). Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, từ 84,0g/người/ngày (năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).  

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Vị chuyên gia cho biết thêm, việc tăng tiêu thụ nhiều các thức ăn động vật, đặc biệt là thịt đã làm tăng lượng protein, chất béo, cải thiện tính cân đối của khẩu phần trước đây của người Việt Nam nhưng cũng dự báo làm tăng đào thải canxi, vì vậy, cần có sự kiểm soát kịp thời. Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm, tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh làm cho việc sử dụng canxi cũng không đạt hiệu quả tối ưu.

Ngược lại, mức tiêu thụ rau quả của người dân đã tăng bình quân từ 190,4g rau và 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên 231,0g rau và 140,7g quả chín/người/ngày (2020). Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Phó giáo sư chia sẻ, mỗi người tiêu thụ ăn 1-2 loại trái cây/ngày, 3-6 loại trái cây/tuần. Phụ nữ tiêu thụ trái cây đa dạng hơn nam giới. Quan niệm ăn trái cây là ăn vặt cũng là 1 lý do khiến nam giới tiêu thụ ít trái cây. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rau kém đa dạng về chủng loại (2 loại rau/ngày, 4-8 loại rau/tuần). Ngoài ra, tần suất tiêu thụ rau là hàng ngày nhưng lượng rau tiêu thụ không ổn định giữa các ngày trong tháng.

Nguyên nhân khiến tiêu thụ rau/quả chưa đạt như khuyến cáo là do vấn đề rau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (35,4%), do sự sẵn có và khả năng tiếp cận (28,9%), 20% do thiếu kỹ năng/kiến thức và 18,2% thiếu thời gian để có thể ăn trái cây và rau quả mỗi ngày. Cách chế biến rau chủ yếu dưới dạng luộc và nấu canh, ít ăn rau dưới dạng salat, tươi sống. Tất cả những điều đó làm cho bữa ăn mất cân đối và hạn chế hấp thu can xi, điều này cần được nhanh chóng khắc phục.

Mức tiêu thụ rau quả ở Việt Nam có sự khác biệt theo vùng và theo mức thu nhập. Tiêu thụ rau quả theo đầu người giữa các hộ giàu nhất gấp 5 lần các hộ nghèo nhất (tương ứng là 26kg và 134kg). Sự chênh lệch này là 14 lần đối với quả và 4 lần đối với rau. Việc đưa khuyến nghị tăng tiêu thụ rau quả cần song hành với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng tiếp cận và tăng cường kỹ năng/nhận thức về giá trị dinh dưỡng của rau quả cho người tiêu thụ là điều rất cần thiết.

Nữ chuyên gia dinh dưỡng thông tin, hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ quan điểm rằng các thay đổi trong chế độ ăn có ảnh hưởng sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực đến sức khỏe suốt cuộc đời. Chuyển đổi chế độ ăn theo định hướng về dinh dưỡng hợp lý đứng hàng đầu trong các yếu tố quyết định có thể điều chỉnh được đối với phòng ngừa một số bệnh cơ xương khớp và bệnh chuyển hóa.

Bà bày tỏ mong muốn, thông qua Hội Loãng xương TPHCM, các buổi hội thảo, có thể truyền tải được những thông điệp chính thống về thực phẩm, chế độ ăn uống trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như hiện nay. Với mục tiêu, không bị quá trình đô thị hóa, lão hóa dân số đếm lại một mô hình bệnh tật không mong muốn cho người Việt.

Rau xanh, quả chín là nguồn canxi tốt trong chế độ ăn của người Việt

Nối tiếp vấn đề khẩu phần và chế độ ăn cho người Việt Nam ngày nay, BS.CK2 Trần Ngọc Hữu Đức - Bệnh viện Chợ Rẫy mang đến hội thảo bài báo cáo “Giải pháp tăng cường lượng calcium trong khẩu phần ăn của người Việt”.

Bác sĩ Đức cho biết, Calcium đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xương, điều khiển co cơ trơn, và dẫn truyền thần kinh. Calcium chiếm khoảng 1,9% tổng trọng lượng cơ thể, và là nguyên tố nhiều thứ 5 trong cơ thể.

Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây, ở nhiều quốc gia, nhất là các nước vùng Đông Nam Á và Nam Mỹ, lượng calcium trong khẩu phần ăn dưới 400 mg/ngày, thấp hơn lượng calcium khuyến cáo là vào khoảng 700 - 1300 mg/ngày đối với người từ 19 tuổi trở lên.

BS.CK2 Trần Ngọc Hữu Đức - Bệnh viện Chợ Rẫy

Giải pháp tăng cường lượng calcium bao gồm: các chính sách và các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm tăng cường việc sử dụng các nguồn thực phẩm tự nhiên giàu calcium; sử dụng rau quả tươi không hoặc ít chế biến (dạng salat hay nấu vừa chín), các công nghệ xử lý lương thực thực phẩm nhằm tăng tính sinh khả dụng của calcium; bổ sung thêm calcium tự nhiên vào thực phẩm; dùng công nghệ sinh học để tăng hàm lượng calcium trong ngũ cốc...

Việc thực thi các giải pháp này cần được cân nhắc dựa trên điều kiện cụ thể tại từng vùng như kinh tế, văn hóa, thói quen… Bên cạnh đó, rau xanh, quả chín cũng là một nguồn calcium tốt trong chế độ ăn của người Việt Nam.

Trong đó, những nhóm dân số được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình tăng cường calcium trong lương thực gồm có trẻ em (cải thiện phát triển xương), phụ nữ có thai (giảm nguy cơ tiền sản giật), phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và sau mãn kinh (cải thiện mật độ xương).

Theo Nghiên cứu cost-effect, việc tăng cường thêm calcium và vitamin D trong thực phẩm giúp giảm 36.705 trường hợp gãy xương ở phụ nữ trên 65 tuổi vào năm 2050, tiết kiệm được 315 triệu euro.

Trẻ thiếu vitamin D, nguy cơ bị đái tháo đường type 1 cao gấp 3 lần trong 30 sau

Tiếp tục bàn luận về vấn đề trên PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào - Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam mang đến nghiên cứu “Vitamin D, vai trò quan trọng trong chuyển hóa và bệnh mạn tính”. Phó giáo sư cho biết, theo nghiên cứu tổng hợp ở một nước Trung Đông, tỷ lệ thiếu Vitamin D lên đến 86% do thói quen che chắn khắp cơ thể của phụ nữ khu vực này.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào - Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam

Việc thiếu vitamin D ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, các cơ quan của con người. Một vấn đề được nhắc đến nhiều nhất do thiếu vitamin D là tình trạng nhiễm trùng. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn COVID-19, những người thiếu vitamin D thì bệnh lý nhiễm trùng COVID-19 nặng hơn.

Theo một nghiên cứu tích hợp các tài liệu được xuất bản từ năm 2012-2022 và 33 nghiên cứu đủ điều kiện đáp ứng tiêu đưa vào đánh giá này cho thấy, việc thiếu/hụt vitamin D có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần; các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ của bệnh đái tháo đường type 2; hội chứng chuyển hóa…

Trước các tác động đa dạng của việc thiếu/hụt vitamin D, vì vậy, chuyên gia cho rằng, việc sàng lọc nồng độ vitamin D ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể có lợi cho người bệnh. PGS Nguyễn Thị Bích Đào chia sẻ, vai trò quan trọng của vitamin D đối với đái tháo đường type 1 được thể hiện qua một nghiên cứu lớn, được thực hiện trên 12 nghìn người tại khu vực Bắc Phần Lan. Kết quả cho thấy trẻ bị thiếu vitamin D, nghi mắc bệnh còi xương vào những năm đầu đời có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao gấp 3 lần trong 30 năm tiếp theo.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, ngày nay Vitamin D không chỉ đánh giá ở các nhóm đối tượng có nguy cơ theo ứng dụng lâm sàng truyền thống và còn cần được đánh giá ở cả những nhóm bệnh tự miễn, tim mạch.

Ngoài ra, vitamin D cũng là nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi, nhưng việc che chắn quá kỹ khiến ta đang chống lại sự ưu ái này. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày, sử dụng các sản phẩm vitamin D có chứng nhận Hala để đảm bảo chất lượng và an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Ảnh hưởng của lối sống lên tình trạng mất xương ở người cao tuổi”, NCS Huỳnh Bảo Ngọc - Đại học Công nghệ Sydney, Australia cho biết, loãng xương là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Mất xương là nguyên nhân dẫn đến loãng xương. Tuy nhiên các yếu tố có liên quan đến mất xương vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống.

Theo nghiên cứu Study of Osteoporotic Fractures (SOF), một trong các nghiên cứu lớn nhất thế giới về mối liên quan giữa mất xương ở cổ xương đùi và các yếu tố liên quan lối sống  ở phụ nữ sau mãn kinh. Nghiên cứu được tiến hành trên 9704 phụ nữ da trắng từ 65 tuổi trở lên.

NCS Huỳnh Bảo Ngọc - Đại học Công nghệ Sydney, Australia

Kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố lối sống với tình trạng mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh cho thấy:

Độ tuổi và tình trạng mất xương: những người phụ nữ từ 80 tuổi trở lên có tình trạng mất xương cao nhất, khoảng 1,9%, so với những người phụ nữ nằm trong độ tuổi từ 75-79 chiếm 1,4%. Điều này cho thấy rằng, tuổi càng cao, mức độ mất xương càng tăng ở phụ nữ sau mãn kinh.

Thói quen hút thuốc lá và tình trạng mất xương: những phụ nữ hút thuốc lá có tình trạng mất xương cao nhất, với 1,4%. Bên cạnh đó, nghiên cứu ghi nhận những người phụ nữ từng hút thuốc lá hay ngừng hút thuốc lá có tình trạng mất xương tương tự hoặc như những người không hút thuốc lá. Điều đó cho thấy, nếu ngừng hút thuốc lá sẽ giảm được tình trạng mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

Thói quen uống bia rượu và tình trạng mất xương: những người phụ nữ không uống bia rượu (1,18%) có tỷ lệ mất xương nhiều hơn so với những người có uống bia rượu (0,97%).

Hoạt động thể lực và tình trạng mất xương: lượng calorie có liên quan nghịch đảo lợi với tỷ lệ mất xương sau khi điều chỉnh theo tuổi.

Lượng canxi và tình trạng mất xương: Lượng canxi hấp thụ nhiều hơn trong chế độ ăn uống có liên quan đến tỷ lệ mất xương cổ xương đùi thấp hơn.

Những kết quả này cho thấy rằng ở phụ nữ sau mãn kinh mất xương là một rối loạn có thể phòng ngừa qua sự thay đổi lối sống lành mạnh như ngừng hút thuốc lá, giảm bia rượu, chọn công thức ăn uống giàu calcium và protein, và duy trì vận động thể lực.

Trên toàn thế giới mỗi 3 giây sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương

Khép lại phiên 2 với bài báo cáo “Gãy xương đốt sống không triệu chứng, biến chứng tiềm ẩn của loãng xương”, NCS.BS Nguyễn Thái Hòa - Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, theo thống kê hiện nay có hơn 200 triệu người bị loãng xương trên toàn thế giới (tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng bang chìm vì còn rất nhiều người không được chẩn đoán). Trong đó, những người trên 50 tuổi có tỷ lệ loãng xương chiếm 6,3% ở nam giới và 21,2% đối với phụ nữ. Hàng năm, có đến 8,9 triệu trường hợp bị gãy xương, cứ 3 giây lại có một ca gãy xương do loãng xương. tình trạng này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí, trong đó có gãy xương đốt sống (GXĐS).

NCS.BS Nguyễn Thái Hòa - Đại học Y Dược Cần Thơ

Tại Việt Nam, tỷ lệ GXĐS ở người trên 50 tuổi chiếm 12,3 % ở nam và 26,5% ở nữ. Chuyên gia nhấn mạnh thêm, GXĐS ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây tàn phế và thậm chí là tử vong. Với những người đã từng bị GXĐS thì nguy cơ gãy lần sau sẽ tăng gấp 5 lần, gây ra các rối loạn về tiêu hóa, hô hấp, tâm thần kinh. Tình trạng GXĐS có diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng lúc đầu, nhưng tăng nguy cơ tàn phế lên gấp 3 lần và nguy cơ tử vong gấp 1,2 lần. Vì vậy, những bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ chẩn đoán thì đã có triệu chứng đau lưng, chụp X-quang cột sống ghi nhận có GXĐS.

Qua trình bày quá trình nghiên cứu, NCS.BS Nguyễn Thái Hòa kết luận, sau khi thực hiện nghiên cứu trên 401 người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ GXĐS không triệu chứng ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên tại Việt Nam là 12,2% và tăng theo tuổi với 20% người trên 70 tuổi có tình trạng gãy xương đốt sống. Nam giới cao hơn nữ giới 95% và mật độ xương thấp ở cổ xương đùi có liên quan với tình trạng GXĐS không triệu chứng.

Mời xem thêm bài viết về các phiên còn lại của hội nghị:

Phiên 1: Đô thị hóa, lão hóa - tác động lên sức khỏe chung và sức khỏe xương khớp

Phiên 2: Thoái hóa khớp và loãng xương - những thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi

Phiên 4: Hiểu biết mới trong loãng xương và những ưu nhược điểm về thuốc điều trị

Phiên 5: Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương và thoái hóa khớp

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức tại Đà Nẵng. Được tổ chức gói gọn trong 1 ngày 10/6/2023 nhưng đem đến 25 bài báo cáo hấp dẫn với 6 phiên báo cáo từ các chuyên gia kỳ cựu trong và ngoài nước với lĩnh vực loãng xương, thoái hóa khớp.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X