Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu biết mới trong loãng xương và những ưu nhược điểm về thuốc điều trị

Đây là nội dung của phiên 4 - một trong 6 phiên của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức vào ngày 10/6 tại Đà Nẵng. Tại phiên này, nội dung tập trung vào những điểm mới trong loãng xương và ưu - nhược điểm khi điều trị vấn đề này.

Nguy cơ gãy xương ở nam thấp hơn nữ nhưng nếu đã bị gãy xương thì mức độ tử vong ở nam lại cao hơn

Mở đầu phiên báo cáo GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Công nghệ Sydney, Australia đem đến bài nghiên cứu “Những hiểu biết mới trong lĩnh vực loãng xương”.

Chuyên gia cho biết, quản lý bệnh loãng xương bao gồm việc nhận dạng, chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh ở quy mô cá nhân và cộng đồng. Trong 2 thập niên qua, đã có nhiều nghiên cứu quan trọng cung cấp cách nhìn mới về bệnh lý loãng xương và quản lý bệnh tối ưu.

Mật độ xương là yếu tố quan trọng để nhận dạng những cá nhân có nguy cơ gãy xương cao. Hơn 50% bệnh nhân gãy xương có mật độ xương bình thường hoặc “thiếu xương” (osteopenia). Nguy cơ gãy xương ở nam thấp hơn nữ nhưng nếu đã bị gãy xương thì mức độ tử vong ở nam lại cao hơn (sau 15 năm, chỉ 10% nam sống sót sau gãy xương).

GS Nguyễn Văn Tuấn định nghĩa, tuổi xương bằng tuổi đời cộng với số năm bị mất đi vì loãng xương hoặc gãy xương. Do đó, khi tuổi xương cao hơn tuổi đời, đồng nghĩa với việc nguy cơ loãng xương tăng và số năm sống bị suy giảm.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Công nghệ Sydney, Australia

Hiện nay, có 2 mô hình đang được sử dụng trên toàn thế giới: mô hình Garvan và mô hình FRAX. Về mặt khoa học, 2 mô hình này có giá trị tiên lượng gần bằng nhau, tuy nhiên Garvan chính xác hơn. Trong một nghiên cứu ở New Zealand, các tác giả trình bày kết quả cho thấy mô hình Garvan tiên lượng gần như 100% các ca gãy xương, nhưng FRAX chỉ nhận dạng được khoảng 50% ca gãy xương. Tuy nhiên, việc sử dụng hai mô hình này ở người Á châu cần phải được nghiên cứu thêm.

Cho đến nay, chẩn đoán loãng xương vẫn dựa vào tiêu chuẩn vàng là đo mật độ xương bằng máy DXA. Tuy nhiên, nhiều máy DXA sử dụng giá trị tham chiếu của người Mỹ, dẫn đến tình trạng chẩn đoán thái quá (overdiagnosis) cho người Á châu vốn có mật độ xương thấp hơn người châu Âu.

Do đó, việc chẩn đoán loãng xương cần phải và nên sử dụng giá trị tham chiếu của người địa phương. Đối với các bệnh nhân tiểu đường, việc sử dụng mật độ xương để chẩn đoán loãng xương cần điều chỉnh và sử dụng chỉ số xương xốp (trabecular bone score). Chỉ số xương xốp phản ánh độ phân tán của chất khoáng trong xương và có thể dùng như một tiêu chuẩn bổ trợ cho việc chẩn đoán loãng xương ở bệnh nhân tiểu đường.

Về điều trị, một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong 10 năm qua là sự ra đời của thuốc tăng tạo xương romosozumab (Rmab). Rmab là một kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) được phê chuẩn cho điều trị loãng xương. Cơ chế của Rmab là kết nhập với sclerostin làm tăng các tế bào tạo xương, và do đó Rmab được xem là thuốc trong nhóm anabolic thứ hai (thuốc thứ nhứt là PTH). Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau 2 năm điều trị Rmab, nguy cơ gãy xương cột sống giảm đến 75%.

Người bệnh loãng xương không tuân thủ dưới 50%, nguy cơ gãy xương tương tự người không điều trị

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Ưu - nhược điểm các thuốc điều trị Loãng xương hiện nay tại Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hội Thấp khớp học Việt Nam.

Loãng xương hiện chưa được quan tâm đúng mức mặc dù được coi là “kẻ giết người thầm lặng” từ nhiều thập kỷ. Bệnh lý gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống xương, giảm sức mạnh của xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương và tăng nguy cơ tử vong song lại không có biểu hiện lâm sàng nên đa số các trường hợp không được chẩn đoán và điều trị cho đến khi có biến chứng gãy xương.

Bệnh ảnh hưởng tới hơn 200 triệu người trên phạm vi toàn thế giới, tuy nhiên chỉ khoảng 20% số người loãng xương được chẩn đoán. Do vậy, theo Hiệp hội Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation - IOF), ước tính mỗi 3 phụ nữ và 5 đàn ông trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Trên thế giới, cứ 3 giây sẽ có một trường hợp gãy xương. Khi gãy xương cột sống tỷ lệ tử vong sau 4 năm tăng 8,6 lần; và khi bị gãy xương đùi tăng 6,7 lần. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng với chi phí ước tính khoảng 37 tỷ Euro tại cộng đồng châu Âu và 19 tỷ USD ở Mỹ mỗi năm.

Mục tiêu của điều trị loãng xương là dự phòng mất xương, tăng mật độ xương, giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương; từ đó tránh được các hậu quả của gãy xương, giảm được tỷ lệ tử vong do loãng xương. Các hướng dẫn quốc tế khuyến cáo kiểm tra sức khỏe xương để xác định các đối tượng có nguy cơ cao (hoặc rất cao) bị loãng xương và gãy xương nhằm có chiến lược điều trị theo mỗi cá thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hội Thấp khớp học Việt Nam

Các thuốc chống loãng xương được FDA chỉ định trong điều trị loãng xương và được sử dụng chủ yếu trên lâm sàng là nhóm Bisphosphonates; gần đây sắp có thêm thuốc Denosumab. Các nhóm Bisphosphonates và Denosumab đều có chỉ định trong loãng xương tại đốt sống, xương hông hoặc các xương ngoại vi, loãng xương sau mãn kinh, loãng xương nam giới, loãng xương do corticoid.

Vì điều trị loãng xương thường cần liên tục, nên việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Các bệnh nhân tuân thủ dưới 50%, sẽ có nguy cơ gãy xương tương tự người không điều trị.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan kết luận, loãng xương đồng nghĩa với gãy xương-tàn phế-tử vong-phụ thuộc. Điều trị theo mục tiêu đạt BMD trên 2,5 và không có gãy xương mới. Trong lựa chọn thuốc phải tùy theo cá thể và mức độ nguy cơ gãy xương.

Việc hiểu biết các ưu nhược điểm của mỗi nhóm thuốc chống loãng xương giúp chỉ định trên mỗi cá thế phù hợp, duy trì tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị nhằm giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương, giảm tỷ lệ tàn phế tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm gánh kinh tế đối với hệ thống y tế, cá nhân, gia đình và xã hội.

Tại Việt Nam, Bisphosphonate gần như là lựa chọn thuốc loãng xương duy nhất

PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, Bệnh viện Chợ Rẫy đem đến bài báo cáo “Thuốc mới cho Loãng xương, triển vọng và thách thức tại Việt Nam”.

Với mức độ thường gặp và những hậu quả nặng nề của gãy xương và các biến chứng do gãy xương gây ra; loãng xương ngày càng trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng, với gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội.

Mục tiêu quan trọng nhất của điều trị loãng xương là ngăn ngừa gãy xương và gãy xương tái diễn. Vài thập niên qua, nhiều loại thuốc loãng xương được phát triển và chứng minh hiệu quả làm giảm nguy cơ gãy xương, thông qua tác dụng ức chế hủy xương hoặc kích thích tạo xương mới.

Bisphosphonate là nhóm thuốc loãng xương ức chế hủy xương được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Bisphosphonate gắn kết chặt chẽ với chất khoáng xương và hiệu quả có thể còn kéo dài nhiều tháng tới hàng năm sau khi ngưng thuốc.

PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, Bệnh viện Chợ Rẫy

Tại Việt Nam, cho tới hiện tại, Bisphosphonate gần như là lựa chọn thuốc loãng xương duy nhất. Mặc dù về cơ bản, các thuốc Bisphosphonate có thể được chỉ định cho mọi loại loãng xương, song trên thực tế, do vấn đề dung nạp, chống chỉ định hoặc hiệu quả; một tỷ lệ bệnh nhân không thể sử dụng hoặc không thể tiếp tục duy trì nhóm thuốc này; đòi hỏi cần có những lựa chọn điều trị khác. 

Denosumab là một kháng thể đơn dòng kháng RANKL qua đó ức chế sự biệt hóa và hoạt động của hủy cốt bào. Thuốc được tiêm dưới da mỗi 6 tháng. Hiệu quả chống gãy xương của Denosumab được chứng minh tương đương nhóm Bisphosphonate và đây có thể là một lựa chọn điều trị loãng xương thay thế cho nhóm Bisphosphonate, đặc biệt ở các đối tượng không phù hợp cho sử dụng Bisphosphonate như bệnh nhân có bệnh lý thận mạn.

Chuyên gia lưu ý, hiệu quả của thuốc suy giảm đáng kể khoảng 7 tháng sau ngưng thuốc, vì vậy cần duy trì sử dụng lâu dài hoặc chuyển đổi sang nhóm ức chế hủy xương khác nếu phải ngưng điều trị Denosumab. 

Hiện tại đã có 2 loại thuốc trong nhóm tăng đồng hóa, có tác dụng kích thích tăng tạo xương. Teriparatide và abaloparatide tác động trên thụ thể PTH và được sử dụng đường tiêm dưới da hàng ngày trong tối đa 2 năm. 

PGS.TS Nguyễn Đình Khoa nhấn mạnh, dù đã có nhiều lựa chọn, song không có một thuốc, nhóm thuốc loãng xương nào có ưu thế tuyệt đối và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều trị cho mọi bệnh nhân loãng xương. Tiếp cận điều trị loãng xương hiện nay thường được khuyến cáo là cần cá thể hóa, dựa trên mức độ của nguy cơ gãy xương và cơ địa của người bệnh. Tuy nhiên, chiến lược điều trị tối ưu trong việc xoay vòng, kết hợp giữa các thuốc tăng đồng hóa và các thuốc hủy xương, cũng như giai đoạn tạm nghỉ thuốc hiện vẫn chưa thật rõ ràng và cần được nghiên cứu thêm.

Sàng lọc loãng xương có thể được thực hiện trên ảnh X-quang bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo

Nghiên cứu sinh Nguyễn Gia Huy, Đại học Công nghệ Sydney, Australia

Tập trung sâu hơn vào vấn đề “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong việc đánh giá loãng xương trên XQ” - nghiên cứu sinh Nguyễn Gia Huy, Đại học Công nghệ Sydney, Australia nhấn mạnh: “Hiện nay, mật độ xương được sử dụng để chẩn đoán loãng xương. Mật độ xương chủ yếu được đo bằng máy DXA. Nghiên cứu này có mục tiêu là xây dựng một phương pháp trí tuệ nhân tạo (AI) để ước tính mật độ xương (eBMD) trên các phim X-quang xương thắt lưng”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, X-quang AI BMD “xBMD” khá tương đồng với DXA BMD “aBMD”. Phương pháp được phát minh này có tiềm năng trong việc sàng lọc cơ hội để hỗ trợ chẩn đoán loãng xương. Trong trường hợp máy DXA không có sẵn, sàng lọc loãng xương có thể được thực hiện trên ảnh X-quang bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

1/3 người Việt Nam có biểu hiện thoái hoá khớp gối trên hình ảnh X-quang

Kết thúc phiên báo cáo với bài nghiên cứu “Mật độ xương ở bệnh nhân thoái hoá khớp gối” - nghiên cứu sinh Hoàng Khương Duy, Đại học Công nghệ Sydney, Australia cho biết, mặc dù có mật độ xương cao, nguy cơ gãy xương ở những bệnh nhân thoái hoá khớp gối vẫn không thay đổi. Nghiên cứu này mục tiêu nhằm tìm kiếm sự liên quan giữa tình trạng thoái hoá khớp gối trên X-quang (radiographic knee OA) và vi cấu trúc xương.

Nghiên cứu sinh Hoàng Khương Duy, Đại học Công nghệ Sydney, Australia

Dựa trên dữ liệu Vietnam Osteoporosis Study, bao gồm 994 nam và 1506 nữ ≥ 40 tuổi tại TPHCM. Kết quả nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành thoái hoá khớp gối khoảng 31%, nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam (36.6% vs 21.6%). Tỷ lệ này gia tăng theo tuổi. Bệnh nhân thoái hoá khớp gối có khối lượng mỡ cao hơn người không mắc bệnh thoái hoá khớp. Mặc dù bệnh nhân thoái hoá khớp gối có mật độ xương cao, họ có mật độ vi cấu trúc xương thấp tại xương chày ở cả 2 giới.

Nghiên cứu sinh Hoàng Khương Duy nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu này cho thấy 1/3 người Việt Nam có biểu hiện thoái hoá khớp gối trên hình ảnh X-quang và mật độ vi cấu trúc xương giảm trên những bệnh nhân này. 

Mời xem thêm bài viết các phiên khác của hội nghị:

Phiên 1: Đô thị hóa, lão hóa - tác động lên sức khỏe chung và sức khỏe xương khớp

Phiên 2: Thoái hóa khớp và loãng xương - những thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi

Phiên 3: Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp

Phiên 5: Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương và thoái hóa khớp

Hội Loãng Xương TPHCM được thành lập vào ngày 12/8/2006, là một hội thành viên của Hội Y Học TPHCM. Hội quy tụ các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia về sức khỏe, nhân viên y tế…  quan tâm đến các bệnh lí Cơ Xương Khớp, đặc biệt Loãng xương và Thoái hóa khớp. Hội tổ chức Hội Nghị Khoa Học hàng năm, thu hút đông đảo các bác sĩ và nhân viên y tế trên khắp mọi miền đất nước về tham dự.

Năm 2023, Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức tại Đà Nẵng, dù chỉ diễn ra gói gọn trong 1 ngày 10/6 nhưng đem đến 25 bài báo cáo hấp dẫn từ các chuyên gia kỳ cựu trong và ngoài nước với lĩnh vực Loãng xương, Thoái hóa khớp, nội khoa, Ngoại khoa khác nhau (nội khoa tổng quát, nội tiết, lão khoa, dinh dưỡng lâm sàng, bác sĩ gia đình, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình, cột sống…).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X