Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học về loãng xương và thoái hóa khớp 2023: Tiếp cận đa chiều trong bối cảnh đô thị hóa, lão hóa

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức tại Đà Nẵng, dù chỉ diễn ra gói gọn trong 1 ngày 10/6/2023 nhưng đem đến 25 bài báo cáo hấp dẫn từ các chuyên gia kỳ cựu trong và ngoài nước với lĩnh vực loãng xương, thoái hóa khớp.

Chương trình quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ xương khớp, lão khoa...

6 phiên diễn ra liên tục với 25 bài báo cáo khoa học chất lượng

Loãng xương và thoái hóa khớp ngày càng trở thành vấn đề sức khỏe xương khớp nổi trội trong   xã hội hiện đại. Vì vậy, chủ đề của hội nghị năm nay “Loãng xương - Thoái hóa khớp và tác động của quá trình đô thị hóa, lão hóa dân số” được các chuyên gia đánh giá thiết thực, phù hợp với bối cảnh đương đại.

Một trong những điểm nhấn của hội nghị đó là quy tụ nhiều tên tuổi uy tín của ngành y tế trong và ngoài nước như GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học Công nghệ Sydney (Australia), GS.TS Võ Tam (Đại học Y Dược Huế và Hội Thấp khớp học miền Trung), PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (Hội Thấp khớp học Việt Nam), PGS. TS Lê Anh Thư (Hội Loãng xương TP HCM và Hội Tháp khớp học Việt Nam), PGS.TS Lê Bạch Mai (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào (Hội Nội Tiết ĐTĐ Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Văn Trí (Hội Lão khoa TPHCM), PGS.TS Nguyễn Đình Khoa (Bệnh viên Chợ Rẫy), TS.BS Tăng Hà Nam Anh (Bệnh viện Tâm Anh), TS.BS Võ Xuân Sơn (Phòng khám Quốc Tế EXSON)…

GS Nguyễn Văn Tuấn từ trường Đại học Công nghệ Sydney, Australia là một trong những người đồng sáng lập Hội Loãng xương TPHCM, luôn đồng hành với mọi hoạt động của Hội trong nhiều năm qua.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Liên chi Hội Lão khoa TPHCM

Chương trình hội nghị diễn ra liên tiếp trong 6 phiên với 25 bài báo cáo khoa học, được thực hiện dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, chương trình trực tuyến được thực hiện bởi AloBacsi, thu hút hàng trăm lượt xem cùng lúc và đầu cầu diễn ra trực tiếp tại Đà Nẵng thu hút 250 đại biểu đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, 6 phiên của hội nghị được sắp xếp theo từng chủ đề, giúp người tham dự nắm bắt chương trình tuần tự một cách khoa học. Phiên 1 đề cập đến Đô thị hóa, Lão hóa - tác động lên sức khỏe chung và sức khỏe xương khớp. Phiên 2 tập trung vào vấn đề chính Thoái hóa khớp - Loãng xương, thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi. Phiên 3 xoay quanh vấn đề cốt lõi Dinh dưỡng, lối sống trong dự phòng và điều trị Loãng xương, Thoái hóa khớp.

Trong khi đó, phiên 4 cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến Hiểu biết mới trong Loãng xương và Ưu nhược điểm thuốc điều trị Loãng xương. Phiên 5 là những bàn luận về Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho Loãng xương và Thoái hóa khớp. Đặc biệt, trong phiên 6 sẽ có phần Gặp gỡ chuyên gia (Meet the Experts) để cùng tham luận và thảo luận một số ca lâm sàng phức tạp liên quan đến nhiều bệnh lý khác. Đây cũng chính là giải pháp giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm kinh nghiệm trong chẩn đoán, kiểm soát và quản lý người bệnh loãng xương, thoái hóa khớp trên thực tế lâm sàng.

 

Chương trình diễn ra trong 1 ngày với các bài báo cáo diễn ra liên tục, xuyên suốt 6 phiên

Loãng xương - “kẻ cắp vặt” giấu mặt

Chương trình thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự trực tiếp

Tham dự chương trình trực tiếp, Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan đánh giá cao sự dày công chuẩn bị của Hội Loãng xương TPHCM cho hội nghị lần này. Đây cũng là cơ hội để lan tỏa thông điệp chống loãng xương và thoái hóa khớp đến với cộng đồng các chuyên gia, thầy thuốc, không chỉ trong chuyên ngành Thấp khớp học mà còn đến các lĩnh vực Nội khoa, Ngoại khoa khác nhau (nội khoa tổng quát, nội tiết, lão khoa, dinh dưỡng lâm sàng, bác sĩ gia đình, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình, cột sống…) trên cả nước.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan bày tỏ: “Loãng xương là “kẻ giết người” thầm lặng, bởi vì chúng ta thường không biết nó hiện diện, trước khi xảy ra biến chứng gẫy xương. Trong y học, hiện nay mỗi ngày chúng ta lại có những phương thức để nhận diện, đánh giá và điều trị loãng xương hiệu quả hơn. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là đưa các thông điệp này đến toàn bộ bác sĩ, cộng đồng để cùng nhau mang lại sức khỏe về xương. Chương trình của Hội Loãng xương TPHCM lần này rất dày đặc với nhiều kiến thức bổ ích, đây là công sức của các nhà khoa học, của ban tổ chức”. Và do đó, chuyên gia cũng kỳ vọng những người tham dự sẽ tiếp thu được nhiều nhất lượng kiến thức này.

Chia sẻ tại chương trình hội nghị, PGS.TS.BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM nhấn mạnh, loãng xương và thoái hóa khớp là 2 bệnh lý phức tạp cũng như thường gặp nhất của chuyên ngành Thấp khớp học, có liên quan đến nhau, đến nhiều bệnh lý chuyển hóa mạn tính khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý khác nhau.

 PGS.TS.BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM - Phó chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam 

“Hội nghị năm nay đề cập chủ yếu đến tác động của đô thị hóa và lão hóa, dân số lên 2 bệnh lý này. Nhiều khía cạnh lâm sàng, bệnh học của loãng xương, thoái hóa khớp sẽ được báo cáo và thảo luận, phân tích tại hội nghị. Từ thực trạng, thách thức đến các thành tựu và xu hướng mới trong điều trị, chẩn đoán, quản lý cũng như giải pháp phòng ngừa loãng xương, thoái hóa khớp.

Trong đó, các báo cáo viên cũng nhấn mạnh tới các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc ở người cao tuổi, cùng các giải pháp hữu hiệu, các thuốc mới… để kiểm soát và quản lý bệnh hiệu quả hơn. Đặc biệt đề cập đến vấn đề còn khá hạn chế ở nước ta, đó là phòng ngừa gãy xương tái phát ở những người đã bị gãy xương.

Song song đó, qua các bài báo cáo cũng giúp người tham dự nhìn nhận toàn diện về vai trò của dinh dưỡng, trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hai bệnh lý này. Nhất là chú trọng giải quyết vấn đề thiếu hụt canxi, các vi chất dinh dưỡng vốn đang còn rất phổ biến trong cộng đồng và là các yếu tố nguy cơ quan trọng mà con người có thể can thiệp.

Ngoài những bài báo cáo mang tính hàn lâm thì hội nghị còn có nghiên cứu của những nhà nghiên cứu trẻ đang được kết hợp trong và ngoài nước đào tạo tiến sĩ về lĩnh vực xương khớp. Hy vọng những thông tin từ các bài báo cáo này sẽ mang lại điều mới mẻ cho hội nghị”.

Theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, tất cả những vấn đề này đều vì một mục đích chung, nhằm mang lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng vì sức khỏe xương khớp. Đây là nền tảng cho mục tiêu “lão hóa khỏe mạnh” mà con người đang cố gắng đạt được trong thập niên 2020 - 2030.

Đô thị hóa ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học Công nghệ Sydney đề cập, đô thị hóa đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2000, có 24% dân số sống trong các vùng đô thị và 20 năm sau con số này là gần 40%.

“Quá trình đô thị hóa dẫn đến nhiều thay đổi về lối sống như tăng lượng tiêu thụ bia rượu và thuốc lá; tăng lượng tiêu thụ chất béo và protein; nhưng giảm lượng carbohydrate; và giảm mức độ vận động thể lực. Tất cả những biến chuyển đó dẫn đến sự thay đổi mô hình bệnh tật trong cộng đồng, và theo đó các bệnh không lây trở nên phổ biến hơn những bệnh truyền nhiễm” - GS Tuấn cho biết.

Chuyên gia dẫn chứng cụ thể năm 2010, số ca tử vong của cả nước do các bệnh không lây chiếm tỷ trọng 78% tổng số tử vong; năm 2019 tỷ trọng này tăng lên 81%. Các bệnh tim mạch, ung thư, COPD, và tiểu đường chiếm một tỷ trọng khá cao trong số ca tử vong từ các bệnh không lây.

Đặc biệt, người đứng đầu labo nghiên cứu về loãng xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan nhấn mạnh, một trong những bệnh không lây chịu sự tác động trực tiếp của đô thị hóa là loãng xương. Đây là bệnh lý với hai đặc điểm chính là sức chịu đựng của xương bị suy giảm và vi cấu trúc của xương bị thoái hóa, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.

“Có nhiều chứng cứ cho thấy đô thị hóa có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ xương. Các nước phương Tây hoặc những nước với tỷ trọng cư dân sống trong các vùng đô thị cao có nguy cơ gãy xương cao hơn những nước có tỷ trọng cư dân đô thị thấp. Ở Úc, nghiên cứu Geelong cho thấy nguy cơ gãy xương đùi ở vùng nông thôn thấp hơn vùng đô thị 32%. Nghiên cứu của chúng tôi ở Thái Lan phát hiện rằng mật độ xương ở cư dân nông thôn cao hơn cư dân thành thị khoảng 3-5%, tuỳ vào vị trí xương và giới tính. Phân tích chi tiết thêm cho thấy vận động thể lực là yếu tố quan trọng nhất có thể giải thích sự khác biệt về sức khỏe xương giữa nông thôn và thành thị”.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Từ những kết quả nghiên cứu về tác động của đô thị hóa đến loãng xương cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng trong việc hoạnh định một chiến lược y tế để phòng ngừa các bệnh không lây, kể cả loãng xương, ở quy mô cộng đồng”.

Mời xem thêm bài viết về 5 phiên của hội nghị:

Phiên 1: Đô thị hóa, lão hóa - tác động lên sức khỏe chung và sức khỏe xương khớp

Phiên 2: Thoái hóa khớp và loãng xương - những thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi

Phiên 3: Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp

Phiên 4: Hiểu biết mới trong loãng xương và những ưu nhược điểm về thuốc điều trị

Phiên 5: Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương và thoái hóa khớp

Kênh thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi là đơn vị truyền thông cho Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII. Người tham dự có thể đón xem chương trình hội nghị khoa học online bằng cách truy cập vào link: https://www.youtube.com/playlist?app=desktop...

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X