Hotline 24/7
08983-08983

Hệ cơ xương khớp khỏe mạnh sẽ giúp người Việt lão hóa khỏe mạnh

Đây là phiên đầu tiên của trong 6 phiên của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức vào ngày 10/6 tại Đà Nẵng. Với phiên này, nội dung tập trung vào những vấn đề mà đô thị hoá, lão hoá tác động lên sức khỏe chung và của sức khỏe xương khớp.

Đô thị hóa ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ xương

Trong phiên báo cáo đầu tiên, GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Công nghệ Sydney, Australia đem đến bài nghiên cứu “Tác động của đô thị hoá đến loãng xương và thoái hóa khớp”.

Với chủ đề này chuyên gia cho biết, đô thị hoá đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam. Năm 2000, có 24% dân số sống trong các vùng đô thị và 20 năm sau con số này gần 40% (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới).

Quá trình đô thị hoá dẫn đến nhiều thay đổi về lối sống như tăng lượng tiêu thụ bia rượu và thuốc lá; tăng lượng tiêu thụ chất béo và protein; nhưng giảm lượng carbohydrate; và giảm mức độ vận động thể lực. Tất cả những biến chuyển đó dẫn đến sự thay đổi mô hình bệnh tật trong cộng đồng, và theo đó các bệnh không lây trở nên phổ biến hơn những bệnh truyền nhiễm.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Công nghệ Sydney, Australia

Năm 2010, số ca tử vong của cả nước do các bệnh không lây chiếm tỉ trọng 78% tổng số ca tử vong; năm 2019 tỉ trọng này tăng lên 81% (số liệu của Ngân hàng Thế giới). Các bệnh tim mạch, ung thư, COPD, và tiểu đường chiếm một tỉ trọng khá cao trong số ca tử vong từ các bệnh không lây.

Một trong những bệnh không lây chịu sự tác động trực tiếp của đô thị hoá là loãng xương. Đây là bệnh lý với 2 đặc điểm chính gồm sức chịu đựng của xương bị suy giảm và vi cấu trúc của xương bị thoái hoá, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Nhiều chứng cứ cho thấy đô thị hoá ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ xương. Các nước phương Tây hoặc những nước với tỉ trọng cư dân sống trong các vùng đô thị cao có nguy cơ gãy xương cao hơn những nước có tỉ trọng cư dân đô thị thấp.

Ở Úc, nghiên cứu Geelong cho thấy nguy cơ gãy xương đùi ở vùng nông thôn thấp hơn vùng đô thị 32%. Nghiên cứu tại Thái Lan phát hiện rằng mật độ xương ở cư dân nông thôn cao hơn cư dân thành thị khoảng 3-5%, tuỳ vào vị trí xương và giới tính. Phân tích chi tiết thêm cho thấy vận động thể lực là yếu tố quan trọng nhất có thể giải thích sự khác biệt về sức khoẻ xương giữa nông thôn và thành thị. 

Những kết quả nghiên cứu về tác động của đô thị hoá đến loãng xương cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng trong việc hoạnh định một chiến lược y tế để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây, kể cả loãng xương, ở quy mô cộng đồng. 

“Lão hóa khỏe mạnh” làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính  

Phiên báo cáo được tiếp nối với bài nghiên cứu “Mục tiêu lão hóa khỏe mạnh và vai trò của hệ cơ xương khớp”.

Trong bài báo cáo, PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, lão hóa dân số đang là xu hướng của toàn thế giới khi tuổi thọ của con người ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên điều này sẽ tác động lớn đến các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới do tỷ lệ mắc bệnh, nhu cầu nhập viện và nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng”. Với tốc độ già hóa dân số nằm trong nhóm 10 quốc gia nhanh nhất thế giới, việc chuyển đổi rất nhanh từ giai đoạn “dân số vàng” sang “dân số già” đã đặt ra cho hệ thống y tế của nước ta rất nhiều thách thức trong việc chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi theo các tiêu chí của thập niên “lão hóa khỏe mạnh 2020 – 2030” mà Tổ chức Y Tế Thế giới khởi xướng.

Theo thông tin Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội thảo Quốc tế Già hóa Năng động, Sáng tạo và Ứng dụng Công nghệ trong Chăm sóc Người cao tuổi ASEAN, khai mạc ngày 19/11/2021, Việt Nam hiện có 7,4 triệu người trên 65 tuổi (chiếm 7,7% tổng dân số). Dự báo đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên 22,3 triệu (chiếm tỷ lệ 20,4% tổng dân số)

Dưới đây là các bệnh thường mắc ở người cao tuổi và càng cao tuổi, càng cùng mắc nhiều bệnh.

  • Thoái hóa khớp
  • Tăng huyết áp và bệnh Tim mạch
  • Trầm cảm và sa sút trí tuệ
  • Đái tháo đường
  • Loãng xương
  • Các bệnh lý Ung thư

Chúng ta đạt được tuổi thọ trung bình khá cao (> 73 tuổi), nhưng chỉ có xấp xỉ 60 năm khỏe mạnh, số năm phải sống chung với bệnh tật khoảng 14 năm, mỗi người cao tuổi thường phải gánh chịu trung bình khoảng 3 bệnh mạn tính.        

(Hội nghị Lão khoa Quốc gia 12-13/11/2022)

Tỷ lệ dân số cao tuổi so với dân số chung thay đổi rất nhanh qua các thời kỳ 1955, 2015, 2030, 2050 là 8%, 12,3%, 16,5%, 21,5%. Khi dân số cao tuổi gia tăng, việc làm thế nào để đạt “lão hóa khỏe mạnh” và “chất lượng cuộc sống của người cao tuổi” càng trở thành mục tiêu quan trọng mà mọi quốc gia phải hướng tới. Một cuộc sống khỏe manh lâu dài hơn mang theo những cơ hội, không chỉ cho mỗi người và gia đình của họ, mà còn cho toàn xã hội. Những năm sống thêm sẽ có thêm cơ hội để làm tiếp công việc, theo đuổi các lĩnh vực hoạt động mới, một công việc mới, một sở thích hay một niềm đam mê (trước đây chưa có điều kiện thực hiện)…

Với một người cao tuổi khỏe mạnh, cuộc sống lâu hơn là một lợi ích cho xã hội theo nhiều cách, bao gồm cả về tài chính, xã hội và văn hóa. Bởi vì người cao tuổi có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm, tuổi thọ tăng lên này được sử dụng như một nguồn lực cho xã hội, mang lại lợi ích cho cá nhân cũng như cho gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, mức độ của những cơ hội và đóng góp này phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố - đó chính là sức khỏe. Nếu những năm sống thêm này bị chi phối bởi sự suy giảm năng lực thể chất và tinh thần, thì những tác động tích cực của người cao tuổi với bản thân họ, gia đình và xã hội sẽ bị giảm sút… Trở thành gánh nặng, mất khả năng tự chủ, mất sự giao tiếp xã hội, phải sống phụ thuộc vào người khác…là những điều không ai muốn chấp nhận…

Vì mục tiêu “lão hóa khỏe mạnh”, con người cần duy trì các hành vi lành mạnh trong suốt cuộc đời, đặc biệt là một chế độ làm việc, sinh hoạt hợp lý, ăn uống cân bằng, tham gia hoạt động thể chất thường xuyên và hạn chế các thói quen có hại cho sức khỏe. Những điều đó góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, tăng khả năng kiểm soát bệnh và phục hồi các di chứng (nếu có), cải thiện năng lực thể chất và tinh thần, duy trì một cuộc sống năng động, độc lập.    

Chuyên gia nhấn mạnh, hệ cơ xương khớp khỏe mạnh sẽ cung cấp cho con người năng lực để tham gia các hoạt động thể chất, năng lực để duy trì một cuộc sống năng động, độc lập và cơ hội để kiểm soát các bệnh lý đồng mắc khi tuổi càng cao. Loãng xương và thoái hóa khớp là 2 căn bệnh ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ xương khớp người cao tuổi, cần được chú trọng phòng ngừa sớm, điều trị sớm và quản lý chặt chẽ cùng các bệnh lý thường gặp khác ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành,…

"Lão hoá khớp” là một phần của “lão hoá cơ thể”

Với bài báo cáo “Hiểu thế nào về “lão hóa” khớp?” - PGS.TS Nguyễn Văn Trí, Hội Lão khoa TPHCM cho biết, tuổi tác gia tăng có liên quan đến sự suy giảm dần dần chức năng sinh lý dẫn đến các bệnh mạn tính, suy yếu chức năng và cuối cùng là tử vong.

Điều quan trọng, những thay đổi sinh lý liên quan đến tuổi tác xảy ra ở tế bào, đáp ứng insulin, cấu hình bài tiết và tình trạng viêm của mô mỡ, dẫn đến rối loạn chức năng mô mỡ. Mặc dù các cơ chế gây rối loạn chức năng mô mỡ là đa yếu tố, hậu quả dẫn đến bài tiết các cytokine và chemokine tiền viêm, thâm nhiễm tế bào miễn dịch, tích tụ các tế bào bạch cầu và tăng kiểu hình bài tiết liên quan đến lão hóa (senescence-associated secretory phenotype - SASP).

Các quá trình này thúc đẩy viêm mạn tính, kháng insulin và phân phối lại lipid ra khỏi mô mỡ dưới da. Nếu không có sự can thiệp, những tác động này góp phần gây ra rối loạn chức năng trao đổi chất toàn thân liên quan đến tuổi tác, hạn chế về thể chất và suy yếu. Do đó, rối loạn chức năng mô mỡ có thể là nguyên nhân cơ bản làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, khuyết tật và các kết quả bất lợi cho sức khỏe khi tuổi tác tiến triển.

PGS.TS Nguyễn Văn Trí, Hội Lão khoa TPHCM

Lão hóa và lão hóa cơ quan (khớp) gây ra tình trạng thoái hóa khớp và suy yếu. Dẫn đến chuyển động khớp trở nên cứng hơn và kém linh hoạt hơn. Sụn mỏng hơn, hoạt dịch trong khớp giảm, dây chằng ngắn lại và mất tính linh hoạt.

"Lão hoá khớp” là một phần của “lão hoá cơ thể”, chống lão hoá khớp song hành chống lão hoá cơ thể. Lão hoá khớp nếu không quan tâm sẽ gây bệnh thoái hoá khớp làm giảm chất lượng sống đáng kể

Gãy xương và đa bệnh lý là vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng

Phiên báo cáo kết thúc với bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của đa bệnh lý đến tử vong sau gãy xương” của TS.BS Trần Sơn Thạch, Đại học Công nghệ Sydney, Australia.

Chuyên gia cho biết, gãy xương và đa bệnh lý (multimorbidity) đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có phác đồ điều trị đa bệnh lý. Tập trung vào những bệnh lý phổ biến như tim mạch, ung thư và tiểu đường hiện không phù hợp trong thực tế do các bệnh lý thường đi kèm với nhau. 

TS.BS Trần Sơn Thạch, Đại học Công nghệ Sydney, Australia (đứng thứ 3 từ phải qua)

Có đến 20% trong số 1,7 triệu người trưởng thành từ 50 tuổi tại Đan Mạch (trung bình 65 tuổi), và 50% bệnh nhân gãy xương (trung bình 75 tuổi) có từ 2 bệnh lý có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân trong nhóm đa bệnh lý tiểu đường có trung bình 4-5 bệnh mạn tính và thường kèm các biến chứng về tim mạch, thận, mắt, trong khi bệnh nhân tiểu đường trong cộng đồng chỉ có 1-2 bệnh mạn tính và thường không có biến chứng.

Quan trọng nhất là bệnh nhân trong nhóm đa bệnh lý có nguy cơ gãy xương và nguy cơ tử vong sau gãy xương cao hơn đáng kể so với người có cùng bệnh lý trong cộng đồng. Ví dụ hơn 30% bệnh nhân nam trong nhóm đa bệnh lý tim mạch bị gãy cổ xương đùi tử vong trong năm đầu tiên, so với ~20% trong nhóm gãy xương đùi hoặc ~5% trong nhóm đa bệnh lý tim mạch. 

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, các bệnh mạn tính đi kèm với nhau thành những nhóm đa bệnh lý đặc hiệu. Đây là bằng chứng cho thấy chiến lược điều trị và dự phòng gãy xương tập trung vào nhóm đa bệnh lý có thể đưa đến hiệu quả cao hơn so với tập trung vào từng bệnh lý cụ thể.

Mời xem thêm bài viết phiên 2, 3, 4, 5 của hội nghị:

Phiên 2: Thoái hóa khớp và loãng xương - những thách thức lớn với sức khỏe người cao tuổi

Phiên 3: Dinh dưỡng, lối sống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị loãng xương, thoái hóa khớp

Phiên 4: Hiểu biết mới trong loãng xương và những ưu nhược điểm về thuốc điều trị

Phiên 5: Tuân thủ điều trị, thách thức và giải pháp cho loãng xương và thoái hóa khớp

Năm 2023, Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức tại Đà Nẵng, dù chỉ diễn ra gói gọn trong 1 ngày 10/6 nhưng đem đến 25 bài báo cáo hấp dẫn từ các chuyên gia kỳ cựu trong và ngoài nước với lĩnh vực Loãng xương, Thoái hóa khớp, nội khoa, Ngoại khoa khác nhau (nội khoa tổng quát, nội tiết, lão khoa, dinh dưỡng lâm sàng, bác sĩ gia đình, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình, cột sống…).

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X