TTƯT.TS.BS.CK2 Lê Thành Khánh Vân: Hơn 10 năm dẫn dắt “biệt đội xóa sổ bệnh tim bẩm sinh”
Hơn 10 năm, TTƯT.TS.BS.CK2 Lê Thành Khánh Vân cùng các đồng nghiệp khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy đi đến các tỉnh miền Tây, khám sàng lọc, đưa về điều trị những trái tim lỗi nhịp, rồi trả lại gia đình những đứa trẻ khỏe mạnh, cùng một tương lai tươi đẹp hơn.
Anh “lơ xe” có đôi tay vàng trong làng phẫu thuật tim
Mờ sáng, chuyến xe của khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị khởi hành đi miền Tây. Mọi người tập trung ở sân trước khu hành chính. Trong sương sớm, ai nấy đều áo khoác, khẩu trang. Đồng nghiệp lâu năm, họ đã quen thuộc giọng nói, dáng người.
Những chuyến đi khám thiện nguyện như vầy ngoài đội ngũ bác sĩ khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em còn có nhân viên phòng Công tác xã hội, mạnh thường quân và thỉnh thoảng có phóng viên theo viết bài.
Sau khi những thùng thuốc và dụng cụ y tế được chất hết lên xe, ai nấy ổn định chỗ, anh lơ xe ăn vận lịch sự đến ngồi cạnh bác tài. Phải rời nhà từ 3-4 giờ sáng nên mọi người nhanh chóng thiếp đi, rồi choàng tỉnh khi mặt trời lên cao.
Xe đến tỉnh Bến Tre, tiếp tục di chuyển về điểm khám ở các huyện. Phóng viên lần đầu theo đoàn thầm khen anh lơ xe có vẻ còn rành đường hơn cả bác tài, nhanh nhẹn chỉ các khúc cua, lối rẽ không trật lần nào…
Xe dừng trong sân, thường là một trung tâm y tế huyện hay trụ sở UBND, đã được cán bộ địa phương bố trí khu vực khám. Các thành viên nhanh chóng bê thuốc men và dụng cụ vào trong. Mì tôm thì được mạnh thường quân “tập kết” gần cổng ra về để thuận tiện cho bà con đến nhận sau khi khám bệnh.
Anh “lơ xe” hồi nãy hóa ra là trưởng đoàn khám. Quan sát một vòng, sau khi mọi việc bố trí đâu vào đó mới nhanh chóng về bàn của mình, khoác lên chiếc áo blouse thêu tên Lê Thành Khánh Vân - người mà chỉ sau 5 năm bắt đầu cầm dao mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đã phẫu thuật chữa lành hơn 1000 trái tim. Đến giờ (2023), 27 năm thâm niên tại bệnh viện, số ca mổ quả thật… không đếm nổi.
Ngược thời gian 20 năm trước, BS Lê Thành Khánh Vân là người đem kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim hở để điều trị các bệnh tim bẩm sinh, về áp dụng an toàn và hiệu quả ở khoa Phẫu thuật tim hở (lúc này khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em chưa thành lập).
Đây là kỹ thuật BS Khánh Vân được tiếp thu trong những chuyến du học Úc, Nhật, Hàn, cho phép mổ mạch vành mà không cần ngưng tim, cứu thành công nhiều trường hợp bệnh nặng, lớn tuổi mà trước đó gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Đến nay vị trưởng khoa kiệm lời cũng không nhớ hết mình đã chữa bao nhiêu ca khó, ngoại trừ một số trường hợp được báo chí “nhớ dùm” như thiếu niên 14 tuổi ở Lâm Đồng bị tai nạn vỡ eo động mạch chủ thập tử nhất sinh.
Hay như bệnh nhi 13 tuổi có chẩn đoán thân chung động mạch (tỷ lệ tử vong 90%) kèm theo thông liên thất. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ở các tuyến trước em chỉ được điều trị nội khoa. Sau ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ, BS Khánh Vân và ekip đã trả lại cho em trái tim khỏe mạnh.
Những người lớn không hứa suông
Đi sâu đi sát đến những vùng quê mới thấy đây đó vẫn còn có những ngôi nhà trống trước trống sau, chỉ trơ cái nóc. Cô bác không biết bệnh của con, hoặc biết mà không có tiền điều trị. Có nhà lưu giữ tới 3 tờ giấy báo chi phí mổ tim của những đoàn khám khác, có tờ ghi số tiền bằng USD. Số tiền trên giấy mãi vẫn ở trên giấy, còn đứa trẻ thì mãi ngóng chờ người lớn thực hiện lời hứa: sẽ cho con đi mổ tim để khỏe lại.
Khi phát hiện trẻ cần phẫu thuật tim, BS Khánh Vân cho chỉ định về Sài Gòn mổ, “chặng bơi” tiếp theo là của phòng Công tác xã hội. Các anh chị tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình của bé, trình bày với mạnh thường quân, nếu số tiền quá lớn thì nhờ báo đài đưa tin phụ giúp cho bé đủ tiền mổ.
Mỗi chuyến như vậy thường tìm ra một vài bé, hẹn đưa về Sài Gòn. Phương tiện khám lưu động chỉ có máy siêu âm nên cũng có những em sau khi được khám chuyên sâu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo dõi thêm vài tháng, đánh giá lại thì tim không sao.
Còn những trường hợp cần phẫu thuật, muốn hồi phục hoàn toàn phải mất một tháng; nếu chỉ can thiệp, thời gian xuất viện sẽ sớm hơn. Để không làm gián đoạn việc học hành của trẻ, đoàn khám tăng cường đi vào mùa hè. Những thời điểm khác sẽ dành cho các bé chưa đến tuổi đi học.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy tự hào: “Sau nhiều chuyến đi như vậy, có thể nói hiện nay tỉnh Bến Tre đã hết bệnh tim bẩm sinh, ngoại trừ trẻ mới chào đời chưa được tầm soát. Bến Tre là nơi để lại rất nhiều kỷ niệm và là nơi để chúng tôi nhân rộng mô hình khám bệnh này đến các tỉnh.”
Sở dĩ Bến Tre là tỉnh đầu tiên xóa sổ bệnh tim bẩm sinh là do cán bộ Hội chữ thập đỏ kết nối Bệnh viện Chợ Rẫy rất tốt. Sắp tới đoàn khám sẽ tiếp tục đến các tỉnh khác ở miền Tây…
Phẫu thuật tim, sửa chữa cả cuộc đời
Đây là chuyến đi khám thiện nguyện thứ bao nhiêu, không có con số thống kê vì đã trở thành một phần công việc của khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em. Chi phí ăn nghỉ của các thành viên trong đoàn cũng tự khoa lo liệu. Hỏi TS.BS.CK2 Lê Thành Khánh Vân có ấn tượng thế nào sau buổi khám, vị trưởng đoàn từ tốn trả lời không có gì đặc biệt. Hành trình hơn 10 năm, các mặt bệnh đã quá quen, bối cảnh sinh sống của bà con đến khám cũng không còn lạ.
Nhưng chuyện không có gì to tát đối với người trong cuộc, đó lại là một sự hi sinh đúng nghĩa, “hi sinh từ khi chọn lựa” - ThS Lê Minh Hiển cảm nhận về người đồng nghiệp, đồng hương, đồng chí của mình.
Cả hai cùng quê Đồng Tháp, cùng đầu quân về Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1996, làm việc cùng nhau trong công tác Đoàn. Vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè, đôi khi “cự” nhau vài chuyện nho nhỏ nhưng đối với việc tổ chức đi khám tim ở miền Tây thì hai anh hoàn toàn nhất trí.
Những chuyến xe đã lăn bánh vài năm trước thời điểm 2017, khi Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em thuộc Trung tâm Tim mạch, BS.CK2 Lê Thành Khánh Vân được bổ nhiệm là trưởng khoa.
Bệnh viện Chợ Rẫy không có mổ tim dịch vụ, kể cả người lớn và trẻ em. Thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công thì không rộng rãi. Ngày cuối tuần có thể ngồi phòng mạch hay ở cạnh gia đình, các bác sĩ lại dành cho những chuyến đi miền Tây, có khi tranh thủ đi luôn 2 ngày để khám được 2 nơi. Tối mịt về đến Sài Gòn rồi sáng hôm sau lao vào công việc đầu tuần.
Những vất vả ấy đánh đổi cho nhiều cuộc đời được chữa lành.
Trẻ bị tim bẩm sinh hay khó thở, tím tái, cha mẹ không dám cho đến trường, tương lai thất học, gánh nặng của địa phương… cho đến khi đoàn khám của Bệnh viện Chợ Rẫy tìm đến.
Thành quả của hành trình này, không chỉ những trái tim lỗi nhịp được chữa lành mà các nhà hảo tâm khi tận mắt nhìn thấy gia cảnh các bé cũng giang tay giúp phụ huynh có thêm phương tiện mưu sinh, để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Dần dà, không còn những mái lá đơn sơ, không còn trẻ thất học, nhiều tế bào của xã hội được chữa lành.
Mỗi lần quay lại điểm khám trước đây, biệt đội xóa sổ bệnh tim bẩm sinh của “bác Vân” ai nấy đều vui khi gặp các bé đã từng điều trị, thấy các em khôn lớn, mạnh khỏe, phụ huynh có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Đó chính là động lực để những chuyến xe tiếp tục lên đường.
Ảnh: AloBacsi, phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy và tư liệu của đồng nghiệp
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình