Hotline 24/7
08983-08983

TTƯT.PGS.TS.BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn: “Tôi khát khao Việt Nam có thêm nhiều hơn nữa bác sĩ phẫu thuật Hàm Mặt”

Cậu bé ngày nào theo chân mẹ tới phòng mổ, giờ đây đã trở thành một vị bác sĩ đảm đương 2 trọng trách Thầy giáo và Thầy thuốc - Trưởng bộ môn Phẫu thuật Hàm Mặt, ĐHYD TPHCM và Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Răng hàm mặt, BV ĐHYD TPHCM. Đó là Thầy thuốc Ưu tú - PGS.TS.BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn, người luôn khát khao “truyền lửa”, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ cho ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam.

“Mình chỉ là một hạt cát giữa các bác sĩ mổ từ thiện...”

Gần 20 năm lặng thầm tham gia chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân dị tật bẩm sinh khe hở môi - vòm miệng, số bệnh nhân được BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn mổ khoảng 1.000 - 2.000 bé.

Hành trình mang lại nụ cười trọn vẹn cho hàng ngàn trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng của BS Chơn bắt đầu từ rất sớm:“Ngay từ năm nội trú đầu tiên tôi đã được phụ các bác sĩ tham gia phẫu thuật nhân đạo tại TPHCM và các tỉnh. Lúc đó trong đoàn có rất nhiều bác sĩ nước ngoài và Việt Nam. Tôi thấy mình chỉ là một hạt cát giữa các bác sĩ mổ từ thiện lúc bấy giờ...”

BS Chơn cho hay, tại Việt Nam, tỉ lệ khoảng 500 bé sinh ra thì có 1 bé bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòm miệng không phải chỉ một lần mổ, các bé phải trải qua ít nhất 10 lần can thiệp điều trị, trong đó có rất nhiều lần mổ môi riêng, vòm miệng riêng... mới mong mang lại cho các bé một dung mạo gần như bình thường khi trưởng thành.

“Lúc đó tôi phụ mổ gần 2 năm trời, làm được việc nên các phẫu thuật viên chính cho phẫu thuật gãy xương hàm dưới. Nhìn tôi mổ được, các thầy cô và các anh hài lòng, thỉnh thoảng nhắm thấy ca nào trong khả năng của tôi thì giao cho, làm từ từ rồi mình thành thạo” - BS Chơn kể lại.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú thì BS Chơn được phân mổ chính và vào làm giảng viên tại Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Tuổi thơ gắn liền với hình ảnh người mẹ dưới ánh đèn phòng mổ

Xuất thân trong gia đình gốc Huế, có ba mẹ đều theo ngành Y, ngay từ nhỏ PGS.TS.BS. Hồ Nguyễn Thanh Chơn luôn khao khát trở thành một bác sĩ, được làm nhiều điều có ích cho xã hội.

Ba là bác sĩ Y học cổ truyền, người gốc Huế rất trọng việc học, coi học là công việc cả đời. Mẹ của BS Chơn là nữ bác sĩ ngoại khoa duy nhất của Đà Nẵng thời điểm từ trước 1975, ngày ấy rất hiếm bác sĩ nữ đi theo phẫu thuật.

BS Thanh Chơn hồi nhỏ (bìa trái) cùng ba mẹ và hai em ở Đà Nẵng. Lúc đó gia tài quý nhất là tủ sách. Ba anh em của BS lớn lên trong không khí học thuật và gắn bó với bệnh viện nơi ba mẹ công tác.

Những ngày tháng ấu thơ, cậu bé Chơn thường được mẹ dắt theo các ca trực đêm ở Bệnh viện C (Đà Nẵng). Con của các nhân viên y tế khác cũng được cha mẹ đưa theo thường tự chơi, hoặc ngủ, đọc sách khi phụ huynh làm việc. Còn cậu bé Chơn nhất định phải đi theo mẹ, không rời.

Khi mẹ vào các ca mổ cấp cứu, bà trùm cho Chơn áo choàng phòng mổ rồi cho đứng vào một góc trong phòng phẫu thuật. Phòng mổ của Bệnh viện C rộng thênh thang, ký ức về việc choàng cái áo mổ rộng thùng thình đứng trong góc phòng nhìn mẹ và các đồng nghiệp thực hiện ca mổ dưới ánh đèn sáng choang, cùng suy nghĩ sẽ theo nghề y là ý niệm xuyên suốt từ bé tới khi BS Chơn quyết định chọn nghề.

“Sau khi học xong lớp 12, tốt nghiệp PTTH tôi thi vô trường Y và mong muốn trở thành bác sĩ Răng Hàm Mặt.

Lúc đó chỉ có Trường đại học Y Dược TPHCM là đào tạo ngành này ngay từ năm đầu đại học, nên tôi quyết định Nam tiến và trúng tuyển vào ngành bác sĩ Răng Hàm Mặt ngay từ lần thi đại học đầu tiên.

Năm 1999 tôi tốt nghiệp ra trường. Suốt tuổi thơ theo chân mẹ nên tôi thích ngoại khoa, tiếp tục trúng tuyển vào học bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật Hàm Mặt - BS Chơn chia sẻ.

Khát khao truyền lửa, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ phẫu thuật Hàm Mặt tại Việt Nam

Cảm nhận mình là người cầu toàn cả trong công việc và đào tạo, BS Chơn luôn đòi hỏi cao ở học trò và đồng nghiệp của mình.

“Tôi nghĩ khi đã chọn ngành cứu người thì người bệnh là trung tâm, mục tiêu cuối cùng là điều trị người bệnh thì người bệnh phải được hưởng chất lượng điều trị cần thiết, trừ các trường hợp quá khả năng của y học. Muốn được như vậy thì bác sĩ phải học hành đàng hoàng, làm việc đàng hoàng. Thay vì có thể điều trị người bệnh được 8 phần tốt nhưng nếu ta có thể đạt được 9,5 thì tại sao ta không n lực thêm?” - vị Trưởng bộ môn kiêm Trưởng khoa tâm niệm.

Chú tâm với công việc ở bệnh viện và giảng đường, BS Chơn từ chối nhiều lời mời từ các đơn vị tư nhân, với mức lương hấp dẫn. Đối với bác sĩ - người thầy Hồ Nguyễn Thanh Chơn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng thôi là chưa đủ mà phải cần truyền lòng nhiệt huyết, sự tận tâm với nghề cho các thế hệ sinh viên, và trên hết là mong mỏi đào tạo thêm nhiều bác sĩ phẫu thuật Hàm Mặt - lực lượng này hiện nay còn mỏng.

“Hầu hết sinh viên khoa Răng Hàm Mặt khi ra trường ít chọn phẫu thuật Hàm Mặt vì cực, phải bệnh viện mổ suốt ngày. Nha khoa lâm sàng là con đường dễ đi hơn. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì ai sẽ là người điều trị bệnh nhân cần phẫu thuật Hàm Mặt?” - BS Chơn trăn trở.

Khoảng trên 100 sinh viên khi ra trường chỉ có một vài em yêu thích thực sự và chọn phẫu thuật Hàm Mặt, BS Chơn cố gắng hun đúc để có thể truyền lại sự yêu nghề và năng lực cần thiết cho số lượng sinh viên ít ỏi đó, đào tạo ra thế hệ bác sĩ nội trú phẫu thuật Hàm Mặt chuyên nghiệp.

Tin vui là trong những năm gần đây số lượng bác sĩ đăng ký nội trú chuyên ngành phẫu thuật Hàm Mặt đã tăng thêm, do có nhiều bạn sinh viên đam mê và chọn theo. Nhiều thầy cô hỏi: “Phẫu thuật Hàm Mặt có gì hay mà đông người chọn học vậy?”, tôi chỉ cười thôi. Chỉ mong có nhiều hơn nữa bác sĩ phẫu thuật Hàm Mặt tại Việt Nam, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh lẻ...” - BS Chơn hy vọng.

Trên giảng đường là một thầy Chơn “khó tính” nhưng rời bục giảng, BS Chơn trong mắt nhiều sinh viên, học viên và đồng nghiệp là người có lòng trắc ẩn và gần gũi, hòa đồng với mọi người, luôn hết mình với học trò, tận tâm với bệnh nhân... 

Trong một bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt tuyến cuối, nguyên cả một tầng toàn bệnh nhân từ nhiều nơi dồn về. Không chỉ những chiếc răng bé nhỏ, ở một đất nước mà phương tiện giao thông chiếm đa số là xe máy, số ca chấn thương hàm mặt luôn chiếm tỷ lệ cao. Lượng bệnh nhân đông ở tuyến cuối cho thấy những bác sĩ phẫu thuật Hàm Mặt vẫn thiếu nhiều, vẫn cần thêm nỗ lực không ngơi nghỉ của các thầy trò chuyên ngành này.

Cùng với đó là hàng trăm, hàng ngàn nụ cười khiếm khuyết đã và đang được chữa lành. Các em hầu như không biết mặt bác sĩ phẫu thuật, mà phẫu thuật viên cũng không thể nhớ hết bệnh nhân của mình, chỉ lặng thầm, cặm cụi với phẫu trường, mũi dao, đường chỉ. Qua 20 năm, gần 2000 nụ cười đã lành lặn nhờ đôi tay vị bác sĩ có nét mặt hiền hòa, giọng Huế nhẹ, tự nhận mình như một hạt cát nhưng tấm lòng và ý chí không nhỏ chút nào.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X