TTƯT.BS.CK2 Trần Đoàn Đạo: Đạo của ngành y là chữa lành thương, hết đau
Bước ra từ trang sách “Tâm &Tài, họ là ai?”, TTƯT.BS.CK2 Trần Đoàn Đạo vẫn dáng cúi khom bên những vết thương lở loét, chăm sóc cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng, sự thấu hiểu về cái đau thể xác và tinh thần mà họ đang gánh chịu. 44 năm trong nghề, bậc thầy lĩnh vực điều trị Bỏng-Vết thương mãi canh cánh trong lòng nỗi bận tâm về những bệnh nhân mang vết thương khó lành.

1. Đau của bệnh nhân bỏng là cái đau tệ hại nhất
Đều đặn thứ 3-5-7 mỗi tuần, phòng tiểu phẫu của Đơn vị Điều trị Vết thương Chuyên sâu (Bernard Wound Care, thuộc Phòng khám Bernard Healthcare), một ông cụ trong trang phục tím lom khom chăm chút cho từng vết thương, vết loét, vết bỏng.
Bên dưới cặp chân mày điểm bạc, đôi mắt của bậc tiền bối trong lĩnh vực điều trị Bỏng-Vết thương - BS.CK2 Trần Đoàn Đạo, dù U70 vẫn tinh tường quan sát từng nếp da, mảnh thịt được ánh đèn soi rõ. Bàn tay đeo găng khi thì nhanh nhẹn, lúc lại chậm rãi, đưa lưỡi kéo nhỏ xử lý vết thương cho bệnh nhân.
Người bệnh lúc này có thể đau hoặc không, tùy theo tình trạng hoại tử của vết thương và mức độ chịu đau của mỗi người. Hễ nghe tiếng rên, chất giọng miền Trung của vị bác sĩ lập tức trấn an: không sao không sao, ráng chút, sắp xong rồi!…

44 năm gắn bó với công việc này, BS.CK2 Trần Đoàn Đạo không còn xa lạ với mủ, máu, dịch tiết hay mùi thối như chuột chết từ những vết lở loét hoại tử - khiến người ta nhăn mặt buồn nôn - mà ông chỉ có một lòng thương, bởi họ đều là bệnh nặng nhà nghèo. Vì thương nên tiếp tục cầm dao kéo, chứ: “Ở tuổi này, tôi đi làm không phải để kiếm tiền”.
Từ những năm còn làm Trưởng khoa khoa Bỏng-Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Đạo luôn canh cánh: “Đau của bệnh nhân bỏng là cái đau tệ hại nhất trong mọi cái đau”, làm cách nào họ đừng đau nữa?
Mối bận tâm ấy đi theo BS.CK2 Trần Đoàn Đạo suốt cuộc đời, kể cả khi về hưu, tiếp tục công việc ở các cơ sở y tế tư nhân, theo vào những buổi giảng dạy và hội chẩn online cùng đồng nghiệp trẻ.
2. Ngăn tủ tích cóp cho bệnh nhân bỏng và “Đạo của ngành y”
Điều bận tâm thứ hai của BS.CK2 Trần Đoàn Đạo về bệnh nhân bỏng là chi phí điều trị cao mà hoàn cảnh gia đình rất eo hẹp. Những người vào khoa Bỏng của bệnh viện tuyến cuối đều là bỏng nặng, nếu may mắn trị lành thì kinh tế cũng cạn kiệt, không đủ sức để tiếp tục sửa chữa di chứng sẹo co rút, khiến bệnh nhân khó tái hòa nhập với cộng đồng.
Sinh ra trong một gia đình lao động gồm 9 anh em ở Quảng Nam, cả xã xung quanh cùng nghèo khổ, hơn ai hết, BS Đạo thấu hiểu những cái bế tắc của bệnh nhân nghèo. Để gom góp chi phí giúp đỡ người bệnh, trong ngăn kéo bàn của vị trưởng khoa Bỏng ngày ấy có một góc riêng cất những khoản ngoài lương như tiền thưởng, tiền mổ... Nhưng bệnh nhân túng thiếu đủ đường, không chỉ tiền phẫu thuật mà còn tiền mua máu, mua cơm...
Mang nỗi trăn trở tới buổi họp lớp, BS Đạo phấn khởi khi bạn bè ngỏ lời giúp đỡ, hễ có ca nào nặng, khó khăn thì cứ nhắn. Cùng với đó, sự ra đời của của Đơn vị Y xã hội Chợ Rẫy (năm 2008, sau này là Phòng Công tác xã hội) đã tiếp sức thêm cho bệnh nhân nhân bỏng.
Năm 2012, bài báo “Đạo của ngành y” viết về BS Đạo và khoa Bỏng-Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy được lan tỏa, ngày càng nhiều nhà hảo tâm biết đến, chung tay giúp sức. Ngay cả những bệnh nhân bỏng được điều trị khỏi, có người cũng phát nguyện trở thành mạnh thường quân.
Chứng kiến những giọt nước mắt tuyệt vọng khi nhập viện, rồi nước mắt mừng vui của bệnh nhân và người nhà khi xuất viện, BS Đạo nhận thấy ý nghĩa của việc chữa hết đau, lành thương cho một người là cứu cả cuộc đời, thậm chí là cứu cả gia đình. Mà đạo của ngành y, dù là chữa trị bệnh gì thì cũng chính là chữa hết đau, lành thương mà thôi.
3. Ước nguyện trao truyền, nối tiếp thế hệ bác sĩ trẻ điều trị vết thương
Dẫu biết việc chữa lành thương cho bệnh nhân có ý nghĩa quan trọng như thế, BS.CK2 Trần Đoàn Đạo không khỏi chạnh lòng khi các đồng nghiệp chuyên ngành Bỏng của mình cứ thưa vắng dần, rất ít người kiên trì với công việc toàn gặp bệnh nhân nghèo và khó mở được phòng mạch này. Và hiện nay, Đơn vị Điều trị vết thương chuyên sâu (Bernard Wound Care, thuộc Phòng khám Bernard Healthcare) cũng là đơn vị duy nhất ở TPHCM chuyên điều trị vết thương.
Không muốn chuyên ngành của mình mai một, BS Đạo gom góp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, lần lượt viết 4 cuốn sách: “Hướng dẫn điều trị vết thương phần mềm” (xuất bản 2016), “Hướng dẫn thực hành điều trị vết thương phần mềm” (2017), “Dịch tiết vết thương và vai trò băng gạc” (2017) và “Chăm sóc vết thương” (2023).
Từ những kiến thức sơ khởi như quá trình lành vết thương, đánh giá trình trạng vết thương, các yếu tố nguy cơ khiến cho chậm lành… cho tới những vấn đề chuyên môn sâu như: chẩn đoán và điều trị vết loét tĩnh mạch - động mạch chi dưới, tổn thương da liên quan tới ung thư… đều được người thầy thuốc hơn 40 năm kinh nghiệm dốc lòng chia sẻ.
Những cuốn sách của BS.CK2 Trần Đoàn Đạo không chỉ là tài liệu quý đối với nhân viên y tế (ngoại trừ BS Đạo, cả nước không có ai viết sách về vết thương) mà đối với người ngoài ngành y cũng rút ra được nhiều kiến thức hay, có thể áp dụng trong sinh hoạt thường ngày: thì ra dùng oxy già sát trùng có thể khiến vết thương lên mô hạt và da non chậm lành, thì ra vết bỏng là phải giữ ẩm chứ không phải để khô như vết thương khác; và lý do vì sao việc xoay trở thường xuyên cho bệnh nhân nằm liệt hết sức quan trọng.

Dự kiến năm 2025 sẽ ra mắt cuốn sách thứ năm. Cuốn này chậm vì sức vóc của tác giả không còn như xưa - BS Đạo ví tuổi 70 là tầm 7-8 giờ tối, chỉ còn vài tiếng nữa là cuộc đời “tắt đèn” - và ông cũng còn dành thời gian cho người vợ đau yếu.
Tự tay chăm sóc người bạn trăm năm, với BS Đạo là chuyện đương nhiên. Mỗi tuần 3 lần đưa bà vào bệnh viện cũng là việc thường nhật. Thỉnh thoảng ông nhắc đến bà khi bệnh nhân đau khóc, thở than: “Thôi mà có gì đâu, lạc quan lên! Vợ tôi bệnh còn nặng hơn chị!”.
Xong thao tác trong phòng tiểu phẫu, BS Đạo ra ngoài trao đổi với người nhà bệnh nhân, còn cẩn thận xem họ đang dùng băng gạc gì và hướng dẫn cách sử dụng. Có người quên đem, ông dặn lần sau nhớ đem cho đỡ tốn tiền mua mới. Cũng có khi, BS Đạo nhận lời nhờ cậy của vợ bệnh nhân, thuyết phục chồng mình bớt thuốc lá lại, vì: “Em nói ổng không nghe, nhờ bác sĩ nói giùm”.
Hết bệnh nhân chờ là bậc thầy chữa vết thương “biến” ngay vào thang máy, tuổi hưu của ông hiếm có lúc nhàn rỗi. Bản thảo cuốn sách thứ năm đang đợi, những buổi hội chẩn online thường kỳ và cả bất chợt cũng đang đợi. Đó là niềm vui vì kiến thức, kinh nghiệm của cây đại thụ được gieo trồng nơi đồng nghiệp trẻ, hứa hẹn những lương y theo đuổi ngành Vết thương vẫn mãi còn.
Hồng Nhung - AloBacsi
Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình