Hotline 24/7
08983-08983

DS Nguyễn Thu Phượng: Đi qua đạn bom, chiến thắng bạo bệnh, đến với hành trình thiện nguyện

Ở độ tuổi U80, DS Nguyễn Thu Phượng vẫn là thành viên đầy nhiệt huyết của những hành trình khám bệnh thiện nguyện nơi vùng sâu vùng xa. Đứng phát thuốc từ sáng đến chiều, cụ bà mái tóc bạc phơ vẫn không than mệt. Đó là khí chất của người dược sĩ - chiến sĩ được tôi luyện từ trong chiến tranh, cũng là sức mạnh giúp bà chiến thắng 2 tử thần ung thư, COVID.

Trong những chuyến hành trình AloBacsi khám bệnh thiện nguyện nơi vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, đội ngũ dược sĩ luôn có một mái tóc bạc phơ đi cùng, bà là Dược sĩ Nguyễn Thu Phượng, năm 2024 bước qua tuổi 75. 

Lên xe, bà chọn băng ghế sau cùng, không ngại đó là vị trí dằn xóc nhất. Những chao đảo, lắc lư khi qua cung đường hiểm trở có là gì so với mưa bom bão đạn mà DS Nguyễn Thu Phượng trải qua thời trẻ.

Dược sĩ Nguyễn Thu Phượng

Dưới mưa bom bão đạn, điều chế thuốc từ phân

Năm 1964, Nguyễn Thu Phượng (15 tuổi) theo cha đi chiến trường biên giới Tây Ninh. Cô gái lanh lẹ, tháo vát được phân công đi học Dược tá, khóa học 9 tháng, lớp học là một xưởng dược ẩn trong rừng. 

Bấy giờ các đội y tế dã chiến phục vụ tiền phương được thành lập. Sau khóa học, Thu Phượng (16 tuổi) và một bạn nữ cùng lớp (18 tuổi) đi “công tác độc lập” ở Bình Long, Phước Long (nay thuộc địa bàn Bình Dương, Bình Phước).

Năm 1968, Thu Phượng “xuống đường”, tham gia chiến dịch Mậu Thân ở đồng bằng. Cuối năm đó, cô được học lên Dược trung. Sau khi ra trường, cô dược sĩ trẻ tiếp tục phục vụ thương binh, được điều chuyển qua lại giữa xưởng dược và các bệnh viện. Là một dược sĩ giỏi nghề nên chỗ nào khó khăn, cấp trên điều DS Phượng đi chỗ đó, cho tới năm 1975 giải phóng thì về Sài Gòn.

Nguyễn Thu Phượng, năm 1968

Hồi đó tôi liều lắm, kể ra cách điều chế thuốc, các bác sĩ bây giờ nghe thấy cũng hết hồn” - DS Phượng cười, lần giở những trang ghi chép khi xưa. 

Cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, kẻ ô nhỏ xíu, những dòng chữ cũng líu ríu để tiết kiệm giấy nhưng nội dung ghi chép rõ ràng từ những công thức thuốc tây cho đến những bài thuốc đông y chữa kinh phong, kiết lỵ, bổ phổi trị ho, trẻ bú nôn ói, cam tích còi xương… 

Những năm 1964-65 chiến tranh ác liệt, đơn vị thiếu thốn đủ thứ, phương tiện thuốc men không có, cũng không thể đi lãnh được vì vừa xa, vừa hiếm, vừa nguy hiểm. Dược sĩ phải tự làm muối tinh khiết để pha dịch truyền cho bệnh nhân (nước muối 9/1000 loại tiêm). Muốn có muối tinh khiết phải dùng muốt hột (muối ăn) pha với nước cất, nấu cô đặc, lọc đi lọc lại nhiều lần. 

Ngay cả nước cất cũng phải tự nấu. Cái ly, cái phễu không có, cô gái dùng chai thủy tinh cắt đôi ra. 

Trong cuốn sổ tay, song song với công thức điều chế thuốc theo lý thuyết còn có cách ứng dụng cho thực tế chiến trường. Chẳng hạn như thuốc N.T.9 thành phần gồm Chlorua Kali, Carbonate Kali, Sulfate Kali, Photphate monopotasse, Potasse và nước thì những chất vô cơ này được thay thế bằng bột nhơn trung.

Sổ ghi chép của DS Phượng khi học Dược trung

Bột nhơn trung ở đâu mà có? “Nhơn” (nhân) là người, “trung” là ở giữa, bột nhơn trung chính là chất bột làm từ phân người. DS Phượng dùng những chiếc nồi đất nung, xin phân của các đồng đội khỏe mạnh, về lựa ra cục nào đẹp đem đi đốt. 

Nơi đốt phải cách xa bởi nó tỏa ra thứ mùi vô cùng khó ngửi. Nhiệt độ cao, chiếc nồi đất chuyển màu đỏ rực. Sau 12 tiếng, chất hữu cơ trong phân bị thiêu cháy hết, để lại thứ bột vô cơ không mùi, nhìn như muối tiêu. Bột nhơn trung này khi hòa với nước cất để tiêm sẽ có công dụng nâng cao huyết áp, chống ngứa, chống độc… 

Bàn pha chế thuốc khi thì đặt dưới hầm bán ngầm, trời mưa nước ngập đến bẹn, khi thì đặt dưới tán cây, quây bằng mấy tấm nilon. 

Có lúc hầm pha chế trúng bom. DS Phượng và đồng đội bới đất đá ngoi lên, nhất thời không xác định được phương hướng vì bốn bề đã bị san phẳng. Tai ù, lồng ngực bị ép vì áp lực từ trái bom nhưng việc đầu tiên là nhặt nhạnh những mảnh vỡ phản chiếu ánh sáng đem giấu, để khi máy bay địch quay lại “nghiệm thu”, không phát hiện đã đánh trúng căn cứ.

Nhớ nhất là trận càn Đông Dương năm 1970, đơn vị “chạy dài” suốt 20 ngày, hôm nào cũng phải đào hầm chữ L để trú ẩn. Khi lánh qua đất bạn Campuchia, phum này không còn an toàn thì dời qua phum khác. Trên đầu máy bay quần thảo, quanh xóm (phum) lố nhố lính vây. Các cô trốn sau lũy tre, thì thầm: “Phen này chết chắc, không chết thì cũng bị bắt…”, may sao quân địch không tiến vào sâu. 

Hết chạy càn, đơn vị tiếp tục công tác điều trị. Lúc này thương binh nhiều mà lại thiếu glucose để pha dịch truyền. DS Phượng vận dụng kiến thức học được, mua đường cát về thủy phân thành dung dịch glucose. Cô gái trẻ cật lực sớm tối, mỗi ngày điều chế được 10-15 lít glucose mà cung không đủ cầu.

Chắc nhờ trời thương nên hồi đó những loại thuốc và dịch truyền tụi tôi tự chế, tiêm cho thương binh mà không có ai bị sốc hay phản ứng bất lợi nào hết” - DS Phượng hồi tưởng. Chuyện xưa kể lại, các dược sĩ và bác sĩ ngồi nghe không khỏi rùng mình. 

DS Phượng và những đồng đội cùng vào sinh ra tử

Phải ăn để đánh cho ung thư không ngóc đầu lên được

Chiến trường im tiếng súng gần 30 năm thì DS Nguyễn Thu Phượng bước vào trận chiến mới, kẻ thù lần này là ốm đau, bệnh tật.

Năm 1975, vợ chồng Thu Phượng cùng các cháu nhỏ về Sài Gòn. DS Phượng tiếp tục công tác tại kho Dược ở quận 10. Bà nghỉ hưu sớm khi mới 40 tuổi, theo ông xã và các con lớn đi làm rẫy cà phê ở Trị An (Đồng Nai), kinh tế dần ổn định, cất được căn nhà hiện giờ.

Đến năm 2003, ông xã bị ung thư đại trực tràng, 2 vợ chồng trở lại Sài Gòn. Một tối, khi nằm nghỉ bà rờ rờ, thấy vú phải có cục cứng bằng trái chanh, bèn đến bệnh viện gần nhà (theo tuyến BHYT). Sau khi siêu âm thấy khối u, bác sĩ rạch quanh quầng vú, bóc u đem đi sinh thiết, kết quả trả về khẳng định ung thư. Bà được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu để đoạn nhũ rồi hóa trị. Hai vợ chồng, xưa là đồng chí, nay là đồng bệnh.

Trước đó, khi 35 tuổi DS Phượng đã phát hiện khối u trên cơ thể. Năm 1984 chưa có máy siêu âm, bác sĩ khám phụ khoa rờ thấy tử cung của bà có khối u, bà quyết định cắt bỏ tử cung để tránh nguy cơ ung thư. Kết quả xét nghiệm sau đó là u lành. Lần này, bà 54 tuổi thì ung thư đến thật.

Lo lắng, áp lực thúc đẩy bệnh trào ngược, bà đi nội soi thấy sung huyết từ thực quản đến dạ dày. Bệnh của chồng chuyển biến xấu, rồi ông đi (năm 2005), để lại một mình bà trong cuộc chiến với ung thư.

Sau lần hóa trị đầu tiên, vì chưa có kinh nghiệm, về đến nhà là DS Phượng nôn ói quanh phòng. Tất cả đồ ăn thức uống đều có mùi “thấy ghê”, ngay cả hương thơm của nước xả vải cũng trở nên kinh khủng. Nhưng bà biết là mình phải ăn mới có đủ máu để hóa trị. 

Bà bèn mua chân giò về hầm lấy nước, nấu cô đặc lại, bóp mũi ngửa cổ nuốt. Nhờ vậy, đúng hẹn 21 ngày, bà đủ máu để vào toa tiếp theo, 6 toa đều đặn như thế. Còn những người đồng bệnh kiêng khem đủ thứ, xét nghiệm máu không đạt yêu cầu, phải lui ngày hóa trị, việc điều trị rất chật vật. 

DS Phượng kết luận: “Đánh ung thư cũng như đánh giặc, phải đánh cho nó không ngóc đầu lên được. Muốn vậy mình phải ăn thì cơ thể mới có sức đánh nó”. Gặp phải nữ chiến binh kiên cường như vậy, ung thư không quật ngã được bà.

18 năm sau, DS Phượng đối mặt với tên giặc mới: COVID-19. Lần này, bà phải nằm thở oxy suốt 50 ngày. So sánh thì lúc đó COVID-19 đáng sợ hơn ung thư, bởi vì: “Những người vào phòng bệnh nặng trước hay sau tôi đều lần lượt ra đi. Còn tôi cứ nằm mãi, không biết khi nào tới lượt mình…

Như phép màu, cụ bà 72 tuổi, tiền sử ung thư, một lần nữa chiến thắng tử thần. Đến nay đã U80, DS Phượng mắt vẫn tinh, lưng vẫn thẳng, giọng nói rổn rảng. 

Nữ dược sĩ U80 ghi chép lịch trình khám bệnh thiện nguyện trong năm mới

U80 vẫn xách ba lô lên và đi

Từ năm 2010, DS Phượng bén duyên với những chuyến đi khám bệnh từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TPHCM, có tháng đi 4-5 lần. Rồi dần dần bà tham gia thêm với những đoàn khác, mấy năm nay thì đồng hành cùng kênh AloBacsi. Chỗ nào hẹn trước thì đi trước, không từ chối lời mời nào. 

Mà lạ nghen, dù là bữa trước đau cái lưng, nhức cái đầu gối mà hôm sau đi khám từ thiện là tôi hết đau liền!” - DS Phượng kể. 

DS Phượng thường ngồi ghế cuối, không ngại đó là vị trí dằn xóc

Có những điểm khám rất xa, xe đến khách sạn đã 2 giờ sáng, 4-5 giờ đã phải dậy đi tiếp, người trẻ may ra chợp mắt được chút, lớp già khó ngủ thì chỉ nằm để đó. Vậy mà hôm sau, bà nội/bà ngoại của 7 đứa cháu vẫn sánh vai cùng các đồng nghiệp trẻ, nhanh tay phát thuốc cho bà con. Có những buổi, người khám xong đợi lấy thuốc ùn lại đông nghẹt, bàn thuốc phải tăng tốc, chẳng kịp ăn trưa.

Đến giờ bà không thể đếm nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến như thế. Càng đi càng thấy người dân mình vẫn khó khăn nhiều quá. DS Phượng nhớ nhất là bà con ở Tây Nguyên: “Họ tới với mình, đầu không nón chân không dép, cầm tờ tiền 50 ngàn mà lạ lẫm lật tới lật lui…

Huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022
Huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, năm 2023
Huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, năm 2023
Xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, năm 2023

Căn phòng nhỏ hẹp ở quận 10 treo đầy những bằng khen, huân huy chương, bên cạnh là ảnh chụp nữ chủ nhân với mái tóc bạch kim trong quân phục hoặc áo dài. Còn có hình Hồ Chủ tịch và di ảnh chồng bà, ngoài ra không có tranh tượng tôn giáo.

Hỏi bà có nghĩ mình được phù hộ qua nhiều lần sinh tử? DS Phượng trả lời: “Mình làm người cho tốt thì sẽ được chở che”.

Cầm trên tay cuốn lịch năm mới, nữ dược sĩ đánh dấu những chuyến đi sắp tới. Nghĩ đến những bà con nơi xa cần giúp đỡ, dù U80 bà vẫn xách ba lô lên và đi.

Thừa Thiên Huế, năm 2022
Quảng Ngãi, năm 2022
Đắc Nông, năm 2023
Bình Thuận, năm 2023
Sóc Trăng, cuối năm 2023

Bài: Hồng Nhung, Ảnh: AloBacsi và NVCC

Dược sĩ Nguyễn Thu Phượng

- Sinh năm 1949 tại Đồng Tháp.

Cha đi tập kết, mẹ nuôi 3 chị em gái. Nhà nghèo nên Phượng học tới nửa năm lớp nhì (tương đương lớp 4 bây giờ) thì nghỉ học đi làm mướn.

- Tháng 5/1964 cha đi tập kết ở miền Bắc trở về, đón Phượng (15 tuổi) đi Tây Ninh tham gia cách mạng. 

- Tháng 12/1964 Phượng học Dược tá tại xưởng dược trong rừng Tây Ninh, đến tháng 2/1965 ra trường. Lúc này Cục hậu cần thành lập các đội dã chiến phục vụ tiền phương (đội điều trị 6 là đội đầu tiên, thuộc Cục hậu cần miền, thường gọi là “ở R”). Phượng 16 tuổi được phân công đi “công tác độc lập dã chiến” ở Bình Long, Phước Long (nay thuộc Bình Dương, Bình Phước), phục vụ công tác điều trị thương binh. 

- Cuối 1965, Phượng rời đội điều trị dã chiến, về bệnh viện K77, phục vụ thương binh ở tuyến sau, đóng quân ở gần xã Tà Păng (Tây Ninh). Nơi đây nhiều lần bị B52 đánh thành bình địa, cả đơn vị vượt sông Vàm Cỏ chạy qua Campuchia lánh bom.

- 1968 bệnh viện K77 tách ra thành lập đơn vị K82 (thuộc đoàn 100). DS Phượng đi ra tiền phương, tham gia chiến dịch Mậu Thân, gọi là đi “xuống đường”.

- Tháng 12/1968 DS Phượng trở về rừng, được gửi qua Ban dân y miền Nam để học Dược trung. Cùng đi có một bạn nam, sau này hai người kết hôn. Tháng 6/1969 ra trường.

- Đầu năm 1970 DS Phượng được điều về đội điều trị 83 (thuộc đoàn 100), đến tháng 5/1970 gặp trận càn Đông Dương, cả đơn vị “chạy càn” suốt 20 ngày bên đất bạn Campuchia. 

- Năm 1972 DS Phượng về xưởng dược (cũng ở trong rừng).

- Năm 1973 DS Phượng trở lại bệnh viện K83, K24 và một số bệnh viện khác.

- Năm 1975 giải phóng, DS Phượng cùng chồng con về kho Dược tại quận 10 TPHCM. Ngôi nhà của gia đình bà cũng ở đây. 

- Năm 1989 DS Phượng nghỉ hưu sớm, khi mới 40 tuổi. Bà cùng gia đình đi làm nông ở Trị An (Đồng Nai). 

- Năm 2003 điều trị ung thư vú giai đoạn 3.

- Năm 2010, DS Phượng bắt đầu tham gia các đoàn khám bệnh thiện nguyện, duy trì cho đến nay.

Khen tặng:

- Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2023)

- Huân chương kháng chiến hạng nhì

- Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất - nhì - ba.

- Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất - nhì - ba

- Huy chương vì sức khoẻ nhân dân

Và nhiều giấy khen khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X