Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Khôi: Người đặt nền móng cho Khoa Tuyến vú, truyền lửa cho Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy
Chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” lần thứ 10 do Phòng Công tác xã hội và Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức ngày 17/10/2024 là một chương trình hết sức đặc biệt vì có sự tham dự của Giáo sư - Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người được bệnh nhân nghèo gọi là ông Bụt, được đồng nghiệp yêu mến, được thế hệ đàn em quý trọng gọi bằng thầy.
Sau khi dành tặng các y bác sĩ và các chiến binh K một ca khúc gắn liền với thời tuổi trẻ, GS Nguyễn Văn Khôi đã ôn lại kỷ niệm với người thầy lớn của mình - GS Nguyễn Chấn Hùng:
“Thầy Chấn Hùng làn người thầy lớn dạy chúng tôi ở Bệnh viện Bình Dân khi tôi còn là sinh viên, thầy luôn ưu ái các học trò nhưng trong ánh mắt của thầy luôn có sự thôi thúc chúng tôi phải học nâng lên. Thầy viết xong cuốn nào hay là gởi cho tôi đọc. Thầy trò chúng tôi hay gọi chúc Tết đầu năm, có năm tôi được thầy gọi chúc Tết sớm ngay mùng một, đó là kỷ niệm tôi nhớ mãi.
Ngày xưa tôi làm ngoại lồng ngực, sau này tôi chuyển sang làm tuyến vú (theo nhu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy). Gặp thầy Chấn Hùng, thầy hỏi: “Ô sao bây giờ em làm tuyến vú?”, tôi trả lời: “Thầy làm chưa hết thì công việc của thầy, em phải làm tiếp”, thầy vỗ vai tôi rất vui”.
Được nghe một vị giáo sư ở độ tuổi U70 vẫn nhắc nhớ về thầy của mình, ai nấy bồi hồi xúc động. Trong đó có 2 người “học trò” của GS Nguyễn Văn Khôi là PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng khoa Tuyến vú và ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, là thế hệ đã được GS Khôi trao truyền kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm và tinh thần tận tâm, tận tụy chăm lo cho bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1999, khi BS Huỳnh Quang Khánh đậu nội trú vào Bệnh viện Chợ Rẫy đã được GS Khôi dìu dắt. Kỷ niệm về những đêm thầy trò trực chung ở khoa Ngoại lồng ngực, đến giờ PGS Khánh vẫn còn nhớ mãi.
“Khi tôi vừa ở cấp cứu lên, thầy hỏi cấp cứu mời ca gì vậy, xử lý như thế nào… Tôi rất ngạc nhiên vì trong đêm khuya như vậy, chỉ có tiếng động mở cửa đi vào mà thầy cũng đoán được tôi đi làm công việc gì và muốn biết kết quả có trọn vẹn hay không. Lúc nào thầy cũng lo lắng cho đàn em và bệnh nhân, ngay đêm khuya tôi cũng phải báo cáo với thầy đầy đủ”.
Và còn rất nhiều điều PGS Khánh học từ thầy khi đi phụ mổ, thầy rất chỉ chu, kỹ càng, đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu. Kể cả những chuyện đơn giản nhất là đi theo người bệnh từ khoa lên phòng mổ, động viên người bệnh, đối chiếu thông tin tên tuổi, vị trí tổn thương… để tránh những sai sót nhỏ nhất có thể xảy ra.
Khi thành lập đơn vị Tuyến vú (nay là khoa Tuyến vú), GS Nguyễn Văn Khôi cũng là người đặt nền móng, luôn sâu sát với sự phát triển của đơn vị, từ vấn đề nhân sự cho tới chuyên môn. Đặc biệt, dù đang ở cương vị lãnh đạo bệnh viện, “người thầy thuốc hai lần mặc áo lính” vẫn sẵn sàng khăn gói cùng đồng nghiệp trẻ ra nước ngoài đi học kỹ thuật mới. Hình ảnh đó khiến PGS Khánh hết sức khâm phục: “Mặc dù thầy lớn tuổi nhưng thầy vẫn đi theo lâm sàng trong phòng bệnh, phòng mổ từ sáng tới tối mịt, không hề nghỉ ngơi”.
Trong hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, GS Nguyễn Văn Khôi đã giúp đỡ được nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và chỉ đạo Phòng Công tác xã hội của bệnh viện vận động các nguồn lực hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Những câu nói của GS Khôi đã được ThS Lê Minh Hiển và đội ngũ Công tác xã hội luôn khắc ghi:
“Người bệnh khó chịu trong người thì bác sĩ phải chịu khó, nhất là với những bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, thường là những trường hợp nặng, có khi phải bán những tài sản quý giá nhất để chữa bệnh”.
GS Khôi khẳng định: “Nếu dân gian có câu “lá lành đùm lá rách” thì tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tinh thần của chúng tôi là “lá rách đùm lá nát”, cho nên vai trò của người làm công tác xã hội là rất quan trọng”.
ThS Lê Minh Hiển chia sẻ: “Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi đầu tiên thành lập Đơn vị Y xã hội (tháng 10/2008) để tiếp nhận, hỗ trợ cô bác có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh tới. Các khoa lâm sàng có phương tiện chẩn đoán và điều trị nhưng có những kỹ thuật cao, chi phí lớn ngoài danh mục BHYT hỗ trợ thì đơn vị Y xã hội phải chăm lo cho cô bác.
Đến 2009-2010, sự phối hợp giữa Y xã hội và các khoa lâm sàng được thuận lợi, thầy Khôi đã nhắc chúng tôi: “Bệnh nhân có bế tắc về tài chính nhưng không bế tắc về y khoa thì đơn vị Y xã hội lo”.
Đó là điều chúng tôi luôn ghi nhớ khi thực hành công việc, nhất là khi trong quá trình làm sẽ phát sinh những trục trặc, khó khăn, phải có ý chí, cái tâm đồng hành cùng người bệnh, công việc này vượt qua các khung thời gian, bất kể ngày nghỉ hay đêm khuya”.
Hiện nay GS Nguyễn Văn Khôi vẫn đang là cán bộ giảng dạy Bộ môn Ngoại Lồng ngực - Tim mạch, Trường ĐH Y dược TPHCM. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thầy là người trực tiếp giảng dạy sinh viên đại học, sau đại học và những lớp chuyên đề Tuyến vú. GS Khôi cũng là giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và là Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Y.
Dù đã GS Khôi đã bước qua tuổi nghỉ hưu, song mọi người vẫn thấy mái tóc bạc phơ của thầy lúc ở Trung tâm Ung bướu, khi ở các hội thảo khoa học, lúc ở phòng Công tác xã hội.
Nhân ngày 20/11 PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh gửi lời chúc đến người đã dìu dắt mình: "Xin chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tràn đầy nhiệt huyết để dẫn dắt các thế hệ đàn em đi theo, đạt được những thành tích tốt hơn, để giúp được người bệnh tốt hơn, nhiều thế hệ sinh viên y khoa giỏi hơn”.
Đối với phòng Công tác xã hội, ThS Lê Minh Hiển và các anh chị em luôn nhớ đến sự chỉ dẫn của thầy trong những ngày đầu tiên: "Xin hứa với thầy sẽ phát huy lời dạy của thầy, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Nhân dịp 20/11, kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, an vui, luôn dõi theo kết quả mà chúng tôi đang thực hiện”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình