Hotline 24/7
08983-08983

12 năm đặt stent mạch vành, nhờ đoàn khám từ thiện mới được gặp bác sĩ Chợ Rẫy

Đặt stent mạch vành đã 12 năm nhưng ông Lê Văn Rý vẫn chưa trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám. Nhờ có chuyến khám bệnh và sàng lọc bệnh tim cho người dân Bình Đại, Bến Tre của khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy mà ông được kiểm tra tình trạng bệnh của mình.

2 ngày cuối tuần 25-26/3/2023, khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 2 chuyến khám bệnh, sàng lọc bệnh tim cho người dân Bến Tre ở 2 huyện Bình Đại và Thạnh Phú. Nhờ đó, nhiều bà con ít có điều kiện đến thành phố lớn thăm khám có cơ hội được gặp các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cuối.

Từ 5h30 sáng 25/3, chuyến xe chở các bác sĩ và điều dưỡng, dược sĩ của khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy, dẫn đầu là trưởng khoa - TS.BS Lê Thành Khánh Vân khởi hành đi đến xứ dừa.

Trung tâm y tế huyện Bình Đại tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, cách trung tâm tỉnh Bến Tre khoảng 50km

Hơn 9 giờ, đoàn đến Trung tâm y tế huyện Bình Đại. Các thành viên nhanh chóng bố trí khu vực đo huyết áp, khám bệnh, siêu âm tim, phát thuốc và tặng quà.

Hơn 300 bà con đã có mặt từ sớm, mong được gặp bác sĩ “Chợ gẩy”

Bà con đã nộp thư mời và đợi gọi tên

Tiếp đến là đo huyết áp và nhịp tim, rồi qua 3 phòng khám để gặp các bác sĩ

TS.BS Lê Thành Khánh Vân và BS Đào Thị Yến Như phụ trách khám người lớn

Các em bé thì ghé vào phòng của TS.BS Đoàn Văn Phụng và đồng nghiệp

BS Huy phụ trách siêu âm tim. Nguồn điện ở trung tâm y tế không được ổn định khiến công việc này hơi chật vật.

Sau khi có toa, bà con đi ra quầy phát thuốc được bố trí gần cổng

Trời trưa oi ả, không có quạt, các dược sĩ vẫn nhanh tay phát thuốc

... và tận tình hướng dẫn cách uống thuốc cho bà con

Chị Trần Thị Thùy Linh - Chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Đại cho biết số thư mời đã phát đi là 300 nhưng có đến 357 bệnh nhân đến khám

Bình thường, từ sáng đến chiều Trung tâm y tế huyện Bình Đại tiếp nhận khoảng 250-350 bệnh nhân. Số lượng người đến với đoàn y bác sĩ Chợ Rẫy sáng 25/3 tương đương số bệnh nhân cả ngày cộng lại của trung tâm.

Qua 2 chuyến khám bệnh ở 2 huyện Bình Đại và Thạnh Phú, đoàn ghi nhận được 6 trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh từ 6 tháng cho đến 3-4 tuổi. Hội chữ thập đỏ địa phương và phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp để đưa các bé về Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật, can thiệp... vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân đáng chú ý, như ông Lê Văn Rý (59 tuổi) đặt stent mạch vành tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã 12 năm vẫn chưa tái khám.

Nếu không gặp đoàn khám bệnh lần này, chẳng biết khi nào ông Lê Văn Rý mới được kiểm tra lại tình trạng bệnh tim của mình, bởi nợ nần vay mượn từ chuyến đi Sài Gòn "đặt cái ten" 12 năm trước vẫn chưa trả hết. Sau khi về nhà ông có đến trung tâm y tế huyện lấy thuốc nhưng không thường xuyên. Gặp lại bác sĩ Chợ Rẫy, ông cho biết hiện tại không uống thuốc chống đông. Theo TS.BS Lê Thành Khánh Vân, tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ tắc stent, nghiêm trọng như một cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Bé Lê Nhựt Quang (11 tuổi) có bệnh tim bẩm sinh thông liên thất. Mẹ bé biết bệnh của con từ hồi khám ở bệnh viện nhi đồng trên Sài Gòn. Bác sĩ nói theo dõi, hẹn 4 tuổi tái khám nhưng đến nay quá hẹn 7 năm chị vẫn chưa lo cho con đi tái khám được. May mà gặp đoàn bác sĩ Chợ Rẫy về Bến Tre khám bệnh.

Ông Huỳnh Phúc Châu (72 tuổi) bị suy tim nặng nhưng việc uống thuốc rất chập chờn. TS.BS Đoàn Văn Phụng giải thích cặn kẽ với ông về tầm quan trọng của việc phải tái khám, uống thuốc đều đặn.

Bà Nguyễn Thị Cương (58 tuổi) có hoàn cảnh hết sức éo le. Bà thôi chồng hơn 20 năm, không có con. 5 năm trước bà bị tai biến mạch máu não, giờ chịu di chứng run lưỡi, run chân tay, phải vịn tường mà đi chứ không chống gậy được. Thuốc mỗi ngày 2 viên giúp bà đỡ run được 2 giờ sau khi uống. Có lần đang đi chợ thì bà Cương lên cơn run, phải nhờ người ta đưa về. Từ đó, bà chỉ quanh quẩn ở nhà. Nếu không nhờ được người đi chợ dùm thì bà đành ăn cơm không.

Vợ chồng ông Vũ Hoa Chánh (78 tuổi) và bà Bùi Thị Tươi (69 tuổi) đều cao huyết áp và có các bệnh nền của tuổi già nhưng việc uống thuốc gặp nhiều khó khăn vì "không thấy đường", không biết mình uống thuốc gì. Mỗi lần đến trạm y tế nhận thuốc đem về đều phải nhờ người sáng mắt chia thuốc dùm.

Cặp đôi chồng mù vợ mờ (mắt mờ) đi bộ 3km từ sáng đến địa điểm khám để tiết kiệm 80 ngàn đồng tiền xe ôm. Đôi mắt mù hẳn nên ông Chánh không làm được việc gì, ăn cơm bà cũng phải giúp. Bà Tươi làm nghề nhặt ve chai nên tranh thủ gom vài chai nhựa đem về. Khám xong, trên đường ra chỗ lấy xe, mò mò đụng trúng cây cột, cặp vợ chồng dừng lại mấy giây hục hặc nhau: tại ông, tại bà... rồi nối nhau đi tiếp. Những va vấp này đối với hai ông bà đã quá đỗi bình thường.

Qua nhiều chuyến khám bệnh ở các tỉnh miền Tây, TS.BS Lê Thành Khánh Vân lo ngại về tình hình bà con kiểm soát huyết áp không tốt, có bệnh nền nhưng không uống thuốc đều đặn, thường bỏ qua việc tái khám. Lý do thì rất nhiều, vì hoàn cảnh kinh tế, vì chưa nhận thức đúng việc phải điều trị duy trì, cũng có khi nghe người này người kia mà chuyển qua phương pháp chữa bệnh khác... BS Khánh Vân mong bà con hãy xem việc uống thuốc điều trị bệnh nền như việc thường ngày phải làm, như cơm ăn nước uống để duy trì sức khỏe ôn định.

Kết thúc buổi khám bệnh ở Bình Đại vào 13g30, đoàn tiếp tục khám tại huyện Thạnh Phú vào hôm sau, chủ nhật 26/3 - ảnh Nguyễn Huy.

Bài và ảnh: Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X