Trả lời chùm câu hỏi cách dùng thuốc hạ sốt Hapacol cho trẻ
Vì sao uống Hapacol mà không hạ sốt? Uống Hapacol trước khi sốt được không? Có nên pha Hapacol với sữa cho trẻ dễ uống? Bé nôn hết thuốc có cần cho uống lại?...
Trẻ sốt cao, vì sao uống Hapacol không đỡ?
Bé được 7,5 tháng sốt nhiều ngày trên 39 độ C, tay chân lạnh nhưng cả đầu rất nóng, cho bé uống hạ sốt Hapacol nhưng cách vài tiếng bị sốt lại. Như vậy là biểu hiện của bệnh gì và có nguy hiểm không?
Chào em,
Bé con sốt nhiều ngày trên 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không đỡ có thể là dấu hiệu bé mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó hoặc có thể sốt xuất huyết. Em cần đưa bé đi bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho làm xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân chính xác. Không nên để bé ở nhà lâu.
Khi sốt cao, cơ thể bé thường lạnh run, ngoài cho bé uống thuốc hạ sốt, mẹ cần kết hợp lau mát khắp cơ thể (chú ý vùng trán, nách, bẹn); không nên ủ ấm dù thấy chân tay bé lạnh. Đặc biệt, không nên nôn nóng vừa cho uống thuốc hạ sốt vừa dùng viên đặt hậu môn hoặc miếng dán, vì như vậy sẽ gây nên tình trạng quá liều.
Chúc bé con chóng khỏe để mẹ đừng lo lắng nhé.
Hapacol là thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng
Uống Hapacol trước khi sốt được không?
Chào bạn,
Khi vi trùng, siêu vi… xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại và khi đó sốt là một trong những phản ứng có lợi của cơ thể nên chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt hoặc sốt cao trên 38,5 độ C.
Tuy không cần thiết uống thuốc hạ sốt trước khi sốt nhưng bạn cũng cần lưu ý, thuốc hạ sốt là loại đầu bảng cần phải dự trữ. Bởi sốt là một phản ứng cấp tính dễ dàng gây ra biến chứng với trẻ em và người già. Vì thế chúng ta cần khẩn trương hạ sốt ngay khi có nguy cơ sốt sẽ lên quá cao. Lý do nữa đó là thuốc hạ sốt lại tương đối an toàn và dễ dùng, có thể tự dùng tại nhà mà ít khi gây ra những phản ứng đặc biệt nghiêm trọng.
Hapacol có thành phần là paracetamol. Chỉ định điều trị các triệu chứng đau trong các trường hợp đau đầu, đau nửa đầu, đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau họng, đau nhức cơ xương, đau do viêm khớp, đau sau khi tiêm ngừa hay nhổ răng. Hạ sốt ở bệnh nhân bị cảm hay những bệnh có liên quan đến sốt.
Chống chỉ định: Quá mẫn cảm với Paracetamol. Người bệnh thiếu máu, có bệnh tim, phổi, thận. Các trường hợp: thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD); suy chức năng gan.
Do đó, bạn có thể dự trữ Hapacol trong tủ thuốc gia đình phòng khi cần.
Thiếu men G6PD có uống Hapacol được không?
Bé nhà tôi 7,5 tháng nặng 7,5kg bị thiếu men G6PD có uống được thuốc hạ sốt Hapacol không?
Chào em,
Theo chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới thì bé của bạn chỉ hơi nhẹ cân chút xíu nhưng chưa bị suy dinh dưỡng.
Thiếu men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) là bệnh lý của gen nên không khỏi được. Bệnh không nguy hiểm, bé vẫn phát triển bình thường, vì vậy bạn không nên lo lắng. Bé chỉ cần tránh dùng các loại thuốc có thể gây ra tình trạng tán huyết.
Về thuốc hạ sốt Hapacol có thành phần chính là paracetamol được khuyến cáo hạn chế dùng với các bé thiếu G6PD. Do vậy, khi bé bị bệnh bạn nên đưa bé đi khám và thông báo cho bác sĩ biết bé mắc bệnh này, bác sĩ sẽ chọn lựa và dùng thuốc thích hợp cho bé.
Hapacol pha với sữa hoặc nước trái cây cho bé dễ uống được không?
Chào bạn,
Thuốc hạ sốt Hapacol dành cho trẻ (hàm lượng 150mg, 250mg, 325mg) được bào chế dạng bột, có vị ngọt và hương cam dễ uống. Bạn chỉ cần hòa tan với nước sôi để nguội và cho bé uống là được.
Về câu hỏi của bạn, xin nói thêm là không nên pha thuốc - không chỉ Hapacol mà tất cả các loại thuốc khác - với sữa hoặc nước trái cây. Vì các thành phần chất khoáng đa vi lượng và canxi trong sữa và trái cây sẽ làm chậm sự hấp thu của thuốc, hoặc tạo thành phức hợp khó tan khiến trẻ không hấp thu được thuốc.
Để giúp bé nhà mình bớt sợ thuốc, mẹ có thể làm tê đầu lưỡi bé bằng một viên đá lạnh trước khi uống và sau khi uống thuốc xong, cho bé một chút xíu đường hoặc viên kẹo ngọt để tránh dư vị thuốc. Đối với trẻ nhỏ hơn, nên hoà thuốc viên, thuốc bột với ít nước cho thêm đường để trẻ dễ uống.
Bé nôn hết thuốc Hapacol có cần
cho uống lại?
Bé nhà mình 4 tuổi nặng 15,5kg.
Bé sốt trên 38,5 độ. Mình cho uống 1 gói Hapacol 250ml. Vừa uống được tầm 10
phút bé bị nôn hết ra nước màu cam, mùi thuốc. Như vậy bé cần uống lại luôn 1
gói 250mg nữa không? Hay chỉ nên cho uống 1 gói 150mg lại thôi? Chào bạn, Với trẻ nhỏ, do chức năng nuốt của chúng chưa hoàn thiện, nên rất khó
tránh khỏi việc sặc và nôn thuốc. Ngoài ra, cảm giác khó chịu khi uống thuốc
cũng dễ làm trẻ bị nôn. Nếu trẻ nôn thuốc sau khi uống không lâu, bạn nên bổ sung lại lượng thuốc
đó, nếu không sẽ không đạt hiệu quả trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, cũng xin lưu ý với bạn, một số trường hợp với các loại thuốc
trị bệnh hen suyễn như theophyllines, một số loại thuốc điều trị tim mạch, thuốc
ho và siro trị ho, bạn không nên cho trẻ dùng lại nếu bị nôn. Nguyên nhân là do
các loại thuốc này xâm nhập vào máu nhanh, nếu bạn cho con uống thuốc lại thì
nó có thể gây quá liều và khiến trẻ bị ngộ độc thuốc. Nếu con bạn đang dùng thuốc
điều trị bệnh mạn tính cho con thì nên tham khảo ý kiến của bác sỹ về cách xử
lý khi trẻ bị nôn trớ nhé!
BS.CK2
Nguyễn Thị Thanh
(Nguyên Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình