Phụ nữ thiếu hụt nội tiết tố có biểu hiện gì, bổ sung ở giai đoạn nào đúng nhất?
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ có sự thay đổi về nội tiết tố, khiến cơ thể khó chịu. Có nhiều phương pháp để chị em bổ sung nội tiết tố, nhưng bổ sung vào giai đoạn nào là đúng nhất? TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Giảng viên Đại học Y dược TPHCM sẽ có những chia sẻ về vấn đề này.
1. Estrogen có vai trò gì với sức khỏe người phụ nữ?
Estrogen được ví như “suối nguồn tươi trẻ” của phụ nữ. Nhờ bác sĩ khái quát về hoạt động của estrogen trong suốt cuộc đời của phụ nữ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Estrogen đối với cơ thể phụ nữ là bài giảng cần khoảng 8-10 tiết để dạy cho sinh viên y khoa, nghĩa là nó rất rộng.
Nếu người đàn ông có nội tiết tố androgen, testosterone, còn người phụ nữ phải có estrogen và progesteron. Estrogen là nội tiết tố đại diện cho phái nữ. Nếu không có estrogen, không gọi là người phụ nữ. Nếu không có estrogen, tóc sẽ khô và gãy rụng; da nhăn, nám, lão hóa, mặt bị xệ, có nếp nhăn.
Nếu có estrogen, ở tuổi xuân cơ thể sẽ chia ra vòng 1, vòng 2, vòng 3. Nếu mất estrogen các vòng này sẽ bị đối nghịch, chỗ muốn to ra thì nhỏ đi và ngược lại. Phụ nữ muốn ngực to ra như tuổi trẻ nhưng khi về già hết estrogen, ngực sẽ nhỏ lại. Ở tuổi trung niên, estrogen giảm, bụng lại phình ra; mông xệ xuống và teo lại.
Như vậy, estrogen là nội tiết tố cơ bản để đại diện cho đặc tính của phái nữ và nó ảnh hưởng từ đầu đến chân, từ ngoài vào trong cơ thể của người phụ nữ. Nếu estrogen bị thay đổi và giảm đi thì có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan của người phụ nữ. Estrogen thường giảm ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Một người phụ nữ ở tuổi dậy thì có khoảng 300 trứng và theo nguyên tắc mỗi tháng có một trứng rụng. Như vậy, khoảng đến 48-50 tuổi, phụ nữ sẽ hết trứng. Mà estrogen được tiết ra từ trứng nên nó cũng không còn nữa.
Đó là chuyện người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Đó không phải là chuyện ghê gớm nhưng chúng ta phải chấp nhận và hiểu nó như thế nào để có thể vượt qua những khó khăn do nó gây ra và cải thiện cuộc sống tốt hơn.
2. Những nội tiết tố nào ảnh hưởng đến sức khỏe và vóc dáng của phụ nữ?
Ngoài estrogen, còn có nội tiết nào ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc vóc của người phụ nữ ạ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Khi nói đến estrogen, người ta luôn nói thêm một nội tiết tố đi kèm đó là progesterone - hai nội tiết tố quan trọng của người phụ nữ.
Khi trứng phát triển từ trứng non thành trứng trưởng thành để chuẩn bị rụng trứng, sẽ có một nội tiết tố được tiết ra từ trứng là estrogen. Nếu trứng bình thường, nó sẽ nức và phóng noãn ra (người ta gọi là rụng trứng). Từ vị trí phóng não tiết ra một nội tiết tố thứ hai đó là progesterone.
Progesterone có nhiệm vụ làm cho niêm mạc tử cung dày thêm, có nhiều mạch máu nhôi, có nhiều dinh dưỡng để đón trứng làm tổ nếu trứng đã gặp tinh trùng để thụ thai.
Nên một người phụ nữ phải có 2 nội tiết tố estrogen và progesteron nhưng không phải ai cũng điều hòa được 2 nội tiết tố này . Nếu một người phụ nữ chỉ có estrogen là bất thường. Trong trường hợp buồng trứng đa nang, nghĩa là có rất nhiều nang nhỏ phát triển nên nhiều estrogen nhưng không rụng trứng nên người đó không có progesteron. Gọi là người cơ địa estrogen và thường ít hoặc không rụng trứng.
Những người phụ nữ này thường có dấu hiệu nhận biết như da trắng, mập, mướt, mượt, tóc nhiều, rậm lông, mặt có thể có mụn. Những người này thường dễ bị ung thư nội mạc tử cung, dễ bị ung thư vú hơn so với người bình thường.
Người cơ địa progesterone, nghĩa là có rụng trứng, người hơi khô và mảnh hơn, ít mỡ nhưng khỏe hơn và dễ có bầu.
Người phụ nữ bình thường phải có hai nội tiết tố estrogen và progesterone tồn tại cho đến khi người phụ nữ đến độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.
Tiền mãn kinh nghĩa là không rụng trứng, khi đó estrogen vẫn còn nhưng progesterone hết và được gọi là cường estrogen tương đối. Sau đó buồng trứng hết hoạt động thì estrogen giảm đi , khi đó cả hai nội tiết tố cùng giảm, người phụ nữ đi vào giai đoạn mãn kinh.
3. Những dấu hiệu gì cho thấy bất thường nội tiết tố ở người phụ nữ?
Dấu hiệu nào cho thấy nội tiết tố của phụ nữ đang gặp “trục trặc”, thưa bác sĩ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Nội tiết tố luôn được phản ánh bằng các triệu chứng. Ví dụ người dư estrogen như buồng trứng đa nang thì kinh nguyệt ít hoặc vô kinh, nghĩa là một năm có kinh khoảng 2 lần, không có kinh nguyệt hoặc kỳ kinh nguyệt ngắn (khoảng 1 ngày).
Trường hợp thứ hai là vừa có estrogen và progesterone, cơ thể phát triển đều đặn, hành kinh đều.
Trường hợp thứ ba là người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, nội tiết tố thay đổi, có thể thiếu progesterone hoặc estrogen và sẽ có triệu chứng như bốc hỏa,...
Câu hỏi đặt ra là làm sao để những người phụ nữ nhận biết được nội tiết tố trong cơ thể họ có sự thay đổi? Đó là dựa vào kinh nguyệt.
Kinh nguyệt phản ánh hoạt động nội tiết của buồng trứng mỗi người phụ nữ. Nếu người phụ nữ 49 tuổi, khoảng 2-3 tháng không có kinh hoặc trong tháng có kinh 2-3 lần thì có thể họ bị rối loạn tiền mãn kinh.
Nếu một người mập, trắng, da mướt, mượt, tóc nhiều và đã lấy chồng 5 năm nhưng chưa có con và 1 năm chỉ có kinh 2 lần, nghĩa là người đó đã bị buồng trứng đa nang.
Chưa cần khám, siêu âm bác sĩ cũng có thể nhận biết được người phụ nữ này bị buồng trứng đa nang và chẩn đoán này chính xác tối thiểu trên 80%.
Từ đó, ta có thể thấy rằng tất cả sự thay đổi về nội tiết tố của người phụ nữ đều phản ánh qua kinh nguyệt. Tuy nhiên, có một số ít người phụ nữ không bao giờ có kinh nhưng họ vẫn có con, đó là do niêm mạc của họ có một dạng bất thường, không bong tróc nhưng hàng tháng vẫn rụng trứng.
4. Phụ nữ có vòng một nhỏ, bổ sung nội tiết tố có hiệu quả không?
Một số phụ nữ cảm thấy vòng một của mình khiêm tốn quá, đó có phải là dấu hiệu cần bổ sung nội tiết tố không ạ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Nội tiết tố estrogen làm cho người phụ nữ phát triển mông và ngực. Estrogen có tác động đến việc làm cho ngực to lên.
Tuy nhiên, ngực của người phụ nữ có hai phần, gồm ống tuyến vú và mô mỡ bao bên ngoài. Vấn đề ở người phụ nữ là ngực bị thiếu ở phần nào. Nếu người phụ nữ đó quá ốm thì không thể đòi hỏi có ngực bự, hoặc người đó quá mập, ngực bự nhưng lại không có sữa, vì ống tuyến vú nhỏ, ngực chỉ toàn mỡ.
Do đó, vấn đề dùng estrogen để cải thiện vòng 1 là không có cơ sở. Do đó mới có những cuộc thẩm mỹ đặt tuyến ngực, nếu không thì người ta dùng nội tiết tố chứ không cần mổ.
Tùy cơ địa từng người, có phụ nữ ngực rất nhỏ nhưng khi sinh em bé thì rất nhiều sữa và phụ nữ ngực rất bự nhưng lại không có sữa khi sinh con.
Như vậy sữa nhiều hay ít phụ thuộc vào cấu trúc hệ thống tuyến sữa, hệ thống ống dẫn sữa, hệ thống ống tạo sữa,... chứ không phải do nhiều mô mỡ.
5. Phụ nữ bổ sung nội tiết tố giai đoạn nào đúng nhất?
Như vậy, phụ nữ nên bổ sung nội tiết tố giai đoạn nào, và bổ sung chất gì là đúng?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:
Tùy theo từng đối tượng mà chúng ta cần bổ sung, việc bổ sung nội tiết tố chia làm nhiều mảng khác nhau.
Những trường hợp phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố như buồng trứng đa nang thì người phụ nữ đó thiếu nội tiết tố progesterone. Các bác sĩ phải điều trị như thế nào để người phụ nữ đó rụng trứng. Khi rụng trứng được, họ có thêm progesterone. Như vậy, người phụ nữ sẽ có thể mang bầu và niêm mạc bong theo chu kỳ kinh.
Đối với trường hợp tiền mãn kinh và mãn kinh, hai nội tiết tố bị giảm xuống gây ảnh hưởng cho cơ thể từ đầu đến chân. Các bác sĩ chia thành ba nhóm.
Với nhóm nhẹ, người phụ nữ chỉ cần tập thể dục, đi ra môi trường bên ngoài, giao tiếp, vui vẻ, sống năng động, thoải mái; hạn chế ăn tinh bột, tăng cường ăn rau, trái cây, vitamin,... sẽ cải thiện được.
Với nhóm vừa, các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nội tiết ở mức độ thấp và có thể lựa chọn nội tiết thiên nhiên sẽ tốt hơn cho người phụ nữ.
Với nhóm nặng, trầm cảm, muốn tự tử, cả nhà xa lánh thì bắt buộc phải dùng hormon điều trị. Hormon điều trị phải là thuốc có thể nguồn gốc tự nhiên hoặc nguồn gốc từ hóa chất.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng thuốc là con dao hai lưỡi. Vì vậy khi dùng chúng ta cần cân nhắc cái lợi và cái hại. Các bác sĩ và bệnh nhân cần trao đổi với nhau bao nhiêu điểm lợi và bao nhiêu điểm hại và người bệnh phải lựa chọn.
Người bệnh khi được lựa chọn thuốc họ phải hiểu và phải chấp nhận điều bất lợi đó. Bác sĩ sẽ nói với bệnh nhân rằng khi có các bất lợi này người bệnh phải tái khám 6 tháng 1 lần để kiểm tra xem những bất lợi đó có xảy ra hay không. Nếu chẳng may xảy ra các bất lợi, bác sĩ sẽ giúp đỡ bệnh nhân giải quyết tốt nhất.
Người phụ nữ không được tự ý mua thuốc uống bởi đã có trường hợp ung thư nội mạc tử cung và bùng phát ung thư vú vì lý do này.
Nhiều bệnh nhân rong kinh, ra huyết âm đạo bất thường do tự ý mua thuốc uống và tìm đến bác sĩ để điều trị. Vì vậy, người bệnh không được tự ý “làm bác sĩ” nhé.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình