Phụ nữ cần làm gì khi gặp cơn “bốc hỏa” tiền mãn kinh?
Không ít chị em bị giày vò bởi 20 cơn “bốc hỏa” mỗi ngày, khiến tâm trạng trở nên bất ổn, hay cáu gắt với gia đình và cả đồng nghiệp. Vậy làm thế nào để vượt qua tình trạng này? Tất cả sẽ được giải đáp qua phần chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Giảng viên Đại học Y dược TPHCM.
1. “Bốc hỏa” tiền mãn kinh là gì?
Cơn “bốc hỏa” biểu hiện hay gặp của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, vậy hiện tượng “bốc hỏa” là gì, tại sao có hiện tượng này?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: “Bốc hỏa” là từ tượng thanh và tượng hình, nghĩa là lửa bốc phừng phừng. Đó là cảm giác nóng từ ngực lan lên cổ, vai, mang tai và đầu, mặt lúc này sẽ đỏ, cảm giác nóng như nước sôi hắt từ dưới lên. Chính vì vậy, người ta gọi là cảm giác “bốc hỏa”.
Tại sao có hiện tượng “bốc hỏa” này? Khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ suy giảm nội tiết tố estrogen và progesteron. Đây là nguyên nhân làm rối loạn điều hòa nhiệt, rối loạn thân nhiệt, đưa đến tình trạng "bốc hỏa". Từ đó kéo theo hàng loạt những thay đổi.
Ví dụ, khi nóng các chị em sẽ dùng máy lạnh, quạt để giải nhiệt nhưng sau khoảng 2-5 phút bắt đầu chuyển sang cơn lạnh run. Cảm giác này làm cho người phụ nữ phải trùm mền nhưng chưa kịp ngủ thì lại có cơn nóng bừng bừng, phải thức giấc để bật quạt, máy lạnh. Cứ liên tục như vậy trong đêm khiến các chị em mất giấc ngủ và chào đón ngày mới với tâm trạng mệt mỏi, không muốn làm việc.
“Bốc hỏa” là dấu hiệu cảnh báo nội tiết tố đã suy giảm, các quý cô đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. “Bốc hỏa” dẫn đến nhiều hệ lụy như thay đổi về tâm sinh lý, thay đổi tính tình, dễ nóng giận, buồn phiền, khóc mếu, la mắng vô cớ,… Đây là nguyên nhân làm cho đồng nghiệp ngại tiếp xúc và dần xa rời, các chị em sẽ rơi vào trạng thái cô đơn - một tình trạng khiến chúng ta cảm thấy tủi thân, đau khổ nhất.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Nguyên Trưởng khoa Sản, BV ĐH Y Dược TPHCM, Nguyên Giám đốc y khoa, Bệnh viện Phụ sản Mekong
2. Ngoài tiền mãn kinh, cơn “bốc hỏa” thường gặp trong những bệnh lý nào?
Ngoài giai đoạn tiền mãn kinh, cơn nóng tương tự cơn “bốc hỏa” có thể gặp trong bệnh lý nào, do nguyên nhân nào khác không, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Khi nhắc đến “bốc hỏa", phần lớn sẽ nghĩ ngay đến tiền mãn kinh và mãn kinh.
Tuy nhiên, cũng có bệnh lý gây ra triệu chứng gần giống với cơn “bốc hỏa”. Khi đó, bệnh nhân sẽ có cảm giác nóng bỏng một bên mặt, tổn thương dây thần kinh mặt. Triệu chứng cũng nóng như nước sôi nhưng trái với cảm giác của tiền mãn kinh và mãn kinh là nóng toàn bộ từ ngực, vai, đầu, mặt.
Song, cho đến nay, "bốc hỏa" vẫn được xem từ đại diện cho việc suy giảm nội tiết tố của người phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Theo nghiên cứu, tuổi tiền mãn kinh của người phụ nữ TPHCM từ 47-50 tuổi. Nhưng có những chị em chỉ mới 35 tuổi đã bắt đầu xuất hiện những triệu chứng này và họ không nghĩ rằng đây là giai đoạn tiền mãn kinh. Nhưng thực tế, một số trường hợp bị hội chứng suy buồng trứng sớm sẽ có những triệu chứng giống như người phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Triệu chứng này có thể gặp ở những người stress nặng, băng huyết sau sinh, hội chứng teo tuyến yên và vô kinh do tổn thương tuyến yên.
Một số phụ nữ bị vô sinh và thực hiện kích trứng nhiều lần để làm thụ tinh ống nghiệm. Người phụ nữ bình thường sẽ mất 12 trứng trong một năm nhưng những người thực hiện kích trứng sẽ mất khoảng 15-17 trứng trong 1 lần thụ tinh. Như vậy, mỗi lần kích trứng, họ sẽ mất số lượng trứng rụng trong gần 2 năm. Do vậy, thay vì 45 tuổi sẽ mãn kinh thì đến năm 40 tuổi, họ đã hết trứng và mãn kinh.
Tóm lại, những trường hợp có thể gặp cơn “bốc hỏa” là phụ nữ điều trị vô sinh nhưng kích noãn quá mức, người bị suy buồng trứng sớm, người bị stress nặng hoặc người bị băng huyết sau sinh.
3. Vì sao cơn “bốc hỏa” tiền mãn kinh ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ?
Không chỉ gia đình mà các đồng nghiệp của người phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh cũng nhận thấy tính tình của họ trở nên nóng nảy hơn. Vì sao cơn “bốc hỏa” - một vấn đề tưởng chừng liên quan đến thân nhiệt, xảy ra trong phút chốc lại có thể ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ như vậy ạ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Người phụ nữ có tất cả 4 giai đoạn. Giai đoạn chuyển từ sinh sản sang tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ rất khó khăn bởi nó gây ra rối loạn ở mọi khía cạnh như thể chất, tinh thần, các mối quan hệ đều bị thay đổi.
Nhưng chúng ta cần hiểu biết rằng tất cả phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Do vậy, mỗi chị em cần phải nâng cao hiểu biết; đồng nghiệp, người chồng, con cái và bố mẹ chồng phải thông cảm.
Nhiều người thường nói phụ nữ bây giờ hay quan trọng hóa vấn đề nhưng ngày xưa chúng ta chỉ chăm chú lo cái ăn, cái mặc, không có thời gian để quan tâm đến những vấn đề khác. Còn bây giờ, chúng ta có kiến thức, có nhiều mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, các chị em tự nhìn thấy đó là những thay đổi rất quan trọng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là gia đình và bản thân người phụ nữ.
Như vậy, trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, các chị em rất cần sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu của những thành viên trong gia đình, bởi sự cô đơn trong gia đình là vấn đề rất nặng nề.
4. Phụ nữ gặp cơn “bốc hỏa” tiền mãn kinh có cần điều trị?
Cũng nhiều chị em khi biết mình có cơn “bốc hỏa”, nghĩ rằng đây là chuyện đương nhiên trong 1 giai đoạn của đời người, cứ chịu đựng rồi mọi chuyện sẽ qua. Theo BS, điều này có đúng không? Phụ nữ có cơn “bốc hỏa” có cần đi thăm khám không ạ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Quan điểm tiền mãn kinh và mãn kinh như giai đoạn tất yếu của cuộc đời là chính xác.
Vậy chị em phải chịu đựng cơn “bốc hỏa” hay nên thăm khám để điều trị? Câu trả lời đương nhiên là chị em phải lựa chọn phương pháp điều trị để có cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn.
Khi người phụ nữ phải chịu đựng cơn “bốc hỏa” không chỉ khiến bản thân mình mệt mỏi mà còn làm cho những người xung quanh bị ảnh hưởng tâm trạng theo.
Nếu phụ nữ muốn có sức khỏe tốt, duy trì vóc dáng, cuộc sống tốt hơn thì nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp và được chỉ định những loại thuốc đúng nhằm duy trì sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống ở mức tốt nhất. Như vậy, quãng đời sau giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh của người phụ nữ mới vui, khỏe, trẻ trung và năng động.
Các chị em chúng ta không nên tự làm khổ bản thân và trở nên buồn bã khi bước vào giai đoạn này.
5. Giải pháp giúp phụ nữ tiền mãn kinh vượt qua cơn “bốc hỏa”
Cơn “bốc hỏa” - khó ngủ - dễ cáu gắt là một cái vòng luẩn quẩn khiến cho chị em phụ nữ “mất điểm” trong mắt người thân, đồng nghiệp. Theo BS, có những giải pháp nào giúp phụ nữ tiền mãn kinh vượt qua giai đoạn này một cách dễ chịu hơn ạ?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Trong cuộc sống, dù ở gia đình, xã hội hay cơ quan, chị em luôn muốn nhận được sự chia sẻ, đồng hành của tất cả mọi người để hoàn thành tốt công việc. Nếu chị em cô đơn trong cơ quan, hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút.
Vậy làm sao khắc phục được những vấn đề này?
Thứ nhất, bản thân người phụ nữ phải trải lòng để những người xung quanh hiểu được đây là quá trình thay đổi.
Chị em có thể tâm sự với đồng nghiệp rằng mình đang chuẩn bị mãn kinh nên lâu lâu sẽ có cơn “bốc hỏa”. Điều này cũng khiến chính mình mệt mỏi và khó chịu. Nên nếu chẳng may “bốc hỏa” trong công việc thì đồng nghiệp hãy thông cảm.
Đồng nghiệp nữ sẽ hiểu rằng họ cũng phải gặp phải cơn “bốc hỏa” như vậy thì sự đối xử khi người phụ nữ có cơn “bốc hỏa” sẽ giảm đi. Những chia sẻ đơn giản như vậy cũng sẽ giúp cho chị em và đồng nghiệp hiểu nhau hơn, thông cảm cho nhau.
Thứ hai, người phụ nữ có thể khắc phục tình trạng “bốc hỏa” bằng cách trang bị kiến thức cho bản thân hoặc sử dụng những loại thuốc, thực phẩm chức năng. Người phụ nữ cần lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa để cân bằng ăn uống, tập luyện và sử dụng những loại thuốc bổ sung khi cần thiết.
Điều quan trọng nhất chính là sự thông cảm, chia sẻ của mọi người xung quanh, đặc biệt là người bạn đời và con cái. Nếu có sự hiểu biết, sự thông cảm, thấu hiểu với nhau thì vấn đề này sẽ nhẹ nhàng hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình