Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ đi phân lỏng: Khi nào cần dùng thuốc, dùng men vi sinh, men tiêu hóa?

Trẻ nhỏ đi ngoài phân lỏng nhiều lần luôn là nỗi lo lắng của các mẹ. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, mỗi độ tuổi, mỗi chế độ ăn sẽ khiến phân có tính chất thay đổi khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh biết được trẻ đi ngoài phân lỏng có phải do tiêu chảy không và khi nào cần gặp bác sĩ.

1. Trẻ đi phân lỏng trên 3 lần/ngày được xem là bị tiêu chảy

Nhiều phụ huynh than phiền rằng con của họ thường xuyên đi ngoài phân lỏng, uống thuốc thì hết nhưng ngưng thuốc lại tái diễn. Xin hỏi BS, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Những yếu tố hay thói quen sinh hoạt nào khiến tình trạng này kéo dài dai dẳng, thường xuyên tái phát?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ có tình trạng đi ngoài phân lỏng, phải xem xét trẻ thuộc lứa tuổi nào. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, hoàn toàn bú sữa mẹ thì phân sẽ lúc đặc lúc lỏng. Tính chất phân của nhóm trẻ này không quan trọng. Trẻ lớn hơn 6 tháng, đặc biệt là trẻ đã ăn dặm, sắc phân mới có thể xác định lỏng hay không.

Phân lỏng ở mức tiêu chảy mới được xem là bất thường. Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng trẻ đi phân lỏng trên 3 lần/ngày.

Trẻ đi phân hơi lỏng nhưng không đi ngoài nhiều lần, trẻ vẫn vui chơi bình thường, phụ huynh không cần vội vàng can thiệp. Phụ huynh cần xác định chính xác trẻ có gặp vấn đề tiêu chảy không, tính chất phân thế nào và lứa tuổi của trẻ, sau đó mới có hướng xử trí.

2. Đi ngoài phân lỏng bất thường, cần xem lại chế độ ăn của trẻ

Thưa BS, khi trẻ đi ngoài phân lỏng, phụ huynh cần làm gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đầu tiên, cần chú ý đến lứa tuổi của trẻ. Như đã đề cập, trẻ nhỏ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn, sinh hoạt bình thường, dù có đi phân lỏng cũng không nên quá lo lắng.

Thứ hai, phụ huynh hãy xem tính chất phân: phân có nhầy nhiều không, phân có máu không. Nếu có 2 dấu hiệu vừa nêu kèm theo trẻ bị sốt, có khả năng tình trạng đi ngoài phân lỏng của trẻ là bất thường.

Nếu không có dấu hiệu bất thường, không cần phải can thiệp. Trong trường hợp phụ huynh phát hiện bất thường, cần xem lại chế độ ăn liệu có phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM

3. Từ lứa tuổi và tính chất phân, có thể xác định trẻ có bệnh không

Tần suất trẻ đi ngoài thế nào là bình thường, thế nào là bất thường? Tần suất đi ngoài có thay đổi theo độ tuổi hay giai đoạn phát triển của trẻ không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi tính chất phân thay đổi, đầu tiên phải xác định độ tuổi của trẻ. Dưới 6 tháng, đặc biệt là 1, 2 tháng đến 4 tháng, tính chất phân của trẻ rất đa dạng. Có trẻ đến 5, 6 ngày mới đi ngoài nhưng cũng có trẻ trong 1 ngày đi ngoài đến 3, 4 lần.

Từ lứa tuổi và tính chất phân, có thể xác định trẻ có bệnh không.

Đến giai đoạn ăn dặm, bình thường trẻ đi ngoài dưới 3 lần/ngày. Phân có thể không thành khuôn nhưng trẻ vẫn bú, chơi, ngủ tốt thì sức khỏe của trẻ vẫn ổn định.

4. Tình trạng bất thường khi trẻ đi phân có máu, nhầy hoặc phân xanh dạng lỏng

Thưa BS, màu sắc phân của trẻ nói lên điều gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Màu sắc phân của trẻ phụ thuộc vào chế độ ăn. Phân của trẻ được xem là bất thường khi có máu, nhiều nhầy hoặc có màu xanh dạng lỏng.

Trong chế độ ăn của trẻ có loại rau chứa nhiều sắt có thể đi phân xanh. Sữa công thức hay sữa mẹ dư thừa sắt cũng dẫn đến tình trạng tương tự.

Khi trong phân có máu, nhiều nhầy hoặc trẻ đi phân lỏng có màu xanh, có khả năng trẻ bị nhiễm trùng đường ruột.

Màu sắc phân của trẻ rất đa dạng: vàng sậm, vàng nhạt,... Do đó, phụ huynh chỉ cần chú ý đến các bất thường như có máu, nhầy, phân xanh dạng lỏng.

5. Điều chỉnh lại chế độ ăn khi phát hiện trẻ đi ngoài phân lỏng

Khi trẻ có tình trạng đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, phụ huynh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng như thế nào? Trẻ nên ăn gì và không nên ăn gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi xác định được trẻ thực sự đi phân lỏng, phụ huynh cần xem lại thực đơn bữa ăn trước của cả mẹ và bé. Nếu do thức ăn lạ, chỉ cần điều chỉnh lại thức ăn. Trẻ đi phân lỏng 1 - 2 hôm không phải vấn đề quá nghiêm trọng.

Khi trẻ tiêu chảy nhiều, cần theo dõi kỹ để tránh thiếu nước.

Đáng lo ngại nhất là việc trẻ ăn phải thức ăn bị nhiễm trùng, dẫn đến đi ngoài ra máu, mất nước nhiều.

6. Cần chọn thực phẩm sạch và phù hợp với độ tuổi của trẻ

Nhiều ý kiến cho rằng trẻ sẽ đi ngoài phân lỏng khi ăn các thực phẩm tanh như cá, trứng... Quan điểm này liệu có chính xác, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khái niệm “tanh” trong quan niệm dân gian không mang nhiều giá trị. Trong y khoa, chúng ta chỉ quan tâm đến thực phẩm sạch hoặc không sạch, nghĩa là thức ăn có bị nhiễm trùng hay không.

Bên cạnh đó, thức ăn cũng cần phù hợp với lứa tuổi.

Thịt, cá bị nhiễm bẩn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trẻ nhỏ chưa thể ăn được thịt, cá mà phụ huynh cho ăn những thực phẩm này sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Chế độ ăn không hợp lý, chẳng hạn có bữa quá nhiều dầu mỡ, có bữa lại nhiều thịt sẽ làm thay đổi tính chất phân.

7. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung các loại men cho trẻ

Khi trẻ đi ngoài phân lỏng, phụ huynh sẽ tích cực bổ sung các loại men tiêu hóa, men vi sinh. Xin hỏi BS, việc làm này có thể cải thiện vấn đề trẻ đang gặp phải không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ đi ngoài bất thường do thiếu men mới cần bổ sung men. Các trường hợp đi ngoài sinh lý, không có dấu hiệu bất thường thì không cần bổ sung men.

Việc bổ sung men hoặc ăn sữa chua tùy vào lứa tuổi, tính chất đi cầu kéo dài..., tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trẻ phải trên 6 hoặc trên 12 tháng mới có thể ăn sữa chua.

Tùy vào lứa tuổi cũng như tần suất đi ngoài phân lỏng mới xem xét đến việc bổ sung men cho trẻ. Men không có tác dụng trong trường hợp trẻ đi phân bất thường do ăn phải thức ăn lạ hoặc nhiễm trùng đường ruột.

8. Khi nào cần dùng thuốc để điều trị đi ngoài phân lỏng?

Khi trẻ đến khám trong tình trạng thường xuyên đi ngoài phân lỏng, tái phát khi dừng thuốc, bác sĩ sẽ có những giải pháp nào để điều trị?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong trường hợp tình trạng đi ngoài cải thiện khi uống thuốc nhưng sẽ tái phát khi ngưng thuốc, cần phải tìm hiểu loại thuốc được sử dụng.

Một số loại thuốc có tác dụng làm đặc phân, nhưng trong tình huống không cần thiết, trẻ không cần phải uống thuốc.

Biện pháp tốt nhất là quan sát tính chất phân, sức khỏe của trẻ và lứa tuổi để đi đến quyết định can thiệp bằng thuốc. Tiêu chảy tái phát khi ngưng thuốc có thể là một vấn đề sinh lý.

9. Tiêu chảy bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Thưa BS, tình trạng đi ngoài phân lỏng diễn ra thường xuyên liệu có khiến đường ruột của trẻ trở nên yếu hơn, trẻ dễ bị bệnh hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng do bệnh lý, quan điểm này có cơ sở. Nhưng nếu đi ngoài phân lỏng do sinh lý hoặc do chế độ ăn chưa phù hợp, điều này chưa chính xác.

Trường hợp trẻ bị bệnh lý sẽ không dừng lại ở việc tiêu chảy. Trẻ có thể suy dinh dưỡng, bỏ ăn, bỏ bú, sốt... Đừng chỉ quan sát tính chất phân mà còn phải chú ý đến tình trạng tổng thể của trẻ.

Tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi để hiểu rõ vấn đề trẻ đang gặp phải và được hướng dẫn cách khắc phục.

10. Chọn thực phẩm phù hợp, ăn sạch, uống sạch để bảo vệ đường ruột của trẻ

Để tăng cường sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa tình trạng đi ngoài phân lỏng tái phát, phụ huynh cần chú ý những gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chế độ ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Dùng thực phẩm đúng với lứa tuổi, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, tăng cân đúng khuyến cáo thì dù có đi phân lỏng, phụ huynh chưa vội can thiệp ngay.

Khi trẻ đi ngoài phân lỏng, cần phải xem lại những món ăn trẻ đã dùng qua và theo dõi sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ đi ngoài ra máu, phân nhầy, lỏng và xanh, kèm theo tình trạng sốt, đây chắc chắn là vấn đề bệnh lý, cần đưa trẻ đi khám ngay.

Để giúp trẻ có đường ruột tốt, cần chọn thực phẩm đúng với lứa tuổi và ăn sạch, uống sạch. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, trẻ con rất hay bị đi ngoài phân lỏng, phụ huynh phải hết sức bình tĩnh. Hãy theo dõi các triệu chứng kèm theo, nhất là các vấn đề đi ngoài ra máu, mất nước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X