Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc điều trị cúm: Phải dùng đúng liều, đủ ngày

Khi xuất hiện các triệu chứng cúm, nhiều người thắc mắc nên dùng thuốc nào để khỏi bệnh nhanh và an toàn, liệu việc tự ý sử dụng thuốc có gây nguy hiểm, đâu là các loại thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ... BS.CK1 Trần Xuân Nguyên - Phòng khám Bernard sẽ giải đáp chi tiết các câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

1. Kháng sinh không có tác dụng với người nhiễm cúm

Theo như BS đã chia sẻ, cúm là bệnh do virus gây ra. Vậy, hiện nay đã có thuốc đặc hiệu điều trị cúm chưa, điều trị cúm có cần dùng kháng sinh không?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Bernard trả lời: Vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm.

Cúm là bệnh gây ra bởi virus, do đó kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp mắc bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh nếu nhiễm cúm có bội nhiễm vi trùng, chẳng hạn viêm phổi bội nhiễm hoặc viêm xoang bội nhiễm.

2. Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình mùa cúm

Những nhóm thuốc nào nên có trong tủ thuốc gia đình để phòng trường hợp bị mắc cúm, thưa BS?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Trong tủ thuốc gia đình nên chuẩn bị một số loại thuốc có thể dùng khi xuất hiện các triệu chứng cúm nhẹ có thể điều trị tại nhà.

- Thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol

- Thuốc trị ho, siro trị ho thảo dược được Bộ Y tế cấp phép lưu hành

- Thuốc giảm triệu chứng đau rát cổ họng như thuốc súc họng có chứa longexilin, kẹo ngậm, chai xịt họng.

Ngoài ra có thể dùng nước muối sinh lý dạng rửa hoặc dạng bơm để vệ sinh vùng mũi cho thông thoáng.

Tủ thuốc gia đình cũng không thể thiếu các loại vitamin và khoáng chất hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, chủ yếu là vitamin C và kẽm.

Xin nhấn mạnh rằng không nên trữ và tự ý sử dụng thuốc kháng virus tại nhà. Đây là loại thuốc chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên cho biết, ngủ cũng là một cơ chế tự phục hồi của cơ thể khi bị cúm

3. Ngủ cũng là một cơ chế tự phục hồi của cơ thể khi bị cúm

Một số khán giả, bạn đọc của AloBacsi cho biết, họ thường có cảm giác buồn ngủ sau khi uống các thuốc điều trị cúm? Nguyên nhân do đâu và có cách nào để khắc phục, thưa BS?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Khi chúng ta bị cúm, cơ thể đang phải chống chọi với virus gây bệnh. Đó cũng là một quá trình tiêu tốn năng lượng nên người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ.

Một số tác dụng của các loại thuốc điều trị cúm cũng gây cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Các loại thuốc đó là thuốc giảm nghẹt mũi, sổ mũi; các nhóm kháng histamin thế hệ cũ như clorpheniramin, promethazin; thuốc giảm ho, an thần như dextromethorphan, codein...

Khi gặp tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ sau khi uống thuốc, người bệnh nên chủ động nghỉ ngơi. Quá trình nghỉ ngơi là thời gian để cơ thể hồi phục. Khi bị cúm, nên tránh làm các công việc nặng hay đòi hỏi phải tập trung cao độ.

Nếu cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ ảnh hưởng đến công việc, học tập, sinh hoạt, tốt nhất nên thông báo với bác sĩ để thay đổi loại thuốc khác ít tác dụng phụ hơn.

4. Chanh nóng, mật ong, gừng, hành, tỏi... có tác dụng điều trị cúm không?

Từ khi còn nhỏ, mỗi lần bị sốt, sổ mũi, đau nhức người, người lớn trong nhà thường cho chúng ta xông hơi bằng các loại lá, uống chanh nóng, ăn tỏi... Xin hỏi BS, những bài thuốc dân gian này có thực sự hiệu quả không?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Trước đây, khi thuốc men chưa đầy đủ, ông bà ta thường sử dụng một số bài thuốc dân gian với các dược liệu dễ tìm. Các bài thuốc này vẫn có giá trị điều trị cúm cho đến nay.

Một ly nước ấm cho thêm vài lát gừng và một ít mật ong có thể giảm triệu chứng đau rát họng, làm thông thoáng đường hô hấp. Mật ong có tính kháng khuẩn nên giúp giảm triệu chứng cúm.

Nước chanh ấm có công dụng giải cảm. Vitamin C từ chanh cũng góp phần tăng cường đề kháng cho người bệnh.

Xông tinh dầu bưởi, bạc hà cũng làm thông thoáng vùng mũi họng, giảm đau rát họng. Tỏi và hành có những chất kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian này không thể thay thế hoàn toàn phương pháp điều trị y khoa chính thống. Các triệu chứng cúm nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp nêu trên, nhưng khi bệnh trở nặng, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Tự mua thuốc khi có triệu chứng cúm, hậu quả thế nào?

Rất nhiều người khi có triệu chứng cúm thường không đi khám ngay mà sẽ ra hiệu thuốc để mua thuốc. Gần đây truyền thông cũng có đưa tin những ca biến chứng nặng vì tự mua thuốc điều trị cúm?

Xin hỏi BS, nguyên nhân nào dẫn đến những tình huống đáng tiếc như thế khi tự ý dùng thuốc trị cúm?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Khi mua thuốc tại nhà thuốc, chúng ta thường chỉ nói qua về triệu chứng, người bán thuốc sẽ dựa vào đó để bán thuốc. Nhưng khi đến cơ sở y tế, ngoài khai thác bệnh sử, triệu chứng cơ năng, bác sĩ còn thăm khám trên bệnh nhân để tìm ra triệu chứng thực thể.

Bệnh nhân có thể phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như X-quang hay chụp CT mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp điều trị cụ thể cho từng người.

Tự mua thuốc ở nhà thuốc có thể gặp phải vấn đề đùng không đúng thuốc, bỏ sót các triệu chứng dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không xử trí kịp thời.

6. Đừng tự ý dừng thuốc khi triệu chứng cúm vừa mới thuyên giảm

Thói quen của nhiều người là khi triệu chứng thuyên giảm giảm hoặc vừa hết thì người bệnh cũng ngừng uống thuốc, một số người còn để dành lần sau bệnh thì uống tiếp. Xin hỏi BS, điều này có gây ra nguy cơ gì cho sức khỏe? Thuốc trị cúm cần uống trong bao nhiêu ngày?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Các thuốc điều trị triệu chứng cúm như giảm đau, hạ sốt, ho, sổ mũi, thuốc xịt rửa mũi có thể giảm liều.

Khi đã có chỉ định sử dụng thuốc kháng virus, nên dùng đủ ngày. Thuốc kháng virus nên được dùng trong 48 giờ đầu, dùng đủ 5 ngày.

Trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, viêm xoang có bội nhiễm phải sử dụng kháng sinh cũng nên dùng đủ liều và đủ ngày. Nếu dùng không đủ liều có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc hoặc bệnh tái phát.

Khi virus trong cơ thể chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng vẫn có khả năng lây lan sang người khác.

7. Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cần chú ý gì khi dùng thuốc điều trị cúm?

Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai có điều gì cần đặc biệt chú ý khi dùng thuốc trị cúm, thưa BS?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Các nhóm có yếu tố nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người có bệnh lý nền, bệnh mãn tính, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh nhân ung thư nên đi khám bệnh khi các triệu chứng của cúm vừa xuất hiện để được điều trị sớm nhất có thể.

Với các bệnh nhân này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus không có chống chỉ định với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Dùng thuốc Oseltamivir, Tamiflu có thể cải thiện triệu chứng, rút ngắn thời gian hồi phục và tránh các trường hợp biến chứng nặng.

8. Ăn gì khi bị cúm?

Ngoài thuốc, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi quan trọng như thế nào trong điều trị cúm?

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Ngoài thuốc, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi cũng đóng vai trò khá quan trọng trong điều trị bệnh cúm. Người bệnh nên được nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc.

Nên uống đủ nước, bổ sung đầy đủ đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng: Vitamin C trong chanh, bưởi, kiwi; vitamin D có trong cá hồi, trứng, các chế phẩm từ sữa; kẽm có trong các loại hải sản (tôm, hàu...) và thịt bò.

Khi bị cúm, nên chọn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu và tránh các món ăn cay, kích thích đường tiêu hóa, có thể làm nặng thêm các triệu chứng. Ngoài ra, nên kiêng các món chế biến nhiều dầu mỡ vì có thể gây khó tiêu.

9. Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa cúm

Cuối chương trình, nhờ BS có thể dành một vài lời khuyên cho khán giả về cách điều trị cúm nhanh khỏi, an toàn ạ.

BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Các triệu chứng cúm nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các loại thuốc phù hợp có sẵn trong tủ thuốc gia đình như thuốc giảm đau, hạ sốt, trị ho, chống nghẹt mũi.

Có thể cải thiện triệu chứng đau rát họng bằng cách sử dụng thuốc súc họng, viên ngậm, xịt rửa mũi...

Lưu ý bổ sung thêm vitamin C, vitamin D và kẽm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.

Các nhóm có nguy cơ cao như người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh lý nền có thể sử dụng thuốc kháng virus nếu có chỉ định của bác sĩ. Phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị cúm bằng thuốc của bác sĩ. Dùng đủ liều, đủ ngày để tránh tình trạng kháng thuốc và ngăn ngừa nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Những trường hợp gặp biến chứng nặng cần lập tức đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Biện pháp tốt nhất để phòng chống cúm lây lan trong cộng đồng là tiêm vắc xin, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông đúc và hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng cúm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X