Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao khám tiền hôn nhân là cần thiết?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết và BS.CK2 Lý Thái Lộc, Bệnh viện Hùng Vương cho biết khám tiền hôn nhân sẽ góp phần giúp xã hội tiết kiệm chi phí và giúp gia đình có thể tăng thêm niềm hạnh phúc, chất lượng dân số ngày càng cải thiện hơn.

1. Khám tiền hôn nhân, khám tiền sản và khám tiền thai là gì?

Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Liệu câu nói này có liên quan gì đến khám tiền hôn nhân ngày nay hay không?

BS.CK2 Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hiện nay, qua quá trình thăm khám tại khoa Hiếm muộn, nhận thấy có rất nhiều cặp vợ chồng bình thường về thể trạng và sức khỏe, tuy nhiên không chắc có khả năng mang thai.

Hoặc có nhiều cặp đôi có khả năng có thai nhưng chưa chắc sinh ra một em bé bình thường, an toàn và khỏe mạnh. Vì vậy nên việc thăm khám tiền hôn nhân đối với các cặp vợ chồng là thực sự cần thiết.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ hiếm muộn ở Việt Nam là 7% trong số các cặp vợ chồng.

Khi khám tiền hôn nhân có thể phát hiện các vấn đề và có cách xử trí để sinh ra một em bé khỏe mạnh bình thường, không bị biến chứng, có di truyền tốt.

- Ngoài khám tiền hôn nhân còn có 2 khái niệm là “khám tiền sản” và “khám tiền thai”. Những khái niệm này có điểm gì giống và khác nhau?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Khám tiền hôn nhân là các cặp vợ chồng sắp sống cùng nhau, vào bệnh viện khám các chức năng cần thiết với một số xét nghiệm cơ bản để xem khả năng mang thai là bao nhiêu phần trăm và bao nhiêu phần trăm có thể điều trị để mang thai được, không đi sâu vào các bệnh lý.

Khám tiền sản hay khám tiền thai là các cặp vợ chồng đã sống với nhau và chuẩn bị mang thai thì muốn biết cần chuẩn bị những gì và có phải điều trị gì hay không. Vì vậy cần nhiều xét nghiệm chi tiết hơn, phức tạp hơn khám tiền hôn nhân.

Ví dụ, làm các xét nghiệm về chức năng của buồng trứng, chức năng của tinh trùng, độ thông của vòi trứng; khảo sát thêm về di truyền xem có bất thường không.

2. Đưa việc khám tiền hôn nhân vào quy định bắt buộc sẽ đem lại lợi ích gì?

Trước đó, Bộ Y tế đang đề xuất luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhìn nhận ở góc độ y tế, nếu điều này thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích gì cho xã hội, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Một cặp đôi đi đến cuộc sống hôn nhân, không chỉ là kết quả của tình yêu mà còn phải thực hiện thêm thiên chức duy trì nòi giống. Điều này rất quan trọng để duy trì sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Một trong những nhiệm vụ để duy trì nòi giống đạt chất lượng tốt và cải thiện chất lượng dân số là khám tiền hôn nhân, từ đó phát hiện sớm những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của các cặp vợ chồng, tiến hành can thiệp sớm, tránh các tai biến, biến chứng hay tạo ra một thế hệ bệnh tật.

Bộ Y tế khuyến nghị, khám tiền hôn nhân cần được thực hiện trước khi các cặp đôi thực sự trở thành vợ chồng và là điều kiện để đăng ký kết hôn.

Hiện nay, một số địa phương đã áp dụng điều kiện này. Riêng TPHCM chỉ ở mức độ khuyến khích, sắp tới sẽ đưa vào quy định bắt buộc.

Khám tiền hôn nhân đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện chất lượng dân số vì có một số bệnh nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cặp vợ chồng. Thay vì bệnh điều trị rất đơn giản thì cuối cùng phải điều trị hiếm muộn, dẫn đến tốn kém và tăng chi phí trong xã hội.

Ví dụ, một bệnh rất đơn giản và thường gặp như thiếu máu nhưng nếu không điều trị hiệu quả thì khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, sanh non, trẻ còi và yếu ớt…

Khám tiền hôn nhân sẽ góp phần giúp xã hội tiết kiệm chi phí và giúp gia đình có thể tăng thêm niềm hạnh phúc, chất lượng dân số ngày càng cải thiện hơn.

3. Quan điểm về khám tiền hôn nhân hiện nay ra sao?

Theo nhìn nhận của BS, những năm gần đây, quan điểm về việc thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân đã thay đổi như thế nào so với trước đây? Riêng tại TPHCM, điển hình là Bệnh viện Hùng Vương, số liệu khám tiền hôn nhân qua các năm như thế nào?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Theo số liệu của khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương từ năm 2020 - 2023 ghi nhận:

- Năm 2020 - 2021 là năm đại dịch COVID-19 nên số lượng khám tiền hôn nhân không đáng kể.

- Năm 2022: Có khoảng 350 cặp đến khám tiền hôn nhân.

- Năm 2023: Số cặp khám tiền hôn nhân lên đến 550 - 600 cặp.

Nhìn chung, 1 năm có hơn 200 ngày làm việc thì mỗi ngày sẽ có khoảng 2 cặp đôi đến khám.

Ngoài ra, có những trường hợp khám tiền hôn nhân ở các khoa khác như khoa Khám A, khoa Khám B - Bệnh viện Hùng Vương hoặc các bệnh viện khác như Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện quốc tế,…

Khuynh hướng khám tiền hôn nhân ngày càng tăng. Đến năm 2024, mỗi ngày đều có khoảng 2, 3 cặp đôi đến khám.

Đây là dấu hiệu đáng mừng vì có nhiều trường hợp nam giới cao to, khỏe mạnh, tập gym nhưng tinh trùng rất xấu hoặc không có. Đối với các trường hợp này, cách tư vấn cho bệnh nhân sẽ khác với các cặp đôi bình thường.

Khoa học hiện nay rất tiến bộ, đối với các trường hợp hiếm muộn đều có thể điều trị được, tuy nhiên phải được phát hiện sớm.

Hiện nay, truyền thông về việc khám tiền hôn nhân chưa được rộng rãi nên số cặp đôi đến khám còn ít. Nếu sau này truyền thông tốt hơn và quy định của nhà nước chặt chẽ hơn (bắt buộc khám tiền hôn nhân trước khi lập gia đình) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thế hệ sau.

4. Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại những lợi ích gì?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại những lợi ích gì, tránh những bất lợi nào cho bản thân và cho con cái sau này cũng như có thể phát hiện những bệnh lý nào thông qua lần khám này, thưa BS?

- Nhờ BS có thể đưa ra một vài trường hợp điển hình đã gặp qua quá trình thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thấy vai trò của việc kiểm tra này ạ?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Đối với khám tiền hôn nhân sẽ có nhiều gói khám khác nhau:

Gói cơ bản, tập trung vào các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục.

Gói nâng cao có thể phát hiện thêm những bệnh lý toàn thân như thiếu máu, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch; bệnh lý rối loạn về chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp; bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục nữ như u nang buồng trứng, u xơ tử cung hoặc dị tật bẩm sinh của tử cung; đối với nam có thể phát hiện tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng dị dạng.

Nếu không may phát hiện những bệnh lý liên quan đến di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn cho các cặp đôi chuẩn bị tinh thần trước khi đi vào cuộc sống hôn nhân.

Vì nhiều người cho rằng đi khám tiền hôn nhân nếu chẳng may phát hiện ra bệnh sẽ không đi đến hôn nhân, làm tan vỡ tình yêu của họ. Tuy nhiên, nếu là tình yêu chân chính các cặp đôi sẽ sẵn sàng đối diện với khó khăn và vượt qua thử thách với những giải pháp của y học hiện đại.

Bệnh thiếu máu thalassemia là một trong những bệnh di truyền khá phổ biến ở Đông Nam Á. Nếu cả vợ và chồng đều mang đột biến gen thì sẽ có các biện pháp can thiệp như thụ tinh trong ống nghiệm với sinh thiết phôi để có thể chọn ra những phôi không mang đột biến giúp việc mang thai đạt kết quả cao.

5. Có phải nam giới sức khỏe tốt thì không cần khám tiền hôn nhân?

Nhiều người nghĩ rằng người nam cương dương tốt, xuất tinh được, màu sắc tinh dịch bình thường còn người phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn, không có bệnh lý thì chứng tỏ sức khỏe sinh sản tốt, không cần khám tiền hôn nhân? Quan điểm này đúng được bao nhiêu phần, thưa BS?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Cương dương tốt, xuất tinh được, màu sắc tinh dịch bình thường chưa thể cho biết có con bình thường không. Màu sắc tinh dịch mỗi người nhìn thấy sẽ khác nhau nhưng chính xác nhất phải qua kính hiển vi.

Khi muốn có thai phải đảm bảo 2 chức năng là chức năng cương dương và về mặt tinh trùng. Nhiều người tự tin sức khỏe tốt tuy nhiên khi xét nghiệm kết quả tinh trùng rất kém nên không thể dựa vào đó để khẳng định khả năng có con.

Về người nữ, kinh nguyệt bình thường, vòng kinh đều,… cũng chỉ là một mặt của vấn đề vì khả năng mang thai của nữ giới phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

- Một số người có kinh nguyệt bình thường nhưng không có chức năng rụng trứng nên không thể thụ thai.

- Có kinh nguyệt bình thường nhưng 2 vòi trứng bị tắc.

- Hoặc vùng chậu có nhiều mô lạc tuyến, u buồng trứng lạc tuyến làm khả năng mang thai giảm.

- Mắc bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng như bệnh lý về tuyến giáp.

6. Vì sao một số cặp đôi ngại khám tiền hôn nhân?

Thực tế, nhiều cặp đôi vẫn ngại đi khám tiền hôn nhân. Theo BS, vì sao lại như vậy và đâu là những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế trong khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện nay?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Một trong những rào cản lớn nhất là sự hiểu biết về ý nghĩa của khám tiền hôn nhân nên cần tuyên truyền nhiều hơn về vai trò này. Ngoài ra, cần cung cấp các thông tin về khám tiền hôn nhân như địa chỉ, cơ sở uy tín.

Một số yếu tố dẫn đến khám tiền hôn nhân chưa được quan tâm:

- Các cặp đôi khi đến khám cần sắp xếp thời gian khoảng 1 buổi. Vì vậy, nếu trong luật lao động cho những cặp đôi chuẩn bị đăng ký kết hôn đi khám tiền hôn nhân được 1 ngày nghỉ hưởng lương như đi khám thai sẽ thuận tiện hơn.

- Chi phí cũng là một trong những rào cản mà các cặp đôi khi chuẩn bị đăng ký kết hôn.

- Một số cặp đôi khi đi khám và phát hiện ra bệnh lý thì không chấp nhận hoặc làm hôn nhân tân vỡ trước khi kết hợp. Đặc biệt các bệnh lý liên quan đến bẩm sinh, bệnh lý di truyền là những bệnh không thể khắc phục hoàn toàn nhưng với sự tiến bộ của y học có thể giúp người bệnh có con được.

- Liệu ở những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ thuận lợi hơn vì dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Khám tiền hôn nhân có một số đặc điểm như khám các bệnh lý nội khoa, tổng quát thông thường thì hầu như tất cả các tỉnh thành đều khám.

Còn khám về chức năng sinh sản thì siêu âm cơ bản cho phụ nữ có thể thực hiện được nhưng để khảo sát tinh dịch đồ, đánh giá chức năng của tinh trùng đòi hỏi phải khoa Hiếm muộn phải phát triển thì mới có thể thực hiện, từ đó biện luận các kết quả và tư vấn cho bệnh nhân.

Vì vậy, đối với khám tiền hôn nhân không thể đi đến phòng khám sản phụ khoa thông thường mà phải đến nơi có chuyên môn cao hơn để làm các xét nghiệm chuyên biệt và từ đó có tư vấn phù hợp.

- Các bạn trẻ muốn đi khám để phát hiện và can thiệp những vấn đề ở mình cũng như người bạn đời tương lai nhưng e ngại nếu phát hiện vấn đề lại không thể tiến tới. Chính vì vậy họ nghĩ rằng cứ cưới trước, những chuyện khác để sau này tính. Ý kiến của bác sĩ như thế nào?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Bác sĩ từng chứng kiến một cặp đôi khi đến khám tiền hôn nhân và phát hiện người vợ mặc dù có 2 buồng trứng nhưng bị bất sản tử cung nên không thể thực hiện thiên chức làm mẹ, ngoại trừ nhờ mang thai hộ.

Khi đó, người chồng là một người có hiểu biết nên rất cảm thông. Nhưng gia đình nhà trai hầu như không đồng ý vì không thể chấp nhận con của người này do người khác mang thai và nhận làm con mình, vì xã hội chỉ công nhận khi thấy một người mang thai và sinh em bé.

Cặp đôi này phải mất đến 3,5 năm mới thuyết phục được gia đình để đi đến hôn nhân dù đó là gia đình tri thức. Đối với những gia đình ít hiểu biết hơn việc chấp nhận sẽ khó khăn hơn.

Vì vậy chúng ta cần truyền thông nhiều hơn về vấn đề này để mọi người cùng hiểu, cùng chia sẻ, vì vẫn có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề. Không nên lo ngại rằng khi khám tiền hôn nhân mà phát hiện ra bệnh sẽ chia tay nhau.

>>> Phần 3: Chuẩn bị gì để có buổi khám tiền hôn nhân hiệu quả và chính xác?

Chân thành cảm ơn Công ty Hướng Việt đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X