Hotline 24/7
08983-08983

Khám tiền hôn nhân: Ai nên thực hiện, chi phí và quy trình ra sao?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết và BS.CK2 Lý Thái Lộc, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, tất cả các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân nên khám tiền hôn nhân. Qua đó, phát hiện sớm các bệnh lý cần điều trị giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả, đặc biệt là mang lại hạnh phúc gia đình.

1. Khám tiền hôn nhân sẽ thực hiện những gì?

Khám tiền hôn nhân thường sẽ được thực hiện những cận lâm sàng nào? Phụ nữ sẽ khám những gì và nam giới sẽ được thăm khám những gì, thưa BS? 

BS.CK2 Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Phác đồ khám tiền hôn nhân tại khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương có nhiều gói khác nhau.

Các cặp đôi dự kiến kết hôn sau 6 tháng đến 1 năm thì có thể thực hiện các gói cơ bản. Ở nữ sẽ khảo sát buồng trứng, siêu âm xem buồng trứng và tử cung có bất thường không; thử prolactin. Ở nam chỉ cần thử tinh trùng đồ và khám nam khoa. Nếu bình thường, các cặp đôi có thể mang thai sau 1 năm. Tuy nhiên nếu sau 1 năm chưa có thai thì nên quay lại bệnh viện để điều trị.

Đối với những trường hợp đặc biệt, sau khi lập gia đinh khoảng 3 tháng muốn đi khảo sát (chưa đủ tiêu chuẩn 1 năm để khám hiếm muộn) sẽ chọn gói khám chi tiết hơn. Thực hiện thêm các xét nghiệm về nhiễm trùng, HIV, viêm gan B, viêm gan C, thalassemia, bệnh lao, phết tế bào âm đạo, thử PCR tìm chlamydia…

Nếu có bất thường sẽ đi vào chuyên sâu. Ví dụ, sau khi bơm nước nghi ngờ có tắt vòi trứng sẽ thực hiện X-quang để kiểm tra rõ hơn hoặc viêm gan siêu B sẽ xem cần làm thêm xét nghiệm và điều trị gì.

Thứ ba là gói cao cấp có thể thử thêm bộ di truyền. Nếu có vấn đề sẽ hội chẩn để làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Tùy từng trường hợp nếu đến khám và bệnh sử có ba mẹ hoặc cậu có bệnh lý di truyền thì cần xét nghiệm bộ di truyền ngay từ đầu.

- Vấn đề là không phải cặp đôi nào cũng có điều kiện để chi hàng triệu đồng thăm khám sức khỏe. Vậy, chúng ta có thể lược bỏ bớt xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nào? Và cận lâm sàng nào là cần thiết nhất, không nên bỏ qua trong trường hợp này ạ?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Cần thiết nhất ở nữ là siêu âm, thử AMH, dự trữ buồng trứng và prolactin. Đối với nam giới là khám Nam khoa, thử tinh trùng đồ.

Chi phí khám cho nữ giới khoảng 1.000.000 - 1.100.000 đồng/gói và nam khoảng 500.000 đồng/gói. Đây là gói cơ bản, có thể xác định được 60 - 70% khả năng mang thai của cặp đôi này.

Đối với gói thứ hai, làm thêm các xét nghiệm thì nữ giới khoảng hơn 4.000.000 đồng/gói và nam là khoảng 1.700.000 đồng/gói.

Đối với bước ba, làm thêm xét nghiệm di truyền thì tùy thuộc vào loại di truyền sẽ tốn khoảng 3.000.000 - 5.000.000 đồng/gói nhưng rất ít thực hiện, chỉ khi tiền căn gia đình có người mắc bệnh.

BS.CK2 Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương

2. Những ai nên khám tiền hôn nhân?

Những người nào cần ưu tiên vấn đề khám tiền hôn nhân để phát hiện những yếu tố nguy cơ, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân sau này?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Khám tiền hôn nhân được khuyến khích cho tất cả các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

Với mục đích nếu phát hiện được bệnh sẽ điều trị sớm giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian điều trị, tăng hiệu quả, đặc biệt là mang lại hạnh phúc gia đình.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

3. Vì sao khám tiền hôn nhân tốt nhất nên đi cặp đôi và thời điểm khám phù hợp khi nào?

Vì sao khám tiền hôn nhân tốt nhất nên đi cặp đôi, thưa BS? Thời điểm khám tiền hôn nhân phù hợp nhất khi nào, thưa BS? Khám tiền hôn nhân là khám trước khi kết hôn hay khám khi quyết định “thả” có em bé ạ?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Cả 2 người nên cùng nhau đi khám tiền hôn nhân. Quá trình có thai cần sự kết hợp của cả hai, về mặt chuyên môn là có sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng nên cần khảo sát các chức năng ở vợ và chồng.

Ví dụ, một cặp vợ chồng lấy nhau khoảng 8 tháng nhưng chưa có thai, kết quả thử tinh trùng khá yếu (không đến mức thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không phải ở mức bình thường) cần bơm tinh trùng, khi đó phải kiểm tra vòi trứng của người vợ. Sau khi có kết quả của hai bên sẽ kết hợp lại và đưa ra hướng xử trí phù hợp, đem lại hiệu quả cao nhất và kinh tế thấp nhất.

Vì các nguyên nhân thường đan xen với nhau nên và phải phối hợp lại để phân tích hướng xử lý.

Nhiều cặp đôi, vợ đi làm ban ngày, chồng đi làm ban đêm, thời gian nghỉ ngơi, giờ sinh học trái ngược nên không đi khám cùng nhau được thì có thể vợ đi khám hôm nay, chồng đi khám vào ngày mai. Khi tổng hợp trong một hồ sơ bệnh án sẽ đưa ra hướng xử trí thích hợp nhất và cả 2 vợ chồng cùng nghe tư vấn.

- Nhiều người lại có thắc mắc, họ chưa có ý định kết hôn, nhưng để an toàn trước khi tìm kiếm bạn đời, họ có thể khám tiền hôn nhân một mình trước, nên hay không?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Đối với các trường hợp này, khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương vẫn khám cho bệnh nhân, nếu muốn có khảo sát tổng quát. Tuy nhiên sau đó khoa học không can thiệp, vì chỉ can thiệp khi bệnh nhân muốn có thai.

Nếu khảo sát thấy bất thường ảnh như rối loạn nội tiết (làm người bệnh không có thai hoặc ảnh hưởng về mặt sức khỏe như suy giáp, cường giáp) sẽ có hướng xử lý thích hợp.

Trường hợp không có vấn đề thì có thể yên tâm, đến khi lập gia đình, quan hệ 1 năm nhưng chưa có thai hoặc gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe khoa Hiếm muộn sẽ hướng dẫn cách điều trị cho bệnh nhân.

4. Quy trình khám tiền hôn nhân tại Bệnh viện Hùng Vương

Tại Bệnh viện Hùng Vương, quy trình khám tiền hôn nhân sẽ diễn ra như thế nào? Nhờ BS chia sẻ một số lợi ích, điểm đặc trưng khi các cặp đôi thăm khám tiền hôn nhân tại Bệnh viện Hùng Vương ạ?

BS.CK2 Lý Thái Lộc trả lời: Các cặp đôi đến quầy thăm khám của khoa Hiếm muộn điền vào phiếu đăng ký và làm các xét nghiệm cơ bản, trong khoảng 2 tiếng sẽ có kết quả. Sau đó, bác sĩ sẽ tổng kết lại trong một hồ sơ và giải thích.

Tuy nhiên, nếu các cặp đôi chưa đăng ký kết hôn khoa Hiếm muộn sẽ tư vấn cho từng người (trừ trường hợp cả hai muốn được tư vấn chung). Đối với những cặp chưa đăng ký kết hôn nhưng đã sống chung với nhau thì sẽ giải thích cho cả hai.

Vì trên thực tế có những trường hợp khám tiền hôn nhân và phát hiện bệnh lý thì từ chối không kết hôn.

5. Làm gì khi phát hiện bất thường qua khám tiền hôn nhân?

Với các vấn đề, bệnh lý thường phát hiện thông qua khám tiền hôn nhân như đã đề cập ở phần 1, bác sĩ sẽ tư vấn và có những hướng xử trí ra sao cho những tình huống này ạ?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Khi khám tiền hôn nhân nếu gặp các vấn đề về sức khỏe như bệnh lý tổng quát, bệnh lý toàn thân, bệnh lý Nội - Ngoại khoa,… bệnh nhân sẽ được chuyển đến các chuyên khoa phù hợp để điều trị.

Ví dụ, phát hiện u buồng trứng rất to vì trước đó người bệnh không đi khám phụ khoa.

Trong cuộc sống của phụ nữ hiện nay có rất nhiều mục tiêu như học tập, địa vị, kiếm tiền,… nên đôi khi việc thực hiện thiên chức làm mẹ sẽ xếp sau các mục tiêu này. Nếu phát hiện giảm dự trữ buồng trứng phải xây dựng kế hoạch mang thai sớm để tránh tình huống khi muốn mang thai đã không còn trứng.

Hoặc nam giới xét nghiệm tinh dịch đồ, phát hiện tinh trùng ít, tinh trùng yếu do lối sống không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu bia) sẽ được tư vấn điều chỉnh lối sống để chất lượng tinh trùng tốt hơn.

Nếu có bệnh lý di truyền sẽ tư vấn để có kế hoạch mang thai, đảm bảo bé sinh ra đầy đủ sức khỏe, chất lượng dân số tốt.

>>> Phần 1: Vì sao khám tiền hôn nhân là cần thiết?

>>> Phần 3: Chuẩn bị gì để có buổi khám tiền hôn nhân hiệu quả và chính xác?

Chân thành cảm ơn Công ty Hướng Việt đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X