Hotline 24/7
08983-08983

Những bệnh lý có thể mắc phải khi ăn mặn

Muối là loại gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Hằng ngày, lượng muối sẽ bị mất đi thông qua các hoạt động của cơ thể như đi vệ sinh, tiết mồ hôi, nước mắt,… Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe như dẫn tới đột quỵ, bệnh thận, cao huyết áp, ung thư dạ dày,...

I. Bệnh về da

Việc thường xuyên sử dụng đồ ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da như:

1. Da khô, bong tróc

Hấp thụ lượng lớn natri làm giảm lượng nước mà các cơ quan nội tạng hấp thụ. Điều này thúc đẩy cơ thể hút nước từ tế bào và da, dẫn đến mất nước. Da trở nên khô, bong tróc theo thời gian.

2. Tăng tiết dầu

Đồ ăn mặn không chỉ gây mất nước mà còn khiến da tăng tiết dầu để dưỡng ẩm. Da đổ nhiều dầu hơn làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm da và dẫn đến mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn nhọt.

3. Ngứa da

Thực phẩm nhiều muối thường kích thích hệ thống dây thần kinh ngoại biên, tổn thương trên da gây ngứa, khó chịu. Do đó, người mắc bệnh chàm hạn chế ăn mặn. Theo nghiên cứu công bố năm 2019 của Trường Đại học Munich - Đức, hàm lượng natri trong muối có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch có liên quan đến viêm da dị ứng.

4. Lão hóa sớm

Chế độ ăn nhiều muối có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Tiêu thụ thức ăn chiên trong dầu ở nhiệt độ cao cũng giải phóng các gốc tự do, có thể gây tổn thương DNA và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Nghiên cứu công bố năm 2023 từ Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia Mỹ, cho thấy nồng độ natri trong máu vượt quá ngưỡng nhất định khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tử vong sớm. Dữ liệu phân tích hơn 15.000 người, độ tuổi 45 - 66, trong 25 năm.

5. Sưng bọng mắt

Muối khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến hình thành bọng mắt do vùng xung quanh mắt rất mỏng và nhạy cảm. Khi tiêu thụ món mặn, cơ thể giữ thêm nước để cân bằng lượng muối thừa, gây sưng tấy.

Xem thêm: Người làm văn phòng, làm việc ca đêm, người ăn chay thiếu các vitamin và khoáng chất nào?

II. Một số bệnh lý khác

Không chỉ ảnh hưởng đến da, việc ăn quá mặn còn dẫn đến nhiều bệnh lý khác như:

1. Tăng huyết áp

Ăn mặn thường xuyên làm tăng huyết áp. Huyết áp cao dẫn tới nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.

2. Đột quỵ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ.

3. Gây bệnh tim

Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen tiêu thụ đồ ăn mặn sẽ khiến chúng ta phải uống nhiều nước, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim. Tâm thất trái có thể trở lại bình thường nếu chúng ta phát hiện và giảm lượng muối nạp vào cơ thể.

4. Làm hại thận

Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận - cơ quan quan trọng quyết định tới sinh lý phái mạnh. Cụ thể, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu.

Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...

5. Gây bệnh dạ dày

Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 - 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng.

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.

6. Làm yếu xương

Ăn mặn làm hại xương. Việc ăn quá nhiều muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh. Khi xương bị mất canxi thì chúng sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.

7. Hen suyễn

Sử dụng nhiều đồ ăn mặn trong chế độ ăn hằng ngày có thể kích hoạt cơn hen suyễn. Ngoài ra, bệnh hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, xương, tim mạch,... và nhiều bệnh lý khác.

Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X