Người bị đột quỵ NÊN và KHÔNG NÊN ăn gì để nhanh hồi phục?
Sau đột quỵ, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc ăn uống do sức cơ suy yếu, khó nuốt hoặc chán ăn. ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo - Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất thông qua thực đơn cho người bị đột quỵ khoa học giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, nhanh hồi phục và giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.
1. Ba vấn đề tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân sau đột quỵ
Xin hỏi BS, sau đột quỵ, hệ tiêu hóa của người bệnh thay đổi như thế nào? Những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe đường tiêu hóa của bệnh nhân?
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Ngoài những vấn đề liên quan đến não, bệnh nhân đột quỵ còn phải đối diện với nhiều vấn đề tiêu hóa. Đầu tiên là tình trạng khó nuốt. Nuốt sặc, khó nuốt có dẫn đến khó dung nạp thức ăn vào đường ruột.
Thứ hai, bệnh nhân dễ bị hít sặc khi ăn. Khi thức ăn xuống đến đường ruột, bệnh nhân dễ có triệu chứng táo bón, khó tiêu, thậm chí tiêu chảy.
Thứ ba, y bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ, thường được biết đến là thuốc ngừa cục máu đông. Khi dùng thuốc, đôi khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng chảy máu đường tiêu hóa.
Đó là biến chứng rất nặng ở bệnh nhân sau đột quỵ.
2. Đường tiêu hóa vẫn có khả năng phục hồi sau đột quỵ
Những thay đổi BS vừa đề cập mang tính tạm thời hay lâu dài? Chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể quay lại như trước khi bị đột quỵ không ạ?
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Đường tiêu hóa được điều khiển chủ yếu bởi hệ thần kinh thực vật. Phần lớn trường hợp đột quỵ thường là đột quỵ não, nghĩa là hệ thần kinh tự điều khiển.
Trong thời gian đầu sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân vẫn có các rối loạn tiêu hóa. Sau đó, tùy vào thể trạng, độ tuổi, bệnh nền sẵn có và độ nặng của đợt đột quỵ trên mỗi bệnh nhân, họ vẫn có khả năng phục hồi chức năng đường tiêu hóa.
3. Dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu để phục hồi sức khỏe sau đột quỵ
Dinh dưỡng đúng khoa học có vai trò quan trọng ra sao trong việc phục hồi các chức năng hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể của người bệnh nói chung sau đột quỵ, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Tôi vẫn thường nhắc bệnh nhân, dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu để phục hồi cũng như điều trị bệnh, không chỉ ở vấn đề thần kinh mà còn tất cả các vấn đề sức khỏe.
Ở những bệnh nhân bị đột quỵ, thường gọi là một đợt stress cấp hay một đợt bệnh cấp tính, nhu cầu năng lượng của họ khá cao để đáp ứng hồi phục. Sau đợt đột quỵ, não vẫn có khả năng phục hồi nhưng cần rất nhiều năng lượng, đặc biệt cao hơn so với người bình thường.
Nhưng bệnh nhân lại phải đối diện với một vấn đề khác: Hệ tiêu hóa trong thời gian đầu sau khi bị đột quỵ sẽ không thể hoạt động bình thường như trước. Khả năng ăn, nuốt, hấp thu đều kém đi. Do đó, vấn đề hỗ trợ lên kế hoạch dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ cực kỳ quan trọng.
4. Cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng thiết yếu cho người bệnh sau đột quỵ
Khi xây dựng thực đơn, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau đột quỵ, chúng ta cần lưu ý những nguyên tắc nào? Ăn bao nhiêu là đúng và đủ, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Người bệnh cần kế hoạch ăn uống thật khoa học. Đầu tiên, phải lưu ý đến độ đặc và lượng thức ăn mỗi lần đưa vào do bệnh nhân gặp nhiều vấn đề khó khăn trong ăn uống, đồng thời gặp phải tình trạng khó tiêu.
Không cho bệnh nhân ăn một lượng thức ăn quá nhiều trong một lần. Người chăm sóc phải chịu khó chia thành nhiều bữa nhỏ. Một người bình thường có 3 bữa ăn/ngày, nhưng người sau đột quỵ phải chia thành nhiều lần ăn, có thể lên đến 5, 6 cữ.
Nguyên tắc thứ hai là đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn, gồm đường, đạm, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Mức năng lượng cần thiết sẽ tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh. Bệnh nhân béo phì cần phải giảm năng lượng xuống thấp hơn mức bình thường khoảng 25 - 30kcal/kg/ngày.
Bệnh nhân gầy, hoặc có những di chứng sau đột quỵ (co giật, Parkinson...) cần nâng mức năng lượng, có thể tăng thêm đến 35 - 40kcal/kg/ngày.
Thông thường, 1g chất đạm hay chất đường sẽ tương đương với 4kcal, 1g chất béo tương đương với 9kcal. Các bệnh viện lớn có đơn vị đột quỵ thường cũng sẽ có khoa dinh dưỡng. Người thân cần lưu ý rằng, khi đến khoa dinh dưỡng để tư vấn thực đơn cho bệnh nhân trong thời gian nằm viên hay trước khi xuất viện, hãy lắng nghe kỹ những lời khuyên của nhân viên y tế.
Bệnh nhân bị đột quỵ thường là người lớn tuổi nên rất nhạy cảm với vấn đề thiếu nước, dẫn đến rơi vào trạng thái lơ mơ. Khi được cung cấp nước đầy đủ, bệnh nhân tỉnh táo hơn. Một người lớn cần 30 - 40ml/kg/ngày. Bệnh nhân có sổt, co giật, run... đồng nghĩa với sự bay hơi nước tăng lên, cần điều chỉnh thêm lượng nước cần cung cấp.
5. Người bệnh sau đột quỵ cần tăng cường chất đạm
Thưa BS, những chất dinh dưỡng nào cần được tăng cường bổ sung cho người bệnh sau đột quỵ? Những thực phẩm nào nên được ưu tiên? Nhờ BS chỉ ra một số loại thực phẩm người bệnh có thể dễ dàng hấp thu được.
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Đây là vấn đề bệnh nhân sau đột quỵ cần được tư vấn. Bệnh nhân sau đột quỵ, cũng như sau các đợt bệnh nặng khác, thường có hiện tượng dị hóa protein. Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân bị bệnh nặng rất cao nhưng chế độ ăn không cung cấp đủ, cơ thể sẽ tiêu biến chất đạm sẵn có.
Đối với bệnh nhân sau bệnh nặng, trong đó có đột quỵ, chất đạm thường được ưu tiên trong chế độ ăn, nhưng cũng cần phải vừa đủ, không được nhiều quá. Nhu cầu thông thường khoảng 1 - 1,5g/kg/ngày. Chất đạm trong cá, chất đạm từ thực vật như các loại đậu, chất đạm trong thịt gà nếu được chế biến kỹ sẽ dễ hấp thu.
Vitamin nhóm B, trong đó có vitamin B12 rất cần thiết cho việc phục hồi thần kinh. Vitamin C cũng nên được bổ sung trong bữa ăn.
Glucid và chất béo cũng là thành phần dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, nên hạn chế các dạng chất béo bão hòa như mỡ heo, mỡ gà.
6. Bệnh nhân sau đột quỵ cần hạn chế ăn mặn, tuyệt đối tránh xa chất kích thích
Xin hỏi BS, bệnh nhân sau đột quỵ cần hạn chế những loại thực phẩm nào?
ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Cần hạn chế nhóm chất béo bão hòa. Bệnh nhân đột quỵ là những người có vấn đề về tim mạch, điều quan trọng cần lưu ý là hạn chế các thức ăn, gia vị mặn. Tuy nhiên không nên cắt hoàn toàn gia vị vì thiếu muối cũng sẽ khiến cho bệnh nhân bị mệt mỏi.
Món ăn luộc có thể kèm với nước chấm. Thức ăn chiên, kho nên hạn chế muối ở mức tối đa và không dùng nước chấm.
Bên cạnh đó, trong quá trình phục hồi, người nhà cần theo dõi, không để bệnh nhân sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình