Hotline 24/7
08983-08983

Top 5 thắc mắc về mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và đột quỵ

Tiểu đường là một tình trạng mạn tính gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe con người. Bên cạnh cholesterol cao và huyết áp cao, tiểu đường được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ. 

1. Làm thế nào để kiểm soát tốt các chỉ số của đường huyết?

Về đường huyết, mức lý tưởng là từ 100 - 120 mg/dL. Những ai có mức đường huyết từ 130 mg/dL trở lên thì bắt đầu có tình trạng rối loạn dung nạp glucose và từ 140 mg/dL được gọi là tiểu đường, nếu như thử đường huyết lúc đói trong 3 lần liên tiếp đều trên 140 mg/dL sẽ bắt đầu điều trị.

Mức báo động nguy hiểm là từ 200 mg/dL, lúc này người bệnh sẽ đối diện với nhiều nguy cơ, nặng nhất là hôn mê do tăng đường huyết. Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp bệnh nhân chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách mức đường huyết đã lên tới 700 mg/dL và bệnh nhân rơi vào hôn mê. 

Nếu hôn mê nặng có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, xáo trộn toàn bộ cơ thể và tử vong. Ở người tiểu đường, ngoài đột quỵ thì hôn mê do tăng đường huyết là một trong những biến chứng nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Nguyên tắc chung trong điều trị tiểu đường là làm sao đưa mức đường huyết về càng gần 120mg/dL càng tốt. Mức chấp nhận được là dưới 140 mg/dL. Đó là tiêu chuẩn thứ nhất về đường huyết.

Tiêu chuẩn thứ 2 là chỉ số HbA1c. Đối với người bình thường, HbA1c trung bình khoảng 6,0. Nếu người bệnh tiểu đường điều trị mức đường huyết tại một thời điểm là 120 mg/dL nhưng HbA1c còn 8,0 là chưa đạt, chúng ta buộc phải duy trì nhiều tháng để HbA1c ổn định bền vững.

Thông thường chuyển biến đường huyết định kỳ trong mỗi ngày phải giữ liên tục trong 3 tháng thì chỉ số HbA1c mới cải thiện. Do đó, với người bệnh tiểu đường không chỉ kiểm tra đường huyết bấm bằng tay tại nhà mỗi ngày mà định kỳ mỗi 3 tháng phải xét nghiệm chỉ số HbA1c một lần để kiểm tra đường huyết có ổn định trong 3 tháng hay không. Việc điều trị tiểu đường chấp nhận được là mức đường huyết dưới 140 mg/dL và chỉ chỉ số HbA1c khoảng 6,5.

Nhưng đối với người tiểu đường còn biến chứng khác cũng nguy hiểm không kém đó là việc điều trị quá mức, uống thuốc quá liều hoặc phối hợp quá nhiều thuốc, không kiểm tra thường xuyên dẫn đến tình trạng hạ đường huyết xuống dưới mức 60 hoặc 50 mg/dL có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Vì vậy, với người bệnh tiểu đường, cần phải kết hợp các liệu trình dùng thuốc và không dùng thuốc để giữ cho mức đường huyết ổn định, đồng thời học cách theo dõi, tự thử đường huyết tại nhà.

Xem thêm: Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là gì, làm thế nào để phòng ngừa?

2. Bệnh đái tháo đường và đột quỵ có những yếu tố nào giống nhau?

Bệnh đái tháo đường và đột quỵ đều có những yếu tố rủi ro giống nhau có thể gây ra đột quỵ gồm:

- Huyết áp cao

- Béo phì

- Cholesterol cao

- Tiền sử bệnh tim mạch

- Đã từng bị đột quỵ trước đó

- Bệnh hồng cầu hình liềm

- Rối loạn chảy máu

- Người lớn tuổi với nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm, từ sau 55 tuổi

- Nam giới dễ bị đột quỵ hơn nữ giới

- Người có tiền sử gia đình bị đột quỵ

- Hút thuốc lá

- Sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy

3. Thuốc điều trị huyết áp làm tăng đường huyết, liệu có dẫn đến đột quỵ?

Một số nhóm thuốc lợi tiểu về mặt lý thuyết nó có thể gia tăng nồng độ đường trong máu, nhưng với tỷ lệ nhỏ, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Bởi trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc lợi tiểu nếu kèm theo các vấn đề khác như suy tim hoặc trong một số liệu trình điều trị phối hợp thuốc.

Phối hợp thuốc lợi tiểu trong nhiều trường hợp, không làm ảnh hưởng liệu trình điều trị, đôi khi nếu cần thiết có thể điều chỉnh liều thuốc là có thể giải quyết được vấn đề. 

Do đó, đừng vì lo lắng thuốc làm tăng đường huyết mà không sử dụng dẫn đến việc kiểm soát huyết áp không hiệu quả, việc điều trị suy tim không đạt được mục tiêu, điều này còn nguy hiểm hơn nữa. Chúng ta phải hiểu rõ mức đường của mình trong khi đang sử dụng thuốc. Nếu mức đường huyết có khuynh hướng cao, chúng ta có thể bù đắp lại bằng việc tăng liều kiểm soát đường cũng như giảm chế độ ăn.

4. Phòng ngừa đột quỵ ở người bệnh tiểu đường thế nào?

Bệnh tiểu đường type 2 thường liên quan đến những hoạt động sau khi chúng ta trưởng thành là chính. Những vấn đề căng thẳng kéo dài, ăn uống quá nhiều mà vận động ít, dùng nhiều đồ ăn nhanh… khiến mức đường huyết luôn bị dao động và biến động. Nếu việc này kéo dài trong nhiều năm thì rất dễ hình thành bệnh tiểu đường.

Do đó, việc phòng tránh tiểu đường không phải đợi tới lúc đã mắc bệnh rồi mới tìm giải pháp mà nên bắt đầu từ khi còn trẻ, phải có ý thức vận động, tập thể dục, giữ cân nặng cơ thể đừng để thừa cân, béo phì, tránh căng thẳng, hạn chế thức ăn nhanh…

Với những ai đã mắc bệnh tiểu đường thì đừng bi quan, nếu chúng ta thay đổi những lối sống như đã nói ở trên cùng với việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám định kỳ thì hoàn toàn có thể kiểm soát đường huyết, thậm chí là chữa khỏi (nghĩa là bệnh nhân ngưng thuốc một thời gian dài, thử lại đường huyết bình thường, HbA1c trong giới hạn cho phép, được công nhận chữa khỏi tiểu đường).

Để phòng ngừa và nhận diện đột quỵ, nếu không may mắc căn bệnh này điều quan trọng nhất là chúng ta cảm nhận cơ thể mình xem có dấu hiệu diễn biến tình trạng nặng của bệnh hay không. Ví dụ, trong thời gian qua kiểm tra đường huyết thấy trên 200 mg/dL, huyết áp cũng dao động lúc 170, 160, lúc 100 mmHg, hoặc trong cơ thể có dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua thì hãy nhanh chóng đi tầm soát đột quỵ.

Hoặc nếu chúng ta có cơn đau ngực điển hình, lúc trước đi bộ 1.000m vẫn khỏe nhưng giờ vừa ra khỏi nhà 200m đã thấy mệt, khó thở, đau ngực hoặc tim đập nhanh, đập chậm quá mức ở trạng thái bình thường, hoặc ngất thì đó đều là những dấu hiệu cảnh báo cần nhanh chóng đi tầm soát đột quỵ.

Xem thêm: Cẩm nang cần biết về bệnh tiểu đường

Hoặc nếu những ai có tăng huyết áp, tiểu đường 10 năm trở lên thì ít nhất nên đi kiểm tra tầm soát đột quỵ 1 lần, vì với công nghệ không xâm lấn hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết sớm đột quỵ, phòng ngừa từ xa, không để xảy ra rồi mới chữa thì chắc chắn hiệu quả không cao.

5. Làm thế nào để kiểm soát nguy cơ đột quỵ trên người bệnh tiểu đường?

Nguy cơ mắc đột quỵ do bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được nếu thực hiện nghiêm túc các lưu ý sau:

- Kiểm soát đường huyết và huyết áp (nếu có) ở mức ổn định thường xuyên.

- Định kỳ thăm khám sức khỏe để giúp điều chỉnh liều dùng và kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn.

- Kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như: ăn nhiều trái cây tươi, các loại rau không chứa tinh bột, ít chất béo, giàu chất xơ. Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn chiên xào, không nên hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có tính kích thích như cà phê, rượu bia…

- Xây dựng lối sống khỏe mạnh, luyện tập thể dục thể thao giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và ngăn chặn đột quỵ não.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X