Hotline 24/7
08983-08983

Cẩm nang cần biết về bệnh tiểu đường

Hiện nay, tỷ lệ bị tiểu đường ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt thường ngày và đặc biệt gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

1. Tìm hiểu về chỉ số đường huyết (GI - glycemic index)

a. Khái niệm về chỉ số GI - glycemic index

Các loại đồ ăn với chỉ số GI cao có chứa carb với tốc độ hấp thụ nhanh. Sau khi bệnh nhân ăn những món ăn này thì lượng glucose có ở trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng nhưng cũng sẽ giảm trở lại ngay sau đó. Trong khi đó, những loại thực phẩm với chỉ số GI thấp sau khi được đưa vào cơ thể sẽ khiến lượng đường huyết tăng lên và giảm xuống một cách từ từ. Nhờ đó, bạn có thể giữ được một nguồn năng lượng vô cùng ổn định và có lợi hơn đối với sức khỏe. 

Những trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường cần phải tìm những loại đồ ăn với chỉ số GI thấp. Như vậy, người bệnh có thể kiểm soát được lượng đường huyết ở trong cơ thể mình. Ngoài ra, những loại thực phẩm này còn có khả năng hỗ trợ và giúp cải thiện tốt hơn quá trình chuyển hóa các lipid, rất phù hợp với bệnh đái tháo đường type 2. 

Theo ghi nhận của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, những người bị đái tháo đường cần duy trì chỉ số GI tốt nhất là:

- Trước khi ăn: Khoảng 90 - 130mg/dl (tức khoảng 5 - 7,2 mmol/l).

- Sau khi ăn từ 1 giờ đến 2 giờ: Tốt nhất là < 180mg/dl (tương đương 10 mmol/l).

- Trước khi đi ngủ: Dao động từ 110 - 150mg/dl (tức 5 - 8,3 mmol/l).

b. Những loại rau có chỉ số đường huyết an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường

Chỉ số đường huyết của các loại thực phẩm không được đo lường theo vị ngọt hay nhạt của thực phẩm đó, mà người ta dựa vào tốc độ chuyển hóa của các loại thực phẩm đó thành đường sau ăn để đo lường.

Chỉ số đường huyết (GI) xác định một loại thức ăn khi vào cơ thể sẽ gây tăng đường huyết ít hay nhiều, được chia thành 3 nhóm gồm: thực phẩm chứa chỉ số GI thấp 55, trung bình 56 – 69, cao từ 70 trở lên. 

Hầu hết các loại rau củ đều có chỉ số đường huyết thấp và trung bình, dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường.

- Sữa đậu nành (GI = 43): Sữa đậu nành chứa các axit amin giúp duy trì và củng cố hệ miễn dịch, giảm lượng cholesterol và ổn định đường huyết.

- Sữa tươi (GI = 40): Sữa tươi giúp khống chế hoạt tính của các enzym hợp thành cholesterol và hạn chế cholesterol sinh ra.

- Bưởi (GI = 25): Đây là loại trái cây số 1 trong việc cung cấp vitamin C, trong bưởi chứa các enzym giúp hấp thu đường, từ đó giảm lượng mỡ thừa dự trữ được chuyển hóa từ đường.

- Nước mơ (GI = 57): Quả mơ có thành phần giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa oxy, làm chậm quá trình lão hóa, làm phục hồi các tế bào nhanh chóng.

- Đào (GI = 50): Trong đào có hàm lượng chất xơ rất lớn tốt cho hệ tiêu hóa, dạ dày và ức chế quá trình hấp thu chất béo, ngăn tình trạng thừa cân.

- Cam tươi (GI = 43): Cam giàu vitamin C, canxi, phốt pho, axit citric, chất xơ,...tốt cho quá trình chuyển hóa trong đường ruột, giảm sự tích lũy độc tố và tốt cho quá trình giảm cân.

- Kiwi (GI - 50): 1 quả kiwi chứa tới 4g chất xơ cùng rất nhiều các vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể, tốt cho việc kiểm soát đường huyết.

- Chuối (GI - 55): Quả chuối không chỉ giúp đốt cháy chất béo mà còn ngăn việc hấp thụ carbohydrate vào cơ thể, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa và trao đổi chất, giúp ổn định đường huyết hiệu quả.

- Cháo yến mạch (GI = 50): Chỉ số GI của cháo yến mạch thấp. Bên cạnh đó nó cũng cung cấp lượng lớn protein, chất xơ có lợi trong việc ổn định lượng đường trong máu và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Đu đủ (GI = 23): Chỉ số GI của đu đủ rất thấp, nhưng có vị ngọt, nhiều chất dinh dưỡng rất thích hợp cho người bệnh tiểu đường bổ sung dinh dưỡng nhưng không bị tăng đường huyết.

- Thanh long (GI < 50): Chứa nhiều vitamin A, C và PP, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, ngoài ra thanh long còn có khả năng giúp cơ thể loại bỏ cholesterol cho cơ thể.

- Cà chua (GI = 30): Cà chua không chỉ hỗ trợ giảm cân, giúp đẹp da mà còn làm ổn định lượng đường huyết của cơ thể. Giúp hạn chế quán gà và tăng thị lực cho đôi mắt, đặt biệt là người già tiểu đường bị giảm thị lực

- Cải cầu vồng (GI = 20): Chỉ số GI thấp, nhờ sự đa dạng trong sắc tố và các vitamin cùng khoáng chất, cải cầu vồng có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, điều tiết đường huyết, tốt cho xương,…

- Quế: thực phẩm này giúp giảm mức đường trong máu và cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể. Người mắc bệnh tiểu đường nên tăng cường sử dụng gia vị này trong chế biến món ăn hằng ngày. Tuy là thực phẩm tốt cho người tiểu đường nhưng chỉ nên dùng với định lượng bằng một muỗng cà phê nhỏ một ngày.

- Trứng: (GI = 35): Thực phẩm tốt cho người tiểu đường vì chứa lượng lớn protein, giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm, tăng cholesterol HDL tốt và cholesterol HDL xấu. Luộc là cách chế biến trứng hiệu quả nhất.

- Hạt chia: là thực phẩm giàu chất xơ và carbohydrate thấp, duy trì cân bằng đường huyết. Đây là thực phẩm tốt cho người tiểu đường vì giúp điều chỉnh insulin. 

- Củ nghệ: thành phần curcumin có trong nghệ giúp giảm đường huyết trong máu, giảm viêm và nguy cơ mắc bệnh tim. Nghệ còn rất tốt cho chức năng thận - cơ quan dễ bị ảnh hưởng của những người bệnh tiểu đường.

- Quả hạch (GI = 30): Các loại quả hạt như phỉ, hạnh nhân, điều, macca, quả hạch, óc chó,... là những thực phẩm tốt cho người tiểu đường vì chứa nhiều chất xơ và nồng độ carbohydrate thấp. Người tiểu đường nên tăng cường loại thực phẩm này trong bữa ăn hằng ngày để kiểm soát đường huyết.

- Bông cải xanh (GI < 25): Đây là thực phẩm tốt cho người tiểu đường type 2, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu. Bạn hãy thường xuyên ăn các món luộc, hấp, xào từ bông cải xanh nhé.

- Hạt lanh: cũng là thực phẩm tốt cho người tiểu đường type 2. Hạt lanh có thể ăn trực tiếp, trộn với bột làm bánh hoặc có thể chế biến thành những ly sinh tố thơm ngon.

- Dầu oliu: hãng dùng dầu oliu tẩm ướp đồ ăn hằng ngày, dùng dầu oliu cho những đĩa salad rau,... đây là thực phẩm tốt cho người tiểu đường type 2.

- Dâu tây: Chỉ số GI = 41, đây là loại quả chứng nhiều anthocyanin chống oxy hóa, chất này giúp giảm nồng độ insulin sau bữa ăn và kiểm soát lượng đường trong máu cho người bệnh tiểu đường type 2. Cùng với dâu tây thì việt quất cũng là loại thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường.

- Tỏi: là một loại gia vị tốt cho sức khỏe, không chỉ giúp tăng hương vị cho thực phẩm mà còn kiểm soát lượng đường trong máu, viêm và cholesterol LDL cho bệnh nhân tiểu đường type 2, một tép tỏi mỗi ngày là rất tốt.

- Đậu: là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, tốt cho người bệnh tiểu đường hơn bất cứ loại tinh bột nào khác. Tuy nhiên nên tránh ăn nhiều đậu đóng hộp vì chúng chứa nhiều hàm lượng natri, nên ăn váng đậu khô.

- Gạo lứt (GI = 68): Không giống như gạo trắng thông thường, gạo lứt chứa hàm lượng đường thấp hơn hẳn, là thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường. Ăn gạo lứt hằng ngày giúp giảm đến 15% nguy cơ mắc tiểu đường.

- Măng tây: giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tăng lượng insulin, giúp cơ thể hấp thụ glucose. Măng tây xào, luộc là cách chế biến ngon nhất.

- Táo: Chỉ số GI = 38, ăn táo mỗi ngày giúp giảm 27% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn một quả táo mỗi ngày.

- Nước ép táo (GI = 15): Pectin - một dạng chất xơ hòa tan sẽ giúp cơ thể giữ được lượng nước cần thiết đồng thời giúp cho đường ruột được làm sạch hiệu quả. Quá trình tiêu hóa cũng được hỗ trợ diễn ra tốt hơn. Ngoài ra, chúng còn giúp cân bằng được hệ vi sinh ở bên trong đường ruột và giảm cholesterol của cơ thể. 

- Giấm táo: giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm đường huyết lúc đói. Tiêu thụ hai muỗng canh giấm táo trước khi ngủ có thể giảm 6% lượng đường trong máu. 

- Lúa mạch: chứa beta-glucan - chất xơ hòa tan giúp cải thiện sức khỏe cho người bị tiểu đường. Sinh tố lúa mạch là thực phẩm tốt cho người tiểu đường.

- Yến mạch (GI = 55): Đây là món ăn sáng tốt cho người tiểu đường khi yến mạch chứa nhiều chất xơ, vitamin B, B1, E và chất chống oxy hóa cao. Chất xơ có trong yến mạch khiến glucose hấp thụ chậm hơn, giúp ổn định đường máu.

- Trà xanh: Cách khá tốt để kiểm soát bệnh tiểu đường là uống trà xanh. Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa EGCG (Epigallocatechin gallate), giúp duy trì sự linh hoạt của mạch máu và ổn định lượng đường trong máu.

- Cá: Chỉ số GI thấp, axit béo omega-3 có trong cá rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì chúng giúp giảm tình trạng kháng insulin trong cơ thể. Hãy bổ sung thường xuyên các món ăn từ cá vào thực đơn cho người tiểu đường.

- Củ dền: GI = 65

- Măng tre: GI = 20

- Hành tây: GI = 15

- Bông atiso: GI = 20

- Cà rốt: GI = 30

- Bí đỏ: GI = 65

- Đậu cô ve: (GI = 30

- Xà lách: GI = 15

- Súp lơ: GI = 15)

- Su hào: GI = 20

- Dưa leo: GI = 15

- Cải thảo: GI = 20

- Ớt chuông: GI = 15

- Su su: GI = 50

- Cà tím: GI = 20

- Rau cần tây: GI = 15

- Cải bó xôi: GI = 15

c. Những lưu ý quan trọng khi chọn thực phẩm

Thực đơn được áp dụng riêng cho bệnh nhân đái tháo đường cần phải đa dạng và phù hợp. Số lượng các loại thực phẩm cần phải đầy đủ và thích hợp cho nhu cầu của từng trường hợp để cân nặng được duy trì ở mức hợp lý. 

Các bữa ăn nên có đầy đủ các chất như bột đường, đạm, chất béo và chất xơ để đường huyết được hấp thu vào bên trong máu một cách từ từ. Người bệnh nên bổ sung thêm chất xơ trong rau xanh để duy trì sự ổn định của đường huyết. Những loại có giàu omega-3 sẽ rất có lợi đối với sức khỏe tim mạch của người bị tiểu đường. Từ đó, những biến chứng tiểu đường có liên quan đến sức khỏe tim mạch sẽ được phòng ngừa một cách hiệu quả. 

MUFA, PUFA hay DHA đều là những chất béo tốt vừa tốt cho hệ tim mạch lại còn có khả năng phòng chống những bệnh liên quan đến huyết áp hoặc bệnh mỡ trong máu. Người bệnh nên dùng sữa ít béo, có đường palatinose cùng với các chất xơ có thể hòa tan để tránh làm tăng cao đường huyết sau khi ăn. 

Thêm vào đó, người bệnh cũng cần lưu ý không nên dùng các loại thực phẩm công nghiệp như thịt đóng hộp hoặc đồ ăn được chế biến sẵn. Các loại trái cây đóng hộp cũng không phải là thức ăn mà bệnh nhân bị tiểu đường có thể sử dụng, Các món ăn nhanh, nhiều dầu mỡ sẽ khiến cho chỉ số đường huyết của bệnh nhân bị rối loạn và nằm ngoài vùng an toàn. 

Bệnh nhân đái tháo đường chỉ nên bổ sung các loại thực phẩm với chỉ số GI thấp để tốt cho sức khỏe và hỗ trợ cải thiện bệnh.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường và các biến chứng thường gặp

2. Biến chứng có thể xảy ra

Người mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì càng khó kiểm soát lượng đường có trong máu. Lúc này nguy cơ xảy ra các biến chứng tăng lên, chúng phát triển dần dần, nếu nặng có thể đe dọa đến tính mạng.

Một số biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh:

- Bệnh tim mạch: Khi bị đái tháo đường, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như: đau tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ,… cao hơn so với bình thường.

- Tổn thương thần kinh: Lượng đường dư thừa trong máu làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh, nhất là ở chân. Vì vậy, người bệnh thường có cảm giác ngứa, tê hoặc đau ở đầu ngón tay hoặc ngón chân và ngày càng lan rộng ra. Nếu để kéo dài, người bệnh có thể bị mất cảm giác. Ngoài ra, khi các dây thần kinh bị tổn thương ở hệ tiêu hóa còn gây nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Tổn thương thận: Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các tổ chức của thận. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị suy thận hoặc bệnh thận đã ở giai đoạn cuối cần phải chạy thận.

- Tổn thương mắt: Khi bị mắc bệnh này, các mạch máu của võng mạc có thể bị tổn thương và có khả năng mắc các bệnh về thị lực nghiêm trọng khác: đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp,…

- Bệnh Alzheimer: Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao.

Các biến chứng có thể gặp khi mang thai:

- Người mẹ có thể mắc chứng bệnh tiền sản giật với các biểu hiện như: huyết áp cao, dư protein trong nước tiểu, sưng chân. Không chỉ vậy, thai phụ còn có nguy cơ mắc bệnh lý này trong lần mang thai tiếp theo, đồng thời khi về già có thể phát triển thành bệnh tiểu đường, điển hình là tiểu đường type 2.

- Thai nhi có thể phát triển nhanh hơn so với tuổi, có nguy cơ bị tiểu đường type 2 trong tương lai. Nếu mẹ bầu không điều trị, trẻ có thể bị tử vong trước hoặc sau khi sinh.

3. Điều trị bệnh tiểu đường

Khi phát hiện mình bị đái tháo đường, bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn bị tiểu đường type 1, cơ thể không tự sản xuất insulin vì vậy bạn cần dùng chúng trong suốt quãng đời còn lại. Nếu bị tiểu đường type 2, bạn cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thường xuyên. Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng thuốc uống hoặc tiêm insulin, metformin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Để bệnh không tiến triển nặng hơn, người bệnh nên ăn nhiều những thực phẩm có hàm lượng đường thấp, ăn nhiều rau xanh, chia nhỏ bữa ăn. tập thể dục thường xuyên.

Khi bị bệnh tiểu đường, bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm:

- Các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà,…

- Các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas, sữa, rượu bia và đồ uống có cồn.

- Tinh bột: cơm, bún, phở,…

4. Bệnh tiểu đường có di truyền không?

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bệnh tiểu đường có tính di truyền. Tỷ lệ di truyền của bệnh tiểu đường sẽ tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ của từng người.

Hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hình thành bệnh bao gồm:

- Gen di truyền: Yếu tố không thể phòng ngừa.

- Yếu tố môi trường kích hoạt gen gây bệnh: Hoàn toàn có thể kiểm soát để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

a. Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán trước 30 tuổi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiệp hội Tiểu đường Hoa kỳ (ADA) đã thống kê tỷ lệ mắc tiểu đường type 1 như sau:

- Bố mắc bệnh tiểu đường: Tỷ lệ con mắc bệnh là 1/17

- Mẹ mắc bệnh tiểu đường và sinh con trước 25 tuổi: Tỷ lệ con mắc bệnh là 1/25

- Mẹ mắc bệnh tiểu đường và sinh con sau 25 tuổi: Tỷ lệ con mắc bệnh là 1/100

- Mẹ mắc bệnh tiểu đường trước 11 tuổi: Tỷ lệ con mắc bệnh là 2/25

- Cả bố và mẹ mắc bệnh tiểu đường: Tỷ lệ con mắc bệnh là 1/10 đến 1/4

- Đặc biệt: Bố hoặc mẹ là người bệnh mắc hội chứng tự miễn đa tuyến type 2: Tỷ lệ con mắc bệnh là 1/2

Yếu tố nguy cơ cho bệnh tiểu đường type 1 vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng nhưng được cho là có liên quan đến 3 yếu tố sau đây:

- Yếu tố gen: Đây được coi là nguy cơ chính gây bệnh tiểu đường type 1. Một số gen được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này như gen HLA-DR3 và HLA-DR4 ở người da trắng, gen HLA-DR7 ở người Mỹ gốc Phi và gen HLA-DR9 ở người Nhật.

- Yếu tố kháng thể: Các xét nghiệm kháng thể cũng có thể được sử dụng để xác định nguy cơ mắc tiểu đường type 1 cho trẻ em có anh, chị, em ruột mắc bệnh này. Xét nghiệm này sẽ đo lượng kháng thể Insulin đối với các tế bào đảo nhỏ trong tuyến tụy hoặc đối với enzym GAD (Axit Glutamic Decarboxylase). Mức độ kháng thể cao có thể chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1 cao hơn ở trẻ.

- Yếu tố môi trường: Các virus có thể phá huỷ các tế bào tuỵ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua kích thích các phản ứng miễn dịch hoặc tự miễn. Chế độ ăn giàu Nitrat hay hấp thụ Vitamin D thấp cũng có thể tăng nguy cơ khởi phát tiểu đường type 1.

b. Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là thể bệnh chiếm tỷ lệ người mắc lớn nhất và tỷ lệ cao khởi phát ở người lớn tuổi. Tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 theo công bố của Hiệp hội Tiểu đường Hoa kỳ (ADA):

- Bố hoặc người mẹ mắc bệnh tiểu đường trước 50 tuổi, tỷ lệ con bị bệnh là 1/7.

- Cả bố và mẹ đều mắc bệnh, tỷ lệ này lên tới 50% (½).

- Bố hoặc mẹ phát hiện bệnh sau 50 tuổi, người con có nguy cơ mắc bệnh là 1/13.

Bệnh tiểu đường type 2 có mối liên hệ chặt chẽ với cả 2 yếu tố di truyền và môi trường sống nên thường khó xác định đâu là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh có thể thường đến từ cả 2 yếu tố. Cụ thể:

- Yếu tố gen: Một số nghiên cứu cho thấy có những đột biến gen gắn liền với bệnh tiểu đường type 2, tuy nhiên không có gen nào độc lập gây bệnh. Một số gen tham gia quá trình điều hoà glucose máu như TCF7L2, ABCC8, CAPN10, GLUT2, GCGR bị đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

- Yếu tố môi trường: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ và các bệnh lý như thừa cân, béo phì sẽ dễ dẫn đến mắc tiểu đường type 2. Một số yếu tố khác như virus, chất độc cũng có thể kích hoạt yếu tố gen và gây bệnh.

Xem thêm: Vì sao người tiểu đường dễ đột quỵ não, dấu hiệu và cách sơ cứu?

5. Các vấn đề liên quan đến kiểm tra đường huyết

a. Tại sao cần theo dõi đường huyết thường xuyên?

Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên mang lại một số lợi ích như sau:

- Cho chúng ta biết lượng đường trong cơ thể đang ở mức cao hay thấp.

- Đánh giá chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của chúng ta tác động như thế nào đến chỉ số đường huyết.

- Giúp người bệnh tránh được nguy cơ có thể bị bị nguy hiểm khi đường huyết quá cao hay đường huyết quá thấp.

- Giúp người bị mắc bệnh liên quan đến đường huyết có thể theo dõi mức độ thay đổi đường huyết để điều chỉnh cách thức điều trị bệnh.

- Theo dõi ảnh hưởng của bệnh tiểu đường với mức đường huyết của bệnh nhân.

- Đánh giá tác động của các yếu tố khác như bệnh lý hay căng thẳng tinh thần lên tình trạng bệnh.

b. Bao lâu nên đo đường huyết một lần?

Chỉ số đường huyết trong máu sẽ liên tục thay đổi, đường huyết lúc đói, lúc ăn no,... sẽ có sự chênh lệch. Chính vì vậy, chúng ta cần nắm được như thế nào là chỉ số đường huyết bình thường, chỉ số bất thường. Dưới đây là các chỉ số đường huyết ổn định, an toàn của cơ thể.

- Chỉ số đường huyết được đo ở mộ thời điểm bất kỳ trong ngày sẽ nhỏ hơn 140 mg/dL (tương đương với 7.8 mmol/l).

- Chỉ số đường huyết được đo khi cơ thể đang đói sẽ thấp hơn < 100 mg/dL (tương đương 5.6 mmol/l).

- Chỉ số đường huyết được đo sau bữa ăn thấp hơn 140 mg/dL (tương đương 7,8 mmol/l).

Dựa vào các chỉ số trên, chúng ta có thể đặt ra các thời điểm để kiểm tra đường huyết trong ngày như sau:

- Khi đói: Khi cơ thể đang đói, chỉ số đường huyết sẽ rơi vào khoảng 70 mg/dL đến 92 mg/dL. Đây là chỉ số được đánh giá là bình thường và ổn định, các trường hợp có chỉ số đường huyết này sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

- Sau ăn: Chúng ta sẽ đo lượng đường huyết sau ăn khoảng từ 1 đến 2 tiếng. Với cơ thể bình thường thì chỉ số glucose máu ổn định sẽ thấp hơn 140mg/dL.

- Đi ngủ: Đối với người bình thường, chỉ số đường huyết trước đi ngủ sẽ nằm trong khoảng từ 110 - 150 mg/dL.

- Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c): Đây là chỉ số được xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường đồng thời kiểm soát hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Nếu HbA1c thấp hơn 6.5%, thì đây sẽ là một chỉ số bình thường không đáng lo ngại.

c. Các khuyến cáo về việc tầm soát bệnh đái tháo đường type 2

Các khuyến cáo về việc tầm soát bệnh đái tháo đường type 2 hiện nay như sau: Mọi đối tượng trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân, béo phì (có BMI > 25 kg/m2), cần được tầm soát. Nếu thử đường huyết có kết quả ở mức bình thường nên thử lại đường huyết 3 năm/lần.

Các đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau đây phải được thử đường huyết để tầm soát ở tuổi trẻ hơn, có thể 3 năm/lần hoặc 1 năm/lần:

- Người ít vận động

- Có bố hay mẹ đẻ bị đái tháo đường

- Người thuộc chủng tộc có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ bản địa, Mỹ gốc Châu Á, người Châu Á Thái Bình Dương).

- Sinh con to, cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.

- Bị tăng huyết áp (Huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg).

- Có HDL-C ≤ 35mg/dl (0.9mmol/l) hoặc nồng độ triglycerid ≥ 250mg/dl (2.82mmol/l)

- Người bị hội chứng buồng trứng đa nang.

- Đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói.

- Có tình trạng bệnh lý kết hợp với đề kháng insulin (như chứng gai đen, buồng trứng đa nang).

- Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.

- Có thể sử dụng cả test đường huyết lúc đói và nghiệm pháp tăng đường huyết trong tầm soát đái tháo đường, nhưng thử đường huyết lúc đói hay được áp dụng vì kinh tế, tiện lợi và dễ dàng thực hiện.

d. Cách sử dụng máy đo tiểu đường chính xác nhất

Nên sử dụng đầu ngón tay để lấy mẫu máu thay vì các vị trí khác bởi máu lưu thông đến các đầu ngón tay luôn luôn nhanh hơn các bộ phận khác.

Bước 1: Lựa chọn ngón tay để lấy mẫu máu

Bước quan trọng đầu tiên để có một kết quả chính xác cao trong việc đo đường huyết là rửa sạch tay. Đặc biệt là phần đầu ngón tay bằng xà phòng. Do các chất bẩn, thực phẩm thừa hay mồ hôi có thể vẫn bám trên ngón tay làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.

Nếu không có điều kiện để rửa tay bằng xà phòng có thể sử dụng cồn 70 độ. Cồn có thể làm sạch tay khỏi vi khuẩn và các dư lượng thức ăn còn bám trên tay. Nên sử dụng thêm miếng bông gạc để dễ thấm cồn và lau cả bàn tay.

Bước 2: Lau tay khô trước khi sử dụng máy đo tiểu đường

Rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc cồn và dùng khăn sạch để lau khô. Do nước hoặc cồn đọng trên tay có thể làm loãng mẫu máu thử ảnh hưởng đến kết quả đo.

Bước 3: Mở nắp lọ que thử

Mở nắp lọ que thử và lấy ra một que để sử dụng, đóng chặt lại thật nhanh để tránh không khí lọt vào hộp.

Bước 4: Lấy que thử cắm vào đầu máy đo đường huyết

Dùng que thử cắm vào đầu của máy đo tiểu đường. Máy sẽ tự khởi động sau đó với số code trùng với code trên hộp que thử. Trong đường hợp 2 code này không giống nhau, cần liên hệ với nhà sản xuất máy đo đường huyết vì khi thử máu máy sẽ không cho kết quả chính xác.

Bước 5: Gắn kim lấy máu vào bút lấy máu

Vệ sinh sạch sẽ và gắn kim lấy máu vào bút lấy máu, vặn nắp kim theo chiều ngược lại để lấy kim ra.

Bước 6: Tùy chỉnh độ nông sâu của kim

Xoay nắp bút để chỉnh độ sâu của kim cho phù hợp với da.

Bước 7: Bấm nhẹ nắp bút vào đầu ngón tay để lấy máu

Bước 8: Nặn ép máu trên ngón tay

Bước 9: Đưa giọt máu vào que thử trên máy đo đường huyết

Bước 10: Đọc kết quả hiển thị trên máy.

Sau khoảng 5 giây (tùy máy) màn hình sẽ hiển thị kết quả. Nên lưu lại và so sánh với bảng đo đường huyết (kết quả trên máy đo tiểu đường thường được đo bằng mmol/l hoặc mg/dl).

- Ở người bình thường, chỉ số đường huyết lúc đói và sau ăn 2 giờ thấp hơn 6.1 mmol/l (110mg/dl).

- Nếu chỉ số dưới 7.0 mmol/l (126mg/dl) nghĩa là đã bị rối loạn đường huyết hay tiền tiểu đường.

- Nếu trên 7.8 mmol/l (140 mg/dl) trước hoặc sau ăn 2 giờ thì đã mắc bệnh tiểu đường. Cần khám và có phác đồ điều trị thích hợp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X