Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao người tiểu đường dễ đột quỵ não, dấu hiệu và cách sơ cứu?

Hiện nay tỷ lệ mắc mới bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) đang tăng rất nhanh trên thế giới. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng, dẫn đến tàn tật và thậm chí là tử vong. Một trong những biến cố nguy hiểm và thường gặp nhất ở người bệnh tiểu đường là đột quỵ.  

1. Tại sao người bệnh tiểu đường dễ bị đột quỵ não?

Hiện tượng tăng đường huyết làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa lây bít tắc lòng mạch, cản trở lượng máu giàu oxy đến nuôi não. Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

Đái tháo đường dẫn đến tăng huyết áp (đường huyết tăng cao làm tăng hoạt tính giao cảm dẫn đến tăng sức cản ngoại vi và hậu quả là tăng huyết áp). Mà tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ não.

Đa số người bệnh đái tháo đường có lượng cholesterol (mỡ) tăng cao làm mảng xơ vữa nhiều thêm. Khi những mảng xơ vữa này tích tụ bên trong động mạch, chúng bắt đầu hạn chế và làm giảm lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, cản trở cung cấp dưỡng chất và oxy nuôi dưỡng tế bào não, từ đó gây ra đột quỵ não. 

Ngoài ra, các mảng bám hay huyết khối cũng có thể khiến cho mạch máu trong não bị vỡ, làm một vùng não không được cung cấp máu và gây ra đột quỵ não. 

Khi quá trình này xảy ra trong não, nó dẫn đến tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn với những di chứng nặng nề như: liệt toàn thân hay nửa người, suy giảm khả năng nhận thức, không nói chuyện được, mất khả năng lao động hoặc nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do đó, đái tháo đường được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

2. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và đột quỵ?

3 căn bệnh này liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, đột quỵ thường là hậu quả cuối cùng có khả năng dẫn đến tử vong của tăng huyết áp và tiểu đường.

Trên một người có tiền căn đơn lẻ bệnh tiểu đường thì sau một thời gian có thể kèm theo tăng huyết áp. Khi đã cộng hưởng cả tiểu đường và tăng huyết áp thì nguy cơ đột quỵ rất cao.

Bệnh tiểu đường liên quan nhiều đến vấn đề chuyển hóa trong cơ thể. Khi chúng ta đưa thực phẩm vào cơ thể sẽ phân hủy rồi trở thành chất dinh dưỡng, nhưng nếu lượng thức ăn đưa vào nhiều mà lượng tiêu hao vận động ít sẽ để lại năng lượng dư thừa. 

Khi thừa càng nhiều, tích lũy càng lớn thì càng thừa cân, béo phì, tăng mỡ máu, đường huyết tăng cao do cơ thể không phân hủy được lượng đường dư thừa và nó sẽ lắng đọng vào tất cả các cơ quan.

Nguy hiểm nhất là lắng đọng trên thành mạch máu, tạo thành mảng xơ vữa sẽ dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ khiến mạch máu tại vị trí đó bị vỡ hoặc nếu cục máu đông bong tróc, trôi lên não gây tắc mạch máu não, trôi vào mạch máu tim hay động mạch vành (hoặc cục máu đông hình thành ngay tại động mạch vành) sẽ gây tắc động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.

Đối với bệnh tăng tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh này là người lớn tuổi. Trong cộng đồng, những người từ 50 tuổi trở lên nguy cơ bị tăng huyết áp đã nhân đôi. Trong dân số từ 70 tuổi trở lên, khi đo huyết áp cho 100 người cũng có đến 60 - 70% bị tăng huyết áp mà không hề hay biết. Đến một ngày nào đó khi huyết áp tăng đột biến 180 - 200mmHg thì hậu quả xảy ra là tình trạng đột quỵ xuất huyết não.

Như vậy, chỉ riêng một bệnh lý tiểu đường đã làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Những người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 3 so với người khỏe mạnh. Nếu bệnh tiểu đường còn kèm theo tình trạng tăng huyết áp thì nguy cơ còn tăng gấp bội.

Xem thêm: Bệnh đái tháo đường và bệnh Alzheimer có mối liên hệ như thế nào?

3. Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu và cách sơ cứu đột quỵ ở người bệnh tiểu đường?

Biểu hiện đột quỵ rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu này được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:

- Face: Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, khuôn mặt xệ xuống một bên, đặc biệt là mặt dưới, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

- Arms: Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Thường, bệnh nhân sẽ không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó. Kỹ hơn, nếu bệnh nhân còn tỉnh hãy nói họ bóp - nắm lấy tay mình, khi đó chúng ta sẽ cảm nhận được một bên tay bị yếu, không có sức.

- Speech: Kiểm tra giọng nói. Một người khi bị đột quỵ sẽ có sự thay đổi về giọng nói, nói đớ, nói ngọng, không nói được hoặc phát âm sai. Ví dụ như không nói rõ được tên họ của chính mình mà chỉ nói một cách ú ớ, khó nghe.

Chỉ với 3 dấu hiệu chúng ta có thể chẩn đoán gần như chính xác một trường hợp đang bị đột quỵ. Lưu ý, khi thấy bệnh nhân méo miệng, tay chân yếu, nói đớ - nói khó thì đó là đột quỵ chứ không phải trúng gió hay lẫn lộn với bất kỳ bệnh lý nào khác. 

Việc quan trọng nhất là nhanh chóng đưa người bệnh tiếp cận với cơ quan y tế có thể cấp cứu, điều trị đột quỵ một cách tốt nhất, chứ không phải đến cơ sở y tế gần nhà mà không có điều kiện cứu chữa bệnh nhân đột quỵ, điều này vô hình chung làm mất đi khoảng thời gian vàng.

Mặc dù đột quỵ có liên quan đến yếu tố nguy cơ nhiều hơn như có bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá nhiều năm số lượng hơn 1 gói/ngày nhưng thực tế vẫn có những trường hợp bị đột quỵ mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Căn bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, vì thế chúng ta không nên chủ quan.

4. Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà bằng cách nào?

Sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C

a. A (Airway, đường thở)

Quan trọng nhất là đường thở của bệnh nhân, nếu người đó còn tỉnh táo, tiếp xúc được thì không quá lo lắng về đường thở. Chúng ta cần kiểm tra xem người lớn tuổi có răng giả không, có ảnh hưởng đường thở hay không, có tím tái môi, có co kéo hay không để khai thông đường thở.

Nới lỏng quần áo, đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng, tránh trong phòng kín thiếu oxi hoặc tập trung đông người. Lưu ý, không cho bệnh nhân uống thuốc, uống chanh đường hay sữa,… vì có thể làm bệnh nhân hít sặc vào phổi dẫn đến tử vong.

Tóm lại, nếu bệnh nhân không cần hỗ trợ về đường thở chúng ta chỉ cần để yên, đừng gây hại thêm cho bệnh nhân bằng thao tác sai lầm như bơm, xịt rửa, đút đồ ăn, uống thuốc trong lúc nghi ngờ bị đột quỵ.

Xem thêm: Phân biệt đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2

b. B (Blood, máu)

Nhanh chóng kiểm tra xem bệnh nhân có bị chấn thương, va chạm hay chảy máu ở vị trí nào không. Trường hợp đột quỵ nhẹ nhưng té ngã ngoài đường làm gãy xương đùi, chấn thương cột sống cổ hoặc nếu chảy máu không được băng ép, cầm máu mà chỉ xoa dầu, cạo gió, sốc bệnh nhân lên thì rất nguy hiểm.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hãy hỏi xem họ có đau vị trí nào không, chẳng hạn như vùng cột sống cổ, xương đùi… Nếu bệnh nhân bất tỉnh, chúng ta phải quan sát xung quanh bệnh nhân xem có vết máu nào không, đồng thời xử lý theo nguyên tắc một tấm gỗ. Đặt bệnh nhân lên một tấm ván cứng (lý tưởng nhất là dùng băng ca) và nhờ vài người khiêng bệnh nhân theo nguyên tắc cùng lúc đỡ nhẹ nhàng các bộ phận quan trọng của người bệnh, giữ thẳng vùng cổ, ngực, đùi, chân rồi đặt vào tấm ván cứng (hoặc  băng ca), sau đó vận chuyển bệnh nhân đến nơi an toàn.

c. Circulation, tuần hoàn máu

Đánh giá tuần hoàn của bệnh nhân bằng cách rờ các mạch máu lớn của bệnh nhân ở các vị trí như cổ, đùi,… xem còn đập hay không. Nếu còn, di chuyển bệnh nhân đến nơi bằng phẳng nghỉ ngơi, chờ cấp cứu đến. Nếu ngưng thở, cần làm hồi sức tim phổi.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X