Hotline 24/7
08983-08983

Vi chất dinh dưỡng cho trẻ: Cần thiết nhưng không được quá liều

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, vi chất dinh dưỡng cần được bổ sung đủ và đúng, vì dù thừa hay thiếu đều để lại hệ lụy nghiêm trọng.

1. Vi chất dinh dưỡng là tối cần thiết cho sự phát triển của cơ thể

Xin hỏi BS, vi chất dinh dưỡng gồm những gì và đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của trẻ?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Mặc dù cơ thể không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một lượng nhỏ nhưng vi chất dinh dưỡng là tối cần thiết cho cơ thể phát triển. Vi chất khác với những đại dưỡng chất khác mà chúng ta dễ hình dung như đạm, đường, chất béo.

Thiếu một ít đại dưỡng chất không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể. Cơ thể có thể sử dụng mỡ béo được dự trữ trong vài ba ngày, sau đó nếu được bổ sung lại, chúng ta sẽ sống và phát triển tiếp.

Nhưng vi chất lại rất cần thiết cho sự phát triển của hệ miễn dịch, sự tăng trưởng của trí não, thậm chí can thiệp vào sự tồn vong của DNA là hệ di truyền của con người. Vì vậy, vi chất dù số lượng ít nhưng cực kỳ thiết yếu, quan trọng đối với cơ thể.

Vi chất được chia thành hai nhóm: nhóm các vitamin và nhóm các khoáng chất. Nhóm vitamin được đánh giá nằm trong nhóm vi chất là vitamin C, vitamin D. Khoáng vi chất gồm sắt, kẽm, i-ốt, mangan, selen,... Canxi là khoáng chất nhưng chưa phải vi chất.

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

2. Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ diễn tiến thầm lặng

Một đứa trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những vấn đề gì cho sức khỏe? Hệ lụy nào có thể thấy ngay trước mắt nếu trẻ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Trẻ bị “đói” chất dinh dưỡng có 2 dạng: thiếu đại dưỡng chất như đạm, béo, tinh bột khiến trẻ bị đói, khóc quấy. Khi được ăn no, trẻ sẽ không còn khóc.

Dạng thứ hai là đói tiềm ẩn, nghĩa là thiếu các vi chất. Việc thiếu vi chất diễn tiến thầm lặng, chưa thể hiện ra ngay. Chỉ khi nào tình trạng nặng lên, để lại hệ lụy cạn kiệt, phụ huynh mới đưa trẻ đến bác sĩ và phát hiện con thiếu vi chất.

Đó là sự khác nhau giữa đói đại dưỡng chất và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

Như đã nói, thiếu vi chất dinh dưỡng diễn tiến âm thầm nên rất khó phát hiện. Chờ đến khi tình trạng nặng, thể hiện ra các hệ lụy mới can thiệp là đã muộn.

Trẻ bị thiếu vi chất có một hệ lụy chung là biếng ăn, chậm tăng trưởng, mệt mỏi, sức đề kháng kém, thường xuyên bị bệnh. Trẻ bị đưa vào vòng lặp: bị bệnh - ăn uống kém - càng thiếu vi chất - ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Những triệu chứng này mang tính gián tiếp để phụ huynh có thể đánh giá con trẻ có bị thiếu vi chất hay không.

Khi có nghi ngờ, phụ huynh nên xem xét lại việc ăn uống của con. Ví dụ, em bé ăn uống kém, cân nặng và chiều cao không đủ chuẩn theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, da tay, mí mắt nhợt nhạt, môi tái... là biểu hiện thiếu máu.

Đạm động vật là một nguồn nguyên liệu để góp phần tạo máu. Nếu trẻ chỉ uống sữa, chế độ ăn không có thịt, trẻ có khả năng bị thiếu sắt.

Nếu điều kiện vệ sinh môi trường sống không tốt, trẻ thường xuyên ôm ấp vật nuôi, trẻ trên 2 tuổi, ăn uống kém, bụng to, da dẻ xấu, có thể trẻ chưa được tẩy giun, nhiễm ký sinh trùng, thiếu máu.

Khi trẻ có các biểu hiện ăn uống kém, chiều cao và cân nặng không phù hợp, ốm đau bệnh tật liên miên, phụ huynh phải nghi ngờ trường hợp thiếu vi chất và cho trẻ đến bác sĩ nhi, chuyên gia dinh dưỡng.

3. Bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ qua chế độ ăn

Các loại vi chất dinh dưỡng phổ biến cho trẻ thường có trong các loại thực phẩm nào? Nên cho trẻ ăn như thế nào và cần lưu ý điều gì trong quá trình chế biến để trẻ có thể hấp thu tối đa những vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Các mẹ cần nhớ một số vi chất dinh dưỡng sau đây:

- Vitamin D có tác động rất tốt đến sự tăng trưởng của con vì đây là “cánh cửa sổ” để kéo sự hấp thu canxi vào trong xương, cho hệ tiêu hóa,... Nhưng vitaimin D không tự có trong cơ thể của trẻ mà có từ thức ăn chiếm 20%, từ ánh nắng mặt trời chiếm đến 80%.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nếu có thể hoạt động ngoài trời, ba mẹ nên cho con ra ngoài tắm nắng để góp phần tăng thêm vitamin D.

Vitamin D trong chế độ ăn chiếm rất ít, hầu như không có trong thực vật. Tắm nắng và bổ sung một số chế phẩm theo chỉ định của bác sĩ nhi, bác sĩ dinh dưỡng là đã đủ cho trẻ.

- Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, tăng collagen của lớp biểu bì da. Trong chế độ ăn của trẻ không thể thiếu rau. Ngoài ra, có thể chọn các loại trái cây tươi họ cam quýt để cung cấp vitamin C.

Vitamin C còn có lợi cho việc hấp thu sắt. Trong quá trình sử dụng sắt hoắc muốn bổ sung sắt qua chế độ ăn, nên ăn thêm rau, trái cây có vị chua để tăng hấp thu sắt.

Tuy nhiên, việc hấp thu sắt lại bị ức chế bởi sự có mặt của canxi. Vì vậy, bổ sung sắt nên thực hiện cách xa thời gian bổ sung canxi, canxi dùng buổi sáng còn sắt dùng buổi chiều.

- Vitamin A hỗ trợ biểu mô hệ tiêu hóa phát triển tốt, ảnh hưởng đến miễn dịch, tăng trưởng chiều cao, giúp thị lực phát triển tốt. Các loại trái cây có màu xanh đậm, vàng đậm như cà rốt, bí đỏ, đu đủ... có chứa nhiều vitamin A.

Tuy nhiên, trước khi các loại thực phẩm được hấp thu vào cơ thể để tạo vitamin A, bản thân nó đang ở giai đoạn tiền vitamin A - beta carotene. Một số bà mẹ tin việc ăn những thực phẩm này giúp trẻ bổ não nên cho trẻ ăn mỗi ngày dẫn đến tình trạng vàng da.

Vitamin A là vitamin không tan trong nước mà tan trong dầu, do đó lượng vitamin A dư thừa sẽ tích trữ lại trong lớp mỡ dưới da, khiến con bị vàng lòng bàn tay, lòng bàn chân. Hệ lụy là con trẻ biếng ăn hơn.

- Các vitamin nhóm B cũng rất cần thiết cho trẻ nhưng có thể bay hơi dưới tác động của nhiệt. Nên nấu canh vừa sôi tới, đậy nắp để giữ được vitamin.

- Nên cho trẻ ăn muối i-ốt hơn là muối tự nhiên để tránh tình trạng thiếu i-ốt. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau đó, đến khi trong chế độ ăn của trẻ có thể thêm gia vị thì nên bổ sung muối i-ốt.

3. Thuốc bổ quá liều lượng gây tác dụng ngược

Xin hỏi BS, phụ huynh nếu muốn sử dụng các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ cần phải chú ý đến những thành phần nào, cách đọc nhãn sản phẩm như thế nào là đúng?

ThS.BS.CK2 Dương Công Minh trả lời: Theo tôi đánh giá, quý vị phụ huynh hiện nay là những người tiêu dùng rất thông minh, có kiến thức. Vì vậy, khi quyết định sử dụng một chế phẩm hoặc một multivitamin nào đó để bổ sung vi chất cho con, họ sẽ tìm hiểu kỹ, nghiên cứu liều lượng, đọc thông tin trên nhãn mác. Nếu thực sự cần thiết cho con thì mới sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều phụ huynh đánh giá cảm tính. Dù con ăn đủ, chiều cao và cân nặng đủ, mọi vấn đề đều ổn nhưng phụ huynh vẫn cảm thấy chưa đủ, cần bổ sung thêm nhiều thứ.

Từng có trường hợp một em bé sử dụng đến 4, 5 loại thuốc bổ. Nếu 4, 5 loại này là cần thiết thì vẫn có thể bổ sung nhưng không được trùng lắp. Nhiều ông bố bà mẹ mua nhiều loại thuốc bổ cho con, mà trong các thuốc này đều có canxi. Thuốc chồng thuốc gây quá liều.

Thuốc bổ quá liều lượng quy định sẽ gây ra tình trạng ức chế, khiến trẻ ăn uống kém hơn. Trẻ ăn uống kém, khô nứt môi, ra ghèn mắt nhiều, táo bón,... là dấu hiệu của việc dùng thuốc sai cách.

Lời khuyên của tôi là phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho con uống, chỉ cần theo dõi con mình ăn uống đầy đủ, cân nặng và chiều cao đạt chuẩn. Việc con có thiếu chất hay không phải được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa nhi và chuyên gia dinh dưỡng. Hãy đi cùng chuyên gia để có giải pháp tối ưu nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X