Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị viêm ruột thừa nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm ra sao?

Theo ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Cách điều trị tốt nhất là phẫu thuật, nếu đến muộn khi đã xảy ra biến chứng viêm ruột thừa có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

1. Viêm ruột thừa ở trẻ em là gì?

Đầu tiên xin hỏi BS, viêm ruột thừa ở trẻ em là tình trạng như thế nào và nguy hiểm ra sao?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Ruột thừa là một ống tiêu hóa gắn vào manh tràng và nằm ở vùng bụng dưới bên phải.

Tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa là ruột thừa bị tắc nghẽn, ứ đọng, xung huyết và ứ đọng mủ, vi khuẩn phát triển. Sau đó, ruột thừa sẽ sưng to lên, nung mủ và diễn tiến lâu dài có thể dẫn đến vỡ mủ.

Từ đó, dịch trong ruột thừa sẽ lan tràn vào trong ổ bụng, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, có thể dẫn đến áp xe ruột thừa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không chẩn đoán và điều trị thích hợp.

2. Viêm ruột thừa thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Thưa BS, viêm ruột thừa thường xảy ra ở độ tuổi nào và vì sao độ tuổi này lại gặp nhiều hơn ạ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể bị viêm ruột thừa, mặc dù tình trạng này ít xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn.

Ở trẻ nhỏ, độ tuổi thường mắc viêm ruột thừa là 11 - 12 tuổi. Nguyên nhân chính do sự tắc nghẽn bên trong lòng ruột thừa và do phì đại các hạch lympho, nang lympho ở vùng gốc ruột thừa.

3. Nguyên nhân nào dẫn đến trẻ nhỏ dễ bị mắc viêm ruột thừa?

Chúng ta thường có những nguyên nhân nào khiến cho trẻ nhỏ dễ bị mắc viêm ruột thừa thưa BS?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Bên cạnh việc tăng sản phì đại các mô lympho ở vùng gốc ruột thừa, viêm ruột thừa còn có thể do tắc nghẽn sỏi bên trong lòng ruột thừa.

Những tình huống này thường gặp ở người có chế độ ăn nhiều thịt và ít chất xơ. Còn lại, đối với trẻ nhỏ nguyên nhân do sỏi ít hơn so với người lớn.

4. Dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị viêm ruột thừa

Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp cho thấy trẻ đang bị viêm ruột thừa là gì ạ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Ruột thừa khi bị viêm sẽ có tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn bên trong lòng ruột thừa và sau đó nung mủ. Chính vì vậy, biểu hiện đầu tiên có thể nghĩ đến nhiều nhất là triệu chứng đau bụng.

Đau bụng do viêm ruột thừa sẽ có một số đặc điểm đặc biệt, tuy nhiên ở trẻ nhỏ triệu chứng này không điển hình bằng người lớn hoặc trẻ lớn.

Đầu tiên là trường hợp đau ở vùng quanh rốn hoặc vùng thượng vị. Sau đó, vị trí đau sẽ lan dần xuống hố chậu phải và khu trú ở vùng 1/4 bụng dưới bên phải.

Bên cạnh biểu hiện đau, trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện khác như chán ăn, buồn nôn, thậm chí một số trẻ có tiêu chảy, tiểu lắt nhắt, tiểu buốt,…

Ngoài ra, trẻ sẽ có một số biểu hiện toàn thân, đặc biệt là sốt. Trong trường hợp viêm ruột thừa đến sớm thường là sốt nhẹ nhưng khi viêm ruột thừa đã vỡ, đã xảy ra biến chứng thường sẽ sốt cao.

5. Làm thế nào để nhận diện chính xác trẻ bị viêm ruột thừa?

Đối với những trẻ nhỏ, làm cách nào để trẻ có thể nói rõ triệu chứng viêm ruột thừa với cha mẹ, nếu trẻ không thể nói được thì làm sao để nhận diện chính xác ạ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Viêm ruột thừa ở trẻ không phải trường hợp nào cũng dễ chẩn đoán, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi. Biểu hiện lâm sàng ở trẻ nhỏ không rõ ràng như trẻ lớn, cũng như trẻ không thể khu trú tổn thương và mô tả cho phụ huynh chính xác tổn thương đó.

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý một số biểu hiện đặc biệt để đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và xử lý sớm:

- Trẻ nhỏ thường không khu trú được vị trí đau bụng mà đa số sẽ chỉ vào vùng rốn để mô tả. Tình trạng đau bụng diễn tiến ngày càng nhiều và tồn tại hằng định, không phải thoáng qua rồi hết đau.

- Thậm chí chỉ có biểu hiện quấy khóc bất thường, mệt mỏi, lừ đừ kèm theo sốt và mỗi khi thay đồ, tắm cho bé hoặc bế bé lên và đụng vào vùng bụng bé đều gạt tay ra, không cho đụng vào.

- Bé thường nằm yên và hạn chế vận động, không chạy nhảy như thường ngày vì đau.

6. Nên xử trí thế nào khi nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa?

Nhờ BS chia sẻ cách xử trí đúng nhất khi phụ huynh nghi ngờ con của mình bị viêm ruột thừa ạ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Nếu phụ huynh nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa, cách tốt nhất là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại nhi để theo dõi, thăm khám, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định cho bé và có hướng điều trị hợp lý.

7. Những sai lầm phụ huynh cần tránh khi sơ cứu trẻ bị viêm ruột thừa

Trong quá trình công tác, BS nhận thấy có những sai lầm nào mà phụ huynh cần tránh khi sơ cứu trẻ bị viêm ruột thừa để bệnh không tiến triển nặng hơn và trầm trọng hơn ạ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Khi trẻ có triệu chứng đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng, một số gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn thường sử dụng biện pháp dân gian như lể hoặc chích rạch ở vùng bụng để trẻ bớt đau. Tuy nhiên thói quen này không nên thực hiện vì sẽ gây chủ quan, chậm trễ trong việc đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và xử lý thích hợp.

Ngoài ra, khi thấy trẻ đau bụng một số phụ huynh sẽ tự ý đến tiệm thuốc mua thuốc giảm đau, kháng sinh về cho trẻ uống. Chính những thuốc này sẽ làm che bớt triệu chứng của trẻ và dẫn đến phát hiện muộn, nguy cơ biến chứng nhiều hơn. Trong khi đó, biến chứng ruột thừa sẽ liên quan đến tiên lượng, dự hậu về sau của trẻ, đặc biệt là về tắc ruột và nhiễm trùng sau mổ.

8. Viêm ruột thừa nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nào?

Liệu rằng có khoảng thời gian vàng nào để điều trị viêm ruột thừa cấp không và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng gì thưa BS?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Không có thời gian vàng để điều trị viêm ruột thừa. Đa số các trường hợp viêm ruột thừa sẽ diễn tiến theo hướng vỡ mủ ra, khoảng từ 24 - 36 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Một số trường hợp chỉ 6 tiếng đồng hồ ruột thừa đã vỡ.

Khi đó mủ sẽ tràn ra ổ bụng, làm nhiễm trùng khắp ổ bụng, nếu may mắn hơn sẽ bao bọc lại tạo thành ổ áp xe. Dù đã can thiệp phẫu thuật nhưng dự hậu về sau như nhiễm trùng, tắc ruột về lâu dài sẽ nhiều hơn so với viêm ruột thừa được xử trí sớm. Chính vì vậy, cần chẩn đoán và xử trí càng sớm càng tốt, khi trẻ có biểu hiện viêm ruột thừa.

9. Các phương pháp để điều trị viêm ruột thừa, nguy cơ tái phát thế nào?

Có các phương pháp nào để điều trị viêm ruột thừa ở trẻ? Nếu trẻ đã bị viêm ruột thừa một lần rồi thì có nguy cơ bị tái phát không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Hiện trên thế giới có 2 cách điều trị viêm ruột thừa. Thứ nhất là chỉ dùng thuốc mà không phẫu thuật.

Hiện cách này không được áp dụng rộng rãi và có một số chỉ định, cũng như cần có một số điều kiện nhất định về mặt bệnh nhân, theo dõi để không xảy ra biến chứng muộn. Đối với những trường hợp chỉ điều trị bằng thuốc, nguy cơ tái phát sẽ nhiều hơn và về sau vẫn phải cắt ruột thừa.

Hiện tại, trong nước và đa số các nơi trên thế giới vẫn theo cách điều trị thứ hai là cắt bỏ ruột thừa bị viêm.

Trước đây, đa số sẽ chọn phương pháp mổ hở, nghĩa là rạch một đường trên bụng và đem ruột thừa ra ngoài cắt. Tuy nhiên, hiện nay phẫu thuật nội soi đã rất phát triển và đa số có thể can thiệp được từ viêm ruột thừa bình thường cho đến viêm ruột thừa biến chứng như áp xe ruột thừa, viêm phúc mạc ruột thừa.

Cách điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt ruột thừa, do đó sẽ không xảy ra tình trạng viêm ruột thừa tái phát. Vấn đề này chỉ xảy ra với những trường hợp điều trị bằng thuốc để giảm tình trạng viêm thì ruột thừa có thể viêm nhiều lần và sau cùng vẫn phải cắt ruột thừa để giải quyết nguyên nhân.

10. Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ bị viêm ruột thừa thế nào là đúng?

Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ bị viêm ruột thừa như thế nào để trẻ không bị bệnh trầm trọng hơn thưa BS?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng sẽ có 3 vấn đề.

Thứ nhất là chế độ dinh dưỡng. Đối với trường hợp trẻ bị viêm ruột thừa đến sớm, chưa có biến chứng thì 6 tiếng đồng hồ sau khi mổ có thể cho trẻ ăn bằng đường miệng với chế độ ăn loãng. Nếu dung nạp chế độ ăn loãng mà trẻ không nôn ói thì có thể tăng chế độ ăn lên từ loãng đến đặc dần như cháo đến súp, sau đó đến cơm.

Tuy nhiên với trẻ viêm phúc mạc ruột thừa hoặc ruột thừa có biến chứng thì sau khi mổ thông thường trẻ phải nhịn đói từ 24 - 48 tiếng, đợi trẻ có nhu động ruột mới bắt đầu cho ăn trở lại. Chế độ ăn cũng từ loãng đến đặc dần.

Thứ hai, việc vận động, đi lại của trẻ rất quan trọng. Vận động sớm sẽ làm kích thích nhu động ruột, làm giảm ứ đọng dịch trong đường ruột, cũng như cải thiện tình trạng tắc ruột sau mổ. Từ đó giúp trẻ ăn sớm và dự hậu về sau tốt hơn.

Trường hợp mổ viêm phúc mạc ruột thừa, bụng dơ phải đặt ống dẫn lưu thì vận động sớm sau mổ sẽ giúp dịch tồn lưu trong bụng dược thoát ra ngoài qua ống dẫn lưu và trẻ được phục hồi sớm hơn.

Thứ ba, những chăm sóc đặc biệt như kháng sinh, dịch truyền, thức ăn dinh dưỡng tĩnh mạch sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện do đội ngũ nhân viên y tế phụ trách.

Người nhà chỉ cần quan tấm đến chế độ ăn và cho con em vận động sớm sau mổ để cải thiện tiên lượng.

11. Tầm quan trọng của việc nhận diện sớm dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ

Nhờ BS cho biết tầm quan trọng của việc nhận diện sớm dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ?

ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần trả lời: Viêm ruột thừa là bệnh lý cần điều trị phẫu thuật. Nếu được chẩn đoán sớm, can thiệp sớm thì tiên lượng cũng như dự hậu về sau sẽ tốt hơn rất nhiều so với các trường hợp viêm ruột thừa đến muộn khi đã xảy ra biến chứng như áp xe ruột thừa, viêm phúc mạc toàn bộ do viêm ruột thừa, thậm chí nặng hơn là những trường hợp sốc, nhiễm trùng, nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, điều trị sớm nhất có thể. Từ đó cải thiện kết quả điều trị, cũng như đảm bảo dự hậu về sau tốt hơn và hạn chế tối thiểu những biến chứng có thể xảy ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X