Giảm đầy hơi khó tiêu bằng gừng, tiêu, tía tô, kinh giới...
Cảm giác đầy bụng, khó tiêu sau bữa ăn không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi nó diễn ra thường xuyên. BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Chuyên gia Y học cổ truyền đã cách dùng các loại thảo dược quen thuộc để giảm các triệu chứng này cũng như bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
1. Đầy bụng, khó tiêu dưới góc nhìn Đông Y
Chứng đầy bụng, khó tiêu trong Đông y gọi là gì? Và nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói trong Đông y gọi là chứng vị quản thống gây đau ở vùng thượng vị.
Chứng ẩu thổ (nôn mửa) do tình chí làm can khí phạm vị. Một vấn đề nào đó khiến chúng ta bị bực tức, khó chịu sẽ dẫn đến ăn uống kém.
Ăn đồ sống, đồ lạnh gọi là tì vị hư hàn, theo ngũ hành phạm vào tương khắc.
Những vấn đề này đưa đến chứng đầy bụng, khó tiêu.
2. Dùng thảo dược gì để chữa đầy bụng, khó tiêu?
Thầy thuốc Đông y chữa đầy bụng, khó tiêu bằng những bài thuốc gì, thảo dược gì, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Thầy thuốc Đông y cần biết được thời gian mắc bệnh để cân nhắc phương pháp điều trị. Bệnh nhân mới mắc thường là can khí phạm vị, cần điều hòa can tỳ.
Nếu bệnh nhân bị tỳ thực, tả phế cần dùng các vị thuốc cay nóng như gừng, tía tô... Các vấn đề do tỳ vị lâu ngày bị hư hàn sẽ dùng can khương (gừng khô), tiêu, ngũ vị hương để điều hòa can tỳ phù hợp.
3. Thực hư công dụng của các loại trà giảm đầy bụng
Đối với những trường hợp đầy bụng sau khi ăn uống tiệc tùng, lễ tết… nhiều người thường dùng cách uống trà là một biện pháp xử trí tại nhà để giải quyết tình trạng này. Trên mạng có rất nhiều bài giới thiệu.
Theo BS, những loại trà hay thảo dược nào thông dụng giúp giảm đầy bụng, khó tiêu?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Có 2 loại trà: trà được làm từ lá trà và trà từ dược liệu để hãm lấy nước uống.
Trong Đông y, để kích thích tiêu hóa thường kết hợp trà với gừng. Ngoài ra còn có thể sử dụng các dược liệu như lá tía tô, kinh giới, hương nhu... là những loại lá có mùi thơm, tinh dầu, có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Tuy nhiên, với các sản phẩm được ra bán trên thị trường, người mua cần kiểm tra kỹ thành phần. Tốt hơn hết, quý vị nên đến những cơ sở có uy tín, được cấp phép bởi cơ quan chức năng để mua được những sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe.
4. Thảo dược giảm đầy bụng, uống bao nhiêu là vừa
Các loại trà và thảo dược mà BS vừa nêu, chúng ta nên uống với lượng bao nhiêu là vừa phải? Và uống mỗi ngày có được không ạ?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Uống quá nhiều hay quá ít đều không tốt. Quan điểm của Đông y là cần uống đến khi đạt được sự cân bằng, khi có thể ăn uống trở lại bình thường thì ngưng. Không phải uống mỗi ngày, uống lâu dài.
5. Lưu ý khi sử dụng dược liệu giảm đầy bụng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ
Phụ nữ có thai và trẻ em có uống được không? Nếu dùng được thì trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể uống?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn thận trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu uống một loại thảo dược có tính kích thích mạnh có thể dẫn đến sảy thai. Trong 3 tháng cuối thai kỳ mà dùng thảo dược có tính kích thích mạnh sẽ đẩy nhanh những cơn gò tử cung, không có lợi cho thai phụ.
Trước khi dùng bất cứ thảo dược gì, phụ nữ có thai nên đi khám để được đánh giá, tư vấn bởi bác sĩ, từ đó có chỉ định phù hợp.
Trẻ quá nhỏ và trẻ nhỏ cũng nên hết sức cẩn thận. Trong Đông y có khái niệm “Nhiệt cộng nhiệt tắc cuồng”. Trẻ nhỏ thuần dương vô âm, thường phải sử dụng lục vị bổ âm để cân bằng. Nên sử dụng dạng nước để trẻ dễ uống. Các loại trà ít được sử dụng cho trẻ nhỏ.
6. Người có bệnh lý nền cần chú ý gì khi dùng trà giảm đầy bụng?
Các loại trà và thảo dược nêu trên có tương tác với các loại thuốc điều trị bệnh thường gặp ở người cao tuổi không ạ?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Người có bệnh tăng huyết áp cần cẩn thận khi uống các loại trà có khả năng kích thích vì có thể làm huyết áp tăng lên. Bệnh nhân bị mỡ trong máu có thể uống trà hỗ trợ giảm mỡ, nhưng phải lâu dài mới có tác dụng, không nhìn thấy được tác dụng ngay như trong y học hiện đại.
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế uống các loại trà nhiều thành phần ngọt.
Phối hợp các loại trà, các loại thảo dược sẽ có lợi cho sự kết hợp Đông - Tây y, khống chế được một số bệnh lý nền, đột quỵ hay một số biến chứng về tim mạch.
7. Uống soda, nước ngọt có gas hết khó tiêu, đúng hay sai?
Thay vì uống trà, một số người lựa chọn nước ngọt có ga hoặc soda. Theo BS cách này có tốt không?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trên phương diện y học cổ truyền, các loại nước có gas tạo cảm giác sảng khoái nhất thời nhưng về lâu dài lại không có lợi cho sức khỏe.
Khi gặp các vấn đề trục trặc ở đường tiêu hóa nên dùng phối hợp các loại thảo dược, nhưng phải có sự chỉ định của thầy thuốc.
8. Xoa bụng giảm đầy hơi, khó tiêu
Ngoài việc sử dụng các loại nước uống giúp mau tiêu thì còn có bài tập hay động tác nào giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, nhờ BS hướng dẫn?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Người lớn tuổi nên làm theo nguyên tắc “Đói 10, ăn 7, 8”, nghĩa là không ăn quá no. Ngoài ra nên vận động để đốt cháy năng lượng, kích thích tiêu hóa.
Lấy rốn làm trung tâm, xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ sẽ tăng nhu động ruột, có lợi cho tiêu hóa. Nếu bị tiêu chảy, hãy xoa ngược chiều kim đồng hồ để giảm nhu động ruột.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình