Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp từ chuyên gia về tai biến đột quỵ

Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nâng cao các kiến thức về đột quỵ sẽ giúp giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh. Hãy cùng lắng nghe những giải đáp đến từ phía GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông về bệnh lý này.

- Bác sĩ cho cháu hỏi, bệnh nhân bị đột quỵ thì khả năng phục hồi trở lại có cao không ạ? Bố cháu vừa bị đột quỵ, cháu lo quá ạ (097180****)

Tùy theo tuổi tác, mức độ tổn thương não, vị trí của não bộ bị tổn thương, các bệnh nền, bệnh mạn tính đi kèm và thời gian từ khi khởi phát đột quỵ đến khi được xử trí cấp cứu. Nếu đột quỵ do tắc mạch, thời gian vàng để làm tái thông mạch là <4,5 giờ. Nếu mạch được tái thông thì khả năng phục hồi sẽ cao hơn. Trong đột quỵ ổ khuyết, khả năng phục hồi cũng cao hơn. Các đột quỵ không phải vùng chiến lược sự phục hồi cũng cao hơn. Mặt khác, sự phục hồi còn phụ thuộc vào khả năng tập luyện của người bệnh và sự chăm sóc của gia đình sau đột quỵ vậy 

- Mẹ cháu đang tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau đột quỵ, nhưng đã 6 tháng rồi mà cháu không thấy tiến triển nhiều, mẹ vẫn không đi lại được. Bác sĩ cho cháu hỏi mẹ cháu có khả năng hồi phục được không ạ? (036578****)

Sau cơn đột quỵ cấp, khả năng phục hồi dựa trên nhiều yếu tố như tôi đã trình bầy ở trên. Tuy nhiên, theo các công trình nghiên cứu, sự phục hồi còn kéo dài tới một năm mới xác định là để lại di chứng. Vì vậy, bạn nên kiên trì tập luyện phục hồi chức năng cho mẹ bạn và điều quan trọng là tránh tái phát đột quỵ. Vì khi đột quỵ tái phát sẽ nặng hơn, khó phục hồi hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

- Bố cháu bị đột quỵ nhồi máu não liệt nửa người chưa thể nói được, ăn uống vẫn bình thường hiện đang nằm điều trị tại y học cổ truyền cháu muốn hỏi có loại thuốc bổ não và thuốc bôi nào hiệu quả để bổ sung thêm vào cho người đột quỵ không ạ? Bác sĩ tư vấn cho cháu với ạ? (037869****)

Đột quỵ nhồi máu não còn liệt nửa người, đang điều trị tại Y học cổ truyền, có rất nhiều loại thảo dược có thể hỗ trợ phục hồi chức năng đột quỵ và dự phòng tái phát có hiệu quả. Tuy nhiên, không có loại thuốc thần thánh nào chữa khỏi mà phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị như: Tập luyện phục hồi chức năng, uống thuốc dự phòng tái phát, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ là chính vậy. 

- Chồng em năm nay 40 tuổi, bị đột quỵ và xuất viện cách đây 2 tháng. Mọi hoạt động sinh hoạt, ăn uống và trí nhớ bình thường, nhưng anh ấy bị mờ 1 mắt bên phải. Vậy tình trạng này có thể phục hồi được không bác sĩ? (097657****)

Đột quỵ dẫn đến mờ một mắt, bệnh nhân cần được khám chuyên khoa mắt để xác định thêm mờ mắt do các bệnh về mắt. Nếu do tắc động mạch võng mạc trung tâm gây nên thì khả năng phục hồi thị lực sẽ khó. 

- Mẹ em bị xuất huyết não do tăng huyết áp, đã hồi phục hoàn toàn. Huyết áp thường 120-130, vậy mẹ em có thể đi tập thể dục buổi sáng như trước khi bị bệnh không ạ bác sĩ? (097129****)

Các bệnh nhân sau đột quỵ kể cả chảy máu não hoặc tắc mạch não, nếu huyết áp ổn định (< 130/90mmHg) đều cần tập luyện hàng ngày để chống cứng khớp, tăng lưu thông máu và dự phòng tái phát. Tuy nhiên, tùy theo sức khỏe và khả năng, mỗi ngày nên tập khoảng 30-45 phút, tập thể dục, tập hít thở hoặc đi bộ đều là các biện pháp tốt. Cần thận trọng tránh nguy cơ ngã hoặc gắng sức quá mức làm tăng huyết áp.

- Ông cháu bị nhồi máu não nặng nằm tại giường, liệt 1 bên người phải, không nói được nhưng vẫn hiểu lời nói. Vậy trong trường hợp ông cháu bị tái phát, làm thế nào để có thể nhận biết được? Nhờ bác sĩ tư vấn cho cháu với ạ. (097789****)

Sau cơn đột quỵ cấp, để lại di chứng liệt nửa người và không nói được (rối loạn ngôn ngữ vận động) tuy vẫn hiểu lời, thường bị tổn thương não ở vùng Broca (vùng ngôn ngữ vận động). Tốt nhất, cố gắng đừng để tái phát đột quỵ vì mỗi vùng não chỉ huy một hoạt động khác nhau: Vùng (vận động, hiểu lời, trí nhớ, cảm giác…). Khi bị tái phát đột quỵ, một vùng não khác bị tổn thương kết hợp với vùng não bị tổn thương cũ nên sẽ nặng nề hơn lần đột quỵ đầu tiên và có thể cả không nói được cũng như không hiểu lời. Nhất là ở những người cao tuổi, não bị thoái hóa.

- Chào bác sĩ, bố cháu bị tai biến 2 lần do tắc hẹp động mạch cảnh trái 70% và HA cao đã phẫu thuật ở BV Bạch Mai tháng 5/2022 bóc lớp xơ vữa nội mạc, đến nay tình trạng bệnh nhân vẫn chưa có tiến triển: Chân phải, tay phải yếu, các vận động chậm hồi phục, vừa rồi chụp lại tắc lên 85% đã chuyển BV 108 BS yêu cầu phẫu thuận đặt stent, nhưng do tắc dài có nên đặt stent không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cháu với ạ (037892****)

Các trường hợp đột quỵ do hẹp vữa xơ động mạch trong sọ đã được phẫu thuật bóc nội mạch lại tái tắc và trường hợp bố của bạn hiện chụp lại thấy tắc 85% và tắc dài thuộc động mạch cảnh trong. Có hai chỉ định cụ thể:

   - Nong mạch, đặt stent để tăng độ rộng lòng mạch, tăng cường cung cấp máu cho não và sau đó kết hợp dùng thuốc chống đông hoặc các thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ huyết áp, hạ lipid máu dự phòng để chống tái tắc.

   - Điều trị nội khoa: chống đông hoặc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ lipid máu, thuốc điều chỉnh huyết áp.

Tuy nhiên với động mạch cảnh trong đã tái tắc thì giải pháp nong mạch và đặt stent được xem là chỉ định hợp lý hơn. Các Bác sĩ chuyên can thiệp mạch não sẽ căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân và tính chất của hẹp vữa xơ sẽ có chỉ định cụ thể vì nguy cơ tắc tiếp rất cao. Vì vậy, nên can thiệp sớm.

- Thi thoảng tôi cảm thấy chóng mặt, tay chân yếu và đôi khi mờ 1 bên mắt nhưng tầm 30 phút là trở lại bình thường? Đây có phải dấu hiệu bệnh đột quỵ không bác sĩ? (097629****)

Đúng vậy, đây được xem là các cơn thiếu máu não cục bộ thoảng qua (TIA), là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Trường hợp của bạn, nguy cơ đột quỵ rất cao và thường do tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Bạn phải đến các cơ sở có khả năng chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ để xác định cụ thể (khảo sát mạch não (trong và ngoài sọ) để xác định và điều trị kịp thời. 

- Em đọc trên báo thấy mãn kinh sớm có liên quan tới bệnh tim và đột quỵ, như vậy có đúng không thưa bác sĩ. Em năm nay 40 tuổi và đã mãn kinh rồi. (037768****)

Phụ nữ thời kỳ tiền mạn kinh thường có biến đổi nội tiết tố dẫn đến một số rối loạn về tính tình, các hoạt động của một số cơ quan như tim mạch, huyết áp, thần kinh thực vật. Tuy nhiên, nó không phải là yếu tố trực tiếp gây đột quỵ mà chỉ báo hiệu là bạn đã đến tuổi trung niên và tuổi trung niên thì nguy cơ đột quỵ cũng có tỷ lệ cao hơn so với các lứa tuổi trẻ hơn.

- Em nghe nói triệu chứng của trúng gió với đột quỵ là hơi giống nhau. Vậy làm sao để phân biệt được 2 triệu chứng này vậy bác sĩ? (090478****)

Một số dấu hiệu phân biệt giữa cảm mạo và trúng gió 

ĐỘT QUỴ CẢM MẠO-TRÚNG GIÓ

- Thường ở người trung niên, cao tuổi

- Bất kỳ tuổi nào (người già, trẻ em, người đang điều trị bệnh…)

- Có tiền sử tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, bệnh tim, tiền sử đột quỵ...

- Có thể có tiền sử huyết áp hoặc không

- Xảy ra mọi thời điểm trong ngày

- Xảy ra khi thay đổi thời tiết đột ngột (nóng-lạnh, gió lùa)…

- Có các dấu hiệu: yếu - liệt nửa người

- Thường ớn lạnh xương sống, vã mồ hôi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, HA tụt, đau bụng, tiêu chảy, chân tay co cứng, không có yếu-liệt…

- Phải điều trị tổng hợp, toàn diện, dự phòng, phục hồi chức năng.

- Nghỉ ngơi, uống thuốc cảm, trà gừng, bổ sung nước, đánh gió, bấm huyệt sẽ đỡ

- Dễ tái phát, để lại di chứng - Không tái phát, không để lại di chứng

TƯ VẤN ĐỘT QUỴ, TAI BIẾN cùng GS. TS. BS NGUYỄN VĂN THÔNG

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thông hiện giữ chức Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ khu vực miền Bắc. Ngoài ra, ông còn đảm nhận chức Chủ nhiệm bộ môn thần kinh Viện Nghiên cứu Y Dược Lâm sàng 108; Phó chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam. Ông cũng là thành viên của các hiệp hội y khoa trong nước và quốc tế như ủy viên Hội Thần kinh Việt Nam; ...

Từ ngày 1/6/2023 - 25/12/2023, GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông chính thức tư vấn bạn đọc về đột quỵ, tai biến. Tương tác trực tiếp tài khoản Zalo OA NattoEnzym DHG Pharma Phòng ngừa đột quỵ để được tư vấn.

 Bấm vào đây để được tư vấn: https://zalo.me/297298227520032633

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X