3 giai đoạn xây dựng con người tích cực sau biến cố và khủng hoảng
Sơ cứu tâm lý là sự hỗ trợ cần thiết để những người thuộc nhóm bị căng thẳng không rơi vào tình trạng rối loạn khủng hoảng. BS Hồ Nhật Quang - Chuyên gia Huấn luyện Trị liệu Tâm Trí cho biết, không chỉ những chuyên gia mà người bình thường như chúng ta cũng có thể tham gia hoạt động này, giúp đỡ những người đang bị tác động tâm lý bình tĩnh lại và tránh khỏi những tổn thương sau này.
1. Tự cân bằng tâm lý để tìm “bình thường mới”
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, BS cảm thấy những biến cố, khủng hoảng sẽ tác động đến con người như thế nào?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Trong lịch sử, sau khi xảy ra những trận đại dịch, cuộc sống xã hội ít nhiều bị mất cân bằng, phải mất đến 20 năm mọi thứ mới ổn định lại.
Chúng ta cũng đang ở trong giai đoạn mọi thứ mất cân bằng. Chúng ta có thể quan sát được sức khỏe, tinh thần, công việc, cuộc sống, các mối quan hệ, gia đình,... cũng trong chiều hướng như thế.
Có những điều tươi sáng, mới mẻ nhưng đâu đó, sự ổn định không còn như xưa. 3 vấn đề tác động đến con người nhiều nhất, ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của chúng ta là:
- Sức khỏe: Những người đã từng mắc COVID cảm thấy sức khỏe bản thân đi xuống. Họ không có thời gian để chăm sóc bản thân, tập thể dục, ăn uống không đầy đủ, áp lực công việc nặng nề.
- Công việc: Tình trạng nhiều người mất việc, xáo trộn công việc tại các công ty, tổ chức hoặc những người đang làm việc nhưng phải thay đổi cách thức vận hành cũng khiến tâm lý gặp vấn đề.
- Mối quan hệ: Sau mùa dịch, hầu như ai cũng bị tổn thương, không ở thực thể thì cũng nằm ở tinh thần. Va chạm trong công việc, khó chịu, bực bội vô tình đào sâu thêm những tổn thương chưa được kiểm soát và chữa lành khiến tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề.
Đây là một bức tranh tổng quát nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Mỗi người chúng ta hiện tại đang đứng trước rất nhiều thách thức từ cuộc sống và từ chính bản thân mình. Nếu chỉ tập trung quan tâm những yếu tố bên ngoài như công việc, mối quan hệ và muốn mọi thứ thay đổi là điều rất khó.
Chúng ta chỉ có thể tập trung cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, sức khỏe của mình. Phải tìm được cách để xoa dịu, cân bằng tâm lý của bản thân. Khi mọi người làm dược việc này, mọi thứ sẽ dần dần trở lại một cuộc sống bình thường mới, hài hòa và thuận lợi hơn.
2. Mỗi người có khả năng chịu đựng nỗi đau khác nhau
Xin hỏi BS, có những dấu hiệu nào để nhận biết một người đang cần sự hỗ trợ đặc biệt về tâm lý?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Khi có những biến cố trong cuộc sống tác động đến tâm lý, điều cần nhất ở thời điểm đó là “sơ cứu tâm lý” chứ đừng để trạng thái nặng nề hơn.
Khi xảy ra một tai nạn nào đó tác động đến thể chất, bị chấn thương chẳng hạn, chúng ta thường quan tâm đến vấn đề sơ cấp cứu để giúp trạng thái của nạn nhân tốt hơn. Về tâm lý cũng có “sơ cứu tâm lý” để giúp người đang gặp vấn đề có trạng thái ổn định, thoát khỏi những tiêu cực.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, sơ cứu tâm lý là một công tác nhân đạo, giúp đỡ những người đang trong trạng thái đau khổ và cần sự hỗ trợ.
Một người khi trải qua biến cố, bất an, không ổn định về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Trong quá trình trò chuyện, chuyên gia có thể nhìn thấy nỗi đau bên trong họ. Đó là những người cần được hỗ trợ, nhưng quan trọng là họ có muốn nhận sự hỗ trợ hay không. Chúng ta chỉ có thể can thiệp với những người muốn nhận sự hỗ trợ.
Vấn đề tâm lý cần có sự đồng hành từ hai phía. Bản thân người đó phải nhận thức được “Tôi có nỗi đau, tôi cần hỗ trợ” thì chuyên gia mới có thể tiếp cận và giúp đỡ. Rất khó để tiếp cận những người từ chối sự hỗ trợ, cần nhiều thời gian hơn hoặc phải thông qua những người trung gian để tiếp cận người có vấn đề.
Những dấu hiệu để nhận biết một người cần sơ cứu tâm lý là: cảm xúc có vấn đề, suy nghĩ tiêu cực, có nhiều bất an, lo lắng. Họ chưa thể hiện ra thành bệnh, chỉ là những thay đổi, mất cân bằng trong cảm xúc và suy nghĩ.
Mỗi người có trạng thái tâm lý khác nhau, khả năng chịu đựng nỗi đau khác nhau.
3. Làm thế nào để sơ cứu cho nỗi buồn?
Sơ cứu tâm lý là gì và làm sao để nhận thấy “vết thương” trong tâm lý của một người để có thể sơ cứu?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Chúng ta có thể hình dung thế này, trong mỗi nhà đều có tủ thuốc, có thuốc nhức đầu, thuốc đau bụng, bông băng, gạc,... để phòng khi trong gia đình có người gặp vấn đề về sức khỏe.
Thế nhưng ít gia đình nào có “hộp sơ cứu tâm lý”. Nếu lỡ một ngày mình cảm thấy buồn, hay ai đó trong gia đình khó chịu vì lý do nào đó, bị ảnh hưởng bởi công việc, mất mát tài chính, hay trẻ con đi học gặp vấn đề với bạn bè, chúng ta phải làm sao?
Làm sao sơ cứu cho nỗi buồn? Làm sao sơ cứu những bất an đang diễn ra? Nếu không sơ cứu đúng cách, chúng ta vô tình làm trầm trọng hơn, làm tổn thương tâm lý nhiều hơn.
Đối với những trường hợp sơ cứu tâm lý, phải đánh giá được nhu cầu cần được can thiệp và quan trọng nhất là hỗ trợ để giúp họ thoát khỏi trạng thái tinh thần không tốt, ổn định hơn, cân bằng hơn. Nếu cần thiết sẽ kết nối thêm những nguồn lực khác.
Những người gặp vấn đề tâm lý cần một bờ vai để tin tưởng, cần một người lắng nghe, an ủi để họ vơi bớt nỗi buồn. Trong tập huấn sơ cứu tâm lý, tôi rất thích câu: “Khi thấy một người bạn không có nụ cười, hãy lấy nụ cười của mình trao cho người đó”.
Khi thấy một người bạn gặp phải biến cố trong cuộc sống, chúng ta hãy dùng sự tích cực, lạc quan, vui vẻ của mình để giúp bạn thoát khỏi trạng thái đó. Ẩn sau câu nói này còn có ý nghĩa rằng bản thân mình phải tích cực thì mới có thể giúp người khác được.
Sơ cứu tâm lý cũng vậy, trạng thái tâm lý của mình phải ổn định thì mới giúp được người khác. Giúp đỡ người khác vượt qua biến cố chính là đang tích cóp kinh nghiệm cho bản thân, để bản thân biết cách vượt qua những khó khăn, biến cố một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Sơ cứu tâm lý giúp hỗ trợ người khác về mặt cảm xúc, tâm lý, suy nghĩ, để họ không lan tỏa sự tiêu cực đến người khác cũng như không bộc phát những hành vi gây hại cho chính họ.
4. Đừng để bản thân chìm vào nỗi buồn của người khác
Sơ cứu tâm lý có dễ dàng thực hiện được hay không? Tác dụng ngược khi sơ cứu tâm lý không đúng cách là gì, thưa BS? Tự bản thân chúng ta có sơ cứu tâm lý cho chính mình được không, hay phải nhờ đến người khác, nhờ đến chuyên gia?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Sơ cứu tâm lý là việc mà ai cũng có thể làm được, không cần phải là chuyên gia. Khi thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân có chuyện buồn, chúng ta có thể trò chuyện, hỏi han, động viên. Trò chuyện 5 phút, 10 phút có thể khiến người đó cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đó chính là sơ cứu tâm lý.
Ba mẹ đi làm về được con cái ôm, xoa bóp, cảm thấy dễ chịu hơn, đó cũng là sơ cứu tâm lý. Một người đang bực bội, khó chịu mà có người ngồi cạnh bên lắng nghe, không cần phải nói gì cả, đó cũng là sơ cứu tâm lý. Hằng ngày chúng ta đều làm những việc như thế.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm như thế nào là đúng? Có 2 điều cần lưu ý:
- Tránh lạm quyền: Khi động viên, an ủi, trấn an ai đó, khi người đó đã ổn thì chúng ta cũng không nên nói thêm, dặn dò, khuyên nhủ, cấm đoán. Điều này không đúng. Chúng ta đang vô tình cài đặt những điều vượt quá tình huống đang diễn ra và không thể kiểm soát những trạng thái tâm lý tiếp theo của họ.
- Không phải trường hợp nào cũng có thể sơ cứu tâm lý thành công: Có những tình huống trò chuyện không hiệu quả, không có nghĩa là chúng ta làm không tốt mà vì tình huống đã vượt quá khả năng của mình. Ví dụ, không phải lúc nào ba mẹ nói con cũng đều nghe, ba mẹ phải có phương pháp tự trấn an bản thân.
Chúng ta cũng cần có thời gian phục hồi, chăm sóc bản thân sau khi sơ cứu tâm lý cho người khác. Nếu thấy ai buồn cũng chia sẻ, động viên nhưng lại không thoát khỏi những trạng thái đó, buồn vì nỗi buồn của người khác, lo lắng cho cuộc đời của người khác thì chính mình cần phải được sơ cứu tâm lý.
5. Chia sẻ và cho đi đúng cách
Thưa BS, có những cách nào để tự sơ cứu tâm lý cho chính minh?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Như đã nói, sơ cứu tâm lý là một hoạt động nhân đạo nhưng vấn đề là phải biết làm đúng cách.
Hơn 10 năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới và một số tổ chức khác phát hành cẩm nang sơ cứu tâm lý để hướng dẫn những tình huống động đất, sóng thần, bão lụt. Sau đợt dịch COVID, Tổ chức Y học Cộng đồng có dịch lại, sau đó tôi có đi tập huấn dựa trên tình huống phù hợp cho bệnh nhân COVID và cho cuộc sống hiện tại.
Hỗ trợ cho người khác là tốt nhưng chúng ta lại không để ý đến những ảnh hưởng từ câu chuyện của họ đến mình và nghĩ điều này không thuộc sơ cứu tâm lý. Thế nhưng trong sơ cứu tâm lý, phải đánh giá hết toàn bộ: bản thân có đủ năng lực không, đã chuẩn bị đầy đủ trước khi làm chưa.
Bản thân chúng ta phải khỏe, phải vui và việc làm phải nằm trong khả năng của mình. Chúng ta cần phải nhận thức được rằng, sau khi chia sẻ, dù ổn hay không ổn thì cũng là vấn đề của người khác. Nếu cần, chúng ta có thể giúp kết nối thêm các nguồn lực để giúp đỡ họ.
Việc chúng là cần làm là động viên, trấn an họ một cách đúng đắn và phải dành thời gian cho chính mình để có thời gian phục hồi tâm trí, để nhận thức về cuộc sống tốt hơn. Chúng ta phải biết cho đi đúng cách.
6. Cần có đủ nhận thức để phát hiện vấn đề bất thường kịp thời
Nhiều người khi gặp biến cố thường giấu nỗi buồn và tự vượt qua. Xin hỏi BS, có cách nào để tự mình cứu lấy mình không?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Lấy ví dụ, tình trạng phổ biến nhất hiện nay là căng thẳng và stress. Đó cũng là một trạng thái về tâm lý. Công việc, tình hình tài chính, chất lượng mối quan hệ xảy ra biến cố dẫn đến stress.
Nhưng có rất nhiều người nhận thức sai lầm về stress và cách vượt qua stress. Họ có thể vượt qua được ở mức độ cơ bản nhưng không triệt để.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận thức được việc mà mình làm, nhận thức được như thế nào là bản thân đang trong tình trạng căng thẳng để tự giúp mình tốt hơn.
Về thể chất, có những người có ngưỡng chịu đau cao, khi cơn đau đáng lẽ phải đi khám thì họ lại thấy bình thường. Khi đau nhiều hơn mới đi khám thì tình trạng đã quá nặng.
Như vậy, chúng ta phải học, có kiến thức và trải nghiệm nhiều để nhận biết được dấu hiệu cảnh báo bản thân đang căng thẳng, mất ngủ, chất lượng cảm xúc không tốt. Khi hiểu được những điều này, mình có thể sơ cứu tâm lý cho người khác tốt hơn rất nhiều vì có thể cảm thông cho tình huống của người khác.
Những lúc căng thẳng, chúng ta cần ngồi yên tĩnh để lắng nghe chính mình, xoa dịu tâm trạng. Có những tình huống sơ cứu tâm lý đơn giản là ngồi lắng nghe người khác nói chuyện. Cần có đủ nhận thức để khi vấn đề xảy ra có thể biết đó là bất thường.
7. Tình huống nào cần can thiệp tâm lý chuyên sâu?
Xin hòi BS, những người nào cần phải được hỗ trợ một cách chuyên sâu hơn, cao hơn mức sơ cứu tâm lý từ người thân, bạn bè, thậm chí là từ chính bản thân họ?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Trước hết, phải tìm hiểu làm sao biết được việc sơ cứu tâm lý đã có hiệu quả. Những biểu hiện tâm lý rất phức tạp nhưng có 3 tiêu chí cơ bản để đánh giá:
- Thứ nhất, sau khi làm liệu pháp tâm lý xong, chúng ta cảm thấy bản thân được an toàn hơn, bình tĩnh hơn trong những suy nghĩ tiêu cực, trong những ảnh hưởng biến cố bên ngoài. Chúng ta có thể kết nối được với người này người kia.
- Thứ hai, chúng ta tiếp cận và có thêm những nguồn lực cần thiết tại thời điểm đó như chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng,...
- Thứ ba, cảm thấy có thể bảo vệ chính mình, sẽ không làm những điều tổn thương đến bản thân. Giả sử có những lúc suy nghĩ không hay, tự làm đau mình nhưng bây giờ không làm như vậy nữa, cảm thấy trạng thái tốt hơn.
Vậy, tình huống nào cần can thiệp chuyên sâu? Can thiệp chuyên sâu có nghĩa là cần những chuyên gia, bác sĩ tâm lý, thậm chí là bác sĩ tâm thần, thần kinh. Đó là những người không thể tự chăm sóc mình, có thể gây hại cho bản thân và gây hại cho người khác.
Khi khủng hoảng xảy ra, không phải tình huống nào cũng sơ cứu tâm lý được. Có những tình huống mà người gặp vấn đề tâm lý không thể kiểm soát được chính mình, hoảng loạn, gây hại cho bản thân và gây hại cho những người xung quanh.
Những trường hợp hoảng loạn như vậy cần biện pháp chuyên sâu hơn từ bác sĩ để hỗ trợ họ một cách kịp thời nhất. Những diễn biến trên thân thể và những diễn biến trên tâm lý rất phức tạp, chúng ta cần hiểu rõ khi nào cần sơ cứu tâm lý và khi nào cần can thiệp chuyên sâu.
8. Xây dựng và phát triển con người tích cực bên trong mỗi chúng ta
Quan trọng nhất sau khi điều trị là chăm sóc vết thương và phòng ngừa tái phát. Vậy trên phương diện tâm lý, chúng ta phòng ngừa tái phát như thế nào, thưa BS?
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Sau khi thoát ra khỏi một biến cố, ngay thời điểm đó có thể chúng ta cảm thấy ổn. Nhưng chúng ta cần có sự phát triển bản thân và phát triển tâm lý bền vững hơn. Chúng ta không biết trước được những thay đổi sắp diễn ra trong cuộc sống.
Huấn luyện chiến lược xây dựng con người tích cực giúp chúng ta sau khi trải qua những biến cố. Chúng ta có thể hình dung câu chuyện giúp một bệnh nhân bị chấn thương gãy tay, đầu tiên có thể sơ cứu ngay tại hiện trường, sau đó đưa đến cấp cứu. Tại bệnh viện, vết thương sẽ được băng bó và điều trị để không còn những tác động tiêu cực.
Khi đã ổn định, bệnh nhân tiến đến bước tập vận động lại. Khi xuất viện về nhà, bệnh nhân phải tập thể dục để khỏe hơn, linh hoạt hơn để nếu có gặp phải tình huống tương tự thì tình trạng bị thương không nặng nề như vậy.
Trong tâm lý hoặc trong phát triển một con người tích cực cũng có 3 giai đoạn như thế. Giai đoạn đầu tiên chúng ta trò chuyện với một người đang bị tổn thương, đang có nỗi đau, giúp cân bằng, hạn chế sự tiêu cực. Sự trấn an có thể là một cái nắm tay, một lời nói, một ánh mắt và người ta cảm thấy an toàn, cảm thấy được kết nối với người hỗ trợ.
Bước thứ hai là giúp họ mạnh mẽ hơn để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Giai đoạn này kích hoạt những sự tích cực trong cảm xúc, trong suy nghĩ để họ có thể suy nghĩ thoải mái hơn.
Giai đoạn thứ ba là huấn luyện tăng cường sự tích cực để khi họ trở về với cuộc sống bình thường vui hơn, cân bằng được trước những biến cố xảy đến và có thể giúp đỡ những người khác.
Trong quá trình huấn luyện, có nhiều thân chủ của tôi, sau khi vượt qua được biến cố của bản thân đã đi giúp những người cùng cảnh ngộ với họ trước đây. Hiệu quả tốt hơn cả so với bác sĩ, chuyên gia.
Mọi thứ xảy đến đều có giá trị của nó và chúng ta trân trọng những điều đó. Chúng ta sẽ có phương pháp phù hợp để tương tác, giúp đỡ người khác cũng như tự giúp mình.
9. Đời thay đổi khi ta thay đổi
Nhờ BS chia sẻ một vài lời khuyên tích cực về vượt qua khủng hoảng, vượt qua nỗi đau.
BS Hồ Nhật Quang trả lời: Chúng ta đang nói về sự tích cực và sơ cứu tâm lý, một lĩnh vực còn rất mới. Vấn đề là chúng ta cho phép mình học và hiểu những điều này.
Hãy nhớ, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Thông qua đó sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều giá trị trong cuộc sống này.
Khi chúng ta thay đổi, mọi thứ cũng sẽ thay đổi. Thay đổi một cách tích cực sẽ giúp thế giới xung quanh chúng ta tốt đẹp hơn rất nhiều.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình