Hotline 24/7
08983-08983

Nhồi máu não lỗ khuyết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

Nhồi máu não lỗ khuyết là một dạng của đột quỵ nhồi máu não, xảy ra khi các mạch máu nhỏ nằm sâu trong não bị tắc. Khoảng 25% các trường hợp đột quỵ nhồi máu não là nhồi máu não lỗ khuyết.

I. Nhồi máu não lỗ khuyết là gì?

Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị gián đoạn hoặc bị tắc nghẽn. Đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu trong não được gọi là đột quỵ nhồi máu não. Nhồi máu não lỗ khuyết là một loại đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi dòng máu đến một trong những mạch máu nhỏ nằm sâu trong não bị tắc nghẽn.

Nhồi máu não lỗ khuyết là gìA, B, C là những mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não - vị trí của nhồi máu não lỗ khuyết.

II. Các triệu chứng của nhồi máu não lỗ khuyết?

Các triệu chứng của đột quỵ thường đến đột ngột và không báo trước. Các dấu hiệu của nhồi máu não lỗ khuyết có thể bao gồm:

  • Nói lắp, nói khó hoặc không hiểu người khác nói;
  • Không thể nâng một cánh tay;
  • Một bên của khuôn mặt xệ xuống;
  • Tê một bên cơ thể;
  • Nhầm lẫn;
  • Đau đầu;
  • Mất ý thức hoặc hôn mê.

Khi các tế bào não chết đi, các chức năng do vùng não đó kiểm soát sẽ bị ảnh hưởng. Các triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của đột quỵ.

III. Nguyên nhân gây ra nhồi máu não lỗ khuyết?

Nhồi máu não lỗ khuyết xảy ra khi mạch máu cung cấp cho các cấu trúc sâu bên dưới não đột ngột bị tắc, gây ra những tổn thương nhỏ trong não. Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là huyết áp cao mạn tính. Tình trạng này có thể khiến mạch máu bị thu hẹp. Từ đó, các mảng cholesterol hoặc cục máu đông dễ dàng gây tắc dòng máu đến các mô não sâu.

IV. Ai có nguy cơ bị nhồi máu não lỗ khuyết?

Nguy cơ nhồi máu não lỗ khuyết tăng lên theo tuổi. Những người có nguy cơ mắc bệnh bao gồm những người bị huyết áp cao mạn tính, rối loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ) hoặc tiểu đường. Người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ cũng có nguy cơ cao hơn các nhóm khác.

Các yếu tố khác làm tăng khả năng nhồi máu não lỗ khuyết bao gồm:

  • Hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động;
  • Uống bia rượu;
  • Lạm dụng ma túy;
  • Mang thai;
  • Sử dụng thuốc tránh thai;
  • Lối sống ít vận động;
  • Cholesterol cao;
  • Ngưng thở khi ngủ.

Điều quan trọng là phải khám sức khỏe hàng năm để tầm soát các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu não lỗ khuyết.

Ai có nguy cơ bị nhồi máu não lỗ khuyếtHuyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ nguy hiểm gây nhồi máu não lỗ khuyết

V. Làm thế nào để chẩn đoán nhồi máu não lỗ khuyết?

Điều trị khẩn cấp là cần thiết cho bất kỳ trường hợp đột quỵ nào, vì vậy bắt buộc phải đến bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ thực hiện đo huyết áp và khai thác các triệu chứng của người bệnh. Kiểm tra thần kinh chi tiết sẽ được sử dụng để xem liệu có bất kỳ tổn thương nào đối với các bộ phận não kiểm soát các chức năng cơ thể hay không.

Nếu các triệu chứng phù hợp với đột quỵ, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức bao gồm chụp CT hoặc chụp MRI. Siêu âm Doppler cũng có thể được sử dụng để  khảo sát động mạch cảnh cả về mặt hình thái và huyết động học.

Các kiểm tra chức năng tim, chẳng hạn như điện tâm đồ và siêu âm tim; kiểm tra chức năng thận và gan cũng như các xét nghiệm máu khác cũng có thể được thực hiện.

Làm thế nào để chẩn đoán nhồi máu não lỗ khuyếtHai vị trí nhồi máu não lỗ khuyết trên phim CT

VI. Điều trị nhồi máu não lỗ khuyết như thế nào?

Nếu bị nhồi máu não lỗ khuyết, điều trị sớm sẽ tăng cơ hội sống sót và có thể ngăn ngừa tổn thương não. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân quan trọng của nhồi máu não lỗ khuyết, do đó việc điều trị hướng về các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường. Bệnh nhân cũng có thể sẽ được dùng thêm các loại thuốc khác để dự phòng cơn đột quỵ tiếp theo. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc đường tiêm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hô hấp và chức năng tim như thở máy, thở oxy... cũng được khuyến cáo điều trị cho bệnh nhân nhồi máu não lỗ khuyết.

Nhồi máu não lỗ khuyết có thể dẫn đến một số tổn thương não. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các cấu trúc não bên dưới mà người bệnh có thể không chăm sóc được cho bản thân sau khi bị đột quỵ. Tốc độ phục hồi khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ.

Sau khi điều trị nhồi máu não lỗ khuyết, người bệnh phải tập phục hồi chức năng, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Do bị tổn thương não nên bệnh nhân thường phải học lại các kỹ năng và lấy lại sức cơ. Quá trình này có thể mất vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí vài năm.

Hầu hết những người trải qua cơn đột quỵ đều cần điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị huyết áp cao, tiểu đường hoặc cholesterol cao là không thể thiếu. Sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân phải:

  • Tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng;
  • Liệu pháp vận động để cải thiện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày;
  • Liệu pháp ngôn ngữ để cải thiện kỹ năng nói hoặc giao tiếp.

Chất lượng cuộc sống sau nhồi máu não lỗ khuyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác và tốc độ điều trị sau khi các triệu chứng khởi phát. Đối với một số bệnh nhân có thể bị khuyết tật vĩnh viễn, gồm có:

  • Tê liệt;
  • Giảm cảm giác;
  • Mất kiểm soát cơ ở một bên của cơ thể;
  • Cảm giác ngứa ran ở chi bị ảnh hưởng.

Ngay cả sau khi phục hồi chức năng, một số người sống sót sau cơn đột quỵ có thể bị mất trí nhớ ngắn hạn. Một số trường hợp khác gặp khó khăn trong việc suy nghĩ và lập luận. Kiểm soát cảm xúc cũng có thể là một vấn đề cần phải điều trị. Một số người khác phải đối mặt với chứng trầm cảm.

Bị nhồi máu não lỗ khuyết làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai, vì vậy tái khám thường xuyên là rất quan trọng.

Điều trị nhồi máu não lỗ khuyết như thế nàoTập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

VII. Phòng ngừa nhồi máu não lỗ khuyết bằng cách nào?

Nhồi máu não lỗ khuyết là một tình trạng đe dọa tính mạng. Một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác và tiền sử gia đình nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng một số hành vi lối sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ nhồi máu não lỗ khuyết.

Để giảm thiểu các nguy cơ này, bạn cần:

  • Kiểm soát huyết áp, bệnh tim và tiểu đường;
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia;
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút vào các ngày trong tuần;
  • Tầm soát đột quỵ.

Khi có dấu hiệu đột quỵ, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X