Hotline 24/7
08983-08983

Tổng quan về đột quỵ

Việt Nam hiện có hơn 200.000 người bị đột quỵ/năm, hơn 50% bệnh nhân tử vong hoặc tàn phế. Trong đó chỉ có 10% những người sống sót có thể bình phục hoàn toàn. Vì vậy, nắm bắt được những thông tin về đột quỵ sẽ giúp chúng ta có thể tự cứu sống bản thân trước "lưỡi hái tử thần".

I. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu, hoặc có sự tắc nghẽn làm ngăn cản máu và oxy đến các mô của não. Không có oxy, các tế bào não và mô sẽ bị tổn thương và bắt đầu chết với tốc độ 1 phút mất đi 2 triệu tế bào thần kinh.

II. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

1. Nguyên nhân phụ thuộc từng loại đột quỵ

Thứ nhất, đối với cơn thiếu máu thoáng qua (TIA) là do tắc nghẽn tạm thời trong động mạch, điển hình là cục máu đông làm ngăn máu chảy đến các bộ phận nhất định của não.

TIA thường kéo dài trong vài phút đến vài giờ, sau đó vật gây tắc nghẽn sẽ di chuyển đi và lưu lượng máu được phục hồi.

đột quỵ ở người cao tuổiĐột quỵ không loại trừ một ai, với người ở độ tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng gia tăng.

Thứ 2, giống như TIA, đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) cũng là do tắc nghẽn động mạch dẫn đến não. Tuy nhiên, sự tắc nghẽn này có thể là một cục máu đông, hoặc có thể do xơ vữa động mạch. Ở trường hợp này, một mảnh của mảng bám tích tụ trên thành mạch máu có thể vỡ ra và mắc kẹt trong động mạch, cản trở dòng chảy của máu và gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Thứ 3, đột quỵ xuất huyết não là do mạch máu bị vỡ hoặc rò rỉ, gây áp lực và làm tổn thương các tế bào não.

Có hai nguyên nhân gây ra đột quỵ do xuất huyết não. Một là chứng phình động mạch được gây ra bởi huyết áp cao và làm mạch máu bị vỡ. Hoặc ít gặp hơn là dị dạng động mạch, là một kết nối bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch.

2. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài ra, còn một số các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như:

a. Chế độ ăn không lành mạnh

- Nhiều muối, nhiều đường

- Chất béo bão hòa

- Chất béo chuyển hóa

- Cholesterol

b. Ít vận động

Không hoạt động hoặc lười vận động cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Tập thể dục thường xuyên có một số lợi ích cho sức khỏe. Khuyến nghị rằng người lớn nên có ít nhất 2,5 giờ tập thể dục nhịp điệu mỗi tuần. Hoặc đơn giản hơn là đi bộ nhanh vài lần một tuần.

nguyên nhân đột quỵĐột quỵ thường xảy ra do lối sống không lành mạnh

c. Uống rượu bia, hút thuốc lá

Nguy cơ đột quỵ của bạn tăng lên nếu bạn uống quá nhiều rượu bia. Do đó cần có chừng mực, nghĩa là không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá 2 ly đối với nam giới.

Ngoài ra, rượu bia cũng có thể làm tăng huyết áp cũng như mức chất béo trung tính gây xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào (chủ động hay thụ động) cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì nó sẽ gây hại mạch máu và tim của bạn, huyết áp của bạn tăng lên khi bạn sử dụng nicotine.

d. Tiền sử sức khỏe

- Đã từng bị đột quỵ hoặc gặp cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

- Huyết áp cao

- Bệnh tiểu đường

- Cholesterol cao

- Rối loạn nhịp tim

- Khuyết tật van tim

- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh đa hồng cầu

III. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Khi bạn có những triệu chứng sau, hãy cẩn thận với cơn đột quỵ có thể xảy ra như:

- Tê yếu tay chân, đặc biệt là ở 1 bên của cơ thể

- Khó nói hoặc nói ngọng

- Lú lẫn

Về thị lực sẽ khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt, đôi lúc nhìn mờ, nhìn đôi

- Mất thăng bằng, đi lại khó khăn

- Chóng mặt

- Đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân

IV. Phương pháp chẩn đoán đột quỵ

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân hoặc người nhà về các triệu chứng gặp phải nghi ngờ đột quỵ, chẳng hạn như: thuốc đã dùng, kiểm tra huyết áp, tim mạch.

Sau đó khám sức khỏe để đánh giá về sự thăng bằng, dấu hiệu nhầm lẫn, thị lực, sức cơ (tay, chân),...

Tiếp theo, bạn có thể trải qua nhiều xét nghiệm khác nhau để giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị đột quỵ hay không hoặc để loại trừ một tình trạng khác, bao gồm:

1. Chụp CT và MRI

Chụp cắt lớp vi tính CT scan là kỹ thuật được áp dụng đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện do đột quỵ. CT giúp trả lời câu hỏi cơ bản đầu tiên là bệnh nhân bị đột quỵ dạng nào: xuất huyết não hay nhồi máu não? Từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo đà phát triển, khi chụp cộng hưởng từ MRI được cải tiến hơn về thời gian chụp, ở 1 số nơi đã dùng MRI cho bước đầu tiên này. MRI giúp khảo sát tình trạng mạch máu não tốt hơn nhiều so với CT.

chụp MRI CT chẩn đoán đột quỵNgười bệnh có thể phải làm nhiều xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán đột quỵ

2. Xét nghiệm máu

Bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm để xác định:

- Lượng đường trong máu của bạn

- Mức tiểu cầu

- Máu đông nhanh như thế nào

3. Đo điện tâm đồ (ECG)

Việc này giúp ghi lại hoạt động điện trong tim, đo nhịp tim và ghi lại nhịp đập của tim. Nó có thể xác định xem bạn có bất kỳ bệnh tim nào có thể dẫn đến đột quỵ, chẳng hạn như một cơn đau tim trước đó hoặc rung tâm nhĩ hay không.

4. Siêu âm động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh có thể hiển thị mảng bám trong động mạch cảnh của bạn và cho biết liệu động mạch cảnh của bạn đã bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn hay chưa.

5. Siêu âm tim

Một siêu âm tim có thể tìm thấy nguồn cục máu đông trong tim của bạn. Những cục máu đông này có thể đã di chuyển đến não và gây ra đột quỵ.

liên hệ bệnh viện khi có dấu hiệu đột quỵKhi có dấu hiệu đột quỵ cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời

V. Điều trị đột quỵ như thế nào?

1. Xử trí ban đầu

Khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ hãy gọi cấp cứu hoặc liên hệ ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tùy thuộc vào loại đột quỵ, nếu là nhồi máu não và bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4,5 tiếng đầu tiên kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bác sĩ sẽ tìm cách giải tán cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu bằng thuốc hoặc can thiệp cơ học (DSA).

Bệnh nhân đến muộn, các bác sĩ sẽ cho chụp MRI để đánh giá cụ thể vùng não đã bị tổn thương, vùng não vẫn còn cứu được... đây là nỗ lực để cố gắng cứu vãn tình hình, cứu sống bệnh nhân. Một số trường hợp hiếm hoi, may mắn hay cơ sở y tế có điều kiện tốt, bệnh nhân đến muộn vẫn có cơ hội phục hồi tốt.

Nếu là xuất huyết não, đa số là điều trị nội khoa. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ tìm cách để giảm áp lực nội sọ, dẫn lưu máu tụ bằng phẫu thuật hoặc can thiệp.

Nếu bệnh nhân có kèm bệnh lý nền (như tiểu đường) sẽ được kiểm tra và điều trị.

2. Theo dõi

Sau các cấp cứu ban đầu, nếu tình trạng bệnh nhân nặng sẽ được theo dõi trong phòng hồi sức tích cực (ICU). Khi tình trạng ổn hơn sẽ tiếp tục điều trị nội trú cho đến khi đủ điều kiện sức khỏe để xuất viện.

Sau đột quỵ, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu để hồi phục chức năng và kiểm soát các nguy cơ có thể đưa đến cơn đột quỵ lần sau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X