Nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm ảnh hưởng thế nào?
Nhịp tim là một trong chỉ số đánh giá sức khỏe quan trọng, nhưng có người được chẩn đoán nhịp tim nhanh, có người kết quả nhịp tim chậm. Vậy nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nhịp tim đập không đều? Tất cả những thắc mắc này sẽ được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Thế nào là nhịp tim bình thường, bất thường?
Nhịp tim của một người thế nào là bình thường? Nhịp tim có thay đổi trong ngày hay theo tuổi tác không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Nhịp tim là một trong chỉ số đánh giá sức khỏe quan trọng, được đo bằng số lần tim co bóp (nhịp tim đập) trong một phút. Nhịp tim ở người bình thường có thể thay đổi tùy vào trạng thái cơ thể đang vận động hay nghỉ ngơi, mức độ căng thẳng của hệ thần kinh, những biến đổi về sức khỏe, tuổi tác hoặc một số tác động khác.
Đối với người từ 18 tuổi trở lên, nhịp tim bình thường trong lúc nghỉ ngơi dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút và nhịp đều.
Nhịp tim thay đổi trong ngày vì dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: hoạt động thể chất của cơ thể, nhiệt độ môi trường, tư thế (đứng, ngồi, hay nằm), trạng thái tinh thần và cảm xúc (ví dụ như cảm xúc giận dữ, vui mừng, sợ hãi, lo lắng,...), ăn uống, chất kích thích, thuốc và các bệnh lý đi kèm... Tuy nhiên, khi đề cập đến nhịp tim chuẩn, hay nhịp tim bình thường, nghĩa là nhịp tim được đo lúc cơ thể đang nghỉ ngơi hoàn toàn.
Nhịp tim cũng thay đổi theo tuổi tác, dưới đây là bảng chỉ số bình thường của nhịp tim theo tuổi:
2. Hiện nay có những phương tiện gì để thăm khám, theo dõi nhịp tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Những phương tiện để thăm khám, đánh giá và theo dõi nhịp tim bao gồm:
- Bắt mạch quay ở cổ tay với bệnh nhân đến phòng khám, bắt mạch bẹn hay mạch cảnh ở cổ với những bệnh nhân nặng trong tình trạng cấp cứu.
- Nghe tim bằng ống nghe chuyên dụng.
- Máy đo huyết áp tự động (đa phần các máy đo hiện nay có cho biết chỉ số nhịp tim), máy đo SpO2 kẹp ở ngón tay.
- Đo điện tim (còn gọi là điện tâm đồ - ECG) lúc nghỉ, điện tâm đồ 24 giờ (còn gọi là Holter ECG), điện tâm đồ gắng sức, monitor theo dõi sinh hiệu 24/24 ở bệnh nhân nặng.
2. Nhịp tim nhanh là gì, khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nhịp tim nhanh như thế nào hoặc kết hợp với triệu chứng gì thì người bệnh cần đến bác sĩ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Tim đập nhanh là hiện tượng có thể gặp ở bất kỳ ai. Tim đập nhanh không phải lúc nào cũng là bệnh và có khi nhịp tim nhanh là triệu chứng của các bệnh lý khác chứ không phải chỉ gặp riêng trong bệnh tim mạch. Do đó, nếu tim đập nhanh kèm những triệu chứng sau đây thì bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra:
- Nhịp tim nhanh kèm một trong các triệu chứng sau: chóng mặt, đau đầu, tức ngực, đau thắt ngực, khó thở, choáng váng, ngất.
- Cảm nhận nhịp tim không đều
- Nhịp tim nhanh không thích hợp: khi nghỉ ngơi không làm gì, không lo lắng gì mà tim vẫn đập nhanh liên tục.
Những bệnh gì có thể gây ra nhịp tim nhanh?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Những bệnh có thể gây ra nhịp tim nhanh là:
Bệnh thuộc hệ tim mạch: ổ phát nhịp bất thường trong tim, tồn tại đường dẫn truyền phụ, bệnh cơ tim, bệnh van tim, suy tim, huyết áp thấp và huyết áp cao...
Bệnh ngoài hệ tim mạch: thiếu máu, thiếu oxy, bệnh phổi mạn tính, chứng ngưng thở khi ngủ, cường giáp, rối loạn điện giải, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, nhiễm trùng, ung thư, thuốc và ngộ độc...
3. Nhịp tim chậm là gì? Nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm?
Nhịp tim chậm có thể là biểu hiện của bệnh gì ạ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Ở người trưởng thành, nút xoang phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, do vậy nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp chậm. Ở trẻ em và trẻ sơ sinh, nhịp tim thay đổi theo tuổi. Trẻ càng bé nhịp tim càng nhanh, ví dụ trẻ sơ sinh nhịp tim bình thường từ 120-160 lần một phút. Do đó được gọi là nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh khi tần số tim dưới 100 lần một phút.
Nhịp tim chậm có thể là sinh lí như ở những vận động viên, những người tập luyện thể thao, nhưng cũng có thể là bệnh lí. Nhịp tim chậm sẽ làm giảm cung lượng tim, giảm tưới máu não và các cơ quan dẫn đến giảm khả năng gắng sức, mệt mỏi, suy tim, có thể ngất và đột tử.
Nguyên nhân bệnh nhịp tim chậm:
- Bệnh thuộc hệ tim mạch: suy nút xoang, suy nút nhĩ thất, thoái hóa đường dẫn truyền điện ở tim, đường dẫn truyền điện ở tim bị tắc nghẽn, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim không do thiếu máu, viêm cơ tim...
- Bệnh ngoài hệ tim mạch: rối loạn chuyển hóa nặng (toan máu, rối loạn điện giải, hạ thân nhiệt, giảm oxy máu...), suy giáp, thuốc và ngộ độc...
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Trưng Vương, Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
4. Tự nhận biết mình bị rối loạn nhịp tim bằng cách nào?
Còn rối loạn nhịp tim có thể xảy ra trong trường hợp nào? Một người có thể tự nhận biết mình bị rối loạn nhịp tim không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Đã gọi là "rối loạn" có nghĩa là không còn tuân theo trật tự, luật lệ thông thường nữa, cho nên, rối loạn nhịp tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng thường có xu hướng sẽ rối loạn nhiều hơn khi gặp cơ hội, ví dụ như gắng sức, dùng chất kích thích, viêm nhiễm...
Một người có thể tự nhận biết mình bị rối loạn nhịp tim, bằng cách theo dõi nhịp tim của mình lúc nghỉ, lúc gắng sức tối đa, hay lúc cảm thấy cơ thể mình không được khỏe.
Cách thông dụng là bắt mạch quay ở cổ tay: Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa đặt lên vị trí động mạch quay (ở cổ tay phía gần với ngón cái) hoặc động mạch cảnh (cách đường giữa cổ 2 cm, ngang tầm với trái cổ ở nam hoặc canh tương đối đoạn giữa góc hàm và xương đòn - xương quai xanh), ấn nhẹ, giữ nguyên một phút và tính số lần mạch đập trong 1 phút, cảm nhận nhịp tim có đều hay không. Đây là phương pháp kiểm tra đơn giản mà nhiều người vẫn thường áp dụng, hoặc người bình thường cùng có thể thực hiện để theo dõi nhịp tim của mình.
Cách thứ hai là sử dụng máy đo huyết áp tự động, chỉ số Pulse, đơn vị lần/phút hay beat/minute chính là nhịp tim.
Có phải người béo mập sẽ có nhịp tim nhanh hơn người gầy? Trường hợp này có cần điều trị không ạ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Người thừa cân béo phì hay người thiếu cân đều nguy cơ bị nhịp tim nhanh hơn người có cân nặng nằm trong giới hạn bình thường.
Nhịp tim nhanh ở đối tượng thiếu cân thường là do thiếu máu, cường giáp, huyết áp thấp...
Nhịp tim nhanh ở đối tượng thừa cân béo phì thường do bệnh lý tim mạch, hội chứng ngưng thở khi ngủ.
5. Các loại thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim
Xin BS cho biết những thuốc gì có thể ảnh hưởng đến nhịp tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Rất nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, tôi xin đưa ra một số thuốc thông dụng thường gặp để mọi người lưu ý:
- Thuốc điều trị hen suyễn
- Thuốc kháng sinh (levofloxacin, amoxicillin, ciprofloxacin, azithromycin...)
- Thuốc trị cảm và chống dị ứng có chứa pseudoephedrine hay phenylephrine
- Thuốc bổ sung hormone giáp
- Một số thuốc bổ (cam đắng, valerian, hawthorn, ginseng, and ephedra.
Trong khi thể dục, thể thao, chúng ta nên giữ mức nhịp tim trong khoảng bao nhiêu ạ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người mới bắt đầu chạy chỉ nên chạy ở mức 50 - 75% nhịp tim tối đa, sau đó có thể tăng đến mức 85% nhịp tim tối đa. Cường độ luyện tập cũng chỉ nên dừng lại ở mức vừa phải, tránh dẫn đến những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe tim mạch.
nhịp tim nhanh tối đa được xác định bằng cách lấy 220 trừ đi tuổi của bạn (riêng với người trên 60 tuổi là 160). Ví dụ, nếu năm nay bạn 30 tuổi thì nhịp tim tối đa của bạn là 220-30=190 lần/phút.
Nhờ BS hướng dẫn cách xử trí trường hợp nhịp tim tăng sau khi uống cà phê, uống rượu bia, làm sao để nhịp tim mau chóng trở về bình thường?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:
Không tìm thấy tài liệu y văn chính thống trong và ngoài nước đưa ra khuyến cáo có cơ sở khoa học cho câu hỏi này nên không thể trả lời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình