Hotline 24/7
08983-08983

Nhiệt miệng đa phần lành tính nhưng cần biết cách điều trị đúng

Nhiệt miệng tưởng chừng là vấn đề nhỏ nhặt nhưng cảm giác đau rát có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. BS.CK1 Lưu Tú Anh - Phòng khám Bernard sẽ giải thích cụ thể các vấn đề nhiệt miệng thực sự xuất phát từ đâu, nhiệt miệng khi nào là lành tính, khi nào nên đi khám, và hướng dẫn phòng ngừa, điều trị đúng cách.

1. Nhiệt miệng là bệnh lành tính, có thể tự khỏi

BS có thể giải thích, nhiệt miệng là tình trạng thế nào? Đây có phải là bệnh hay chỉ là một triệu chứng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Bernard trả lời: Nhiệt miệng là tình trạng mất hoặc xói mòn một phần mô mỏng bên trong miệng (niêm mạc), thường là 1 vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như môi, bên trong má, nướu.

Thông thường vết nhiệt miệng có màu trắng hoặc vàng, viềng xung quanh là màu đỏ, dạng hình tròn hoặc oval.

Nhiệt miệng là bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong 1-2 tuần mà không để lại sẹo.

 2. Nguyên nhân gây nhiệt miệng

Rất nhiều người cho biết, nếu ăn đồ cay, nóng liên tục vài ba hôm là sẽ bị nhiệt miệng ngay. Liệu đó có phải là nguyên nhân gây nhiệt miệng hay còn lý do nào khác?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Theo quan điểm dân gian, nhiệt miệng thường xuất hiện vào mùa hè. Bệnh là do bị nóng trong người hay do ăn đồ cay, nóng quá nhiều hoặc cơ thể phản ứng với thời tiết nóng nực.

Tuy nhiên, tình trạng nhiệt miệng còn liên quan nhiều nguyên nhân khác, do đó bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Theo y học hiện đại có nhiều yếu tố được cho là có liên quan đến sự phát triển của vết loét gây ra nhiệt miệng, bao gồm:

- Chấn thương miệng nhẹ vùng niêm mạc miệng trong quá trình làm răng, vệ sinh răng, do răng cắn trúng, va đập vào miệng khi chơi thể thao

- Nhạy cảm với thực phẩm nhiều gia vị, thức ăn có vị chua (cam, chanh...) hoặc các loại thức ăn nhạy cảm như chocolate, cà phê....

- Dinh dưỡng kém, thiếu hụt vitamin, đặt biệt là vitamin B12, kẽm và sắt.

- Phụ nữ bị thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, khi đang mang thai...

- Người thường xuyên bị stress, căng thẳng hoặc thiếu ngủ.

- Nhiễm trùng trong khoang miệng.

Ngoài ra khi mắc một số bệnh sau cũng có thể gây nên nhiệt miệng: Cơ thể không dung nạp gluten trong thức ăn (bệnh Cedilac), bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường, HIV/AIDS.

3. Ai cũng có thể bị nhiệt miệng

Thưa BS, những nhóm người nào dễ bị nhiệt miệng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nhiệt miệng thường là những người có có di truyền trong gia đình bị nhiệt miệng; người có hệ thống miễn dịch suy yếu như nhiễm HIV, bệnh nhân đái tháo đường hoặc những người mắc bệnh Cedilac, viêm ruột...

Bên cạnh đó, những người thường xuyên ăn đồ cay nóng, thiếu hụt vitami và khoáng chất (như sắt, kẽm, axit folic, vitamin nhóm B hoặc vitamin D) cũng rất dễ bị nhiệt miệng.

Người đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bao gồm một số NSAID, thuốc chẹn beta hoặc nicorandil cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Nhiệt miệng tưởng chừng là vấn đề nhỏ nhặt nhưng cảm giác đau rát có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống

Câu hỏi khán giả: Tôi 62 tuổi, bị tiểu đường type 2. Tôi nhận thấy mình thường xuyên bị nhiệt miệng, vết loét rất lâu lành. Có phải bệnh tiểu đường làm tôi dễ bị nhiệt miệng hơn không?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng nằm trong nhóm dễ bị nhiệt miệng. Do hệ miễn dịch bị suy giảm, bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần.

Trên thực tế, nhiệt miệng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai trong chúng ta, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay chủng tộc. Nhiệt miệng thường gặp ở trẻ em, tái phát nhiều lần trong suốt thời thơ ấu; ảnh hưởng đến phụ nữ có thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, với nguyên nhân đa dạng, bất kỳ ai cũng có thể phát triển các vết loét do nhiệt miệng.

4. Vết loét miệng kéo dài trên 3 tuần có thể là dấu hiệu của bệnh lý ác tính

Liệu nhiệt miệng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó không, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nhiệt miệng là một bệnh lành tính, có thể tự khỏi trong vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, sống chung với nhiệt miệng thường gây nhiều khó chịu. Trong thời gian này, tránh những yếu tố gây kích ứng vết loét miệng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét.

Các vết nhiệt miệng lớn có thể mất nhiều thời gian hơn để lành. Bất kỳ vết loét nào kéo dài hơn 3 tuần đều nên được thăm khám, chẩn đoán. Những vết loét lớn có thể xuất hiện ở đáy lưỡi hoặc gần amidan và gây đau, đặc biệt là khi nhai nuốt.

Mặc khác, những vết loét trong giống như nhiệt miệng có thể là dấu hiệu của các tình trạng ác tính nếu chúng không gây đau. Đặc điểm phân biệt là các vết loét này kéo dài trên 3 tuần, không đau. Cảm giác đau chỉ xuất hiện khi vết loét bị bội nhiễm.

 Khi phát hiện các vết loét này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tầm soát, loại trừ các bệnh ác tính như ung thư miệng.

5. Dùng muối trị nhiệt miệng, làm thế nào cho đúng?

Câu hỏi khán giả: Chào BS, mỗi khi em bị nhiệt miệng, mẹ em chỉ cách lấy muối xát vào vết loét cho mau lành. Nhưng em thấy cực kỳ rát. Em muốn hỏi cách làm này có đúng không ạ?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Muối là một nguyên liệu có thể góp phần điều trị nhiệt miệng, tuy nhiên phải sử dụng đúng cách. Dùng muối xát trực tiếp vào vết loét là hoàn toàn không đúng và không nên.

Độ mặn cao của muối có thể làm tổn thương niêm mạc, khiến vết thương lâu lành hơn. Đồng thời gây đau rát rất nhiều.

Cách làm đúng là pha loãng muối với nước (5g muối hòa tan vào 230ml nước ấm) để súc miệng hàng ngày. Ngoài ra, các bạn có thể mua các loại nước muối sinh lý được bán ở nhà thuốc để sử dụng.

6. Trị nhiệt miệng hiệu quả với các nguyên liệu có sẵn trong bếp

Bên cạnh đó, nhiều người áp dụng các mẹo dân gian như súc miệng bằng dầu dừa, bôi mật ong, vắt chanh vào vết loét, chườm đá lạnh… Những phương pháp này có thực sự hiệu quả không?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Dùng dầu dừa, mật ong, chanh và chườm đá lạnh là những cách giúp điều trị tốt nhiệt miệng, nhưng phải dùng đúng cách thì mới mang lại hiệu quả mong muốn.

- Mật ong có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm trùng thứ cấp, giúp các vết nhiệt miệng không bị sưng đỏ và bỏng rát. Bạn có thể bôi trực tiếp mật ong lên vết lở miệng hoặc pha trà nóng, thêm vào chút mật ong để uống hằng ngày.

- Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn tốt do chứa axit lauric tự nhiên giúp tái tạo niêm mạc. Với các vết lở miệng, các bạn nên dùng dừa sớm để giảm đau, giảm sưng và rút ngắn thời gian lành vết thương. Để điều trị, lấy 1 lượng dầu dừa nguyên chất vừa đủ, bôi lên vết nhiệt miệng vài lần mỗi ngày.

- Cam, chanh không “đặc trị” chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên, nước cam, nước chanh đều chứa rất nhiều vitamin C nên có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp bạn vượt qua những căn bệnh do virus, vi khuẩn gây ra (trong đó có nhiệt miệng). Bạn có thể uống 1 ly nước chanh hoặc cam vắt mỗi ngày.

Tuy nhiên, không nên vắt trực tiếp cam, chanh lên vết loét vì lượng axit cao có thể làm tổn thương niêm mạc.

- Chườm đá lạnh vào vết nhiệt miệng để giảm sưng đau.

7. Dùng thuốc điều trị nhiệt miệng theo chỉ định của bác sĩ

Xin hỏi BS, có thể để nhiệt miệng từ từ tự khỏi không ạ? Trường hợp nào cần phải dùng thuốc và các loại nào thuốc có thể sử dụng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Trong hầu hết các trường hợp, nhiệt miệng là vô hại và tự khỏi trong vòng 10 - 14 ngày mà không cần điều trị.

Nếu vết loét kéo dài trên 2 tuần, kèm sốt, đau nhiều, mệt mỏi, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và có kế hoạch điều trị thích hợp.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với nhiệt miệng, nước súc miệng chlorhexidine gluconate và corticosteroid tại chỗ thường là phương pháp điều trị chính. Corticosteroid có thể là Dexamethasone 0,5mg/5 ml, được sử dụng để súc miệng 3 lần/ngày

Thuốc mỡ Clobetasol 0,05% hoặc thuốc mỡ Fluocinonide 0,05% trong Carboxymethylcellulose (1:1), thường dùng để bôi 3 lần/ngày.

Bệnh nhân sử dụng các corticosteroid này nên được theo dõi về bệnh nấm Candida. Nếu corticosteroid tại chỗ không hiệu quả, có thể cần dùng Prednisone (ví dụ: 40mg uống mỗi ngày một lần) không quá 5 ngày.

Điều trị nhiệt miệng có thể yêu cầu sử dụng kéo dài với các thuốc như corticosteroid toàn thân; Azathioprine; Pentoxifylline (thuốc điều trị chứng đau cách hồi do viêm tắc động mạch ngoại vi mạn tính) và các thuốc ức chế miễn dịch khác.

Bên cạnh đó, bổ sung vitamin B1, B2, B6, B12, folate hoặc sắt có thể làm giảm triệu chứng ở một số bệnh nhân. Đặc biệt lưu ý, việc dùng thuốc phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

8. Lạm dụng corticoid dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường

Đầu tháng 3/2025, Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 20 tuổi, sinh viên một trường đại học lớn ở Hà Nội vào cấp cứu vì liệt tứ chi, không thể đi lại, người nhà phải dìu vào bệnh viện. Kết quả xét nghiệm nồng độ kali máu rất thấp. Sau 2 ngày cấp cứu mới về lại mức bình thường.

Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen tự mua thuốc bột không rõ nguồn gốc để trị nhiệt miệng. Những loại thuốc này có thể chứa corticoid - một hoạt chất chống viêm mạnh, nhưng nếu lạm dụng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

- Xin hỏi, ý kiến của BS về trường hợp này như thế nào ạ?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Vấn đề này chủ yếu xuất phát từ corticoid, do đó chúng ta tìm hiểu đôi nét về nhóm thuốc này.

Từ năm 1948, các hãng dược đã sản xuất ra những loại thuốc glucocorticoid tổng hợp có tác dụng chống viêm mạnh. Ban đầu, loại thuốc này điều trị viêm khớp rất hiệu quả. Phát minh này đã giúp bác sĩ người Mỹ Philip Showalter Hench nhận giải Nobel Y học năm 1950.

Sau thời điểm trên, các thuốc glucocorticoid tổng hợp... được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của y học như ghép tạng, dị ứng, viêm khớp, hen phế quản, COVID-19... Từ đó, việc lạm dụng thuốc cũng trở nên phổ biến hơn.

Tại Việt Nam, người dân có thể tự mua thuốc glucocorticoid  tại các nhà thuốc để điều trị các bệnh phổ biến như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gout, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống, tiêm.

Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương, gãy xương, xuất huyết dưới da, hoại tử chỏm xương đùi, hạ kali máu, nhiễm trùng, các vết loét lâu liền... thậm chí là rối loạn tâm thần.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi lạm dụng corticoid là suy thượng thận với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, nặng hơn có thể bị tử vong.

Nguy hiểm nhất là corticoid trộn lẫn vào thuốc được quảng cáo là Đông y chữa bách bệnh. Người dân tin các loại thuốc này lành và an toàn nên vô tư dùng. Sau một thời gian lệ thuộc vào thuốc, các tác dụng phụ càng nặng hơn.

Từ trường hợp của nam thanh niên này, tôi xin khuyến cáo, tất cả các loại thuốc từ thảo dược tới Tây y đều phải dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tương tác cũng như tác dụng phụ của thuốc gây ra.

BS.CK1 Lưu Tú Anh cho biết, nhiệt miệng tái phát không phải là bệnh lý quá nguy hiểm và có thể tự điều trị tại nhà

9. Ăn gì để vết loét nhiệt miệng mau lành?

Có những loại thực phẩm nào giúp vết loét nhanh lành hơn? Và ngược lại, khi bị nhiệt miệng, nên kiêng những món ăn gì?

- Ngoài ra, cần làm gì nếu vô tình ăn phải thức ăn làm kích ứng vết loét miệng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nhiệt miệng tuy là bệnh lành tính và có thể tự lành sau 1-2 tuần, nhưng thật sự không dễ dàng để chịu đựng cảm giác đau rát khó chịu này trong thời gian dài.

Để giúp giảm kích ứng cho đến khi vết loát miệng lành lại hãy ăn những thức ăn nhạt, mát hoặc ở nhiệt độ phòng mát. Một số thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, chống viêm tốt cho việc chữa lành vết thương có thể giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả như mật ong, dầu dừa, sữa chua,...

Ngoài ra theo quan niệm dân gian, nhiệt miệng do nóng trong người, nên có thể dùng 1 số biện pháp giải nhiệt như uống nước đậu đen, rau má, trà hoa cúc, nước ép cà chua, nước củ cải trắng pha một chút nước chanh.

Tuy nhiệt miệng sẽ gây đau rát, ảnh hưởng đến việc ăn uống nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, dưỡng chất cần thiết để hỗ trợ vết loét mau lành. Các món ăn hỗ trợ điều trị nhiệt miệng có thể kế đến là chè bí đỏ đậu xanh, canh khổ qua, cháo cá lóc đậu xanh...

Có nhiều loại thực phẩm giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả và dễ áp dụng. Tùy vào mức độ nhiệt miệng và cơ địa của từng người mà hiệu quả của các loại thực phẩm này mang lại sẽ khác nhau ít nhiều.

Nếu tình trạng nhiệt miệng nặng hơn, gây đau đớn nhiều hoặc tái phát nhiều lần, bệnh nhân nên cần đến cơ sở y tế để được khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời

Ngoài ra, để tránh kích ứng vết loét miệng, cần hạn chế các thức ăn cay nóng, dầu mỡ; vệ sinh răng miệng một cách nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc; súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước súc họng có chứa dung dịch sát khuẩn và không chứa cồn.

Các bạn nên uống nhiều nước: nước lọc, nước ép trái cây có tác dụng thanh nhiệt, nước đậu đen, rau má… Đồng thời, cần giải tỏa tâm lý căng thẳng nếu có.

10. Nhiệt miệng thông thường có thể tự khỏi trong 1- 2 tuần

Nhờ BS giải thích thêm, thông thường tình trạng nhiệt miệng thường kéo dài bao lâu? Khi nào là dấu hiệu bất thường cần đi khám bác sĩ? Và những biến chứng có thể xảy ra khi bị nhiệt miệng là gì, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nếu điều trị tốt, ăn đủ chất, uống đủ nước và vệ sinh răng miệng tốt, nhiệt miệng có thể tự khỏi trong 1 - 2 tuần.

Đây là bệnh lành tính sau khi khỏi không để lại sẹo, hầu hết không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, thời gian bị nhiệt miệng vết loét có thể làm đau rát nhiều gây khó khăn trong việc ăn uống, cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công việc…

Nhưng nếu xuất hiện vết loét tương tự nhiệt miệng nhưng kéo dài, không đau và sâu bất thường, nên đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán cụ thể, tầm soát loại trừ ung thư miệng.

 11. Nhiệt miệng tái phát không phải là bệnh lý quá nguy hiểm

Câu hỏi khán giả: Tôi 32 tuổi, cứ vài tháng là có vết loét xuất hiện trong miệng, có đợt bị đến 2 - 3 vết cùng lúc. Tôi tự nhận thấy mình ăn uống rất lành mạnh, uống nhiều nước. Tôi lo lắng không biết liệu có vấn đề gì về sức khỏe bên trong không?

- Việc nhiệt miệng tái đi tái lại có phải là dấu hiệu bất thường về sức khỏe, chúng ta cần đi  khám bác sĩ? Và có cách nào giúp phòng ngừa nhiệt miệng tái phát, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nhiệt miệng tái phát không phải là bệnh lý quá nguy hiểm và có thể tự điều trị tại nhà.

Nhiệt miệng thông thường chỉ là biểu hiện của sự viêm nhiễm nhẹ vùng răng miệng, có thể tự khỏi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu bệnh có những yếu tố bất thường kèm theo như các vết loét trong miệng ngày càng lớn và lan rộng, xuất hiện thêm nhiều vết loét, bị đau buốt nghiêm trọng, kèm sốt, phát ban, đau đầu,... thì nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời.

Đồng thời nếu vết loét có to, sâu bất thường, không đau, kéo dài... cũng nên đến cơ sở y tế khám để loại trừ nguyên nhân ung thư miệng.

Sau đây là một số biện pháp giúp bạn kiểm soát được những yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiệt miệng:

- Giảm tổn thương răng miệng bằng cách sử dụng loại bàn chải đánh răng có lông chải mềm, ăn chậm nhai kỹ với các loại thực phẩm không quá cứng để giảm nguy cơ cắn vào lưỡi, bên trong má;

- Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B, kẽm và sắt;

- Hạn chế ăn những thực phẩm gây nóng trong như rượu, bia, đồ ăn cay nóng, các loại quả có tính nóng,...;

- Giảm căng thẳng, mệt mỏi, tránh ngủ muộn, thức khuya bằng các bài tập yoga, thiền, thái cực quyền hoặc tập hít thở sâu,...;

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng việc đánh răng (có thể đánh răng với muối tinh) và sử dụng nước súc miệng;

- Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe, cơ bắp, khả năng cân bằng, sức đề kháng,... của cơ thể.

12. Thiếu hụt vitamin dễ gây nhiệt miệng

Một số thông tin trên Internet đề cập đến việc thiếu vitamin B, C hoặc sắt là nguyên nhân gây nhiệt miệng. Điều này có chính xác không, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Bệnh nhiệt miệng có nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố tác động gây ra nhiệt miệng. Trong đó việc dinh dưỡng kém và thiếu hụt vitamin. Đặc biệt, thiếu vitamin nhóm B, sắt, kẽm... cũng là nguyên nhân dễ gây ra bệnh nhiệt miệng.

Thiếu vitamin C sẽ làm giảm sức đề kháng cơ thể. Thiếu C làm giảm đi sự bền vũng của thành mạch, từ đó làm các mạch máu nhỏ nằm nông ở vùng niêm mạc dẽ bị vỡ, dễ gây ra vết loét, dẫn đến nhiệt miệng.

12. Chất SLS trong kem đánh răng có phải nguyên nhân gây loét miệng?

Việc vệ sinh răng miệng liên quan đến nhiệt miệng không, thưa BS? Dùng kem đánh răng có chứa SLS có phải là nguyên nhân gây loét miệng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Việc vệ sinh răng miệng có liên quan đến bệnh nhiệt miệng. Chải răng quá mạnh với bàn chải có lông quá cứng có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, nướu Từ đó hình thành vết loét, dẫn đến nhiệt miệng.

Sodium Lauryl Sulfate (SLS) được biết đến như một chất hoạt động bề mặt với công dụng làm sạch hay còn gọi là chất tạo bọt.

Sử dụng sản phẩm có chứa Sodium Lauryl Sulfate lâu dài có thể gây kích ứng các mô mềm trong miệng, gây sưng viêm mô nướu, khó lành. Sodium Lauryl Sulfate cũng có liên quan đến việc gây ra kích ứng da và lở loét. Những người bị viêm loét miệng không nên sử dụng kem đánh răng có chứa Sodium Lauryl Sulfate.

Nên chọn các loại kem đánh răng ít chất kích ứng, nước súc miệng không chứa cồn để bảo vệ niêm mạc khỏi tổn thương, tránh hình thành vết loét.

13. Cách phòng ngừa nhiệt miệng

Cuối chương trình, nhờ BS tổng kết lại những điều cần lưu ý. Chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa nhiệt miệng, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Để phòng ngừa nhiệt miệng, đầu tiên cần tránh việc làm tổn thương niêm mạc miệng. Hạn chế sử dụng loại bàn chải đánh răng có lông cứng; nhai nhẹ nhàng để không cắn vào môi hoặc vào má trong.

Nên bổ sung các loại thực phẩm thanh nhiệt; hạn chế các món cay nóng, nhiều dầu mỡ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X