Hotline 24/7
08983-08983

Người bị mẫn cảm với thuốc cần lưu ý gì khi mua thuốc, uống thuốc?

Nhiều người vì quá bận rộn hay vì sự tiện lợi mà có thói quen tự ra các nhà thuốc để mua mà không được kê toa. Một số người đã gặp phải tình trạng mẫn cảm với các thành phần thuốc, khiến họ không biết phải xử lý thế nào.

Vậy mẫn cảm với thuốc ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người bệnh. Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp với phần chia sẻ của TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM.

1. Mẫn cảm với thuốc là gì?

Xin BS cho biết, mẫn cảm với thuốc là gì? Phân biệt mẫn cảm với thuốc và dị ứng với thuốc?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Một số người sau khi sử dụng thuốc sẽ có triệu chứng nổi mề đay, phù mạch hoặc những tổn thương trên da, gọi chung là những phản ứng bất lợi do thuốc. Phản ứng bất lợi do thuốc được chia thành 2 loại: tác dụng phụ của thuốc và mẫn cảm với thuốc, thường gọi là dị ứng với thuốc.

Tác dụng phụ là những triệu chứng liên quan đến đặc tính của thuốc. Ví dụ, khi chúng ta sử dụng một số thuốc kháng viêm giảm đau thì sẽ có triệu chứng là đau dạ dày hoặc viêm dạ dày.

Mẫn cảm với thuốc là khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với thuốc hoặc các thành phần chuyển hóa với thuốc. Nó chiếm khoảng 10% - 15% các trường hợp phản ứng bất lợi với thuốc.

Mẫn cảm với thuốc sẽ có tính chất lặp đi lặp lại, vì khi sử dụng cùng 1 loại thuốc thì hệ miễn dịch sẽ phản ứng tương tự nhau. Trong khi đó, tác dụng phụ của thuốc có thể ngăn ngừa.

Ví dụ, trường hợp đau dạ dày, viêm dạ dày sau khi sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau thì có thể khắc phục bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc sau khi ăn no hoặc dùng kèm với thuốc viêm dạ dày khác thì sẽ hạn chế được tác dụng phụ.

2. Vì sao tỷ lệ người mẫn cảm với thuốc gia tăng?

Có thông tin rằng, tỷ lệ bị mẫn cảm với thuốc đang tăng dần, BS có thể cho biết nguyên nhân vì sao không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, theo những nghiên cứu về dịch tễ trên thế giới, không chỉ riêng bệnh mẫn cảm với thuốc mà tỷ lệ bệnh dị ứng nói chung đang gia tăng. Trong đó, tỷ lệ mẫn cảm với thuốc cũng tăng.

Có nhiều giả thiết được đưa ra. Giả thiết thứ nhất là do tỷ lệ dân số già ngày càng tăng, dân số đang bị già hóa. Dân số lớn tuổi hơn thì dễ mắc nhiều bệnh hơn, dùng nhiều thuốc hơn và từ đó nguy cơ tiếp xúc với thuốc gây mẫn cảm sẽ cao hơn.

Giả thiết thứ hai là sự thay đổi về môi trường, ví dụ như ô nhiễm, chế độ ăn hiện đại hơn, làm thay đổi cấu trúc vi sinh vật thường trú trong cơ thể. Đó là một trong những nguyên nhân gây rối loạn đáp ứng miễn dịch với thuốc.

Giả thiết thứ ba là gần đây chúng ta đã hiểu hơn về thuốc, quan tâm hơn đến dị ứng thuốc. Đó là lý do tỷ lệ người mẫn cảm với thuốc tăng dần lên.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM

3. Biểu hiện của mẫn cảm với thuốc, khi nào cần đi bệnh viện?

Mẫn cảm với thuốc có những mức độ nào, biểu hiện ra sao, khi nào là nghiêm trọng phải đi bệnh viện ngay, thưa bác sĩ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Dựa trên biểu hiện, mẫn cảm với thuốc sẽ chia thành 2 nhóm thường gặp.

- Những loại thuốc gây biểu hiện đáp ứng sớm, nhanh trong vòng 2 tiếng; thường chỉ trong vài phút nhưng có trường hợp kéo dài đến 2 tiếng sau khi dùng thuốc sẽ có những triệu chứng trên lâm sàng. Triệu chứng thường sẽ nhẹ, bệnh nhân có thể nổi mề đay, nổi phù mạch, sưng ở mắt, sưng ở môi hoặc nổi ban ở ngoài da.

Biểu hiện nặng hơn là có triệu chứng khó thở do co thắt phế quản, cảm thấy khò khè, đau bụng nhiều hoặc nặng hơn là sốc phản vệ, tụt huyết áp, khó thở, tim đập nhanh hơn, thậm chí là trụy tim mạch, ngưng tim, ngừng thở.

- Nhóm hai là biểu hiện đáp ứng muộn, 24 tiếng, 48 tiếng hoặc vài tuần sau khi sử dụng thuốc thì mới có triệu chứng. Biểu hiện của nhóm này sẽ âm thầm, tiến triển tăng dần lên. Trường hợp nhẹ có thể là triệu chứng ngoài da như nổi hồng ban, tổn thương dạng chàm.

Trong trường hợp bệnh nhân quá mẫn thuốc nặng thì sẽ có biểu hiện bong tróc ngoài da, môi, loét bộ phận sinh dục hoặc tổn thương gan, thận.

Những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ hoặc triệu chứng tổn thương ngoài da nhiều cơ quan thì bệnh nhân cần được đến bệnh viện.

4. Loại thuốc nào dễ gây mẫn cảm với thuốc

BS có thể cho biết trong các loại thuốc điều trị các bệnh/triệu chứng thông dụng, những thuốc nào có khả năng gây mẫn cảm nhiều nhất?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Tất cả những loại thuốc và thực phẩm chức năng khi đưa vào cơ thể đều có khả năng gây mẫn cảm với thuốc. Bởi vì một số người sẽ mẫn cảm với thành phần hoạt chất của thuốc (thành phần chính), một số người sẽ mẫn cảm với thành phần tá dược (thành phần kèm theo để dễ tiêu hóa thuốc).

Theo thống kê, tỷ lệ gây nên mẫn cảm thường gặp nhất là nhóm thuốc kháng sinh. Nhóm thứ hai là thuốc kháng viêm giảm đau không có steroid, nhóm thứ ba là những thuốc như paracetamol,...

Đây là những nhóm thuốc thường gây mẫn cảm trên thế giới và tại Việt Nam. Khi chúng ta ra nhà thuốc mua thuốc cảm cúm thì nhà thuốc sẽ bán cho chúng ta những loại thuốc như kháng sinh hoặc giảm đau. Những thuốc này thường sẽ gây ra triệu chứng thường gặp nhất trong cộng đồng.


5. Làm sao xác định có mẫn cảm với loại thuốc nào hay không?

Nếu một người từng bị mẫn cảm với 1 loại thuốc và muốn tìm hiểu liệu mình có mẫn cảm thêm với các loại thuốc khác hay không thì có cách nào để biết không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nỗi lo chung của mọi người khi bị dị ứng với thành phần của thuốc và sợ dùng thuốc trong những lần tiếp theo, không chỉ là nỗi lo của bệnh nhân mà còn là nỗi lo của bác sĩ.

Do đó, với những trường hợp đã bị mẫn cảm với thuốc thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để chúng ta biết rõ là mình dị ứng với thành phần nào trong thuốc, tá dược hoặc hoạt chất.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm trên da, xét nghiệm cho người bệnh tự uống thuốc tại bệnh viện để bác sĩ theo dõi xem mức độ phản ứng như thế nào. Hoặc là làm những xét nghiệm máu chuyên sâu hơn.

Dựa vào những thông tin đó, chúng ta sẽ biết được rằng người bệnh bị mẫn cảm với thành phần hoạt chất nào của thuốc, hoặc thành phần tác dược nào. Từ đó, bác sĩ sẽ đề ra những loại thuốc an toàn để người bệnh có thể sử dụng à những loại thuốc nào nên tránh.

Hiện nay, một số bệnh viện có thẻ dị ứng với thuốc. Nếu người nào bị dị ứng với thành phần của thuốc thì họ sẽ được ghi thông tin trên thẻ. Sau này, nếu bệnh nhân đi mua thuốc và đưa thẻ này cho người bán thuốc thì họ sẽ chọn lựa thuốc an toàn để sử dụng cho bệnh nhân.

6. Biểu hiện mẫn cảm với thuốc ở lần sử dụng tiếp theo sẽ thế nào?

Nếu một người bị mẫn cảm với 1 loại thuốc, sau một thời gian, (có thể vì không nhớ hay có quá ít lựa chọn) mà tiếp tục sử dụng thuốc đó thì biểu hiện mẫn cảm của họ có thể tăng, giảm, hay giống y lần trước ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Mẫn cảm với thuốc sẽ không giống với mẫn cảm thức ăn. Trong dị ứng thức ăn, một số người có thể tự dụng nạp, còn đối với thuốc, khả năng tự dung nạp rất kém.

Nếu một người bị mẫn cảm với thuốc thì những lần sau triệu chứng vẫn tương tự như vậy. Mức độ biểu hiện của triệu chứng sẽ tùy thuộc vào liều lượng sử dụng thuốc nhiều hay ít, đường dùng là uống hay chích tĩnh mạch và yếu tố hỗ trợ đồng kích thích.

Yếu tố hỗ trợ đồng kích thích như sử dụng rượu bia kèm theo, hoặc bị nhiễm trùng kèm theo thì sẽ làm tăng mức độ nặng của triệu chứng. Do đó, nếu như có nghi ngờ bị mẫn cảm với thuốc thì nên đến bệnh viện gặp bác sĩ dị ứng để xác định rõ là dị ứng với thành phần nào của thuốc và loại thuốc nào an toàn cho mình.

7. Bệnh nhân nên lưu giữ toa thuốc trong bao lâu?

Mẫn cảm với thuốc lần đầu là một tình huống bất ngờ, vậy để an toàn cho những lần dùng thuốc tiếp theo, bệnh nhân nên làm gì ạ? Nếu phải lưu giữ toa thuốc thì họ nên lưu giữ trong bao lâu?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nếu chúng ta biết bản thân mẫn cảm với thuốc thì nên biết rõ những loại thuốc đã sử dụng hoặc thuốc mình sắp sử dụng là thuốc gì. Do đó, việc giữ toa thuốc và biết loại thuốc sắp sử dụng là rất quan trọng.

Chúng ta sẽ chia thành 2 tình huống.

- Nếu chúng ta điều trị cơ sở y tế hoặc tại bệnh viện thì người bệnh sẽ có cuốn sổ để ghi lại toa thuốc hoặc thông tin thuốc sẽ được lưu trữ trong hồ sơ điện tử bệnh án của bệnh viện. Dựa vào thông tin đó thì bác sĩ biết được bệnh nhân đã sử dụng thuốc gì và loại thuốc nào an toàn cho người bệnh.

- Trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc thì nên hỏi người bán, đây là loại thuốc gì và nếu có tiền căn dị ứng với một thành phần của thuốc thì nên nói để người bán chọn loại thuốc an toàn cho mình.

8. Những lưu ý khi lựa chọn thuốc

Nhiều người vẫn có thói quen hễ bị những bệnh nhẹ nhẹ như cảm sốt, chóng mặt, đau bụng thì đi ra nhà thuốc, mua thuốc mà không được kê toa. Chúng ta nên lưu ý những vấn đề gì khi lựa chọn thuốc?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đây là thông điệp mà mình muốn gửi gắm đến không chỉ người bị mẫn cảm với thuốc và cả những người không mẫn cảm với thuốc để có thể phòng tránh cho chính bản thân mình.

Việc chúng ta nhà thuốc mua những thuốc không rõ loại rất nguy hiểm. Khi chúng ta mua thuốc ở tiệm thuốc tây thì sẽ có nhiều viên thuốc khác màu. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân nó là bị mẫn cảm với thuốc sau khi sử dụng thuốc, nhưng chỉ mô tả viên thuốc mà không biết tên thuốc thì bác sĩ sẽ không biết được.

Nhiều khi bệnh nhân mang thuốc đến cho bác sĩ xem nhưng không lưu lại tên thuốc thì bác sĩ sẽ không nhận biết được. Do đó, khi không có thông tin thuốc thì bác sĩ và bệnh nhân sẽ “bơi trong biển” nhiều loại thuốc khác nhau mà không biết “thủ phạm” là ai.

Vì vậy, mình muốn nhắn nhủ đến quý vị là trước khi tiêu thụ bất loại thuốc hay thực phẩm chức năng vào cơ thể thì chúng ta nên biết đó là thuốc gì, mình có bị mẫn cảm với thuốc đó hay không. Mỗi người nên lưu lại thông tin thuốc hoặc toa thuốc trong vài tháng.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X