Hotline 24/7
08983-08983

Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 sau ca tử vong do sốc phản vệ?

Gần đây, nhiều trường hợp gặp biến chứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 làm dấy lên lo ngại về việc có nên hay không chích ngừa vắc xin này. TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam sẽ giải đáp vấn đề này.

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn KínhTTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam

Mời đọc: Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?

1. Tỉ lệ tử vong và cách cứu người bị sốc phản vệ do vắc-xin COVID-19?

Mới đây, thông tin một nữ nhân viên y tế tại An Giang tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 đã gây áp lực tâm lý cho người thực hiện tiêm vắc xin. GS có thể cho biết tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 hiện nay là bao nhiêu, và làm sao để cứu được người bị sốc phản vệ?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Vắc-xin cũng là loại thuốc được đưa vào cơ thể của chúng ta, giống như bất cứ loại thuốc khác khi đưa vào cơ thể con người thì không thể khẳng định được độ an toàn 100%. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của thuốc và vắc-xin đều tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Như vắc-xin thì chúng ta phải thử nghiệm ít nhất 3 pha lâm sàng, pha 1, pha 2 là để xác định tính an toàn và tính sinh miễn dịch, pha 3 để xác định được khả năng ngăn chặn dịch khi dịch bùng phát, lây lan.

Tất cả dữ liệu nghiên cứu này được làm một cách bài bản theo đúng các quy trình khoa học và được công bố trên các tạp chí lớn, được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định những kết quả nghiên cứu là phù hợp, có thể ứng dụng được cho con người. Trong tất cả các loại thuốc, vắc-xin thì đều có những biến cố bất lợi sau khi tiêm, kể cả vitamin. Những vắc-xin có biến cố bất lợi thông thường sau khi tiêm như đau vết tiêm, sốt nhẹ, khó chịu thì những phản ứng đó là bình thường. Đó chính là những phản ứng của cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại mầm bệnh đó. Những phản ứng đó không đáng quan ngại.

Không nên vì tỉ lệ sốc phản vệ khá thấp mà trì hoãn hoặc từ chối việc tiêm vắc xin COVID-19 để tránh những hậu quả to lớn

Nhưng có một tỷ lệ nhất định phản ứng nặng sau tiêm, chúng ta gọi đó là biến cố của sốc phản vệ. Chúng ta biết là sốc phản vệ có 4 mức độ khác nhau, mức độ đầu tiên chỉ thể hiện trên da như ngứa, nổi mề đay. Mức độ 2 thì bệnh nhân có thể xuất hiện những biến cố về mặt hô hấp, bệnh nhân cảm thấy tức ngực, khó thở,... Mức độ 3 là bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp. Mức độ 4 là mức độ nặng nhất, bệnh nhân ngừng thở.

Những biến cố này trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, người ta đã có ghi nhận, như vắc-xin AstraZeneca, trong quá trình thử nghiệm pha 3 đã có trường hợp tử vong, có một số nước đã tạm dừng thử nghiệm để nghiên cứu tiếp. Những điều này đã được nhà sản xuất đưa ra cảnh báo và những kết quả thử nghiệm ở 3 giai đoạn đều được công bố. Tỷ lệ ở từng loại vắc-xin là khác nhau, ví dụ vắc-xin Pfizer/BioNTech thì tỷ lệ sốc phản vệ là 17 phần triệu, vắc-xin AstraZeneca là 26 phần triệu. Tuy nhiên, hàng triệu người được tiêm và có tỷ lệ sốc phản vệ nhất định, tỷ lệ này khá thấp và không phải dễ gặp.

Ở các nước khác như Nauy, Hàn Quốc, Anh Quốc và Mỹ thì cũng có tỷ lệ tử vong sau tiêm. Ở Việt Nam có 1 trường hợp tử vong do sốc phản vệ trên 777.000 liều tiêm, nghĩa là gần 1 triệu liều tiêm mới có trường hợp bị tai biến nặng.

Ở Việt Nam, trước khi tổ chức tiêm vắc-xin thì chúng tôi đã xây dựng quy trình sàng lọc, chọn các đối tượng có chỉ định được tiêm, các đối tượng trì hoãn tiêm, các đối tượng chống chỉ định tiêm và các đối tượng phải tiêm trong cơ sở y tế để được theo dõi sát. Thứ hai, chúng tôi đã hướng dẫn xử lý khi có các biến cố sau tiêm.

Ở các nước khác, người ta mang vắc-xin ra nơi công cộng để tiêm, ở nước ta, chúng ta dựa trên nền tảng của chương trình tiêm chủng mở rộng và các thầy thuốc đều được tập huấn kỹ càng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phản ứng bất thường, có những bệnh nhân khác cũng bị sốc phản vệ nhưng được xử lý theo hướng dẫn nên đã được an toàn; chỉ có trường hợp này, trên cơ địa dị ứng với thuốc giảm đau non steroid nên khi tiêm vào bệnh nhân xảy ra sốc phản vệ nặng. Đây là điều không mong muốn.

Tuy nhiên, so với thế giới, tỷ lệ sốc phản vệ của Việt Nam rất thấp. Vì vậy, việc sử dụng vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho người được tiêm là điều quan trọng. Chúng tôi cố gắng thực hiện và yêu cầu tất cả các cơ sở cố gắng tiêm an toàn từng mũi tiêm cho từng người. Đó là điều quan trọng.

2. Vắc-xin COVID-19 có khả năng bảo vệ con người trước dịch bệnh không?

Về ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều người thắc mắc rằng nhân viên y tế tại đây đã được tiêm vắc xin COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng bảo vệ của vắc xin COVID-19. Xin GS giải đáp về trường hợp này?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Trong các trường hợp bị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì chỉ có 4 cán bộ y tế, còn lại là chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các thầy thuốc trực tiếp điều trị cho khu vực cách ly COVID-19 thì không có ai nhiễm bệnh. Điều đó chứng tỏ nguồn lây nhiễm này là mang từ cộng đồng vào.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, 80% các trường hợp nhiễm bệnh lần này đều không có triệu chứng lâm sàng. May mắn, có 1 trường hợp chúng ta phát hiện kịp thời và xác định là F0, từ đó truy vết các F1, F2 để đưa vào cơ sở cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính. Cho nên, chúng ta cần phải tránh việc các bệnh nhân bị nhiễm VOVID-19 lọt vào bệnh viện hoặc người thăm, nuôi người nhà bị ốm - đây là phong tục của người Việt khi có người thân bị ốm nằm viện.

Bệnh viện là thành trì cuối cùng để ngăn chặn, điều trị COVID-19 cho nên mặc dù Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phát hiện ra những ca bệnh như vậy thì đã kịp thời xử lý, cách ly ổ dịch. Vì vậy những bệnh nhân nặng vẫn được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị bởi vì đây là cơ sở cao nhất để điều trị với đầy đủ các phương tiện kỹ thuật và đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh, kể cả những ca bệnh nặng phải chạy ECMO, ngừng tim 3 lần vẫn được cứu sống. Mặc dù bệnh viện đóng cửa nhưng vẫn tiếp nhận, điều trị cho những ca bệnh COVID-19.

Trân trọng cảm ơn Tổng Hội Y học Việt Nam và TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Mời xem thêm các bài viết về chuyên đề COVID-19 TẠI ĐÂY!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X