Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có khả năng kháng biến thể Nam Phi; Đức khuyên người dưới 60 tuổi “né” liều vắc xin AstraZeneca thứ hai
Dữ liệu cập nhật cho thấy vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 91% và vẫn có khả năng kháng biến thể Nam Phi. Ủy ban Vắc xin Đức (STIKO) khuyến cáo người dưới 60 tuổi đã tiêm liều đầu tiên vắc xin COVID-19 của AstraZeneca nên chọn vắc xin khác để tiêm liều thứ hai.
Vắc xin Pfizer/BioNTech hiện vẫn đạt hiệu quả cao và có khả năng kháng biến thể Nam Phi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn giữ cảnh giác với biến thể nêu trên và các biến thể tương tự nhằm đảm bảo sự an toàn.
Hôm qua (1/4), hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ công ty Pfizer và BioNTech cho biết vắc xin của họ đạt hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Công ty dược phẩm này cũng đưa ra các dữ liệu lâm sàng, trong đó có những người tham gia tiêm ngừa hơn 6 tháng.
Mũi tiêm Pfizer/BioNTech cũng có thể ngăn ngừa bệnh cho một nhóm người tình nguyện nhỏ hơn tham gia nghiên cứu tại Nam Phi, nơi biến thể Nam Phi hoành hành.
Mặc dù hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech chỉ đạt 91.3% (thấp hơn tỉ lệ 95% khi thực hiện thử nghiệm ở 44.000 người vào tháng 11/2020), đây vẫn là công cụ tỏ ra hiệu quả kháng lại virus. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều kiện thí nghiệm và trên thực tế cho thấy virus SARS-CoV-2 đã trở nên dễ lây nhiễm hơn và có khả năng tránh được hệ miễn dịch.
Danny Altmann, giáo sư chuyên về miễn dịch thuộc trường Imperial College London, cho biết: “Các dữ liệu trên củng cố quan điểm rằng chúng ta vẫn có vắc xin mạnh để kháng các biến thể COVID-19”.
Cơ quan Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech trong trường hợp khẩn cấp.
Nhiều người lo sợ biến thể COVID-19 của Nam Phi và Brazil có khả năng giảm hiệu quả của vắc xin cũng như các phương pháp điều trị bệnh. Theo dữ liệu liên bang, hơn 25 bang nước Mỹ ở quốc gia này đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm biến thể Nam Phi.
Kết quả thí nghiệm đã cho thấy vắc xin Pfizer/BioNTech ít hiệu quả hơn nhưng vẫn có khả năng chống lại biến thể B.1.351 lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi.
Mặc dù biến thể B.1.1.7 (Anh) đã lây lan mạnh ở Châu Âu và Mỹ, biến thể Nam Phi và các biến thể tương tự vẫn đang gây lo ngại lớn hơn vì có thể làm giảm hiệu quả ba loại vắc xin COVID-19 khác nhau trong các thử nghiệm lâm sàng tại Nam Phi.
Đức khuyên người dưới 60 tuổi “né” liều vắc xin AstraZeneca thứ hai
Ủy ban Vắc xin Đức (STIKO) khuyến cáo người dưới 60 tuổi đã tiêm liều đầu tiên vắc xin COVID-19 của AstraZeneca nên chọn vắc xin khác để tiêm liều thứ hai.
Hồi đầu tuần, Đức cũng khuyến cáo chỉ những người từ 60 tuổi trở lên mới nên tiêm vắc xin AstraZeneca do tác dụng phụ về huyết khối tĩnh mạch hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Cơ quan quản lý sẽ đưa ra hướng dẫn riêng dành cho những người trẻ tuổi hơn đã tiêm liều đầu tiên.
Trong khuyến cáo trên trang web, STIKO nhận định chưa có bằng chứng khoa học, dữ liệu an toàn về việc tiêm hỗn hợp hai loại vắc xin.
"Cho đến khi có dữ liệu thích hợp, người dưới 60 tuổi nên tiêm một liều vắc xin mRNA sau 12 tuần kể từ liều đầu tiên, thay vì liều AstraZeneca thứ hai", cơ quan cho biết.
Các loại vắc xin mRNA ngừa COVID-19 đã được phê duyệt do Pfizer và Moderna phát triển.
Hôm 30/3, chính quyền thành phố Berlin quyết định ngừng sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca với cả nam và nữ dưới 60 tuổi do lo ngại tác dụng phụ. Các phản ứng này hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, người dùng bị đông máu bất thường trong não, chủ yếu là phụ nữ trẻ.
Đức từng đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca trong thời gian ngắn. Sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố sản phẩm đủ an toàn, hiệu quả ngày 18/3, nước này nối lại chương trình tiêm chủng.
Ngày 30/3, Canada cũng dừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi vì lo ngại về chứng đông máu. Manitoba và Quebec là những tỉnh đầu tiên thực hiện hướng dẫn này. Giới chức cũng kêu gọi người dân đã tiêm vắc xin AstraZeneca trong 20 ngày qua nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình