Hotline 24/7
08983-08983

Bị viêm dạ dày, uống thuốc Tây kèm mật ong và nghệ được không?

Việc kết hợp uống thuốc Tây y và Đông y trong điều trị viêm dạ dày được rất nhiều người áp dụng? Tuy nhiên, sử dụng như thế nào để hiệu quả và an toàn? Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Cao Thị Lan Hương ngay dưới đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nguyễn Minh Toàn - toanv...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em đang điều trị viêm dạ dày không Hp, đang uống thuốc omeprazol kagasdine và drotaverin clohydrat. Xin hỏi em có thể uống kèm nghệ, mật ong được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Theo đông y, thì nghệ và mật ong được xếp vào nhóm các bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm dạ dày. Thuốc đặc trị đóng vai trò chính trong điều trị bệnh viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản là thuốc ức chế tiết acid, nghệ chỉ là hỗ trợ thêm chứ không thay thế thuốc điều trị được.

Em có thể dùng hỗn hợp nghệ để hỗ trợ điều viêm dạ dày song song với thuốc Tây, nhưng nên dùng hỗn hợp nghệ sau 2 giờ dùng thuốc dạ dày để tránh giảm tác dụng của thuốc Tây y.

Ngoài ra, liều lượng dùng nên vừa phải vì nếu quá nhiều sẽ gây hại, rất tiếc là liều lượng chuẩn của nghệ và mật ong thì hiện nay Tây y chưa ghi nhận, em nên tham khảo bác sĩ có bằng cấp y học cổ truyền về liều lượng, cách pha chế, cách dùng và thời gian dùng thêm.

Tại bệnh viện, chúng tôi đã từng gặp những trường hợp dùng nghệ với mật ong cô đặc với liều cao, cuối cùng nội soi dạ dày thấy nhiều cặn vôi nghệ bám chặt vào thành dạ dày, tá tràng gây viêm xuất huyết, do đó, em nên dùng thuốc dưới hướng dẫn của bác sĩ, vẫn tái khám theo hẹn và báo với bác sĩ các loại thuốc hay thực phẩm chức năng mà em dùng thêm, em nhé.

BS.CK1 Cao Thị Lan HươngBS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

Ngoài trả lời câu hỏi về viêm dạ dày, BS.CK1 Cao Thị Lan Hương còn giải đáp rất nhiều thắc mắc khác, mời bạn đọc cùng theo dõi!

Nổi cục cạnh hàm 2 bên và giữa cổ, dấu hiệu bệnh gì?

Lê Thị Việt Thu - lethu...@gmail.com

Con bị nổi 2 cục 2 bên cạnh hàm, khi cúi mặt xuống sờ thì thấy có di chuyển. Nhưng con không thấy đau hay sưng gì và nổi cũng lâu rồi. Con có bị viêm amidan và viêm họng hạt.

Ngoài ra, con còn có 1 cục nhỏ bên trái gần giữa cổ. Khi sưng lên sờ thấy rõ rồi lại nhỏ lại, cũng không đau hay dấu hiệu nào khác nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp con.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Theo thông tin em cung cấp thì nhiều khả năng 2 "cục" ở cạnh hàm 2 bên và 1 cục giữa cổ là các hạch tăng sinh phản ứng với tình trạng viêm amidan và viêm họng gây nên. Không phải hạch viêm nào thì cũng sẽ đau, đặc biệt là hạch viêm mạn hay hạch tăng sinh phản ứng do ổ viêm nhiễm gần đó thì ít khi đau. Nhưng mà, đây chỉ là dự đoán mà thôi, vì có thể chúng không phải là hạch, mà chỉ là các cục bướu mỡ, u bã dưới da...

Để biết chúng là gì, có phải hạch hay không, và nếu là hạch thì có nguy hiểm hay không, thì em nên đi khám kiểm tra sức khỏe, làm siêu âm các cục này là xét nghiệm cơ bản cần phải làm. Em đăng ký khám tại chuyên khoa Ung bướu là tốt nhất, em nhé.

Toa thuốc điều trị rối loạn thần kinh tim của em đã đủ chưa BS?

Pham Minh Hoang - Hoangpham...@gmail.com

Em đi khám, bác sĩ kết luận bị rối loạn thần kinh tim, thuốc uống gồm: magnesi -b6, sulpiride 50mg, vitamin nhom B, C, như vậy đã đủ chưa và có cần uống thêm thuốc gì nữa không? Em xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Rối loạn thần kinh tim, hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ tim mạch, hô hấp... (qua kiểm tra, xét nghiệm, mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu. Để điều trị bệnh được tốt, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bs, tránh lo âu căng thẳng, ăn uống khỏe mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, không thuốc lá rượu bia, hạn chế cafe.

Toa thuốc em trình bày là toa thuốc thường được kê "khởi động" ở những người có bệnh rối loạn thần kinh tim, nghĩa là thuốc còn nhẹ, ít tác dụng phụ. Do đó, em nên uống theo toa của bác sĩ, nếu sau đợt điều trị này, em còn khó chịu thì quay lại tái khám để được kiểm tra lại và điều chỉnh thuốc cho phù hợp, có thể là với bác sĩ đó, hoặc với bác sĩ khác, bệnh viện khác mà em tin tưởng. Một điều quan trọng nhất là không ai có thể kê thêm thuốc cho em, nếu không qua thăm khám trực tiếp em được, đây là luật của Bộ y tế ban hành, em nhé.

Căng tức bụng dưới kèm mắc tiểu nhiều lần, bệnh gì?

Nguyễn Thu Hiền - 037433...

Em bị căng tức bụng dưới, cảm giác mắc tiểu nhiều lần. Em vừa đi xong lại có cảm giác mắc tiểu nữa, nhưng lúc tiểu cảm thấy rất đau ở vùng kín. Xin hỏi BS là em bị gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Các triệu chứng kể trên là triệu chứng kích thích đường tiểu dưới, thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Một số nguyên nhân ít gặp hơn là u xơ tử cung to chèn ép bàng quang, viêm phần phụ, sỏi kẹt cổ bàng quang...

Em cần khám sớm, làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng là xét nghiệm quan trọng nhất cần làm, để xác định nguyên nhân và điều trị bệnh sớm, tránh để nhiễm trùng lan rộng ngược dòng lên thận. Em đăng ký khám tại phòng khám Nội tổng quát hay Thận - tiết niệu đều được, em nhé.

Bao lâu có thể xét nghiệm lại đường huyết?

Hoa Dinh - dinhvan...@gmail.com

Tôi xét nghiệm đường huyết lúc đói buổi sáng là 7.4 hbA1c 7.1 và tôi đã ngừng uống olanzapine 10mg hơn tháng thì bao giờ tôi xét nghiệm lại đường huyết được bác sĩ? Tôi xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Hiện tại bạn có thể làm lại xét nghiệm định lượng glucose máu tĩnh mạch và trắc nghiệm dung nạp glucose, để tầm soát bệnh tiểu đường và rối loạn đường huyết. Đối với HbA1C thì cần chờ đủ 3 tháng làm lại xét nghiệm này mới có ý nghĩa, bạn nhé.

Đau bao tử khi uống thuốc  xương khớp, phải làm sao?

ZL Ngoc

Em chào bác sĩ! Em đau nhức xương khớp đi khám được cho toa thuốc (có đính kèm hình ảnh), em uống bị đau bao tử quá. Xin bác sĩ tư vấn giúp em giờ phải làm sao? Có nên uống tiếp không ạ? Em cảm ơn nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Trong toa thuốc của em thì bác sĩ đã cho sẵn thuốc để bảo vệ dạ dày rồi (thuốc số 5), nhưng mà thuốc giảm đau mạnh nên dạ dày em cũng vẫn không chịu nổi. Trong đó, thuốc số 1 là thuốc giảm đau giảm viêm mạnh nhất và cũng ảnh hưởng lên dạ dày nhiều nhất.

Em có thể tạm ngưng thuốc số 1 và uống tiếp các thuốc còn lại, phối hợp xoa dầu, nắn bóp, nghỉ ngơi vùng bị đau. Trường hợp đau nhiều quá, dù là đau xương khớp hay là đau bao tử thì cũng cần tái khám lại ở bệnh viện để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Hay bị nôn ói, nguyên nhân và cách điều trị?

Trần Hữu Quân - Huuqu...@gmail.com

Em 30 tuổi, mấy hôm nay em có cảm giác buồn nôn, ăn xong rau cải xào tỏi cũng bị nôn. Em có uống men tiêu hóa, nhưng hôm nay vẫn có cảm giác nhẹ. Cách đây 1 tháng em ăn bánh rán và đứng gần xe cũng bị nôn. Em có vẻ rất dễ nôn. Không biết em có gì lo ngại không ạ?

Thông tin thêm: Cách đây 6-7 năm em được chẩn đoán viêm dạ dày, giờ chưa khám lại, không đau bao giờ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Nếu như em là nữ và có quan hệ tình dục thì phải thử thai trước để loại trừ nguyên nhân do thai hành. Nếu không có thai hay không có quan hệ tình dục thì với các triệu chứng trên, em cần đến khám chuyên khoa Tiêu hóa để kiểm tra về thực quản - dạ dày trước tiên vì triệu chứng này thường gặp nhất là do bệnh dạ dày, ngoài ra, các triệu chứng trên có thể do nguyên nhân ngoài tiêu hóa như viêm nhiễm trong hay ngoài hệ tiêu hóa, bệnh lý nội tiết, do thuốc, tổn thương ở não, tâm lý..., bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sau khi thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra (nếu cần) sẽ xác định nguyên nhân và có hướng xử trí thích hợp cho em.

Sau 10 năm đứt tay, ngón tay vẫn không co lại được, vì sao?

Nông Văn Tuyên - nongtuye...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em bị đứt tay ở ngón giữa và ra bệnh xã để khâu đến nay cũng được 10 năm rồi. Hiện giờ ngón tay em không co lại được, bác sĩ cho em hỏi có phải tay em bị đứt gân không ạ? Giờ có thể nối gân lại nữa không và nên nối ở bệnh viện nào tốt nhất ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Theo thông tin em cung cấp, khả năng đứt gân gấp ngón tay giữa có thể xảy ra. Khâu nối gân ngón ở bệnh xã là không thực hiện được nên lúc đó y sĩ chỉ khâu ngoài da thôi.

Đứt gân bàn ngón tay hoặc đứt gân tại các vị trí khác cần phải xử trí phẫu thuật khâu nối gân càng sớm càng tốt. Vì nếu để lâu, gân bị co rút ngắn lại rất khó xử trí, trường hợp xấu nhất gân bị co rút không thể nối được, phải làm phẫu thuật chuyển gân rất phức tạp. Sau phẫu thuật cần được tập phục hồi chức năng, tập đúng cách sẽ phục hồi chức năng vận động bình thường.

Nếu em quyết định không phẫu thuật thì đứt gân ngón tay giữa không gây ảnh hưởng gì lớn đối với sức khỏe, chỉ làm mất đi khả năng hoạt động của ngón tay và bàn tay này mà thôi. Nếu em muốn điều trị thì chi phí điều trị nối gân, chuyển gân ở ngón tay dao động từ 3-5 triệu, chưa tính các chi phí thuốc, ngày nằm viện và các xét nghiệm liên quan. Em nên đến các bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình mạnh hay bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới thực hiện được phẫu thuật này, em nhé.

Gãy xương mâm chày có phải chụp Xquang?

ZL Xuka Koy

Em bị rạn xương mâm chày và hơi lún 1 chút. Giờ tháo bột và đang tập đi. Đầu gối vẫn sưng. Khi gãy xương mâm chày có phải chụp cộng hưởng từ không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Với gãy xương mâm chày thì chụp Xquang có vai trò chính trong thiết lập điều trị và theo dõi bệnh, vì phương tiện này dễ thực hiện và khảo sát phần xương rất tốt. Tuy nhiên, phim Xquang sẽ không đánh giá tốt hệ thống dây chằng bằng kỹ thuật cộng hưởng từ được.

Do đó, một số trường hợp chấn thương khớp gối hay gần gối mà có nghi ngờ tổn thương dây chằng kèm theo thì sẽ có chỉ định chụp cộng hưởng từ để khảo sát thêm. Nếu em thấy đầu gối mình vẫn còn hơi bất thường và sợ có tổn thương dây chằng hay không, em nên tái khám lại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình và có hướng xử trí thích hợp tiếp theo, em nhé.

Tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm?

Huỳnh Thị Thảo Quyên - quyenqn...@gmail.com

Gần 1 năm nay tâm trạng em rất thất thường, nhiều hôm không hiểu tại sao lại buồn và nghỉ học ở nhà 1 mình không muốn giao tiếp với ai, thường xuyên không ngủ đêm đến sáng mới ngủ.

Em nghĩ em bình thường đến khi xem 1 bộ phim của Anne Hathaway nói về bệnh rối loạn lưỡng cực thì nhận thấy em có nhiều tình trạng giống vậy và tìm kiếm thêm thông tin thì có 1 số tình trạng giống, càng ngày em khóc không lý do hơn. Mong bác sĩ tư vấn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, còn kiểm soát được lý trí và hành động của mình, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Quả thật, theo tâm sự của em thì tôi cũng nhận thấy em có những bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần, nhưng theo tôi thì em có khả năng có bệnh trầm cảm nhiều hơn.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

Nói đơn giản hơn là rối loạn lưỡng cực thì lúc vui quá mức và lúc buồn quá mức, còn trầm cảm thì lúc nào cũng buồn không lý do. Người có bệnh trầm cảm thì nhìn mọi sự vật, sự việc theo hướng tiêu cực nhiều hơn.

Trước mắt, tôi gửi em tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm, em so với bản thân mình xem sao nhé: người bệnh có biểu hiện ≥ 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần. Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

  • Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).
  • Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.
  • Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.
  • Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.
  • Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.
  • Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.
  • Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.
  • Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Tuy nhiên, em vẫn cần khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để bác sĩ gặp trao đổi trực tiếp với em, xác định xem em có thật sự trầm cảm hay do áp lực cuộc sống ảnh hưởng lên tâm lý tạm thời mà thôi, có thêm vấn đề gì khác không, có bệnh lý nào khác tác động lên không (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương...), mức độ bệnh ra sao… để kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Bệnh trầm cảm là bệnh có thể điều trị được. Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đại học Y dược... em có thể tham khảo thêm nhé.

Bị chó cắn không xây xát chỉ bầm da, có nguy hiểm?

La Mỹ Linh - linlin...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em bị con chó hàng xóm cắn không bị trầy, không chảy máu nhưng chỉ bầm, em có rửa xà phòng và thoa dầu, hiện vết bầm đang tan từ từ. Cho em hỏi có bị ảnh hưởng gì không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Virus dại có trong nước bọt của súc vật bị dại không bao giờ qua được da lành, mà virus dại lây từ động vật này sang động vật khác và sang người qua da và niêm mạc bị tổn thương (dù rất nhỏ) do bị súc vật dại cắn, cào, liếm hoặc khi làm thịt súc vật bị dại.

Nghĩa là, nếu con chó cắn vào vùng da lành của em nhưng không để lại vết thương trên da, không xây xát da, chỉ để lại vết hằn của dấu răng và bầm máu dưới da thì hàng rào bảo vệ vẫn còn an toàn. Em không cần làm gì với vết bầm tụ máu đó cả, tự nó sẽ hấp thu, nếu muốn vết bầm tan nhanh hơn, em có thể xoa dầu ấm, chườm ấm.

Trong trường hợp em không chắc chắn mình có bị xây xước da khi bị chó cắn hay không vì vết xước quá nhỏ, em có thể có hai cách lựa chọn, một là chích ngừa dại luôn, hai là theo dõi con chó đó thêm 10 ngày. Nếu sau thời gian 10 ngày kể từ lúc nó cắn em mà nó vẫn còn sống, chứng tỏ nó không bị nhiễm dại tại thời điểm đó và em không cần chích ngừa, ngược lại, nếu chó chết hay mất dấu theo dõi, em nên chích ngừa vắc xin dại.

Đau đầu có nên xét nghiệm ung thư không BS?

Mỹ Linh - Hoainh...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi là dạo này em hay bị đau đầu, với tình trạng sức khỏe thay đổi nên em muốn xét nghiệm ung thư thì phải xét nghiệm những gì ạ? Và chi phí xét nghiệm là bao nhiêu? Có thể sử dụng BHYT không? Chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Với tình trạng đau đầu và cảm thấy cơ thể không được khỏe thì em nên đi khám tổng quát sẽ tốt hơn là xét nghiệm ung thư. Bởi vì xét nghiệm ung thư gồm rất nhiều loại xét nghiệm, trong đó gồm bộ xét nghiệm  tổng quát và 1 số xét nghiệm đặc biệt nữa, như phết tế bào cổ tử cung (PAP smear), một số marker ung thư quan trọng tùy đối tượng...

Bộ xét nghiệm tổng quát hiện nay cũng đã dao động 1-2 triệu tùy bệnh viện, BHYT chỉ thanh toán 1 phần cho các xét nghiệm có liên quan đến triệu chứng của em, còn lại thì người bệnh tự đóng thêm.

Còn đối với xét nghiệm tầm soát ung thư thì BHYT không chi trả, BHYT chỉ chi trả với xét nghiệm trên bệnh nhân đã xác định hay nghi ngờ cao bệnh ung thư mà thôi. Bộ xét nghiệm tầm soát ung thư thường dao động quanh mốc 4 triệu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X