Hotline 24/7
08983-08983

Mùa tết, tránh bệnh tiêu hóa - gan mật

Khi chúng ta ăn uống, sinh hoạt không điều độ sẽ làm thay đổi nhịp sinh học khiến dễ bị rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt, mệt mỏi, cao huyết áp.

Khi chúng ta ăn uống, sinh hoạt không điều độ sẽ làm thay đổi nhịp sinh học khiến dễ bị rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt, mệt mỏi, cao huyết áp. Về bệnh tiêu hóa, sẽ dễ tái phát viêm loét dạ dày (đau bao tử), thậm chí một số người có thể bị viêm loét dạ dày sau mùa Tết do các yếu tố như dùng nhiều thức ăn chua cay, rượu bia và do việc ăn uống và sinh hoạt không điều độ.

Không ăn quá nhiều, quá no

Tiệc tùng liên miên sẽ làm vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa (bội thực) khiến cơ thể bị no hơi, đầy bụng, gây cảm giác khó chịu. Sự quá tải về tiêu hóa thường dẫn đến phản ứng của cơ thể, gây nôn ói.

Ăn chậm, nhai kỹ, ăn vừa phải giúp cơ thể tránh được chứng no hơi đầy bụng, khó tiêu.

Chú trọng chất xơ

- Ăn nhiều chất béo làm cho cơ thể dễ bị no hơi, trướng bụng. Người có tiền sử bị viêm đại tràng mạn khi ăn nhiều thức ăn béo dễ tái phát bệnh, làm đau quặn bụng, kích thích đi cầu nhiều lần, tiêu chảy.

- Người có tiền sử bị sỏi mật, sau khi ăn nhiều chất béo sẽ rất dễ bị chứng sưng túi mật cấp tính, làm đau bụng bên phải rất dữ dội; túi mật sưng to phải phẫu thuật cấp cứu.

- Ngoài ra, người mập béo mà ăn uống thịnh soạn cũng dễ mắc chứng viêm tụy cấp (sưng lá mía).

- Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều chất béo sẽ làm dư năng lượng, dễ gây thừa cân béo phì và làm tăng mỡ trong máu, tích tụ mỡ trong gan làm gan nhiễm mỡ thêm trầm trọng.

- Dưa hành vừa có chất xơ tránh táo bón, ngừa ung thư ruột già, lại là sản phẩm lên men của vi khuẩn Lactobacillus rất có lợi cho ống tiêu hóa, giúp tiêu hóa dễ dàng, không chỉ ngăn ngừa tiêu chảy mà lại tránh táo bón.

Hạn chế uống rượu bia

- Rượu/bia gây viêm dạ dày cấp làm đau bụng, nôn ói rất khó chịu, nếu nặng có thể làm xuất huyết tiêu hóa, nhất là ở những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra, rượu bia còn gây viêm tụy cấp do rượu.

- Uống bia rượu nhiều có thể gây ra viêm gan cấp, về lâu dài sẽ gây nên bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn và xơ gan.

- Uống rượu bia nhiều có thể làm bùng phát các đợt viêm gan trên những người có tiền sử viêm gan siêu vi B, siêu vi C mạn tính, dù hiện tại đang ổn định.

- Nhưng chúng ta vẫn có thể uống một ít rượu vang đỏ (khoảng 200ml trước bữa ăn), kích thích tiết dịch tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hơn nữa rượu vang đỏ còn có tác dụng làm tăng HDL-C (là một loại mỡ tốt) có lợi cho tim.

Hạn chế dùng thức ăn đóng hộp và thịt nguội

- Không nên ăn quá nhiều thịt nguội vì trong thành phần luôn có nitrate - chất có thể làm cho cơ thể dễ mắc bệnh ung thư thực quản.

- Thức ăn đóng hộp có thể gây "ngộ độc thịt hộp" do độc tố của một loại vi khuẩn phát triển trong môi trường đóng kin, thiếu oxy. Độc tố này gây liệt thần kinh, biểu hiện là liệt tay chân, liệt mặt, thậm chí liệt các cơ hô hấp. Vì vậy, sau khi khui hộp ra thì nên nấu lại cho sôi vì độc tố sẽ bị hủy bởi nhiệt độ cao.

Không nên tích trữ quá nhiều thức ăn, ăn sạch uống sôi

- Không nên tích trữ quá nhiều thức ăn. Việc bảo quản kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị nhiễm khuẩn. Thức ăn đã để ra ngoài từ bốn-sáu giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng nhằm diệt vi khuẩn nhiễm từ môi trường. Ngoài ra cần chú ý nguyên tắc "ăn sạch, uống sôi, rửa tay trước khi ăn".

AloBacsi.vn
Theo ThS-BS Trần Ngọc Lưu Phương - Phụ nữ online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X