Hotline 24/7
08983-08983

Hiệu quả của các giải pháp điều trị biến chứng, chăm sóc trong bệnh lý viêm mũi xoang

Trong phiên 4 của hội thảo “Triển khai hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm mũi xoang” do Hội Tai Mũi Họng Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Bà Rịa tổ chức vào ngày 4/5/2024, các chuyên gia đề cập cặn kẽ hơn về vai trò của nước biển sâu trong bệnh lý viêm mũi xoang; tỷ lệ thành công trong phẫu thuật nội soi viêm mũi xoang cũng như chăm sóc sau phẫu thuật giúp nâng cao hiệu quả; đồng thời khuyến nghị điều trị biến chứng ổ mắt do viêm mũi xoang cấp.

Vệ sinh mũi hàng ngày giúp nhu cầu sử dụng thuốc giảm đến 62%

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM

Trong chủ đề  “Vai trò của nước biển sâu trong bệnh lý mũi xoang”, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam nhấn mạnh, trong điều trị bệnh lý mũi xoang, việc điều trị tại chỗ vô cùng quan trọng. Trong đó, việc xịt mũi, rửa mũi đặc biệt quan trọng hơn.

Hiện tại trên thị trường có một số loại thuốc xịt mũi như thuốc co mạch, corticoid xịt mũi, anti histamin xịt mũi,… Bên cạnh đó, có loại không phải là thuốc bao gồm nước muối sinh lý và nước biển sâu.

Trong đó, nước muối sinh lý (Natri chlorua) với thành phần là nước vô trùng và một lượng muối NaCl, có một lượng nhỏ chất bảo quản để giữ cho hôn hợp vô khuẩn. Phó giáo sư cho biết, việc sử dụng nước muối sinh lý sẽ giúp đường thở thông thoáng bằng cách làm cho chất nhầy trong mũi mỏng và lỏng.

Vị chuyên gia thông tin, nước muối sinh lý không chứa thuốc và không có tác dụng phụ. Vì vậy, an toàn cho việc sử dụng hàng ngày. Thông thường 3 loại nước muối sinh lý, bao gồm: nước muối đẳng trương, nhược trương và ưu trương.

Điểm khác biệt giữa nước muối và nước biển được bác sĩ phân tích trong bài báo cáo. Cụ thể, thành phần của nước muối bao gồm nước và muối. Còn nước biển sâu chứa nhiều thành phần và chất dinh dưỡng hơn, bao gồm: nước, muối NaCl, đặc biệt là chứa các nguyên tố vi lượng như: Cu, Mn, S, Se,…

Khai thác về ưu điểm của nước biển sâu, PGS Huyền Trân chia sẻ, với đặc tính thuần khiết, không chất bảo quản, bền vững, nhiệt độ ổn định và sạch hơn so với nước biển trên bề mặt. Ngoài ra, nước biển sâu còn giàu chất dinh dưỡng, giàu chất khoáng.

Như vậy, tác dụng của nước biển sâu là làm sạch dị nguyên, khói bụi; giảm các triệu chứng mũi xoang như khô mũi, nghẹt mũi,…; làm loãng dịch tiết; có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng và có tác dụng phục hồi niêm mạc.

Việc vệ sinh mũi hàng ngày, đặc biệt là những người có tình trạng viêm giúp hệ thống niêm mạc nhầy long chuyển hoạt động một cách hiệu quả. Thông thường, nếu chất dịch quá dày hoặc đọng nhiều kháng nguyên và tác nhân gây bệnh sẽ hoạt động không hiệu quả.

Sử dụng nước biển sâu, xịt mũi, rửa mũi, giúp hoạt động của hệ thống dịch nhầy lông chuyển hoạt động một cách hiệu quả với dịch nhầy trong và lỏng hơn. Đây là giải pháp tại chỗ hiệu quả trong bệnh lý mũi xoang.

Ngoài ra, việc vệ sinh mũi hàng ngày giúp nhu cầu sử dụng thuốc giảm đến 62%. Đồng thời, cải thiện 27% chất lượng cuộc sống và giảm 31% thời gian làm sạch các chất tiết nhờn. Việc vệ sinh mũi giúp cải thiện các triệu chứng như nghẹt mũi, viêm mũi, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, cải thiện thang điểm chất lượng cuộc sống. Chính việc vệ sinh mũi hàng ngày giúp làm chậm việc tái phát các bệnh lý liên quan.

Đối với trẻ em, một nhóm người khá nhạy cảm, có thể sử dụng nước biển sâu và lựa chọn sản phẩm phù hợp theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh nên chọn sản phẩm có đầu xịt phun sương, loại nước biển dành cho trẻ em thường gọi là nước biển cá heo. Có hai loại nước biển sâu dành cho trẻ em là Hygiene hoặc Blocked nose.

Trẻ trên 3 tháng tuổi, sẽ sử dụng Blocked nose dành riêng cho nhóm tuổi này; Trẻ từ 6 tháng trở lên, sản phẩm nước biển sâu có thêm thành phần từ nguyên tố vi lượng gồm: Sulphur, Mangan, Cu.

Trẻ trên 3 tuổi có thể sử dụng những sản phẩm như người lớn tuổi, có các loại như: Hygiene, Blocked nose, Sulphur, Mangan, Cupper.

Tỷ lệ thành công phẫu thuật nội soi viêm mũi xoang đạt 80,5 - 98%

ThS.BS Phạm Thị Phương - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM

Nối tiếp phiên báo cáo, ThS.BS Phạm Thị Phương - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM đã “Tổng kết kinh nghiệm điều trị nấm xoang tại Bệnh viện Tâm Anh TPHCM”, Bệnh lý viêm mũi xoang là vấn đề thường gặp nhất ở tai mũi họng, chiếm tỷ lệ 13-16% dân số. Trong đó, viêm mũi xoang do nấm chiếm 10% các ca viêm xoang mạn tính.

Bác sĩ cho biết, việc phân loại viêm xoang do nấm được dựa trên mô bệnh học, chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là viêm mũi xoang do nấm xâm lấn với nhóm cấp tính, nhóm mạn tính, u hạt mạn tính. Thứ hai là viêm mũi xoang không xâm lấn gồm nhóm cầu nấm, viêm mũi xoang dị ứng do nấm và nhiễm nấm hoại sinh.

Qua tổng kết điều trị nấm xoang trên 79 ca viêm xoang do nấm tại Bệnh viện Tâm Anh TPHCM từ 1/2022 – 12/2023, cho thấy các triệu chứng lâm sàng của viêm mũi xoang do nấm rất đa dạng, không đặc hiệu và rất dễ bỏ sót, triệu chứng thường gặp là chảy mũi, nghẹt mũi, chảy đàm, đau đầu.

Việc điều trị phẫu thuật nội soi viêm mũi xoang được ghi nhận không chỉ hạn chế các nguy cơ biến chứng, có tỷ lệ thành công cao, chiếm từ 80,5 - 98%. Tỷ lệ tái phát nấm chỉ chiếm 3,2 - 4% do bệnh lý cầu nấm. Việc bỏ sót thường gặp nhất trong nấm xoang hàm, chiếm tỷ lệ từ 3 - 14% và thông thường, vị trí bỏ sót là phần thành trước dưới và thành mạch trong của xoang hàm do việc phẫu thuật mổ xoang hàm khó quan sát hai vị trí này.

Bên cạnh đó, kết quả CT-scan viêm xoang do nấm có hình ảnh đặc trưng là các nốt vôi hóa trong lòng xoang, dày thành xương, có tình trạng tắc nghẽn trong khe xoang, thường là khe trên và khe giữa. Vị trí tổn thương do nấm chủ yếu một bên và viêm xoang thường gặp là xoang hàm và xoang bướm.

Điều trị kịp thời viêm xoang biến chứng ổ mắt có kết quả khả quan

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Chủ đề “Biến chứng ổ mắt do viêm mũi xoang cấp” được TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM chia sẻ tại phiên báo cáo. Bác sĩ cho biết, biến chứng ổ mắt là một trong ba dạng biến chứng của viêm mũi xoang, thường gặp ở trẻ em. Bởi vì, nhóm tuổi này có vách xương mỏng. Vì vậy, bất kể loại viêm xoang nào, đặc biệt là viêm xoang sàng đều có thể ảnh hưởng đến ổ mắt.

Nguyên nhân sinh lý bệnh thường do tiếp cận tại chỗ, nghĩa là viêm xoang sàng tiếp cận qua xương giấy, có thể do khuyết xương bẩm sinh lan qua và gây biến chứng viêm ổ mắt. Bên cạnh đó, thuyên tắc mạch cũng là nguyên nhân gây biến chứng viêm ổ mắt.

Trên lâm sàng, dựa theo Chandler năm 1970, chia thành 5 nhóm biến chứng với các triệu chứng cho từng nhóm cụ thể. Trong đó, nhóm I với biến chứng viêm mô tế bào trước vách, có triệu chứng phù nề, sung huyết mi mắt, cơ vận nhãn nguyên vẹn, thị lực bình thường.

Nhóm II là biến chứng viêm mô tế bào sau vách, phù nề ổ mắt lan tỏa, có thể tổn thương cơ vận nhãn, thị lực bình thường, đến khi bệnh diễn tiến nặng hơn có thể ảnh hưởng đến thị lực.

Nhóm III, với biến chứng áp xe dưới cốt mạc, xảy ra các triệu chứng phù nề, xuất huyết mí mắt, lồi mắt, tổn thương cơ vận nhãn, thị lực bình thường. Đặc biệt, trong trường hợp nhiều ổ áp xe nhỏ và thị lực thay đổi khi có ổ áp xe lớn.

Nhóm IV là biến chứng ổ áp xe mắt, triệu chứng lâm sàng là lồi mắt nặng, viêm cùng mạc, liệt cơ vận nhãn, giảm thị lực.

Nhóm V là biến chứng thuyên tắc xoang tĩnh mạch hang với triệu chứng lâm sàng bao gồm đau ổ mắt, viêm cùng mạc, lồi mắt, liệt cơ vận nhãn và gây ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, trên cận lâm sàng, bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm công thức máu, nội soi mũi xoang để tìm các dấu hiệu viêm xoang, mủ nhầy đục, phù nề ở các khe mũi. Đồng thời, chụp CT-scan có cản quang là phương pháp tối thiểu cần thiết để chẩn đoán.

Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể chụp MRI để chẩn đoán phân biệt với u và đánh giá tổn thương thần kinh thị và trường hợp có nghi ngờ biến chứng nội sọ kết hợp. Khi mổ phẫu thuật hoặc khám nội soi có thể lấy mủ để định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.  

Về điều trị, bác sĩ nhấn mạnh, đối với nhóm I và nhóm II sẽ tiến hành điều trị nội khoa trước. Trường hợp nhóm II điều trị không hiệu quả và nhóm III trở lên sẽ can thiệp phẫu thuật. Riêng với nhóm V, cần phối hợp với nội thần kinh để điều trị các loại thuốc kháng đông đi kèm.

Đối với các vấn đề viêm xoang biến chứng ổ mắt, nếu đánh giá phân loại đúng và điều trị kịp thời về cả nội khoa, ngoại khoa, đều mang kết quả khả quan, hầu hết thị lực hồi phục và trở lại bình thường. Tuy nhiên, trường hợp viêm xoang biến chứng ổ mắt có tình trạng liệt vận nhãn, rất khó để hồi phục sau mổ.

Chăm sóc, giáo dục sức khỏe sau phẫu thuật viêm mũi xoang nâng cao hiệu quả điều trị

ThS.ĐD Trần Thị Như Tuyết - Phòng Điều dưỡng Bệnh viện tai Mũi Họng

Vấn đề “Chăm sóc và giáo dục sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật nội soi viêm mũi xoang”, ThS.ĐD Trần Thị Như Tuyết - Phòng Điều dưỡng Bệnh viện tai Mũi Họng nhận định, vai trò của điều dưỡng là theo dõi, chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho người bệnh sau phẫu thuật rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

ThS.ĐD Trần Thị Như Tuyết cho biết, việc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi viêm xoang cần thực hiện đánh giá dấu sinh hiệu tri giác; theo dõi tình trạng bấc mũi; thực hiện y lệnh thuốc; quan tâm dinh dưỡng và thực hiện chăm sóc, giáo dục sức khỏe người bệnh. 

Về dấu sinh hiệu, điều dưỡng cần kiểm tra, đánh giá và theo dõi người bệnh hàng ngày. Tùy theo thực hiện chế độ chăm sóc người bệnh, điều dưỡng phải xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp với tình trạng người bệnh. Việc đánh giá tình trạng tri giác đóng vai trò quan trọng, biết được người bệnh có những tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật để có hướng xử lý kịp thời.

Đối với tình trạng bấc mũi, điều dưỡng cần hướng dẫn bệnh nhân nhỏ nước muối sinh lý mỗi ngày và chú ý các dấu hiệu bất thường để báo bác sĩ có hướng xử trí kịp thời.

Với vấn đề giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân giai đoạn chưa rút bấc mũi, điều dưỡng cần hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế đầu cao để hạn chế tình trạng khó thở. Bên cạnh đó, các triệu chứng bệnh nhân thường gặp ở giai đoạn này như đau đầu, chảy nước mắt, khó thở, khô họng, khó nuốt,… Vì vậy, cần hướng dẫn bệnh nhân uống nhiều nước trong ngày; khi ăn nên nuốt chậm, tránh ăn thức ăn nóng, cay; nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động quá sức.

ĐD Như Tuyết chia sẻ, sau khi bệnh nhân rút bấc mũi, điều dưỡng phải hướng dẫn bệnh nhân xì mũi nhẹ từng bên; nếu có máu chảy xuống họng, nhổ nhẹ nhàng ra ngoài, không nuốt xuống. Nếu chảy máu lượng ít, có thể xử lý bằng cách dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt bên cánh mũi chảy hoặc 2 bên mũi, thở nhẹ nhàng bằng miệng. Sau đó, tiếp tục bóp chặt trong khoảng 10 - 15 phút.

Điều dưỡng nhấn mạnh, tuyệt đối không đưa ngón tay ngoáy mũi hay bất kỳ vật gì vào bên mũi mới mổ và tiếp tục rửa mũi bằng nước mũi sinh lý sau hướng dẫn.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được nội soi mũi xoang để kiểm tra và đánh giá trước khi xuất viện. Điều dưỡng cần lưu ý với bệnh nhân tránh hắt hơi, xì mũi mạnh trong 2 tuần đầu sau mổ, nên mở miệng khi hắt hơi. Hạn chế vận động mạnh trong tuần đầu; tránh khói bụi, hóa chất; không bơi lội hoặc hạn chế đi máy bay trong 2 tuần đầu. Tiếp tục rửa mũi bằng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn.

Lưu ý về những trường hợp bệnh nhân cần đi khám ngay bao gồm: chảy máu nhiều, đột ngột, không cầm được bằng việc ép mũi. Bệnh nhân có sốt cao hơn 38,5˚C không thể hạ dù đã uống nhiều nước và dùng hạ sốt. Xuất hiện tình trạng đau đầu dữ dội và không đáp ứng được thuốc giảm đau; mờ mắt; chảy dịch trong, loãng giống nước kéo dài, thường từ một bên mũi.

Hội thảo triển khai “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang” do Hội Tai Mũi Họng Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Bà Rịa tổ chức vào ngày 4/5/2024, được thực hiện qua 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 1.300 cán bộ y tế tham dự, theo dõi. Hội nghị diễn ra liên tục trong 1 ngày trên 4 phiên với 16 bài báo cáo.

Trong đó, mỗi phiên có 4 bài báo cáo, giúp cán bộ y tế trong cả nước tăng cường hoạt động trao đổi, cập nhật kiến thức chuyên môn và điều trị chuyên sâu về lĩnh vực bệnh lý mũi xoang tại Việt Nam, từ đó vận dụng, ứng dụng thực tế trong công tác chuyên môn tại đơn vị và điều trị cho người bệnh.

Hội Tai Mũi Họng Việt Nam hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang

Phiên 1: Cập nhật chẩn đoán, xử trí và điều trị bệnh lý mũi xoang thường gặp

Phiên 2: Những điểm mới trong phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý về mũi xoang

Phiên 3: Những điểm mới trong điều trị viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, u tuyến yên và phẫu thuật nội soi xoang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X