Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ 

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh lý gây cảm giác đau đớn, khó chịu, giảm hoạt động và chất lượng cuộc sống nghiêm trọng cho nhiều người. Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân nghĩ rằng triệu chứng bệnh chỉ do lao động quá sức hoặc mệt mỏi, dẫn tới điều trị chậm trễ. 

1. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm của những đốt sống cổ bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Khi đó, một hay một số đĩa đệm nằm giữa đốt sống cổ bị suy yếu dẫn đến tình trạng bị rách hoặc nút dẫn đến việc các chất nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài và làm mất đi sự cân bằng vốn có ban đầu. Đồng thời, các rễ dây thần kinh xung quanh cùng với tủy sống bị chèn ép lớn kéo theo đó là những cơn đau nhức đối với người bệnh.

Bất kỳ vị trí nào của đốt sống cổ đều có thể bị thoát vị. Tuy nhiên, vị trí đốt sống cổ ở C5 C6 là vị trí là đa số người bệnh mắc phải nhiều nhất. Bởi đây là hai đốt sống cổ phải chịu nhiều tác động lớn nhất khi cơ thể vận động đầu, cổ và vai gáy với việc xoay đầu, cúi đầu.

2. Nguyên nhân chính hình thành nên bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

- Tuổi tác: Đây là một trong những nguyên nhân chủ quan điển hình dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Bởi vì, tuổi càng cao thì tình trạng xương khớp bị lão hóa càng cao. Khi đó, khả năng tổng hợp collagen cũng như mucopolysaccharide ở đĩa đệm sẽ giảm hẳn khiến cho tình trạng thoát vị càng diễn ra dễ dàng hơn. Đồng thời, các tế bào sụn và đĩa đệm mất dần khả năng tự tạo. Người già chỉ cần có những hành động đủ mạnh cũng có khả năng khiến cho đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí ban đầu.

- Tính chất nghề nghiệp: Đối với những công việc đòi hỏi sự vận động nhiều hay cần tay chân làm việc với cường độ cao thì rất dễ bị thoát vị đĩa đệm. Mặt khác, việc tác động bởi ngoại lực cũng khiến cho các đĩa đệm ở cột sống cổ dễ dàng bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu.

- Chấn thương: Việc té ngã trong khi đang chơi thể thao hay bị tai nạn giao thông đã tạo nên một áp lực khá lớn lên cột sống và đĩa đệm. Nếu việc điều trị không được tiến hành nhanh chóng và đúng phương pháp thì có khả năng rất lớn làm ảnh hưởng đến phần đĩa đệm của cột sống cổ.

- Bẩm sinh: Nếu các đối tượng sinh ra đã có cấu trúc cột sống và đĩa đệm yếu thì nguy cơ đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị sẽ rất cao.

Ngoài những nguyên nhân đã được liệt kê ở trên thì bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ còn được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác như: Sai tư thế khi học tập hay làm việc, lười vận động chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu chất dinh dưỡng hoặc do di truyền. Việc nắm rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp người bệnh biết phải làm gì và có những phương pháp điều trị nào sao cho phù hợp.

Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

3. Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường dễ nhận biết nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Chính vì sự hiểu lầm này đã khiến không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng chủ quan.

Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được chia thành 3 cấp động chính với mỗi cấp độ là những triệu chứng đặc trưng. Cụ thể hơn:

- Cấp độ 1: Xương cổ bị cứng và người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc xoay chuyển, và cơn đau sẽ tăng cao sau mỗi lần cúi xuống. Lâu ngày, cơn đau sẽ lan xuống hai bên vai và gáy.

- Cấp độ 2: Cơn đau ngày một dữ dội hơn và kéo dài từ vai gáy ra sau đầu và tai. Nếu ở cấp độ này không được tiến hành điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng bị vẹo cổ.

- Cấp độ 3: Đau hay tê bì một bên hoặc cả hai bên cánh tay, sự khéo léo của tay dần bị mất đi. Đồng thời, người bệnh còn phải chịu đựng những cơn nhức đầu, đau vùng trán, thậm chí xuất hiện cả triệu chứng nấc cụt, chóng mặt khi thay đổi từ ngồi sang đứng.

Ngoài những triệu chứng tương ứng với từng cấp độ trên, khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: yếu cơ, sốt, tức lòng ngực, táo bón, suy nhược cơ thể,...

4. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Ngoài những triệu chứng cơ năng (là triệu chứng tự bản thân cảm nhận được), bác sĩ sẽ khám và đánh giá các triệu chứng thực thể.

Triệu chứng thực thể của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bao gồm rối loạn cơ lực, cảm giác chi phối bởi rễ thần kinh bị chèn ép. Bệnh nhân mất vận động tinh tế 2 tay, tăng phản xạ gân xương. Ở giai đoạn muộn khi có chèn ép nặng tủy sống, bệnh nhân có hội chứng tủy: yếu, rối loạn cảm giác tứ chi, mất thăng bằng khi đi lại, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thậm chí liệt hoàn toàn.

Chẩn đoán hình ảnh thường được yêu cầu để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm. Phim chụp X-quang có ý nghĩa đánh giá đường cong sinh lý của cột sống cổ, tình trạng mất vững cột sống. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng hiện đại ngày nay bao gồm:

- Chụp X-quang cột sống cổ ở những tư thế thẳng, nghiêng hoặc chếch 3⁄4 thì thấy hình ảnh mất đường cong sinh lý, xuất hiện những gai xương đốt sống cổ, hình ảnh đặc xương dưới sụn biểu hiện của áp lực đè ép lên xương, lỗ liên hợp bị thu hẹp.

- Chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ cho những đánh giá về chèn ép rễ thần kinh cũng như chèn ép những tổ chức trong ống sống

- Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ thấy chiều cao đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị có giảm đi so với những đĩa đệm bình thường, xương dưới sụn có những dấu hiệu bất thường, đặc biệt phương pháp này cho phép các bác sĩ điều trị có thể xác định được vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ đó có thể tiến hành phẫu thuật lấy nhân đệm trong những trường hợp cần thiết.

Xem thêm: Các biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm

5. Những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ

Bác sĩ sẽ chẩn đoán và gợi ý phương pháp điều trị phù hợp gồm:

a. Sử dụng thuốc giảm đau

Khi cơn đau chưa quá nghiêm trọng, thoát vị đĩa đệm cổ mới khởi phát, sử dụng thuốc chống viêm NSAID hoặc thuốc ức chế COX-2 sẽ giúp người bệnh xoa dịu cơn đau khó tả ở cổ, vai gáy, đầu…

b. Phẫu thuật

Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có thể phải áp dụng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để chấm dứt tình trạng trên. Đặc biệt, cách chữa trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ này thường áp dụng đối với trường hợp triệu chứng đau nhức kéo dài từ 6 - 12 tuần. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ 5% trường hợp người bệnh thực sự cần đến phẫu thuật.

c. Điều trị không phẫu thuật

Ngoài dùng thuốc, một số phương pháp điều trị khác có thể giảm tình trạng đau đớn do thoát vị đĩa đệm cổ như: kéo đốt sống cổ, vật lý trị liệu, tập thể dục,…

Thoát vị đĩa đệm cổ dù không nguy hiểm đến tính mạng song triệu chứng bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt. Điều trị sớm sẽ rút ngắn thời gian điều trị và phòng ngừa biến chứng không phục hồi.

6. Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Chủ động phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cổ sẽ giúp hạn chế biến chứng nghiêm trọng, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc của người bệnh. Một số lưu ý về phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cổ như:

- Tập các bài thể dục nhẹ nhàng hàng ngày để tăng cường dẻo dai cho xương khớp, duy trì cân nặng hợp lý.

- Khi làm việc hay vận động, mang vác đồ vật nên duy trì tư thế đúng như giữ thẳng lưng, di chuyển đi lại nhẹ nhàng, tránh ngồi lì quá lâu.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung canxi, vitamin và tuyệt đối không hút thuốc, dùng chất kích thích, rượu bia.

- Khám thoát vị đĩa đệm cột sống cổ định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời điều trị, chăm sóc cơ thể

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X