Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhận biết mức độ ở các giai đoạn của bệnh
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng thoát vị đĩa đệm xảy ra tại thắt lưng, thường gây ra các triệu chứng như đau lưng, đau do căng cơ, tê cứng.
1. Tổng quan về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra tại nhiều vị trí của cột sống, nhưng thường gặp nhất tại vùng thắt lưng hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là do sự thay đổi trong cấu trúc của đĩa đệm bình thường tại thắt lưng. Hầu hết trường hợp thoát vị đĩa đệm lưng là do sự lão hóa xảy ra trong đĩa đệm. Một số trường hợp khác, như chấn thương nặng có thể làm cho đĩa đệm bị thoát vị và khiến tình trạng bệnh xấu đi.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Trong nhiều trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có liên quan đến sự lão hóa tự nhiên của cấu trúc cột sống trong cơ thể. Ở trẻ em và thanh niên, đĩa đệm có chứa một hàm lượng nước cao, tuy nhiên khi chúng ta già đi, nước trong đĩa đệm bị giảm và mất dần khiến đĩa đệm bị khô và yếu đi. Các đĩa đệm lúc này bắt đầu co lại và khoảng cách giữa các đốt sống trở nên hẹp hơn, dần dần sẽ xuất hiện tình trạng đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài.
Ngoài việc hao mòn dần dần do sự lão hóa, có một số các yếu tố khác có thể làm tăng khả năng thoát vị của một đĩa đệm như:
- Giới tính: Đàn ông trong độ tuổi từ 30 đến 50 có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
- Cân nặng: Thừa cân là lý do khiến cho đĩa đệm phải chịu thêm nhiều áp lực từ trọng lượng có thể. Kéo dài tình trạng này có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.
- Nâng không đúng cách: Việc sử dụng cơ lưng của để nhấc một vật nặng thay vì dùng cơ chân có thể làm cho lưng bị tổn thương và gây ra thoát vị đĩa đệm.
- Công việc: Nhiều công việc đòi hỏi sức mạnh về thể chất và việc lặp đi lặp lại các hoạt động nâng, kéo, uốn, xoắn liên tục ở vùng lưng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng thoát vị đĩa đệm.
- Ngồi nhiều, ít vận động: Ngồi yên trong một thời gian dài hoặc lười vận động có thể làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm của bạn.
- Hút thuốc: Nghiên cứu cho rằng, hút thuốc có thể làm giảm nguồn cung cấp oxy vào đĩa đệm và thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
3. Biểu hiện thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống. Tiền sử người bệnh thường bị đau thắt lưng tái phát nhiều lần.
Bệnh tiến triển theo 2 giai đoạn:
- Ở giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.
- Ở giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… nằm nghỉ thì đỡ đau.
Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.
Xem thêm: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Cần điều trị kịp thời trước khi dẫn đến các biến chứng của bệnh
4. Mức độ và các giai đoạn của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
a. Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 1
Giai đoạn đầu của thoái hóa đĩa đệm. Biểu hiện sự biến dạng của nhân nhầy, bắt đầu xuất hiện một vài chỗ đứt rách nhỏ ở phía sau của vòng sợi và nhân nhầy ấn lõm vào chỗ khuyết này. Hình ảnh này chỉ thấy trên phim chụp đĩa đệm, còn trên phim thường và lâm sàng chưa thấy có biểu hiện.
b. Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 2
Giai đoạn lồi đĩa đệm. Nhân nhày lồi về một phía của vòng sợi bị suy yếu, có nhiều chỗ rạn, rách vòng sợi rõ rệt hơn nhưng chưa xâm phạm hết chiều dày của vòng sợi, bắt đầu giảm chiều cao khoang gian đốt. Do nhân nhầy đè ép vào vòng sợi đã bị suy yếu nên đĩa đệm bị phình ra nhất là ở phía sau.
Hình ảnh chụp đĩa đệm đã có những dấu hiệu tổn thương khá phong phú. Về lâm sàng có thể là thời kỳ đau thắt lưng cục bộ, hãn hữu lồi đĩa đệm có thể gây kích thích rễ thần kinh.
c. Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 3
Giai đoạn thoát vị đĩa đệm. Đứt rách hoàn toàn các lớp của vòng sợi, tổ chức nhầy cùng với tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khỏi khoang gian đốt sống, hình thành thoát vị đĩa đệm. Giai đoạn này chụp đĩa đệm cho thấy thoát vị nhân nhầy đã hoặc chưa gây đứt dây chằng dọc sau.
Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng lâm sàng của hội chứng rễ thần kinh xuất hiện và có thể chia ra 3 mức độ: Kích thích rễ, chèn ép rễ, còn một phần dẫn truyền thần kinh, mất dẫn truyền thần kinh.
d. Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 4
Giai đoạn hư đĩa đệm - Khớp đốt sống - Discarthrose. Nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Giảm rõ chiều cao khoang đốt sống dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống, giữa các mấu khớp,mọc gai xương ở bờ viền của các thân đốt sống. Lâm sàng thường là đau thắt lưng mạn tính tái phát, có thể có hội chứng rễ nặng do chèn ép trong trong lỗ tiếp hợp đã bị hẹp bởi các biến đổi thứ phát của cấu trúc xương.
Tuy nhiên, trên thực tế bệnh lý đĩa đệm có thể không tiến triển tuần tự qua từng giai đoạn mà có thể có những bước tiến triển đột biến do những yếu tố bên trong hoặc bên ngoài gây ra, nhất là yếu tố chấn thương và tải trọng không cân đối quá mức. Có thể gặp thoái hóa đĩa đệm nặng gây khóa cứng đốt sống nên không có thoát vị đĩa đệm.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình