Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống là một bệnh lý xương khớp phổ biến, nhất là đối với người cao tuổi, trong đó tỉ lệ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm tỉ lệ cao. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt là khi các biến chứng xảy ra.

1. Cấu tạo đĩa đệm thắt lưng

Cột sống của mỗi người chúng ta được tạo thành từ một loạt các đốt sống xếp chồng lên nhau. Theo thứ tự từ trên xuống dưới, cột sống bao gồm 7 xương ở cột sống cổ, 12 xương ở cột sống ngực và 5 xương ở cột sống thắt lưng, tiếp theo là xương cùng và xương cụt ở đáy. Các xương này được lót bởi các đĩa đệm. Đĩa đệm bảo vệ xương bằng cách hấp thụ chấn động từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, nâng và vặn người…

Đĩa đệm cột sống có cấu tạo gồm 3 phần chính: nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn. Trong đó, cột sống thắt lưng có tất cả 5 đĩa đệm nằm giữa các thân đốt sống và có các chức năng chính như:

- Phân phối tải trọng nén đặt lên cột sống, cung cấp các đặc tính hấp thụ sốc.

- Duy trì khoảng cách giữa các thân đốt sống trong quá trình vận động.

- Cung cấp sự linh hoạt cho cột sống và ngăn ngừa các cử động quá mức.

- Tạo và duy trì đường cong hình chữ C ngược của cột sống thắt lưng.

Do đặc điểm phải thích nghi với những áp lực lớn, chấn động mạnh nhưng lại được nuôi dưỡng chủ yếu bằng cách thẩm thấu máu nên các đĩa đệm này dễ bị loạn dưỡng, thoái hóa tổ chức và gây nên các vấn đề về thoát vị đĩa đệm cột sống.

2. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Cơ thể con người có 33 đốt sống, chia thành 5 nhóm. Bao gồm: 7 đốt sống cổ (kí hiệu từ C1 - C7), 12 đốt sống lưng (kí hiệu từ D1 - D12), 5 đốt sống thắt lưng (kí hiệu từ L1 - L5), 5 đốt sống hông (kí hiệu từ S1 - S5) và 4 đốt sống cụt.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng thường xảy ra ở nam giới, trong độ tuổi từ 35-50, người có đặc điểm nghề nghiệp phải mang vác nặng, người ngồi nhiều và lệch tư thế, sinh hoạt sai tư thế… Song song đó, tình trạng này sẽ trầm trọng hơn theo tuổi tác với sự thoái hóa chung của cơ thể.

Đây là tình trạng đĩa đệm cột sống thắt lưng không thể đảm đương vai trò giảm xóc, nâng đỡ phần trên, cho phép cơ thể di chuyển theo mọi hướng do nguyên nhân thoát vị và rò rỉ một số vật chất bên trong, đứt hoặc rách vòng sợi…

Thông thường, các vị trí dễ bị thoát vị đĩa đệm lưng chính là đốt sống L4 - L5 và L5 - S1. Nguyên nhân được giải thích là do 2 đĩa đệm này nằm ở vị trí mang tính bản lề của cột sống. 

Xem thêm: Những thông tin cần biết về tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, trong đó phổ biến nhất có thể đến là:

a. Tư thế sai trong vận động, hoạt động hằng ngày và lao động

Mang vác vật nặng sai tư thế trong thời gian dài dễ gây các tổn thương đốt sống lưng dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Ví dụ, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi người xuống để nhấc vật nặng lên, gây áp lực lên cột sống.

Ngoài ra, các thói quen sinh hoạt như ngồi vẹo người sang một bên, tập thể dục thể thao sai cách cũng dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho cột sống, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

b. Thoái hóa khớp

Theo thời gian, cơ thể mất dần khả năng phục hồi tự nhiên, đĩa đệm trở nên khô và cứng hơn. Các bao xơ bao bọc bên ngoài xơ hóa, rạn nứt, yếu đi. 

Các nhân nhầy có thể thông qua chỗ rách, nứt của đĩa đệm ra ngoài, chui vào ống cột sống hoặc chèn các rễ thần kinh.

c. Chấn thương mạnh

Các lao động nặng hoặc tai nạn gây ra các lực tác động mạnh, làm rách hoặc lệch đĩa đệm cũng có thể gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

d. Bệnh lý bẩm sinh

Các bệnh lý bẩm sinh dễ mắc phải như gai cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống, thoát vị nhân tủy,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở nhiều người.

e. Béo phì

Những người thừa cân thường dễ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng do cột sống phải gồng lên để gánh sức nặng cơ thể.

f. Di truyền

Nếu bố mẹ bị thoát vị đĩa đệm hoặc có cấu tạo cột sống bất thường thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

g. Hút thuốc

Khiến cơ thể không đủ oxy và chất dinh dưỡng nuôi các mô, xương và đốt sống, khiến chúng yếu, nhanh thoái hóa và dễ bị tổn thương.

4. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Không chỉ gây đau đớn, các biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chuyển biến phức tạp, kéo dài dai dẳng gồm:

- Đau buốt tại vị trí thoát vị: Cơn đau lúc dữ dội, lúc âm ỉ, thường tái phát theo từng đợt, đặc biệt khi người bệnh vận động hoặc mang vác nặng.

- Rối loạn cảm giác: Thoát vị đĩa đệm khiến dây thần kinh bị chèn ép, dẫn tới mất cảm giác nóng/lạnh, mất phản xạ gân xương, giảm nhiệt độ…

- Hội chứng rễ thần kinh: Ngứa ran, đau buốt, tê bì và nóng xảy ra ở vùng phân bố của rễ thần kinh bị tổn thương.

- Teo cơ, yếu liệt: Nhiều người bệnh có nguy cơ bị teo cơ, teo chân, đi lại khó khăn, thậm chí là bại liệt, mất khả năng vận động.

Xem thêm: Những thắc mắc xoay quanh thoái hoá cột sống

5. Các giai đoạn trong thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Tùy theo tình trạng bệnh, biểu hiện và những tác động lên bệnh nhân, các chuyên gia chia thoát vị đĩa đệm ra làm 4 giai đoạn gồm:

- Giai đoạn 1: Nhân nhầy bên trong đã biến dạng một cách đáng kể làm phát sinh tình trạng phình và lồi đĩa đệm. Lúc này các lớp bao xơ vẫn chưa bị nứt rách nên triệu chứng chưa thật rõ ràng. Vì thế, bệnh nhân thường dễ bị nhầm thoát vị đĩa đệm lưng với các bệnh lý khác nên không quan tâm hoặc chữa trị không đúng cách.

- Giai đoạn 2: Ở cấp độ này, tuy nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ, nhưng các vùng bao bọc bên ngoài đã có dấu hiệu suy yếu và gây chèn ép dây thần kinh. Bệnh nhân có những cơn đau vùng thắt lưng một cách rõ ràng hơn ở giai đoạn 1.

- Giai đoạn 3: Đĩa đệm của bệnh nhân ở giai đoạn này bắt đầu bị thoát vị. Phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài do bao xơ đã bị rách. Xuất phát từ nguyên nhân nhân nhầy thoát ra gây chèn ép thần kinh nên người bệnh sẽ rất đau nhức, đặc biệt là ở khu vực cột sống bị tổn thương.

- Giai đoạn 4: Tình trạng thoát vị có xu hướng ngày một tăng nặng. Chính vì thế, nếu không được can thiệp kịp thời, khu vực thoát vị sẽ ngày một lan rộng. Nhân nhầy đĩa đệm tách khỏi bao cơ, xuất hiện kèm các mảnh rời. Người bệnh ở giai đoạn này rất đau đớn và nghiêm trọng nhất là biểu hiện bị liệt nửa người.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X